Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc xin – Khoa Ngoại trú Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Suy giảm chức năng thận ở trẻ mắc hội chứng thận hư khiến thận không thể hoạt động bình thường, tạo ra một lượng lớn albumin (một loại chất đạm trong máu) xuất hiện trong nước tiểu. Khi trẻ bị hội chứng thận hư, trẻ có thể được điều trị bằng corticoid hoặc thuốc ức chế miễn dịch - đây là một trong những chú ý khi chỉ định vắc-xin cho trẻ.
1. Hội chứng thận hư ở trẻ em
Mỗi năm có khoảng 1/50.000 trẻ em được chẩn đoán hội chứng thận hư. Tình trạng này thường được chẩn đoán đầu tiên ở trẻ em trong độ tuổi từ 2 - 5 tuổi, thường các bé trai dễ bị mắc hội chứng thận hư hơn những bé gái. Hiện nay, các chuyên gia y tế vẫn chưa có kết luận rõ ràng về nguyên nhân của căn bệnh này, có thể là do hệ thống miễn dịch hoạt động không bình thường. Hội chứng thận hư trẻ em phần lớn là vô căn, chiếm 90% ở lứa tuổi 1-10 tuổi. Hội chứng thận hư không thể truyền từ người này qua người khác. Rất hiếm gặp trường hợp những đứa trẻ trong cũng một gia đình đều mắc hội chứng thận hư, điều này chỉ xảy ra khi nguyên nhân của hội chứng thận hư là do đột biến gen hiếm.
Tình trạng suy giảm chức năng thận ở trẻ mắc hội chứng thận hư khiến thận không thể hoạt động bình thường, tạo ra một lượng lớn albumin (một loại chất đạm trong máu) xuất hiện trong nước tiểu. Việc thất thoát bất thường albumin qua đường tiểu dẫn đến hàng loạt các biểu hiện như:
- Phù to toàn thân, phổ biến là vùng mắt, bụng, chân và tinh hoàn
- Tiểu ít, nước tiểu có thể đục do Albumin
- Tăng Protein niệu, giảm Protein máu và Albumin máu
- Tăng Lipid và Cholesterol máu.
Hội chứng thận hư ở trẻ em rất dễ tái phát nếu như trẻ không có phản ứng tích cực với phác đồ điều trị thông thường. Ngược lại, trẻ có thể được chữa khỏi và trưởng thành khỏe mạnh khi cơ thể đáp ứng tốt với một loại thuốc hay dùng như corticoid (prednisolone). Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ mắc hội chứng thận hư bẩm sinh thì rất khó kiểm soát các triệu chứng của căn bệnh, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy thận có thể phải chạy thận nhân tạo hay thậm chí là phải ghép thận.
2. Trẻ bị thận hư có nên tiêm phòng không?
Phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin theo chương trình tiêm chủng vì thực tế, vắc-xin là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất nhằm bảo vệ trẻ tránh khỏi những căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ mắc hội chứng thận hư đang phải điều trị lâu ngày bằng corticoid liều cao tương đương prednisone ≥ 2mg/kg/ngày hoặc bất kỳ thuốc ức chế miễn dịch nào khác, cần phải tránh tiêm chủng những loại vắc-xin sống giảm độc lực theo quyết định 2470/QĐ-BYT ban hành ngày 14/6/2019 về hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em, bao gồm một số loại vắc-xin như:
- Vắc-xin lao BCG
- Vắc-xin phòng sởi
- Vắc-xin phòng sởi - rubella (MR)
- Vắc-xin phòng sởi, quai bị, rubella (MMR, priorix, ROR... )
- Vắc-xin phòng thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) như Varicella, Varivax, Varilrix...
- Vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản sống giảm độc lực, tái tổ hợp (Imojev).
Trẻ chỉ nên tiêm phòng các loại vắc-xin sống giảm độc lực trên khi đã ngưng dùng prednisone hoặc giảm liều xuống thấp hơn (tương đương prednisone < 2mg/kg/ngày) trong vòng 1 tháng.
Đối với các vắc-xin khác không phải là vắc-xin sống, giảm độc lực trẻ có hội chứng thận hư vẫn có thể tiêm chủng bình thường theo lịch. Tuy nhiên, trước khi tiêm chủng, trẻ cần được khám sàng lọc để đảm bảo đủ sức khỏe và không thuộc các tiêu chí chống chỉ định hay cần hoãn tiêm theo quyết định 2470/QĐ_BYT của Bộ Y tế và sau khi tiêm chủng và sau khi tiêm trẻ cần được theo dõi sát tối thiểu 24-48 giờ để phát hiện và xử trí sớm các dấu hiệu bất thường, đặc biệt là các dấu hiệu nghi ngờ phản ứng phản vệ.
3. Nguyên nhân cần tránh tiêm vắc-xin sống
Bản chất của vắc-xin sống giảm độc lực là các vi sinh vật gây bệnh với toàn bộ tế bào của vi sinh vật gây bệnh nhưng đã được làm yếu đi rất nhiều, tạo điều kiện cho hệ miễn dịch kích thích tế bào miễn dịch sinh kháng thể, tạo trí nhớ miễn dịch. Hệ miễn dịch sẽ ghi nhớ bằng tế bào Lympho T nhớ và sẵn sàng kích hoạt hệ miễn dịch nhanh hơn, mạnh hơn, có khả năng tiêu diệt vi sinh vật (vi khuẩn, virus) gây bệnh thực sự khi xâm nhập những lần sau.
Thế nhưng, khi cơ thể con người đang gặp phải tình trạng suy giảm chức năng nội tạng, cụ thể ở đây là thận hư, lại thêm sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, corticoid liều cao, sẽ ức chế hệ miễn dịch không còn khả năng sinh kháng thể hoặc sinh kháng thể rất yếu. Do đó hệ miễn dịch không thể chiến đấu thắng các mầm bệnh, gây ra tác dụng ngược là trẻ lại mắc phải chính những căn bệnh được tiêm phòng vắc-xin như bị nhiễm bệnh tự nhiên. Do đó, người đang có sức khoẻ kém, mắc bệnh cấp tính, nhiễm trùng, bị suy giảm miễn dịch hoặc đang phải dùng một số loại thuốc điều trị nhất định gây ức chế hệ thống miễn dịch, thuộc nhóm chống chỉ định cho tiêm vắc-xin sống giảm độc lực.
Trẻ mắc hội chứng thận hư vẫn cần phải tiêm chủng để phòng bệnh, tuy nhiên cần cân nhắc điều chỉnh hoặc trì hoãn lịch trình tiêm ngừa vắc-xin sao cho đảm bảo an toàn và đặc biệt là không gây biến chứng nguy hiểm. Điều quan trọng nhất phụ huynh cần làm là tham khảo ý kiến của bác sĩ, người đã nắm rõ tình trạng bệnh án và phác đồ điều trị của trẻ để đưa ra quyết định trẻ bị thận hư có nên tiêm phòng vắc-xin hay không một cách chuẩn xác nhất. Đồng thời trong mọi trường hợp trước khi tiêm chủng, trẻ cần được khám sàng lọc để đảm bảo sức khỏe cho việc tiêm vắc-xin đạt được kết quả tối ưu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.