Trẻ bị táo bón nặng: Thụt tháo cho trẻ nhiều có tốt không?

Táo bón là tình trạng rất phổ biến khiến trẻ thấy khó chịu và đau khi đi đại tiện. Táo bón có thể nhẹ hoặc nặng, thậm chí có trẻ bị táo bón 5 ngày chưa đi đại tiện. Vì thế, nhiều mẹ đã lựa chọn cách thụt tháo để điều trị táo bón cho trẻ. Vậy thụt tháo cho trẻ nhiều có tốt không?

1. Nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón ở trẻ

Táo bón là tình trạng phân di chuyển chậm trong lòng đại tràng, phân bị hấp thu nhiều nước nên khô, cứng hoặc tròn như phân dê. Trẻ có triệu chứng táo bón nếu đi tiêu dưới 2 lần/ ngày đối với trẻ sơ sinh, đi tiêu dưới 3 lần/ tuần đối với trẻ đang bú mẹ và đi tiêu dưới 2 lần/ tuần đối với trẻ lớn.

Trẻ bị táo bón thường phải rặn nhiều dẫn đến đau rát, thậm chí nứt hậu môn, chảy máu hậu môn hoặc sa trực tràng. Điều này khiến trẻ bị ám ảnh, sợ đại tiện, càng làm cho việc đi tiêu của trẻ trở nên khó khăn hơn. Táo bón ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ra nhiều hậu quả như biếng ăn, đầy hơi, chướng bụng, ăn khó tiêu, nôn trớ, trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng và chậm lớn.

Các nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón ở trẻ, gồm:

  • Nguyên nhân thực thể ( hiếm gặp, thường chiếm 5% trong số nguyên nhân gây táo bón ) chủ yếu là các dị tật bẩm sinh như phình đại tràng (bệnh Hirschsprung), suy giáp (bệnh Myxoedeme), bệnh Down. Khi mắc những bệnh này trẻ thường có biểu hiện táo bón từ rất sớm ngay sau khi đẻ.
  • Nguyên nhân mắc phải như nứt hậu môn, trĩ, co thắt hậu môn, bại liệt, bệnh lý cột sống.
  • Táo bón có thể do chế độ ăn uống không đúng như ăn quá nhiều chất đạm, uống ít nước, ăn ít rau xanh, trái cây dẫn đến thiếu chất xơ, pha sữa quá đặc, uống quá nhiều sữa hàng ngày, nhất là sữa bò, trẻ ăn nhiều thức ăn nhanh, đồ ăn ngọt
  • Giảm trương lực cơ thành ruột trong một số bệnh như thiếu máu, còi xương, suy dinh dưỡng,...hoặc do dùng thuốc như thuốc giảm ho có codein, thuốc chống động kinh, thuốc chống co giật, ...
  • Yếu tố tâm lý sợ bẩn hoặc ngại đi đại tiện

Giải đáp thụt tháo cho trẻ nhiều có tốt không?
Giải đáp thụt tháo cho trẻ nhiều có tốt không?

2. Các biện pháp giúp trẻ cải thiện tình trạng táo bón

Tuỳ theo nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón ở trẻ mà có những cách xử trí phù hợp. Nhìn chung, để cải thiện vấn đề trẻ bị táo bón, bố mẹ cần nắm rõ những nguyên tắc như sau:

  • Cho trẻ uống nhiều nước: Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi cần phải bú mẹ hoàn toàn nên gần như không cần uống nước. Nhưng nếu bé bị táo bón do ảnh hưởng bởi chế độ ăn của mẹ (mẹ ăn ít chất xơ) thì nên cho bé uống 100 – 200 ml nước mỗi ngày. Đối với các trẻ lớn hơn, lượng nước cần bổ sung vào cơ thể trẻ tùy theo lứa tuổi. Trẻ trong độ tuổi ăn dặm từ 6 – 12 tháng nên uống khoảng 200 – 300 ml nước hằng ngày. Trẻ từ 1 – 3 tuổi cần uống từ 500 – 600 ml nước mỗi ngày. Trẻ em trong độ tuổi 3 – 5 tuổi cần 1000ml nước/ ngày. Trẻ em trên 10 tuổi thì cần uống lượng nước như người lớn, từ 1,5 đến 2,2 lít mỗi ngày.
  • Bên cạnh việc cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng quan trọng trong các bữa ăn hàng ngày thì cha mẹ cần cho trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây. Nên chọn các loại rau có tính nhuận tràng như khoai lang, rau mồng tơi, rau dền. Có thể thái nhỏ rồi luộc, hấp hoặc nấu canh cho trẻ ăn.
  • Cho trẻ uống nước rau quả mỗi ngày 3 – 4 lần.
  • Khi nấu bột hoặc cháo, nên cho thêm rau đã xay nhuyễn cho trẻ ăn.
  • Cho trẻ ăn các loại trái cây như bưởi, chuối, đu đủ, thanh long, cam, quýt (sẽ tốt hơn nếu ăn cả múi). Hạn chế cho trẻ bị táo bón ăn trái cây có vị chát như ổi, hồng xiêm,... Trái cây có thể cắt thành từng miếng nhỏ cho trẻ cầm hoặc xay nhuyễn thành sinh tố uống mỗi ngày.
  • Nếu trẻ bị táo bón do uống sữa bò thì nên pha sữa loãng hơn một chút hoặc pha sữa bằng nước cháo nấu cùng với các loại rau củ quả cho trẻ từ 5 tháng tuổi trở lên.
  • Nếu việc thay đổi chế độ ăn không thể cải thiện tình trạng táo bón của trẻ, bố mẹ có thể sử dụng một số thuốc như: vào buổi sáng cho trẻ uống dầu Parafin, các loại thuốc chứa magie sunfat có tác dụng nhuận tràng hoặc thuốc có chứa các vi khuẩn sống dưới dạng đông khô chẳng như cốm vi sinh để cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột.
  • Thụt tháo là biện pháp điều trị táo bón cuối cùng nhưng cha mẹ chỉ nên làm theo chỉ định của bác sĩ.
  • Hỗ trợ làm tăng nhu động ruột cho trẻ bằng cách xoa bụng theo chiều kim đồng hồ từ 3 – 4 lần một ngày, mỗi lần khoảng 5 phút, vào giữa 2 bữa ăn. Khi xoa mẹ có thể ấn sâu vào phần bụng phía dưới bên trái để kích thích nhu động ruột.
  • Hình thành cho trẻ thói quen đại tiện đúng giờ. Nên chọn thời điểm đại tiện lúc nào trẻ không vội vã, thường ngay sau bữa ăn vì nhu động ruột lúc này đang tăng hoạt động.
  • Không nên cho trẻ ngồi bệ xí hoặc ngồi bô quá lâu.
  • Các trường hợp trẻ bị táo bón do nứt hậu môn thì bố mẹ nên rửa sạch hậu môn và bôi dung dịch natri bạc 2% vào hậu môn.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng nên chú ý, điều trị các bệnh đi kèm (nếu có) như thiếu máu, còi xương, suy dinh dưỡng để trẻ hấp thu dinh dưỡng hiệu quả.


Cho trẻ uống nhiều nước giúp cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ
Cho trẻ uống nhiều nước giúp cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ

3. Trẻ bị táo bón nặng phải làm sao?

Táo bón có thể nhẹ hoặc nặng, thậm chí có trẻ bị táo bón 5 ngày chưa đi đại tiện. Nếu trẻ bị táo bón nặng phải làm sao? là thắc mắc thường gặp của nhiều bậc phụ huynh. Như đã trình bày ở trên, thụt tháo cho trẻ dường như là biện pháp cuối cùng có thể làm tại nhà nếu trẻ bị táo bón nặng. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ vẫn chưa thực sự hiểu rõ liệu thụt tháo cho trẻ nhiều có tốt không. Thực tế, thụt tháo cho trẻ tại nhà vẫn có thể thực hiện nhưng bố mẹ nắm rõ những lưu ý sau:

  • Chỉ thụt tháo theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
  • Thụt tháo bằng cách dùng nước ấm pha với Glycerin hoặc mật ong. Lượng nước thụt tháo khoảng 30 - 40ml đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và 100 – 250 ml đối với trẻ em trên một tuổi.
  • Không thụt tháo nhiều lần hoặc không đúng cách có thể làm tổn thương hậu môn của trẻ
  • Không được lạm dụng thụt tháo để giải quyết tình trạng táo bón của trẻ vì có thể gây giãn đại tràng sigma và trực tràng, làm trẻ mất phản xạ đại tiện tự nhiên và hình thành thói quen nếu không thụt tháo trẻ sẽ không tự đi đại tiện được.

Đặc biệt, đối với trẻ táo bón nặng, nếu có các dấu hiệu sau thì nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay: tình trạng táo bón kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện với việc thay đổi chế độ ăn; ngay từ khi trẻ mới sinh đã có triệu chứng táo bón và chướng bụng; táo bón làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như trẻ ăn kém, gầy sút, nôn ói, suy dinh dưỡng,...

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên bổ sung các vi chất cần thiết cho trẻ như: Selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... Đặc biệt là loại kẽm sinh học để cải thiện vị giác, giúp trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt, đồng thời hạn chế tình trạng táo bón cho trẻ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe