Trẻ sơ sinh tiêm uốn ván khi nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc xin – Khoa Ngoại trú Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bệnh uốn ván sơ sinh là một bệnh nhiễm trùng nặng, xảy ra trong vòng 28 ngày sau sinh do độc tố của vi khuẩn Clostridium tetani gây ra. Có hơn 1/5 trường hợp bị uốn ván không tìm thấy ngõ vào để vi khuẩn uốn ván xâm nhập. Tiêm vắc-xin phòng uốn ván là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Vì vậy nhiều bậc phụ huynh thắc mắc nên tiêm phòng uốn ván cho trẻ khi nào? Nếu tiêm uốn ván mũi 2 muộn có sao không? Bài viết dưới đây sẽ giải thích các thắc mắc đó.

1. Bệnh uốn ván sơ sinh

Bệnh uốn ván sơ sinh biểu hiện đầy đủ qua 4 thời kỳ: ủ bệnh, khởi phát, toàn phát, lui bệnh

1.1 Thời kỳ ủ bệnh

Sau đẻ, trẻ có một thời gian hoàn toàn bình thường, đó là thời kỳ ủ bệnh. Thời kì này kéo dài 3 - 7 ngày, có thể lâu hơn. Thời kỳ ủ bệnh càng ngắn bệnh càng nặng.

1.2 Thời kỳ khởi phát

Trẻ quấy khóc, bỏ bú, miệng chúm chím lại, trẻ đói nhưng không bú được nên càng khóc, lúc này nếu đè lưỡi ấn xuống thì thấy phản ứng lại đó là dấu hiệu cứng hàm (trismus), thời kỳ khởi phát này nhanh chóng chuyển sang thời kỳ toàn phát (từ vài giờ đến một ngày).

1.3 Thời kỳ toàn phát

Bệnh uốn ván sơ sinh thể hiện rõ ràng, cứng hàm càng rõ, xuất hiện hai triệu chứng chính là cơn co giật và co cứng. Tùy theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà có cơn co giật hay co cứng mau hay thưa, ngắn hay dài.

  • Cơn co giật: Xảy ra một cách tự phát hay kích thích (khi trẻ tiếp xúc với ánh sáng, khám, bế cho ăn), lúc đó nét mặt trẻ nhăn nhúm lại, miệng chúm chím, sùi bọt mép, hai tay nắm chặt. Cơn co giật có thể kéo dài vài phút. Cũng có khi tới 5-6 giờ liền, nếu cơn co giật mạnh liên tục, dễ kèm theo cơn ngừng thở kéo dài 2-3 phút, thậm chí 20-30 phút do cơ thanh quản bị co thắt. Tim sẽ đập chậm lại; nếu kéo dài, tiếng tim rời rạc, mạch khó bắt, chân tay lạnh. Mỗi cơn ngừng thở là một lần có thể đe doạ tính mạng bệnh nhi hoặc dễ bị toan hóa máu.
  • Cơn co cứng cơ: Người trẻ uốn cong, đầu ngả ra sau, hai tay khép chặt. cơn co cứng cơ thường xuyên hiện sau cơn co giật đầu tiên và kéo dài suốt thời gian trị bệnh. Nếu co giật và co cứng kéo dài hàng phút, đứa trẻ có thể bị tử vong trong cơn co giật.

Toàn trạng: Nhiệt độ có thể bình thường nhưng thường sốt cao 38-390C, có khi 40-41°C, là yếu tố phối hợp làm cơn co giật xảy ra. Trẻ có thể bị táo bón. Rốn thường rụng sớm (100%) và nhiễm khuẩn, có thể rốn ướt, có mủ, mùi hôi hay thối.


Thời kỳ toàn phát của bệnh uốn ván với những cơn co cứng cơ
Thời kỳ toàn phát của bệnh uốn ván với những cơn co cứng cơ

1.4 Thời kỳ lui bệnh

Những trẻ uốn ván sơ sinh qua được tuần thứ hai, thứ ba thường tiến triển tốt dần, cơn co giật, co cứng giảm dần và bệnh nhi bắt đầu mở mắt, khóc được. Trong thời gian này vẫn còn tăng trương lực, sau đó vài ngày bệnh nhi có thể bú mẹ được. Nhưng phải từ 1,5 - 2 tháng thì trương lực cơ mới trở lại bình thường.

Bệnh uốn ván sơ sinh thường gây tử vong cho trẻ thời kỳ phát bệnh do những cơn giật nhiều lần, kéo dài không khống chế được hoặc chết vì biến chứng của bệnh.

