Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Chung Thị Mộng Thuý -Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Trào ngược dạ dày là tình trạng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh, đặc biệt trẻ sinh non. Các bà mẹ đôi khi thấy trẻ nôn trớ ít hoặc nhiều hoặc thường xuyên khò khè sau mỗi cử ăn. Đây là tình trạng nôn thức ăn hoặc sữa sau ăn hoặc bú. Tình trạng biểu hiện bệnh ở trẻ mỗi trẻ sẽ khác nhau và tùy thuộc vào độ tuổi. Do đó, cha mẹ cần nhận định triệu chứng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh để có thể can thiệp kịp thời và xử trí đúng, tránh gây những ảnh hưởng nghiêm trọng cho trẻ.
1. Trào ngược dạ dày thực quản trẻ sơ sinh là gì?
Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh xảy ra khi thức ăn trào ngược vào thực quản từ dạ dày các chất như thức ăn, sữa, dịch dạ dày, muối mật. Trong đa số trường hợp bệnh sẽ giảm dần khi trẻ lớn.Tình trạng bệnh hiếm khi nghiêm trọng và trở nên ít phổ biến khi bé lớn. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ không bình thường đối với những trẻ trên 18 tháng.
Ở trẻ sơ sinh, vòng cơ giữa thực quản và dạ dày - cơ thắt thực quản dưới (LES) vẫn chưa hoàn toàn trưởng thành. Điều đó khiến cho dạ dày dễ bị trào ngược. Cơ thắt thực quản dưới (LES) chỉ mở khi trẻ nuốt và sẽ đóng chặt vào những lúc khác.
Các yếu tố góp phần gây nên nguyên nhân trẻ bị trào ngược dạ dày bao gồm:
- Lượng thức ăn quá nhiều khiến dạ dày căng giãn quá mức
- Khoảng cách giữa các cử ăn quá gần, thức ăn chưa tiêu hết.
- Chế độ ăn hoàn toàn lỏng
- Trẻ nằm nhiều nên thức ăn ứ tại dạ dày quá lâu
- Trẻ sinh non bị trào ngược dạ dày
Đôi khi, trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh có thể được gây ra bởi một số ảnh hưởng nghiêm trọng như:
- Trào ngược chứa acid kích thích và làm hỏng niêm mạc thực quản
- Hẹp môn vị: Một van giữa dạ dày và ruột non bị thu hẹp ngăn không cho các chất trong dạ dày rỗng vào ruột non.
- Không dung nạp thực phẩm: Một loạt các protein trong sữa bò là yếu tố phổ biến nhất
- Viêm thực quản bạch cầu ưu toan
- Túi thừa Meckel gây ứ đọng thức ăn.
- Màng ngăn tá tràng...
Video đề xuất:
Sự hình thành của bệnh trào ngược dạ dày thực quản
2. Triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh
Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh không phải là vấn đề lo ngại. Điều bất thường là dạ dày chứa acid gây kích thích cổ họng hoặc thực quản và gây ra cảm giác đau rát khó chịu cho trẻ với các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh.
Trong trường hợp có những triệu chứng bất thường sau, nên đưa trẻ đi khám bác sĩ
- Không tăng cân
- Quấy khóc thường xuyên.
- Nôn ói nhiều.
- Dịch nôn lỏng màu xanh lá cây hoặc màu vàng.
- Chất nôn có chứa máu hoặc có các thành phần khác có màu giống bã cà phê
- Có xuất hiện máu ở trong phân
- Khó thở hoặc ho mãn tính
- Kích thích bất thường sau ăn.
3. Chẩn đoán và điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh
3.1. Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ phải kiểm tra thể chất và các triệu chứng của trẻ. Nếu trẻ khoẻ mạnh, phát triển như mong đợi thì việc kiểm tra là không cần thiết. Nhưng nếu trẻ có những dấu hiệu bất thường cần đề nghị xét nghiệm để kiểm tra có chẩn đoán chính xác.
- Siêu âm: Xét nghiệm hình ảnh này có thể phát hiện ra các trường hợp hẹp môn vị, túi thừa hoặc màng ngăn tá tràng...
- Xét nghiệm máu và nước tiểu có thể giúp xác định hoặc loại trừ nguyên nhân có thể gây ra nôn tái phát và không tăng cân.
- Đo pH thực quản: Giúp bác sĩ đo được độ acid trong thực quản của trẻ. Bác sĩ sử dụng ống mỏng qua mũi hoặc miệng và đi vào thực quản. Các ống này được gắn vào thiết bị theo dõi độ acid.
- X-quang có cản quang: Những hình ảnh này có thể phát hiện bất thường trong được tiêu hoá, chẳng hạn như sự tắc nghẽn. Trẻ sẽ được sử dụng chất lỏng tương phản (barium) giúp cho quá trình theo dõi được rõ ràng hơn.
- Nội soi đại tràng: Bác sĩ sẽ sử dụng một ống đặc biệt được trang bị camera ở đầu dò và đưa qua miệng và thực quản, dạ dày và phần đầu tiên của ruột non.
3.2. Điều trị
Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh thường tự hết. Cha mẹ nên thực hiện các biện pháp sau giúp hạn chế tình trạng trào ngược:
- Cho trẻ ăn chia nhỏ cử hơn và khoảng cách ăn thưa ra 2.5- 3 giờ/cử
- Giúp trẻ ợ hơi sau mỗi cử ăn.
- Đầu cao sau mỗi cử ăn trong 20-30 phút .
- Loại bỏ các sản phẩm sữa, thịt bò hoặc trứng ra khỏi chế độ ăn nếu nghi ngờ trẻ dị ứng.
- Chuyển đổi loại sữa công thức chống dị ứng nếu nghi trẻ dị ứng sữa bò.
- Sử dụng núm vú đúng với lứa tuổi của trẻ. Một núm vú quá lớn hoặc quá bé cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình nuốt hơi hoặc thức ăn của trẻ.
Sử dụng thuốc để điều trị trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh không được khuyến cáo thường xuyên cho trẻ em. Tuy nhiên, có thể vẫn sử dụng phương pháp này cho trẻ có các dấu hiệu như: tăng cân kém, có bằng chứng thực quản bị viêm, bị hen suyễn mãn tính.... Những loại thuốc này có thể ngăn chặn sự hấp thụ canxi và sắt, đồng thời làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường ruột và đường hô hấp.
Với những trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản ở mức độ nghiêm trọng như ngăn chặn sự phát triển của trẻ hoặc trẻ viêm phổi tái phát thường xuyên, sẽ phải sử dụng phương pháp phẫu thuật. Cơ thắt thực quản dưới được phẫu thuật để thắt chặt ngăn acid trào ngược vào thực quản. Tuy nhiên, những trường hợp như này rất hiếm khi xảy ra.
Khi thấy con có dấu hiệu của trào ngược dạ dày thực quản, cha mẹ có thể đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Vinmec có đội ngũ các bác sĩ chuyên môn Nhi được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, giàu kinh nghiệm trong khám chữa các bệnh lý của trẻ sơ sinh, trẻ em và trẻ nhỏ dưới 16 tuổi. Vinmec trang bị Hệ thống vật tư y tế hiện đại, tiên tiến cùng chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp sẽ hỗ trợ đem lại hiệu quả cao trong chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Video đề xuất:
Tư vấn: Nhận biết và xử lý trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