Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Để tránh việc trẻ không biết nhai và không biết ăn thô thì bố mẹ phải tập cho trẻ nhai khi trẻ được 6-7 tháng tuổi. Bởi độ tuổi này, phản xạ nhai của trẻ đang bắt đầu phát triển, việc tập cho trẻ nhai cũng dễ dàng hơn.
1. Nhai là hoạt động gì? Khi nào thì tập cho trẻ nhai?
Nhai là hoạt động của khoang miệng kết hợp với lưỡi để nhào trộn và nghiền nát thức ăn. Trong đó răng sẽ là công cụ trực tiếp để nghiền nát thức ăn. Cần phân biệt giữa việc trẻ không biết nhai đối với việc trẻ ngậm thức ăn. Nếu là ngậm, chứng tỏ trẻ biếng ăn. Việc phụ huynh phải làm trong trường hợp này phải là nấu đa dạng món ăn và cho gia vị theo khẩu vị của trẻ.
Để tránh việc trẻ không biết ăn thô và trẻ không biết nuốt thì bố mẹ phải biết rằng phản xạ nhai sẽ thường có từ lúc trẻ được khoảng 6-7 tháng tuổi, hầu hết các bé đều chưa mọc răng hoặc chỉ lác đác vài chiếc răng, tuy nhiên lợi của bé đã đủ cứng. Vậy nên hãy bắt đầu cho trẻ nhai trong thời điểm này và tăng dần khả năng nhai qua từng tháng tuổi của bé.
2. Hậu quả khi trẻ không biết nhai
Nhiều phụ huynh có thói quen cho trẻ ăn thức ăn xay nhuyễn đến khi đủ răng mới tập ăn thô và tập nhai. Điều này sẽ khiến phản xạ nhai giảm đi đáng kể, từ đó việc tập cho con nhai trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, một số bé còn sợ nhai và nuốt luôn thức ăn khiến trẻ rất dễ bị hóc, cơ nhai yếu, các men tiêu hóa ở dạ dày và ruột cũng sẽ không tiết được bình thường.
Không được bổ sung thêm chất qua các bữa ăn, dẫn đến trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng, sụt cân, cân nặng và chiều cao sẽ kém hơn các đứa trẻ khác.
3. Cách tập cho bé nhai
Giai đoạn mới đầu, bố mẹ hãy cho bé nhai thử từ cháo còn hạt gạo vỡ hay vài hạt cơm cho bé quen dần, tránh tình trạng làm cho bé sợ gây ra sặc. Tiếp đến có thể là rau củ ninh nhừ hay là chút cá đã gỡ xương, để cho bé tự cầm và tự đưa vào miệng. Cứ làm như vậy mỗi ngày và kiên nhẫn một chút để hình thành thói quen cho trẻ.
Việc nấu thêm các rau củ mềm và đưa vào thực đơn cho bé sẽ bổ sung các chất thiết yếu đối với sự phát triển của trẻ, tăng dần lượng thức ăn phải nhai cho trẻ. Nếu trẻ tỏ ra không thích, hãy ăn trước cho bé thấy là thức ăn ngon như thế nào, từ đó khiến trẻ hứng thú hơn
Tóm lại, trẻ không biết nhai có thể là hậu quả của quá trình ăn thức ăn lỏng và nhuyễn quá lâu. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến bé khó thích nghi với việc ăn cơm và các dạng thức ăn đặc khác, gây biếng ăn về sau cũng như chậm tăng cân. Do đó, khi trẻ đã đến độ tuổi ăn cơm nhưng không biết nhai, phụ huynh hãy kiên nhẫn thực hiện các biện pháp trên để hình thành thói quen cho trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.