Tiêu chảy có thể do ngộ độc thực phẩm, bệnh viêm ruột, nhiễm khuẩn, dị ứng thức ăn,... Trẻ bị tiêu chảy cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hợp lý để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, hạn chế tổn thương lên hệ tiêu hóa. Ưu tiên hàng đầu là bổ sung nước và chất điện giải, cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
1. Trẻ bị tiêu chảy nguy cơ mất nước rất cao
Chuyên gia y tế cho biết, trẻ bị tiêu chảy có biểu hiện: Đau bụng, buồn nôn và nôn nhiều, tiêu chảy kèm sốt,.. vì vậy dẫn tới tình trạng mất nước.
Nếu trẻ bị tiêu chảy nhiều kèm nôn ói liên tục, nguy cơ bị mất nước nặng, rối loạn điện giải, rối loạn tri giác, lơ mơ, rối loạn thăng bằng kiềm toan, trụy mạch, suy hô hấp, hôn mê, co giật, thậm chí tử vong nếu cấp cứu muộn.
Theo chuyên gia y tế, mất nước đe dọa trực tiếp sức khỏe của trẻ. Nếu không bù nước kịp thời, phù hợp, không theo dõi sát sức khỏe có thể nguy hiểm tính mạng.
Đặc biệt, với trẻ béo phì, thừa cân triệu chứng mất nước khó phát hiện hơn. Không theo dõi kịp thời sẽ giảm hiệu quả điều trị. Phụ huynh khi phát hiện trẻ mất nước do tiêu chảy gây ra cần nhanh chóng đưa trẻ đến địa chỉ y tế chuyên khoa thăm khám, chữa trị, tránh tình trạng mất nước trầm trọng hơn.
Phụ huynh nên ghi nhớ triệu chứng mất nước có thể xảy ra ở trẻ: Tiểu ít, nước tiểu có màu sẫm hơn mức bình thường, quấy, khóc không có nước mắt, mắt trũng, trẻ khát, đòi uống nước. Nhiều trường hợp trẻ khóc và với tay theo cốc nước nhưng người nhà bỏ cốc nước ra xa trẻ. Trẻ không được uống đủ nước sẽ mất nước rất nặng.
2. Bù nước cho trẻ tiêu chảy như thế nào?
Nhiều phụ huynh không biết, trẻ bị tiêu chảy nặng không được xử lý kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Vì vậy, bù nước và điện giải kịp thời cho trẻ đóng vai trò quan trọng và cần thiết để rút ngắn thời gian điều trị.
Trẻ bị tiêu chảy cần uống nhiều nước và điện giải (oresol) hơn mức bình thường để bù vào lượng dịch mất qua nôn, qua phân.
Về thức ăn, phụ huynh lựa chọn cho trẻ thực phẩm giàu dinh dưỡng, dạng lỏng, dễ tiêu, mềm như cháo loãng, súp, sữa chua,... để trẻ dễ hấp thu và dễ tiêu hóa.
Lưu ý: Cho trẻ uống nước hoặc điện giải theo ngụm nhỏ, ít một, liên tục, đặc biệt mỗi lần trẻ nôn hay tiêu chảy. Tuyệt đối không uống nhiều nước liền một lúc càng khiến dạ dày trẻ khó chịu, gây buồn nôn. Chia nhỏ các bữa ăn cho trẻ thành 5 – 6 bữa/ ngày. Điều này giúp trẻ dễ ăn hơn, hạn chế nôn, chất dinh dưỡng được hấp thu tốt hơn.
Phụ huynh cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, thức ăn lỏng khi trẻ đang trong giai đoạn tiêu chảy. Sau khi trẻ hồi phục thì ăn bình thường và ăn lượng nhiều hơn để nhanh hồi phục sức khỏe. Phụ huynh theo dõi trẻ không nôn từ 12 – 24 giờ thì cho trẻ ăn uống bình thường nhưng vẫn cần uống nhiều nước.
3. Các loại nước tốt cho trẻ tiêu chảy
Trẻ bị tiêu chảy cần được bổ sung thật nhiều nước và chất điện giải. Trong đó có những loại nước điển hình như: Nước cháo, nước canh, nước đun sôi để nguội, nước trái cây,...
Ngoài ra, phụ huynh có thể lựa chọn nước cơm, nước cháo muối, nước cháo đường, nước gạo rang, nước hầm rau củ,... cho trẻ thông qua cách hướng dẫn thực hiện sau:
- Nước gạo rang muối: Lấy khoảng 50g gạo tẻ, cho ra chảo nóng để rang kèm với một ít muối. Khi gạo chuyển màu vàng, mùi thơm, cho vào nồi, đổ thêm lượng nước thích hợp rồi đun sôi. Sau đó lọc lấy nước, để nguội rồi cho trẻ uống dần.
- Nước cháo muối: Lấy khoảng 50g gạo tẻ, ít muối rồi đổ vào nồi. Sau đó đổ thêm nước, đun sôi 20 – 30 phút đến khi gạo nở ra. Chắt lấy nước để nguội rồi cho trẻ uống.
- Nước cháo đường: Sử dụng khoảng 50g gạo tẻ, cho vào nồi cùng một lượng nước nhất định. Đun sôi khoảng 30 phút để gạo nở, thêm chút đường rồi quấy thật kỹ. Sau đó chắt lấy nước để nguội rồi cho trẻ uống.
- Nước cà rốt: Rửa sạch khoảng 50g cà rốt, thái nhỏ, nấu chín rồi xay thật nhuyễn. Sau đó cho cà rốt xay vào nồi cùng lượng nước vừa đủ, thêm chút muối, đường, đun sôi. Khi nước nguội thì cho trẻ uống.
- Nước hầm: Nếu theo dõi thấy trẻ nôn hoặc có biểu hiện nôn, phụ huynh sử dụng một số loại nước hỗ trợ làm dịu cơn buồn nôn của trẻ: Nước hầm gà, nước hầm rau củ,...
4. Trẻ tiêu chảy không được uống nước gì?
Để chăm sóc trẻ bị tiêu chảy được tốt nhất, ngoài việc nắm rõ loại nước trẻ nên uống, phụ huynh cũng cần biết một số nước nên kiêng. Cụ thể:
- Nước uống có đường: Nước uống hoặc đồ ăn chứa nhiều đường khiến tình trạng tiêu chảy của trẻ nặng thêm. Đặc biệt chất ngọt nhân tạo trong nước ngọt, chất thay thế đường, soda ăn kiêng,... có tác dụng nhuận tràng, đầy hơi, tăng khí.
- Đồ uống có gas, chất kích thích như cà phê, bia,...: Mặc dù nhóm đồ uống này không trực tiếp khiến trẻ tiêu chảy nhưng gây kích ứng hệ tiêu hóa, trẻ khó chịu, chướng bụng,...
- Trường hợp trẻ không dung nạp lactose, phụ huynh không cho trẻ uống sữa hay chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai,... Thông thường, cơ thể tiêu hóa được đường lactose thông qua enzyme gọi là lactase. Tuy nhiên, khi bị tiêu chảy sẽ làm cạn men lactase. Lúc này, cơ thể bệnh nhân tiêu chảy không tiêu hóa được đường lactose sẽ đầy hơi, tăng khí, buồn nôn, tiêu chảy,...
5. Những lưu ý khi chăm sóc trẻ tiêu chảy
Ngoài việc nắm rõ trẻ tiêu chảy nên uống gì để bù nước hoặc kiêng không uống gì, phụ huynh đừng bỏ qua những lưu ý sau:
- Khi trẻ bị tiêu chảy, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh hay thuốc cầm tiêu chảy: Tự ý sử dụng thuốc cầm tiêu chảy khiến bé đại tiện khó khăn. Độc tố tồn tại trong cơ thể trẻ lâu hơn, sức khỏe trẻ suy giảm. Tự ý dùng thuốc kháng sinh khiến số lượng vi khuẩn có lợi trong đường ruột bị tiêu diệt. Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định kê đơn từ bác sĩ chuyên khoa.
- Theo dõi sát triệu chứng của trẻ: Phụ huynh cần ghi nhớ thông tin về số lượng bữa ăn, số lượng thực phẩm, tần suất, thời gian đi vệ sinh của trẻ. Nếu áp dụng các biện pháp chữa trị tại nhà không khỏi, nhanh chóng đưa trẻ đến địa chỉ y tế chuyên khoa để bác sĩ thăm khám, chữa trị.
- Kiểm tra phân trẻ hàng ngày: Nếu trẻ tiêu chảy kéo dài hơn 24 giờ, đi tiêu trong 3 tiếng, phân lẫn máu,... nhanh chóng đưa trẻ đến địa chỉ y tế chuyên khoa để bác sĩ xử lý.
6. Cách phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ
- Để phòng ngừa tiêu chảy, phụ huynh nên tập thói quen cho trẻ rửa tay thường xuyên trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi hắt hơi, sau khi xì mũi,... bằng sản phẩm diệt khuẩn chứa cồn ít nhất 60%.
- Phụ huynh cần kiểm tra chất lượng đồ ăn trẻ nạp vào cơ thể. Nhắc trẻ nên ăn nóng, ăn thức ăn đã nấu chín, rửa và gọt vỏ trái cây trước khi ăn,...
- Phụ huynh nhắc trẻ nên uống nước đóng chai còn hạn sử dụng, chưa bị mở nắp, không sử dụng đá viên, nước máy,...
- Khi đánh răng cũng sử dụng nước đóng chai để tránh nguy cơ uống nước nhiễm khuẩn.
- Phụ huynh luôn dặn trẻ mang theo thuốc dự phòng. Tránh đến những nơi đang có dịch tiêu chảy để phòng ngừa nguy cơ nhiễm và lan bệnh.
- Trẻ trước 32 tuần tuổi có thể sử dụng vắc-xin đường uống để phòng tránh tiêu chảy gây ra bởi virus Rota.
Bài viết đã tổng hợp đầy đủ thông tin trẻ bị tiêu chảy uống gì bù nước hiệu quả để phụ huynh tham khảo. Trường hợp trẻ tiêu chảy nặng, nhanh chóng đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.