2. Tiêm uốn ván khi nào?

Việc tiêm vắc-xin phòng uốn ván được khuyến cáo cho tất cả trẻ em, trẻ vị thành niên, phụ nữ đang mang thai và người lớn/người lớn tuổi. Ngay khi trẻ được ra đời, cha mẹ sẽ được tư vấn lịch trình tiêm phòng chống các loại bệnh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế Việt Nam. Trong đó, lịch trình tiêm phòng uốn ván theo thứ tự như sau:

  • Lần 1: Tiêm mũi 1 ở giai đoạn 2 tháng tuổi.
  • Lần 2: Tiêm mũi 2 ở giai đoạn 3 tháng tuổi.
  • Lần 3: Giai đoạn 4 tháng tuổi, tiêm mũi 3.
  • Lần 4: Tiêm mũi 4 ít nhất sau 1 năm kể từ thời gian tiêm mũi 3, lúc này bé đã được 16 tháng tuổi nhưng thường khuyến cáo sẽ tiêm vắc-xin kết hợp 6 trong 1 lúc 18 tháng tuổi để phòng 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi do Hemophilus Influenza týp b, viêm gan B.
  • Lần 5: nhắc lại bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt lúc 4-6 tuổi.
  • Trẻ lớn, người lớn, người già, phụ nữ trước khi mang thai hoặc mang thai từ 27 tuần đến dưới 35 tuần có thể tiêm vắc-xin 3 trong 1 phòng 3 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván.

Điều quan trọng là trẻ cần được tiêm đầy đủ liệu trình vắc-xin phòng uốn ván đúng thời gian, đúng phác đồ để duy trì tình trạng miễn dịch chống lại bệnh.

3. Tiêm uốn ván mũi 2 muộn có sao không?

Có thể do một vài lý do nào đó: trẻ sốt cao, quên lịch tiêm, hết vắc-xin không có vắc-xin thay thế.... gia đình bị nhỡ tiêm phòng uốn ván mũi 2 cho trẻ. Những trường hợp này, gia đình nên cho trẻ đến các cơ sở tiêm chủng càng sớm càng tốt để được bác sĩ tư vấn các phác đồ tiêm bổ sung mũi tiêm trễ cho trẻ. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp quên tiêm mũi 2 uốn ván đúng theo lịch, vẫn có thể tiêm bù và trẻ vẫn có sức đề kháng với bệnh uốn ván. Chính vì vậy, các mẹ cũng không cần quá lo lắng nếu lỡ quên tiêm mũi 2 uốn ván cho trẻ sơ sinh. Việc lo lắng thái quá sẽ dẫn đến stress, có những suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

Đối với trẻ em, khuyến cáo nên tiêm vắc-xin phòng uốn ván phối hợp với các vắc-xin khác vào thời điểm 2,3,4,18 tháng tuổi nhằm phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi do Haemophilus Influenzae týp B, viêm gan B.


Trước khi tiêm phòng uốn ván sơ sinh, tất cả trẻ em được khám sàng lọc trước tiêm
Trước khi tiêm phòng uốn ván sơ sinh, tất cả trẻ em được khám sàng lọc trước tiêm

4. Điểm nổi bật khi tiêm phòng uốn ván tại Vinmec

Hiện nay, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có triển khai tiêm phòng uốn ván với nhiều ưu điểm nổi trội.

4.1. Về vắc-xin

Sử dụng nguồn vắc-xin chất lượng cao, có xuất xứ rõ ràng, phù hợp theo độ tuổi cần tiêm chủng, đảm bảo an toàn từ khâu kiểm nhập, bảo quản đến khi sử dụng.

Vinmec đang tiêm vắc-xin uốn ván với các loại vắc-xin gồm:

