Trẻ bị ho nên nằm quạt hay điều hoà?

Trẻ nhỏ rất dễ ho có đờm vào những ngày thời tiết thay đổi hay khi nhiệt độ xuống thấp. Cha mẹ thường loay hoay không biết nên làm gì để hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Đặc biệt là việc trẻ bị ho nên nằm quạt hay điều hòa?

1. Nguyên nhân trẻ bị ho và ra mồ hôi nhiều

Ho là một phản xạ của cơ thể để đường thở được thông thoáng. Khi đường hô hấp có vấn đề và bị tấn công bởi virus, vi khuẩn, khói thuốc, khói xe, bụi... thì phản xạ cơ thể sẽ ho để tống những virus, vi khuẩn đó ra ngoài.

Trẻ bị ho và ra mồ hôi nhiều do nhiều nguyên nhân từ nhẹ đến nặng như: Nhiễm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường hô hấp, dị ứng, hen suyễn, ô nhiễm không khí...

Việc sử dụng máy điều hòa sai cách cũng là một nguyên nhân khiến trẻ bị ho và ra mồ hôi nhiều. Nếu máy điều hòa để lâu không được vệ sinh thì bộ lọc bụi là nơi trú ấn của nhiều loại vi khuẩn virus, nấm mốc gây bệnh. Do đó khi máy lạnh hoạt động, trẻ hít vào dễ dẫn đến viêm mũi dị ứng. Cha mẹ vì sợ trẻ lạnh mà để nhiệt độ điều hòa quá cao, khiến trẻ bị bí và đổ mồ hôi ở lưng, ở cổ,...

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho rằng thói quen sinh hoạt của gia đình cũng ảnh hưởng đến mức độ của ho của trẻ. Thói quen ăn uống đồ lạnh, tắm nước lạnh, chạy nhảy dưới mưa, nghịch nước... là những yếu tố kích thích, khởi phát dễ cho virus vào cơ thể gây bệnh. Nhưng đa phần các cơn ho do virus ở trẻ là lành tính, chỉ cần chăm sóc ở nhà. Ngoài ra thói quen mặc đồ cho trẻ quá kín, quá dày cũng khiến trẻ dễ bị đổ mồ hôi, dẫn đến cảm lạnh và bị ho, thậm chí viêm phổi.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi trẻ tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, các mạch máu nhỏ ở niêm mạc mũi, họng và đường hô hấp trên sẽ co lại, làm giảm lượng máu lưu thông cung cấp cho các khu vực này. Khi giảm cung cấp máu, sẽ giảm luôn cung cấp dưỡng chất và giảm các tế bào để chống lại các tác nhân gây bệnh trong máu. Ngoài ra, khi trời lạnh, nhiệt độ thấp tạo môi trường thuận lợi kích thích một số virus phát triển tốt. Thời tiết thay đổi cũng là điều kiện thuận lợi cho một số virus tồn tại lâu hơn, vì thế họng, mũi, dễ bị bệnh hơn.


Giải đáp trẻ bị ho nên nằm quạt hay điều hoà?
Giải đáp trẻ bị ho nên nằm quạt hay điều hoà?

2. Trẻ bị ho nên nằm quạt hay điều hòa?

Trẻ em đặc biệt là trẻ sơ sinh chưa thể tự điều chỉnh thân nhiệt nên luôn có thân nhiệt nhạy cảm và dễ thay đổi. Cha mẹ cần duy trì nhiệt độ phòng ngủ của trẻ ở mức ổn định, hạn chế những thay đổi nhiệt độ quá lớn và đột ngột khiến trẻ không kịp thích ứng và dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Việc sử dụng quạt hay điều hòa có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ sơ sinh nếu như cha mẹ không biết sử dụng đúng cách.

2.1. Cẩn thận với điều hòa

Điều hòa sẽ cung cấp nhiệt độ ổn định hơn so với quạt, đặc biệt trong những ngày nóng bức. Tuy nhiên, điều hòa sẽ làm giảm độ ẩm và sự lưu thông trong không khí, việc tùy chỉnh nhiệt độ điều hòa không phù hợp có thể gây các bệnh viêm mũi, viêm phổi,... ở trẻ.

  • Nhiệt độ điều hòa lý tưởng nhất mà cha mẹ có thể bật cho trẻ là từ 26 - 28 độ C. Những ngày nắng nóng, cha mẹ thường lo trẻ bị nóng nên bật điều hòa nhiệt độ thấp, chế độ gió thổi mạnh mà không biết điều này càng khiến cho tình trạng ho đờm của bé nặng hơn. Vì chế độ điều hòa lạnh thường khiến cho không khí bị khô nhanh chóng, độ ẩm trong phòng có khi chỉ đạt 50%. Không khí lạnh và khô sẽ làm cho đường thở của trẻ bị khô và làm tăng thêm tình trạng viêm niêm mạc ở cổ họng. Điều này khiến đờm sinh ra nhiều hơn, trẻ càng ho dữ dội.
  • Để một chậu nước, khăn ẩm hoặc máy phun sương trong phòng để cung cấp độ ẩm không khí, tránh cho trẻ bị khô da, khô mũi họng, dẫn đến cơ thể mất nước.
  • Tránh để trẻ nằm tại nơi có luồng gió của điều hòa thổi trực tiếp vào mặt, vào người, chỉ nên đặt song song với hướng của luồng hơi đi ra.
  • Khi nằm điều hòa, nếu trẻ đổ mồ hôi trộm mà chưa lau kịp sẽ khiến trẻ dễ bị cảm lạnh. Cha mẹ cần thường xuyên chú ý đến thân nhiệt của trẻ, mặc cho trẻ quần áo thông thoáng, độ dày vừa phải, chú ý lau người bằng khăn khô nếu trẻ bị đổ mồ hôi.
  • Sử dụng nước muối sinh lí nhỏ mũi cho trẻ để tránh khô mũi họng.
  • Chú ý vệ sinh máy điều hòa định kỳ để tránh các loại vi khuẩn, nấm mốc gây hại phát triển qua màng lọc không khí của máy.
  • Không bật điều hòa liên tục cả ngày, nên tắt điều hòa ít nhất 2 lần trong ngày, mỗi lần tắt khoảng 1 tiếng. Trong thời gian đó, cha mẹ nên cũng nên bật quạt để xua hết không khí tù đọng trong phòng, tránh để phòng bị bí bách. Đồng thời mở tất cả các cửa để tiêu diệt các yếu tố gây bệnh có thể sinh sôi và trú ngụ trong phòng kín.
  • Cho trẻ uống nước thường xuyên khi nằm điều hòa. Điều hòa giúp nhiệt độ trong phòng ổn định nhưng lại làm không khí bị khô và mất độ ẩm nhanh chóng. Vì vậy cha mẹ nên bổ sung nước ấm (oresol, nước hoa quả, sữa...) cho trẻ.
  • Tắt điều hòa trước khi cho trẻ ra khỏi phòng. Trẻ có thể bị sốc nhiệt nếu đi ra khỏi phòng điều hòa đột ngột. Cha mẹ nên tắt điều hòa ít nhất 05 phút trước khi đưa trẻ ra khỏi phòng để tránh sự chênh lệch nhiệt mà trẻ chịu quá lớn.
  • Đắp chăn mỏng cho trẻ, che phần ngực trở xuống để tránh bị cảm lạnh khi nằm máy điều hòa. Nhưng phụ huynh nên tránh đắp kín cổ vì điều này có thể khiến trẻ bị khó thở hoặc bị nóng cổ, gây bí bách và dễ đổ mồ hôi trộm.
  • Sử dụng điều hòa trong trường hợp thời tiết quá nóng. Cha mẹ nên hạn chế cho trẻ nằm điều hòa trong trường hợp thời tiết không quá oi bức, chỉ nên bật quạt nhỏ phe phẩy hoặc mở cửa để đón gió tự nhiên. Vừa giúp hạn chế sự lây lan của virus, vi khuẩn, vừa giúp trẻ thích nghi dễ dàng với môi trường tự nhiên, tạo miễn dịch và tăng cường sức để kháng cho trẻ.
  • Khi đi ngoài nắng về, cần cho trẻ nghỉ ngơi, lau mồ hôi trước cho trẻ vào điều hòa để cơ thể trẻ thích nghi với nhiệt độ trong nhà. Vì khi đi ra ngoài nắng, nhiệt độ cơ thể trẻ sẽ tăng lên. Nếu lập tức cho trẻ vào phòng bật sẵn điều hòa sẽ dễ dẫn đến việc trẻ bị sốc nhiệt do nhiệt độ chênh lệch nhiệt độ giữa phòng điều hòa và ngoài trời có thể lên đến hơn 10 độ C nếu cha mẹ bật nhiệt độ quá thấp.
  • Nên sử dụng quạt thông gió khi bật điều hòa. Cha mẹ nên bật quạt thông gió để tránh làm không khí trong phòng bị tù đọng, bí bách khi dùng điều hòa. Không gian bí bách sẽ làm trẻ cảm thấy ngột ngạt, khó chịu, ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ. Không những vậy, môi trường tù đọng còn khiến vi khuẩn trong không khí phát triển mạnh, khiến trẻ dễ mắc bệnh, ủ bệnh lâu và khó khỏi. Vì thế, cha mẹ sử dụng quạt thông gió trong phòng giúp tạo ra sự lưu thông khí giữa bên trong phòng và bên ngoài giúp phòng trở nên thông thoáng hơn, trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

2.2. Đừng để quạt trực diện

Nhiều gia đình hiện nay vì lo lắng sử dụng điều hòa lạnh sẽ làm trẻ dễ bị ốm hơn nên lựa chọn sử dụng quạt. Tuy nhiên, sử dụng quạt sẽ khiến gió thốc trực tiếp vào người trẻ, có thể gây nên tình trạng nghẹt mũi, khó thở, ảnh hưởng không tốt đến hô hấp.

Cánh quạt trong quá trình làm mát sẽ hút bụi bẩn, tạo ra những luồng gió đưa bụi về phía trẻ. Vậy nên cha mẹ cần phải chú ý để quạt ở chế độ xoay đảo chiều, không để gió trực tiếp thổi vào người trẻ. Không nên sử dụng quạt hơi nước vì sử dụng quạt hơi nước trong thời gian dài, sẽ làm độ ẩm không khí tăng, tạo môi trường thuận lợi cho nấm mốc và các vi khuẩn có hại phát triển.

Đặc điểm của quạt điện là làm không khí liên tục lưu thông với cường độ lớn, dẫn đến tăng tốc độ bay hơi nước. Khi cho trẻ nằm trước quạt, sự bay hơi nước trong đường thở càng nhanh, nhất là khi để chế độ quạt mạnh và đứng im một chỗ. Trẻ ngủ lại hay há miệng cho nên rất dễ bị khô miệng, họng và phế quản, gây sưng niêm mạc họng.

Khi bé bị ho đờm, cha mẹ không nên để quạt trực diện, cũng không nên để theo hướng thổi từ chân lên đầu (hướng gió sẽ thổi vào mũi, miệng), nên để quạt chếch người, hướng từ thân người xuống dưới chân, cách chỗ nằm của trẻ khoảng hơn 1m.


Nếu trẻ còn nhỏ đang bị ho sổ mũi, cha mẹ vẫn có thể cho trẻ nằm điều hòa
Nếu trẻ còn nhỏ đang bị ho sổ mũi, cha mẹ vẫn có thể cho trẻ nằm điều hòa

3. Trẻ 5 tháng bị ho sổ mũi phải làm sao?

Nếu trẻ còn nhỏ đang bị ho sổ mũi, cha mẹ vẫn có thể cho trẻ nằm điều hòa tuy nhiên nhớ phủ một chiếc chăn bông mỏng lên vùng ngực trẻ và bật điều hòa ở nhiệt độ phù hợp. Ngoài ra, cần thực hiện một số lưu ý sau cho trẻ để hạn chế việc làm bệnh bị trở nặng:

3.1. Không ra ngoài khi sáng sớm

Sáng sớm, nhiệt độ ngoài trời thấp hơn nhiều so với nhiệt độ bên trong nhà (ít nhất cũng khoảng 2-3 độ) và có nhiều gió hơn. Để trẻ ra ngoài vào sáng sớm có thể gây nhiễm lạnh, gặp gió, gây ho. Nếu trẻ 5 tháng bị ho sổ mũi thì sẽ càng bị ho nhiều hơn. Chưa kể sương sáng sớm rất lạnh, nếu trẻ đứng ngoài sân hoặc gần cửa sổ để mở, trẻ dễ hít phải sương, gây ho dị ứng và tiết nhiều đờm.

Để bảo vệ trẻ, mỗi buổi sáng khi thức dậy, cha mẹ không nên bế trẻ ra ngoài ngay mà nên để trẻ dậy chừng 5-10 phút để cơ thể tái kích hoạt chuyển sang trạng thái thức. Khi đó, cơ chế phòng lạnh của cơ thể sẽ tốt hơn. Vào những ngày thời tiết bình thường, cha mẹ cũng không nên cho trẻ ra ngoài trước 7h sáng; còn những ngày trời lạnh, chỉ cho trẻ ra ngoài sau 8h.

3.2. Tránh đi chơi về muộn

Buổi chiều muộn, nhiệt độ giảm xuống nhanh, nhất là từ 5h chiều. Tốc độ hạ nhiệt quá nhanh sẽ khiến cơ thể bé không kịp thích nghi, dễ gây ho đờm ở trẻ. Nguyên nhân là trong điều kiện nhiệt độ giảm, hệ hô hấp cần tiết ra nhiều dịch để làm ẩm không khí. Khi hệ hô hấp không kịp điều tiết sẽ gây ho nhiều hơn.

Cha mẹ nên cho trẻ về nhà trước 5h30 chiều vào những ngày mùa hè và 5h chiều vào những ngày thu đông. Tuyệt đối không để trẻ ở ngoài trời sau 6h chiều. Khi ở ngoài trời vào lúc chiều muộn, cha mẹ nên bế trẻ vào lòng, quay mặt ngược lại với chiều gió, ngực và bụng của trẻ áp vào người mình (không nên đặt trẻ ở trong xe đẩy) để cản gió và sưởi ấm cho trẻ, tránh tối đa nguy cơ nhiễm lạnh.

3.3. Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi, họng cho trẻ

Khi trẻ có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi nhiều lần trong ngày, cha mẹ nên nhỏ mũi cho trẻ mỗi ngày 4 – 6 lần bằng nước muối sinh lý. Trẻ càng chảy nước mũi nhiều, cha mẹ càng nên nhỏ để làm sạch mũi cho trẻ, giúp giảm tình trạng viêm nhiễm.

Với trẻ bị nghẹt mũi, sau khi nhỏ 1 – 2 phút dịch mũi loãng và chảy ra ngoài, cha mẹ có thể bế dựng trẻ ngồi dậy, hút dịch nhầy trong mũi nhẹ nhàng bằng dụng cụ hút mũi.

3.4. Kê cao đầu cho trẻ khi ngủ

Nếu trẻ bị ho, hắt hơi, sổ mũi kèm theo nghẹt mũi, cha mẹ hãy kê gối cao hơn bình thường một chút cho trẻ khi ngủ. Điều này sẽ giúp trẻ dễ thở hơn và cơn ho cũng sẽ giảm.

3.5. Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ

Khi trẻ 5 tháng bị ho sổ mũi, cha mẹ cần duy trì một chế độ ăn hợp lý để bổ sung đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, tăng cường sức đề kháng nhằm chống lại tác nhân gây bệnh, giúp trẻ hồi phục nhanh hơn. Cho trẻ bú mẹ hoặc uống sữa công thức nhiều hơn để tăng dinh dưỡng và lượng nước vào cơ thể.

3.6. Sử dụng máy tạo độ ẩm

Thời tiết khô hanh hoặc ở trong điều hòa quá lâu có thể khiến trẻ hít vào lượng không khí khô quá nhiều dẫn đến tình trạng ho, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi. Vì vậy, cha mẹ nên đặt một chiếc máy phun hơi ẩm trong phòng ngủ của trẻ sẽ giúp điều hòa không khí đủ độ ẩm khiến trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.

Trên đây là những lời khuyên để cha mẹ tham khảo khi trẻ bị ho thì có nên dùng điều hòa hay quạt cho trẻ không. Đặc biệt là những lưu ý để sử dụng quạt hay điều hòa đúng cách mà cha mẹ cần lưu lại để thực hiện, giúp giữ sức khỏe tốt cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe