Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ. Để biết trẻ bị sởi nên uống thuốc gì và cách chăm sóc, phòng bệnh như thế nào, các bậc phụ huynh tham khảo thông tin dưới đây.
1. Bệnh sởi nguy hiểm như thế nào?
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm, do virus Paramyxovirus gây ra. Vi sinh vật này thường tồn tại ở chất nhầy trong mũi và cổ họng, có khả năng sinh sôi nhanh chóng tại đây. Dịch sởi thường bùng phát vào thời điểm giao mùa đông - xuân. Bệnh sởi lây chủ yếu qua đường hô hấp (tiếp xúc với giọt bắn nước mũi, nước bọt của người bệnh khi nói chuyện, ho, hắt hơi), tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của bệnh nhân, tiếp xúc với đồ vật có tồn tại virus sởi.
Các triệu chứng của bệnh sởi thường xuất hiện sau 7 - 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với virus gây bệnh. Dấu hiệu của bệnh sởi thường chia thành 4 giai đoạn:
- Giai đoạn ủ bệnh: 7 - 14 ngày: Chưa có triệu chứng;
- Giai đoạn khởi phát: 3 - 4 ngày: Sốt cao (có thể lên tới trên 40oC), sổ mũi, ho khan, mắt đỏ, chảy nước mắt, xuất hiện nội ban (đốm Koplik);
- Giai đoạn toàn phát: 2 - 5 ngày: Khi hạt Koplik lặn, ban sởi sẽ bùng phát, loang lổ trên da;
- Giai đoạn phục hồi: Các nốt phát ban mờ dần, bong vảy, để lại vết thâm. Nếu không có biến chứng, bệnh sẽ tự khỏi. Một số trường hợp có thể bị ho kéo dài 1 - 2 tuần sau đó.
Bệnh sởi có thể diễn biến nặng, đặc biệt ở trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 20 tuổi, phụ nữ mang thai, người bị suy yếu hệ miễn dịch (mắc bệnh bạch cầu hoặc nhiễm HIV). Các biến chứng của bệnh gồm:
- Biến chứng đường hô hấp: Viêm phế quản, viêm phế quản - phổi, viêm thanh quản;
- Biến chứng thần kinh: Viêm não - màng não - tủy cấp, viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa, viêm màng não;
- Biến chứng tai mũi họng: Nhiễm trùng tai do vi khuẩn, viêm mũi họng bội nhiễm hoặc viêm tai xương chũm;
- Biến chứng đường tiêu hóa: Tiêu chảy, nôn mửa, cam tẩu mã;
- Biến chứng ở phụ nữ mang thai: Sẩy thai, thai chết lưu, sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân,...
2. Trẻ bị sởi nên uống thuốc gì?
Sởi không có thuốc điều trị chuyên biệt. Việc điều trị chủ yếu là loại bỏ triệu chứng và chăm sóc người bệnh đúng cách. Với thể sởi lành tính trẻ có thể được điều trị tại nhà. Nhưng nên cách ly trẻ tại phòng riêng khi bé mới sốt và có dấu hiệu viêm họng. Phòng cách ly cần đảm bảo thông thoáng, tránh gió lùa, sáng sủa, không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ khác.
Việc điều trị thường bao gồm:
2.1 Dùng thuốc hạ sốt, giảm đau và giảm ho
Trẻ em bị sởi uống thuốc gì? Nếu trẻ bị sốt cao trên 38,5oC, cha mẹ có thể cho bé uống paracetamol hoặc ibuprofen để giảm sốt, giảm đau và giảm mệt. Việc dùng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ về loại thuốc, liều dùng, thời gian sử dụng,... Cha mẹ có thể kết hợp lau người cho bé bằng khăn ấm để giảm sốt. Khi trẻ sốt cao, cha mẹ nên cho bé uống nhiều nước, phòng nguy cơ mất nước. Uống nhiều nước cũng giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu. Cho trẻ uống thêm nước ấm, đặc biệt là nước pha mật ong hoặc chanh có thể giúp giảm chất nhầy trong đường hô hấp và làm giảm ho.
2.2 Bổ sung vitamin A cho trẻ
Các nghiên cứu cho thấy: Tình trạng thiếu vitamin A gặp ở 90% bệnh nhi mắc sởi ở châu Phi, 22 - 72% bệnh nhi mắc sởi ở Mỹ. Như vậy, có mối tương quan giữa thiếu vitamin A với mức độ nặng của bệnh sởi. Đã có nghiên cứu cho thấy uống vitamin A giúp làm giảm tỷ lệ tử vong và giảm biến chứng ở trẻ em mắc sởi.
Liều uống vitamin A khuyến cáo là:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Uống 50.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp;
- Trẻ 6 - 12 tháng tuổi: Uống 100.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp;
- Trẻ trên 12 tháng tuổi và người lớn: Uống 200.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp;
- Với trường hợp thiếu vitamin A: Lặp lại liều trên sau 4 - 6 tuần.
2.3 Sử dụng các thuốc khác
Để hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng, trẻ bị sởi có thể dùng các loại thuốc, chế phẩm sau:
- Kem bôi ngoài da;
- Dung dịch sát khuẩn mũi họng, thuốc nhỏ mắt,...;
Chú ý: Không sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ bị sởi với mục đích dự phòng các biến chứng (vì có thể gây loạn khuẩn và dị ứng bởi kháng sinh không có tác dụng với bệnh sởi). Chỉ khi trẻ bị viêm khí quản, thanh quản, phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi,... do bội nhiễm vi khuẩn thì mới cho bé dùng thuốc kháng sinh và cần theo chỉ định của bác sĩ.
Hiện nay đã có thêm các sản phẩm gel bôi ngoài da có chứa nano bạc giúp sát khuẩn, tiêu diệt virus, vi khuẩn phổ rộng, từ đó điều trị hiệu quả các bệnh ngoài da do virus. Bên cạnh đó, các nguyên bào sợi được kích thích để tái tạo làn da mà không gây kích ứng da, kể cả với làn da trẻ nhỏ, giúp lành tổn thương nhanh và ngăn ngừa hình thành sẹo do bệnh sởi gây ra.
4. Chăm sóc trẻ bị sởi như thế nào?
Ngoài câu hỏi trẻ bị sởi nên uống thuốc gì, các bậc phụ huynh còn quan tâm tới chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt của trẻ. Theo đó, cha mẹ cần lưu ý:
- Ưu tiên cho trẻ ăn các loại thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa, được nấu chín kỹ, hợp khẩu vị của trẻ và cần đủ chất dinh dưỡng;
- Với trẻ đang bú mẹ thì tiếp tục cho bé bú và tăng cường cho bú để tăng sức đề kháng cho trẻ;
- Với trẻ đang ăn dặm, ngoài việc cho trẻ bú mẹ thì cần bổ sung thêm thực phẩm giàu protein và caroten vào chế độ ăn của bé. Các thực phẩm tốt cho bé là: Rau chân vịt, táo, củ cải, cải trắng, cà rốt, lê, đào,...
5. Cách phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ
Một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh sởi hữu hiệu cho bé:
- Tiêm vắc-xin đầy đủ: Là biện pháp an toàn, hiệu quả để bảo vệ trẻ trước bệnh sởi. Cha mẹ nên chủ động đưa trẻ từ 9 - 24 tháng tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi, trẻ từ 1 - 14 tuổi tiêm vắc-xin sởi - quai bị - rubella đầy đủ, đúng lịch;
- Cách ly trẻ bị sởi với cộng đồng để tránh lây lan bệnh sởi. Trẻ nên nghỉ học tới hết thời gian truyền nhiễm. Trong thời gian đó, người chăm sóc trẻ nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và đeo khẩu trang;
- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng của trẻ, đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng;
- Dặn dò trẻ không được đưa tay lên mắt, mũi, miệng;
- Nâng cao sức đề kháng cho bé bằng chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung vitamin và khoáng chất hợp lý, đặc biệt là vitamin A;
- Thường xuyên khử trùng các đồ vật xung quanh trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, bàn ghế,... bằng các chất tẩy rửa đạt chuẩn; Mở cửa sổ, cửa chính đảm bảo thông khí cho nhà ở, phòng học.
Trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi là nhóm rất dễ mắc bệnh ngoài da do virus (sởi, thủy đậu, tay chân miệng, zona,...) do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Vì vậy bên cạnh việc bổ sung các dưỡng chất cần thiết và vitamin qua thực phẩm, bố mẹ có thể tham khảo và sử dụng thêm một số thảo dược giúp tăng cường hệ miễn dịch từ sâu bên trong cơ thể, rất phù hợp dùng hàng ngày để phòng ngừa trong những thời điểm dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát.
Nếu trẻ đang bị bệnh thì cha mẹ nên sử dụng kết hợp gel bôi ngoài da và thực phẩm đường uống để vừa điều trị virus, vi khuẩn bên ngoài, vừa phối hợp tăng cường miễn dịch từ bên trong sẽ cho hiệu quả nhanh hơn, ngăn ngừa hình thành sẹo mà không bị bội nhiễm hoặc tác dụng phụ như thuốc tây.
Hy vọng từ thông tin mà Vinmec chia sẻ trên đây, các bậc phụ huynh đã nắm được trẻ bị sởi nên uống thuốc gì, chăm sóc và phòng ngừa như thế nào. Tuân thủ đúng theo lời khuyên của bác sĩ về việc dùng thuốc, xây dựng thực đơn dinh dưỡng,... sẽ giúp bé sớm thoát khỏi bệnh sởi và giảm nguy cơ gặp phải biến chứng khó lường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.