  • Vắc-xin Infanrix hexa - (Vắc-xin 6 trong 1):
    • Là vắc-xin của hãng GSK - Bỉ, sản xuất tại Bỉ.
    • Được chỉ định tiêm chủng cơ bản và tiêm chủng nhắc lại cho trẻ em từ 2 tháng đến dưới 24 tháng, phác đồ 4 mũi, phòng 6 bệnh: Ho gà, Bạch hầu, Uốn ván, Bại liệt, Viêm gan B; các bệnh: viêm phổi, viêm màng não mủ do H.Influenzae týp B.
  • Vắc-xin Hexaxim - (Vắc-xin 6 trong 1):
    • Là vắc-xin của hãng Sanofi Pasteur, sản xuất tại Pháp.
    • Được chỉ định tiêm chủng cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến trước 24 tháng tuổi, khuyến cáo tiêm mũi 1 từ 2 tháng tuổi, phác đồ 4 mũi để phòng 6 bệnh: Ho gà, Bạch hầu, Uốn ván, Viêm gan B, Bại liệt và các bệnh viêm phổi, viêm màng não do H.influenzae tuýp B.
  • Vắc- xin Pentaxim (Vắc-xin 5 trong 1):
    • Là Vắc-xin của hãng Sanofi Pasteur, sản xuất tại Pháp.
    • Được chỉ định tiêm chủng cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 24 tháng, phòng 5 bệnh: Ho gà, Bạch hầu, Uốn ván, Bại liệt và các bệnh viêm phổi, viêm màng não do H.influenzae týp B.
  • Vắc- xin Tetraxim 0.5 ml:
    • Là vắc-xin của hãng Sanofi Pasteur, sản xuất tại Pháp.
    • Chỉ định tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 13 tuổi, thường sử dụng tiêm nhắc cho trẻ từ 4-6 tuổi, phòng được 4 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt.
  • Vắc-xin Adacel 0.5 ml:
    • Là vắc-xin của hãng Sanofi Pasteur- Pháp, sản xuất tại Canada.
    • Chỉ định cho lứa tuổi từ 4 đến 64 tuổi, tiêm 1 liều duy nhất, có thể tiêm cho phụ nữ mang thai từ 27 tuần đến dưới 35 tuần, phòng được 3 bệnh bạch cầu, ho gà, uốn ván.
  • Vắc-xin Bootrix 0.5ml :
    • Là vắc-xin của hãng GSK - Bỉ, dự kiến sẽ có tại Việt Nam năm 2020.
    • Chỉ định cho lứa tuổi từ 4 tuổi trở lên, nhắc lại sau mỗi 10 năm, có thể tiêm cho phụ nữ mang thai từ 27 tuần đến dưới 35 tuần, phòng được 3 bệnh bạch cầu, ho gà, uốn ván.
  • Vắc-xin phòng uốn ván hấp phụ TT 0.5ml:
    • Là vắc-xin của Viện vắc-xin và sinh phẩm y tế Nha Trang-Việt Nam.
    • Chỉ định tiêm phòng cho thanh, thiếu niên, khi có vết thương, tiêm cho phụ nữ mang thai... để phòng uốn ván đơn thuần với phác đồ 3 mũi: mũi đầu tiên vào ngày tiêm, mũi số 2 tiêm sau mũi 1 tối thiểu 1 tháng, mũi số 3 tiêm sau mũi số 2 tối thiểu 6 tháng.

4.2. Khám sàng lọc trước khi tiêm

Trước khi tiêm phòng uốn ván, tất cả khách hàng được khám sàng lọc trước tiêm với các bác sĩ chuyên khoa nhi – vắc-xin để giúp trẻ đảm bảo sức khỏe tốt nhất khi tiêm chủng. Bác sĩ sẽ tư vấn cho gia đình các loại vắc-xin phòng bệnh tốt nhất phù hợp với từng lứa tuổi theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế thế giới cũng như cách theo dõi phản ứng sau tiêm vắc-xin uốn ván.100% trẻ tiêm chủng được theo dõi và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.

4.3. Đội ngũ cán bộ y tế

Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý trẻ giúp gia đình yên tâm trong quá trình tiêm chủng.

4.4. Trang thiết bị hiện đại

  • Phòng theo dõi sau tiêm chủng được trang bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu; đội ngũ bác sĩ - điều dưỡng được đào tạo về xử trí cấp cứu phản vệ nhằm đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, hệ thống Bệnh viện Vinmec luôn luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng để xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp – ngừng tuần hoàn để đảm bảo cho trẻ được tiêm chủng an toàn nhất.
  • Phòng tiêm chủng thoáng mát, có khu chơi, giúp trẻ có cảm giác thoải mái như đang dạo chơi và có tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.
  • Vắc-xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, với tủ lạnh chứa vắc-xin tại mỗi phòng tiêm là tủ lạnh chuyên dụng vẫn có thể đảm bảo nhiệt độ +2 độ C đến +8 độ C khi mất điện trong vòng 24 giờ, nhằm giữ vắc-xin trong điều kiện tốt nhất để đảm bảo chất lượng.
  • Hiện Vinmec đang xây dựng phần mềm có thể kiểm tra lịch sử tiêm của trẻ hoặc đặt lịch nhắc để cha mẹ không quên lịch tiêm chủng của con qua máy tính, điện thoại một cách thuận tiện.
  • Thông tin tiêm chủng của bé sẽ được đồng bộ với hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe