Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển cả về thể chất và trí tuệ nên các bữa ăn của trẻ luôn được chú trọng để đảm bảo đủ thành phần dưỡng chất. Tuy nhiên, việc trẻ tự dưng biếng ăn hoặc lười ăn là vấn đề thường gặp khiến nhiều bố mẹ lo lắng. Biết rõ nguyên nhân biếng ăn sẽ giúp bé ăn ngon miệng và phát triển khoẻ mạnh.
1. Nguyên nhân làm cho trẻ tự dưng biếng ăn
Bé biếng ăn được định nghĩa là khi ăn ít hơn bình thường, không chịu ăn một số loại hoặc tất cả các loại thức ăn, bữa ăn kéo dài hơn 30 phút, không đủ các dưỡng chất cần thiết, tới bữa ăn bé thường có biểu hiện sợ ăn hay khóc và chạy trốn cũng như nhợn ói khi nhìn thấy thức ăn. Trẻ tự dưng biếng ăn là tình trạng khá phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi ăn dặm, tuổi học mầm non.
Có rất nhiều nguyên nhân làm cho bé tự dưng biếng ăn, thường được chia thành 4 nhóm chính sau đây:
1.1. Nguyên nhân tâm lý khiến trẻ tự dưng biếng ăn
Những vấn đề tâm lý có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ tự nhiên biếng ăn.
- Trẻ không thích thú, thậm chí còn sợ hãi việc ăn uống vì bị bố mẹ thúc ép ăn hoặc dọa nạt.
- Trẻ chịu áp lực về vấn đề tăng cân, thường gặp ở lứa tuổi dậy thì.
- Trẻ có những căng thẳng, khó chịu khiến nảy sinh tâm lý chán ăn. Ví dụ những áp lực trong học hành, thi cử, bị bạo hành, bị lạm dụng tình dục.
- Trẻ có chuyện buồn như bố mẹ ly hôn hoặc mất đi người thân trong gia đình cũng có thể gây biếng ăn.
1.2. Nguyên nhân biếng ăn sinh lý
Trong quá trình phát triển, có những giai đoạn mà sự thay đổi sinh lý của cơ thể khiến cho trẻ tự nhiên lười ăn, không muốn ăn hoặc ăn ít. Giai đoạn đó được gọi là biếng ăn sinh lý, nguyên nhân chính là do những thay đổi nội tại trong quá trình phát triển của trẻ. Ví dụ, đối với trẻ dưới 1 tuổi, các thời điểm thường xuất hiện tình trạng trẻ tự dưng biếng ăn do những thay đổi sinh lý trong cơ thể như tập lật, ngồi, mọc răng, tập đứng, tập đi,...
Thực ra, biếng ăn nguyên nhân do sinh lý có thể xảy ra tùy theo từng giai đoạn phát triển của trẻ và cũng thay đổi ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung biếng ăn sinh lý thường gặp ở các giai đoạn phát triển như sau:
- Giai đoạn mọc răng: Từ 6 đến 8 tháng tuổi là giai đoạn bé sẽ mọc những chiếc răng sữa đầu tiên. Tùy theo cơ địa của mỗi bé mà cơ thể sẽ phản ứng nhẹ hay mạnh đối với hiện tượng mọc răng. Có bé chỉ sốt nhẹ thoáng qua, có bé bị sốt cao liên tục, tự dưng biếng ăn hoặc bỏ ăn trong vài ngày. Sau đó, bé sẽ ăn và bú trở lại bình thường như trước.
- Giai đoạn đi nhà trẻ: Khoảng từ 16 đến 18 tháng tuổi, trẻ đã biết đi và biết chạy nhảy, thích tìm hiểu khám phá xung quanh, trẻ ham chơi nên có thể quên ăn trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, nguyên nhân tâm lý cũng có thể góp phần làm trẻ tự dưng biếng ăn trong giai đoạn này. Sự thay đổi môi trường từ đang ở nhà với bố mẹ sang đi nhà trẻ làm trẻ cảm thấy hụt hẫng, vì vậy trẻ không thích ăn.
- Tuổi lên 3: Giai đoạn trẻ 3 tuổi là cột mốc đánh dấu cho sự phát triển mạnh về nhận thức và quan sát. Trẻ thường hay bắt chước các hành động của người lớn và có những so sánh với các bạn bè. Ở giai đoạn này, trẻ cũng nhận ra bản thân mình khác với người khác, là một cá thể riêng biệt. Trẻ tự chủ hơn, muốn tự làm và không thích sự giúp đỡ từ người khác. Giai đoạn lên 3 tuổi cũng là giai đoạn đánh dấu cho sự phát triển về cảm xúc.
Ở các giai đoạn trên, việc trẻ biếng ăn có thể xảy ra một cách đột ngột. Đây là biếng ăn nguyên nhân sinh lý do ảnh hưởng từ những thay đổi trong quá trình phát triển bình thường. Tình trạng biếng ăn của bé có thể tạm thời và trở lại bình thường sau đó nên bố mẹ không cần quá lo lắng. Đối với hiện tượng mọc răng, có thể bé sẽ ăn uống bình thường trở lại sau vài ngày hoặc một tuần, nhưng đối với các giai đoạn khác tình trạng biếng ăn sinh lý có thể sẽ kéo dài hơn. Tuy nhiên, nếu bé biếng ăn kéo dài trong nhiều tuần thì cần lưu ý theo dõi để tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp khắc phục sớm, tránh hình thành thói quen bé lười ăn về sau.
1.3. Nguyên nhân bé biếng ăn bệnh lý
- Bé tự dưng biếng ăn còn có thể do nguyên nhân bệnh lý. Khi mắc các bệnh cấp tính do nhiễm virus hay nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiêu hóa (viêm dạ dày, nhiễm trùng đường ruột, viêm mũi họng, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi,...) gây sốt, ho, đau họng, mệt mỏi... dẫn đến biếng ăn.
- Trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng như đạm, lysine, sắt, kẽm, magie, các vitamin A, B, C,... cũng khiến trẻ biếng ăn.
- Ở trẻ nhỏ, việc điều trị bằng kháng sinh dễ làm rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột và gây ra tổn thương thực thể trên hệ tiêu hóa còn non nớt của bé, khiến bé bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu.
1.4. Nguyên nhân do thực đơn nhàm chán hoặc cách ăn uống không khoa học
Chế độ ăn uống và những thói quen không lành mạnh mà bố mẹ vô tình tạo ra cho bé là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng biếng ăn.
- Trẻ tự dưng biếng ăn có thể do thực đơn thiếu hấp dẫn, nhàm chán, các món ăn không thơm ngon, cứ lặp đi lặp lại nên không kích thích vị giác của trẻ. Do đó, bố mẹ cần thay đổi món ăn thường xuyên, trang trí bắt mắt để bé hào hứng hơn
- Thức ăn và cách chế biến không phù hợp với độ tuổi trong từng giai đoạn phát triển của bé. Ví dụ cho bé ăn dặm quá sớm trước 6 tháng tuổi, cho bé ăn cơm khi răng chưa mọc đủ để nhai hoặc trẻ đã 2 – 3 tuổi nhưng vẫn cháo, cơm nghiền nát, xay nhuyễn.
- Cho bé ăn một cách tùy hứng, không có giờ giấc cố định hoặc thời điểm ăn không thích hợp, ví dụ như lúc bé còn no.
- Cho trẻ ăn bánh kẹo, nước ngọt, thức ăn nhanh khiến trẻ không cảm thấy đói khi đến bữa ăn chính.
- Bé vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại hoặc chơi game khiến cho bé mất tập trung vào việc ăn, ăn chậm, ăn ít, không cảm nhận hương vị món ăn và quên đi cảm giác thèm ăn.
- Bữa ăn của bé kéo dài quá lâu hơn 30 phút.
- Không cho bé ăn chung bữa với gia đình nên không học theo thói quen ăn uống của người lớn, bé không cảm nhận được sự vui vẻ khi ăn, không được động viên.
2. Hậu quả của việc trẻ tự dưng biếng ăn
Tình trạng biếng ăn không chỉ ảnh hưởng đến thể trạng của trẻ, làm trẻ chậm tăng cân, kém phát triển chiều cao mà còn gây ra nhiều rối loạn tăng trưởng, khiến trẻ dễ mắc các bệnh cấp và mãn tính, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ.
Trước tiên, trẻ biếng ăn sẽ chậm tăng cân, thậm chí là sụt cân. Nếu tình trạng biếng ăn kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ, khiến trẻ thua kém hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
Hơn nữa, do biếng ăn nên cơ thể không được cung cấp đầy đủ và đa dạng các chất dinh dưỡng cũng như vitamin và khoáng chất cần thiết. Trẻ sẽ không có đủ năng lượng, thiếu nhiều dưỡng chất như protein, calcium, magie, sắt, kẽm, vitamin E, vitamin C và chất xơ, dẫn đến suy dinh dưỡng, tầm vóc thấp bé. Không chỉ vậy, thiếu các chất dinh dưỡng sẽ làm suy giảm khả năng miễn dịch, sức đề kháng kém khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, rơi vào vòng xoáy bệnh lý. Theo số liệu thống kê từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khi trẻ ăn không đủ dưỡng chất, sức đề kháng kém sẽ có số ngày mắc bệnh nhiều hơn 29% và nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên nhiều hơn 45% so với trẻ có sức đề kháng tốt.
Thiếu vi chất dinh dưỡng còn gây ra thiếu máu do thiếu sắt, vitamin B12 và acid folic, làm cho trẻ xanh xao, thường xuyên mệt mỏi, học kém tập trung và chỉ số IQ thấp. Đồng thời, bé biếng ăn kéo dài còn bị rối loạn về tâm lý cảm xúc, do áp lực bị nhồi nhét thức ăn từ bố mẹ. Để trốn tránh, bé thường xuyên giả vờ buồn nôn, đau bụng khi thấy thức ăn, lâu dần sẽ hình thành phản xạ tự nhiên. Lúc này, trẻ không chỉ có vấn đề về tâm lý mà còn dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, điển hình là viêm dạ dày.
Tình trạng trẻ biếng ăn không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển của trẻ mà còn gây lo lắng và căng thẳng cho các bậc phụ huynh. Bé càng không chịu ăn bố mẹ càng lo lắng và cố thúc ép bé ăn bằng mọi cách hoặc bữa ăn kéo dài đến 2 - 3 tiếng đồng hồ sẽ khiến bố mẹ càng căng thẳng, mệt mỏi, dễ nổi giận.
3. Các biện pháp khắc phục tình trạng trẻ biếng ăn
Chỉ khi xác định đúng nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ tự nhiên biếng ăn mới có thể tìm ra giải pháp khắc phục.
- Kiểm tra các dấu hiệu bất thường của trẻ để loại trừ biếng ăn nguyên nhân bệnh lý. Ví dụ như sốt, đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua hay bất kỳ triệu chứng bất thường nào về sức khỏe.
- Kiểm tra về những thay đổi xung quanh bé ví dụ như sữa, thời tiết, môi trường sống, học tập, kể cả người chăm sóc trẻ.
- Kiểm tra về những thay đổi tâm trạng của trẻ, ví dụ như thường hay khóc nhè, thường giận dỗi, buồn bực,...
- Nếu xác định bé biếng ăn không do nguyên nhân tâm lý và bệnh lý, mà trẻ biếng ăn sinh lý hoặc do chế độ ăn uống không đúng cách, bố mẹ nên thay đổi cách chăm sóc và điều chỉnh thói quen ăn uống một cách khoa học cho để giúp cho trẻ vượt qua giai đoạn biếng ăn.
- Các món ăn nên đa dạng cả về nguyên liệu lẫn cách chế biến, thường xuyên thay đổi món ăn. Thực phẩm phải tươi mới, dùng trong ngày. Nên ăn bữa nào nấu bữa đó, hạn chế hâm thức ăn lại nhiều lần sẽ làm mất chất dinh dưỡng.
- Nên tìm hiểu nhu cầu ăn uống, sở thích và khẩu vị của bé để chế biến những món ăn phù hợp.
- Nên chia nhỏ lượng thức ăn thành nhiều bữa để giảm lượng thức ăn trong mỗi bữa ăn.
- Trang trí món ăn thật bắt mắt, sinh động sẽ làm cho trẻ cảm thấy hứng thú và ăn ngon miệng hơn.
- Nên bổ sung thêm sữa chua, trái cây, phô mai, váng sữa vào các bữa ăn phụ, xen kẽ giữa các bữa chính. Trái cây vừa có vị ngọt vừa chứa nhiều chất dinh dưỡng, có thể kích thích vị giác của trẻ.
- Không được vừa ăn vừa xem tivi và điện thoại, chơi đồ chơi hoặc đi rong.
- Vào các bữa ăn, bố mẹ nên cho bé ngồi vào bàn ăn cùng với gia đình.
- Mỗi bữa ăn không kéo dài hơn 30 phút. Không tìm mọi cách để ép trẻ ăn dù là trẻ ăn không hết hoặc ăn lâu quá 30 phút.
- Trong lúc ăn, nên khen ngợi và khuyến khích trẻ để trẻ thích thú hơn với việc ăn uống.
- Khi trẻ biếng ăn kéo dài hoặc có các dấu hiệu bất thường, bố mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các trung tâm dinh dưỡng uy tín để xác định chính xác nguyên nhân và có giải pháp phù hợp.
- Dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, bố mẹ có thể bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng dành chất cho trẻ biếng ăn, kém hấp thu. Nên lựa chọn sản phẩm có vitamin và khoáng chất giúp trẻ hấp thu tốt hơn, tăng trưởng bền vững và khỏe mạnh. Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.
Tóm lại, bé biếng ăn, không chịu ăn một số loại hoặc tất cả các loại thức ăn, bữa ăn kéo dài hơn 30 phút,... là tình trạng khá phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi ăn dặm, tuổi học mầm non. Có rất nhiều nguyên nhân làm cho bé tự dưng biếng ăn, do đó phụ huynh nên tìm hiểu đúng nguyên nhân để khắc phục tình trạng này.
Bên cạnh việc có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt cũng như ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.
Để có thêm kiến thức về việc chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, bạn hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng hàng đầu khi cần tư vấn nhé.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong