Nhờ hàm lượng giàu vitamin A, khoáng chất và chất xơ cao nên cà rốt thường hay được cha mẹ sử dụng trong khẩu phần ăn hàng ngày cho trẻ. Tuy nhiên trong trường hợp con bị tiêu chảy bé có nên ăn cà rốt không?
1. Cà rốt có tác dụng như thế nào đối với sức khỏe?
Cà rốt chứa rất nhiều caroten (tiền vitamin A) khi ăn vào được chuyển hóa thành vitamin A ở ruột và gan, cũng là vi chất quan trọng cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ, đặc biệt là sự phát triển của mô trong hệ cơ xương. Ngoài ra, vitamin A giúp duy trì cấu trúc bình thường của da và niêm mạc, bảo vệ mắt, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm ở trẻ, trong đó có tiêu chảy.
Cà rốt cũng là thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất khác như vitamin B, C, D, E, acid folic, kali hay các chất chống oxy hoá như beta carotene, alpha carotene, phenolic acid, glutathione,... được chứng minh có tác dụng hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư và nuôi dưỡng tái tạo làn da.
2. Trẻ bị tiêu chảy có nên ăn cà rốt không?
Nước ép cà rốt hay cháo cà rốt cho trẻ tiêu chảy đều được sử dụng từ lâu vì trong cà rốt chứa một lượng lớn chất pectin, đóng vai trò quan trọng trong việc làm dịu nhu động ruột. Vì bản chất của tiêu chảy là tác động co bóp nhu động ruột quá mức, tần suất lớn dẫn tới triệu chứng đi tiêu phân lỏng ở trẻ.
Trong khi đó chất pectin khi đi vào ruột bắt đầu trương lên và thành một dạng keo đặc dính, từ đó làm giảm tình trạng tiêu chảy. Đặc biệt, chất pectin có trong cà rốt còn được ví như nam châm với khả năng hút nhầy, nước và axit dịch vị, vi khuẩn, độc tốt giúp hỗ trợ niêm mạc hoạt động lại bình thường.
Ngoài ra, trong cà rốt còn chứa các chất giúp ức chế vi khuẩn gây hại như vi khuẩn lên men ở ruột già. Đồng thời, còn tạo nên môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn có lợi trong đường ruột phát triển.
Tuy nhiên, phụ huynh cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều cà rốt hoặc liên tục mà không đa dạng thực phẩm, vì có thể gây mất cân bằng dinh dưỡng hoặc thừa vitamin A. Các triệu chứng do ứ đọng beta caroten trong cà rốt có thể gây vàng mắt, vàng da, chán ăn gây lầm tưởng bệnh gan. Vì vậy chỉ nên cho trẻ ăn 2-3 lần/tuần mỗi lần khoảng 30-50 mg.
3. Dùng cà rốt trị bệnh tiêu chảy cho trẻ như thế nào?
Một số phương pháp chế biến cà rốt để trị bệnh tiêu chảy cho trẻ em gồm có:
Nước ép cà rốt:
- Cách thực hiện: cà rốt gọt vỏ rửa sạch rồi ép lấy nước. Cho nước cà rốt vào đun sôi, thêm vài hạt muối và khuấy đều đến khi tan hoàn toàn
- Trẻ em trong độ tuổi ăn dặm có thể uống nhiều lần trong ngày, mỗi lần uống từng chút hoặc thêm vào cháo để ăn
Súp cà rốt:
- Dùng 500gr cà rốt gọt bỏ vỏ cắt thành khoanh ngắn (2 cm), sau đó hầm cùng với 2 lít nước cho đến khi chín nhừ và nước trong nồi cạn còn nửa thì ngưng
- Vớt cà rốt để nguội đem xay nhuyễn với nước luộc, lọc qua rây để bỏ xác cà rốt lớn. Sau đó cho trở lại nồi thêm khoảng 3g muối vào nấu sôi là hoàn thành món súp cà rốt trị tiêu chảy cho trẻ
- Có thể cho trẻ ăn trực tiếp hoặc thêm vào cháo, ăn đều đặn mỗi ngày khoảng 100 ml súp cà rốt chia đều thành nhiều bữa. Khi trẻ bớt bệnh có thể giảm dần lượng súp và ngưng khi hết bệnh hẳn
Cháo khoai tây cà rốt:
- Dùng 30g gạo tẻ vo sạch cho vào nồi nấu nhừ với 300ml nước
- Gọt vỏ 1 củ khoai tây và 1⁄2 củ cà rốt, rửa sạch cắt thành miếng nhỏ, sau đó hấp chín và tán nhuyễn
- Cho hỗn hợp vào nồi cháo với một chút muối, quậy đều tay cho đến khi các nguyên liệu hoà quyện vào nhau, chia nhỏ thành 2-3 phần cho trẻ ăn khi đói
Cháo cà rốt nấu thịt lợn hoặc thịt gà:
- Dùng 30g gạo vo sạch cho thêm nước vào hầm nhừ
- Gọt vỏ 1⁄2 củ cà rốt, rửa sạch cắt nhỏ rồi đem luộc chín, dằm nhuyễn. Thịt nạc lợn đem cắt nhỏ ướp gia vị rồi xào chín
- Khi gạo đã hầm nhừ, có thể cho cà rốt và thịt vào, nêm nếm với muối vừa ăn, có thể chia nhỏ cho trẻ dùng vào bữa phụ hoặc bữa chính.
- Đối với trẻ sơ sinh cần cho hỗn hợp cháo vào máy xay sinh tố để xay nhuyễn phù hợp với hệ tiêu hoá còn non nớt của trẻ.
4. Một số lưu ý khi sử dụng cà rốt để trị tiêu chảy cho trẻ
Khi mua cà rốt nên chọn củ nhỏ, vỏ hơi sần, màu đậm và còn nguyên cuống sẽ đảm bảo dinh dưỡng hơn.
Dùng cà rốt trị tiêu chảy cho trẻ cần đảm bảo tất cả nguyên liệu được nấu chín để hệ tiêu hoá của trẻ có thể hấp thu được tối đa dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh
Mỗi ngày chỉ nên cho trẻ ăn từ 30-50g cà rốt, không quá 3 lần/ tuần để tránh việc dư thừa vitamin A.
Ngoài ra, để bổ sung dinh dưỡng trẻ cần được đa dạng thức ăn, chế biến dưới dạng lỏng, mềm, dễ tiêu như các loại cháo (cháo thịt gà, thịt lợn nạc nấu với cà rốt, khoai tây, bí đỏ,...) để giúp trẻ tiêu hoá, dễ hấp thu và không gây kích thích niêm mạc đường tiêu hoá. Cần hạn chế thực phẩm gây kích thích và có thể làm tổn thương tiêu hoá như: thực phẩm chứa nhiều chất béo, nhiều đường, cà phê, nước ngọt có gas, đồ ăn chưa chín kỹ, không an toàn, thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng,...
Trên đây là những chia sẻ về việc cho trẻ ăn cà rốt khi bị tiêu chảy, cha mẹ có thể tham khảo và áp dụng theo những cách trên để tình trạng đi ngoài của con được cải thiện và tránh ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa về lâu dài.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.