Hỏi
Chào bác sĩ,
Em có cháu nhỏ 5 tuổi, nhiều lúc cháu nói lắp, phát âm chậm. Em muốn nhờ bác sĩ tư vấn trẻ 5 tuổi thường xuyên nói lắp, phát âm chậm là triệu chứng bệnh gì? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em cảm ơn bác sĩ.
Khách hàng ẩn danh
Trả lời
Được giải đáp bởi Bác sĩ Trung tâm Y học và Trị liệu tế bào - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Time City
Chào bạn,
Với câu hỏi “Trẻ 5 tuổi thường xuyên nói lắp, phát âm chậm là triệu chứng bệnh gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
5 tuổi là giai đoạn đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của trẻ em cả về thể chất lẫn tinh thần. Lúc này, trẻ sẽ học hỏi và tích lũy thêm các kỹ năng về nhận thức, tư duy, ngôn ngữ, kỹ năng xã hội,... để chuẩn bị hành trang vào lớp 1.
Một số đặc điểm về mặt ngôn ngữ, lời nói có thể thấy ở trẻ 5 tuổi như sau:
- Trẻ có vốn từ vựng khá phong phú và biết cách sử dụng từ ngữ khá linh hoạt, phù hợp với các tình huống giao tiếp cụ thể.
- Trẻ có thể phát âm tiếng Việt khá thành thục và trôi chảy.
- Giọng nói có cao độ, trường độ, âm sắc, ngữ điệu linh hoạt.
- Tốc độ nói vừa phải, dễ nghe.
- Tốc độ lời nói trung bình đạt khoảng 109 – 183 âm tiết/ phút.
Một số trẻ em đến giai đoạn này vẫn còn gặp một số lỗi nhỏ về phát âm như nói ngọng, nói lắp. Nói lắp là việc mất lưu loát lời nói liên quan chủ yếu đến rối loạn về âm điệu, nhịp điệu và tính lưu loát của lời nói, kèm theo sự nảy sinh những cơn co giật ở các cơ quan tham gia cử động nói.
Thông thường, trẻ thường nói lắp ở dạng lặp lại, bao gồm:
- Lặp lại âm của một âm tiết. Ví dụ: h...hh...hhh...hôm nay, em đi học.
- Lặp lại một âm tiết/ 1 tiếng. Ví dụ: hôm...hôm...hôm nay, em đi học.
- Lặp lại một từ hoặc một ngữ. Ví dụ: hôm nay...hôm nay...hôm nay, em đi học.
- Hỗn hợp. Ví dụ: h...hh...hôm...hôm nay, em đi học.
Việc nói lắp ở trẻ có rất nhiều nguyên nhân, chẳng hạn:
- Độ tuổi: Thông thường, trẻ sẽ nói lắp ở độ tuổi 30 tháng (2 tuổi rưỡi) và hiếm khi nói lắp sau 6 tuổi.
- Nói lắp do các nguyên nhân về thần kinh.
- Nói lắp tâm lý: Do căng thẳng, sợ, lo lắng,...
- Chưa có nguyên nhân cụ thể.
Với trẻ mầm non, 65% số trẻ sẽ tự khắc phục được chứng nói lắp của mình và lớn lên không gặp vấn đề gì về độ trôi chảy của lời nói. Đến 6 tuổi nếu trẻ vẫn còn nói lắp thì cần được hỗ trợ đặc biệt.
Để hỗ trợ trẻ nói lắp, cần lưu ý một số nội dung sau:
- Không chê hoặc lặp lại lỗi sai của trẻ như một điều gì đó đáng trách, đặc biệt là ở nơi đông người. Điều này sẽ làm trẻ cảm thấy xấu hổ, tự ti và tình trạng nói lắp càng trở nên trầm trọng hơn.
- Quan sát, ghi chép lại những lỗi sai, những tình huống con thường xuyên mắc lỗi để cùng con lên kế hoạch tập luyện.
- Sử dụng các biện pháp kiểm soát hệ thống cơ lời nói (ví dụ: Thả lỏng các cơ, thở bằng bụng, lấy hơi và nói chậm,...), biện pháp kiểm soát hành vi, tâm lý (ví dụ: Tập nói trước gương, lắng nghe người khác, giao tiếp mắt – mắt,...)
Để xác định một trẻ có mắc chứng nói lắp hay không đòi hỏi phải người đánh giá phải có chuyên môn về Âm ngữ trị liệu. Đồng thời có công cụ đánh giá (test) phù hợp với trẻ và có đủ thông tin liên quan, chẳng hạn như:
- Khả năng diễn đạt của trẻ hiện tại như thế nào? Khi yêu cầu trẻ kể chuyện hoặc kể lại một nội dung nào đó, trẻ thể hiện như thế nào?
- Trẻ có gặp trở ngại gì trong khi giao tiếp với mọi người không? Nếu có, những trở ngại đó gây ảnh hưởng ở mức độ như thế nào?
- Trẻ nói lắp ở mức độ thường xuyên hay chỉ khi con bối rối hoặc gặp vấn đề khó khăn?
Do lượng thông tin bạn mô tả về năng lực ngôn ngữ, lời nói của bé khá ít nên gia đình cần đưa bé đến gặp một Chuyên viên Âm ngữ trị liệu có kinh nghiệm để bé được đánh giá và có những can thiệp kịp thời.
Nếu bạn còn thắc mắc về vấn đề trẻ 5 tuổi thường xuyên nói lắp, phát âm chậm, bạn có thể đưa trẻ đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.