Trào ngược dạ dày có gây chóng mặt không? Đây là câu hỏi thường gặp ở những người mắc phải chứng trào ngược dạ dày. Đây là một trong những hiện tượng vô cùng hiếm gặp nhưng nếu không xử lý kịp thời có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng. Hãy cùng bài viết tìm hiểu nguyên nhân, biến chứng cũng như cách khắc phục tình trạng sức khoẻ trên.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Trào ngược dạ dày có gây chóng mặt không và nguyên nhân
Trào ngược dạ dày – thực quản là tình trạng axit và dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra nhiều triệu chứng như ợ nóng, ợ chua, đầy bụng, chán ăn và đau vùng thượng vị. Bên cạnh các triệu chứng này, một số người bệnh còn gặp phải các triệu chứng khác như chóng mặt và đau đầu. Điều này dẫn đến câu hỏi thường gặp: “Trào ngược dạ dày có gây chóng mặt không?”.
Các chuyên gia hiện nay vẫn chưa có thể giải thích rõ ràng nguyên nhân vì sao trào ngược dạ dày có thể dẫn đến chóng mặt hay đau đầu. Tuy nhiên, nghiên cứu nhận thấy có mối liên hệ giữa sức khỏe của hệ tiêu hóa và chức năng của não bộ.
1.1 Trào ngược dạ dày có gây chóng mặt không: Nguyên nhân từ tiêu hoá
Khi dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản, lượng axit trong dạ dày giảm xuống thấp hơn mức bình thường. Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa vì dạ dày cần duy trì một mức độ axit nhất định để tiêu hóa thức ăn hiệu quả. Nếu lượng axit quá thấp sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn và và virus phát triển, dẫn đến lên men thức ăn nhanh hơn và sản sinh khí thừa trong dạ dày.
Lượng khí thừa này gây căng tức bụng và áp lực lên cơ vòng thực quản dưới, cơ chế này vốn giúp ngăn chặn sự trào ngược của dạ dày gây ra hiện tượng trào ngược axit. Cơn đau đầu do trào ngược dạ dày thường xuất hiện đột ngột và biến mất nhanh chóng, đặc biệt phổ biến vào sáng sớm, đêm muộn hoặc sau bữa ăn no. Những cơn đau này có thể giảm bớt khi lượng khí thừa trong dạ dày được giải phóng. Trong trường hợp đau đầu nghiêm trọng, người bệnh có thể cảm thấy chóng mặt và hoa mắt do các vấn đề tiêu hóa như kém ăn, khó tiêu và thiếu hụt chất dinh dưỡng.
1.2 Nguyên nhân do tim mạch
Hội chứng nhịp tim nhanh là tình trạng lượng máu quay trở lại tim quá thấp, xuất hiện khi người bệnh từ tư thế nằm bật dậy đột ngột. Điều này gây ra một loạt biến chứng, bao gồm tăng sự nhạy cảm của cơ thể đối với các vấn đề tiêu hóa như trào ngược dạ dày - thực quản.
Khi mắc hội chứng nhịp tim nhanh, người bệnh cũng dễ bị trào ngược và gặp những cơn đau đầu liên quan. Điều này được ghi nhận ở cả nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 50 và thường xảy ra sau khi người bệnh nhiễm virus hoặc gặp chấn thương. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa trào ngược dạ dày và chóng mặt trong trường hợp của hội chứng nhịp tim nhanh có thể không rõ ràng.
2. Trào ngược dạ dày gây ra ra các vấn đề sức khoẻ khác
Ngoài tình trạng trào ngược dạ dày có gây chóng mặt không thì một số vấn đề sức khỏe khác mà người bệnh cần lưu ý:
2.1 Mệt mỏi do trào ngược dạ dày
Một trong những vấn đề thường gặp là mệt mỏi, có thể xuất phát từ tác dụng phụ của các thuốc điều trị trào ngược hoặc giấc ngủ bị gián đoạn vào ban đêm do các triệu chứng trào ngược. Để giảm thiểu tình trạng này, người bệnh nên tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ và cố gắng đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt.
2.2 Buồn nôn do trào ngược dạ dày
Buồn nôn và nôn là những triệu chứng phổ biến khi axit và thức ăn trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Cảm giác ợ nóng kèm theo mùi chua trong miệng và ho có thể làm tăng nguy cơ nôn mửa. Để cải thiện tình trạng này tại nhà, người bệnh có thể sử dụng các biện pháp tự nhiên như uống trà gừng, chanh, bạc hà hoặc mật ong và áp dụng một chế độ dinh dưỡng hợp lý.
2.3 Trào ngược dạ dày gây sốt
Dù hiếm gặp, trào ngược dạ dày cũng có thể gây ra sốt nhẹ, đặc biệt khi dịch vị axit tiếp xúc với các cơ quan hô hấp và gây viêm. Nếu người bệnh phát sốt cao trên 39 độ C đi kèm với nôn ra máu hoặc đau bụng dữ dội. Lúc này bệnh nhân cần đi khám ngay lập tức vì đây có thể là dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng hơn, cần được can thiệp y tế kịp thời để tránh biến chứng.
3. Cách khắc phục trào ngược dạ dày gây chóng mặt
Sau khi giải đáp được thắc mắc trào ngược dạ dày có gây chóng mặt không, việc tìm hiểu phương pháp điều trị là vô cùng cần thiết. Để giảm các triệu chứng chóng mặt do trào ngược gây ra, người bệnh nên sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol.
Tuy nhiên, nếu cơn đau đầu, chóng mặt trở nên nghiêm trọng hơn hoặc thuốc không mang lại hiệu quả rõ rệt, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được đưa ra các biện pháp điều trị hiệu quả.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, thay đổi lối sống và chế độ ăn uống khoa học là cần thiết để quản lý hiệu quả bệnh trào ngược dạ dày. Dưới đây là một số khuyến nghị giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của người bệnh:
- Chia các bữa ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ, điều này giúp giảm áp lực lên dạ dày và thực quản.
- Duy trì thói quen ăn uống đều đặn, không bỏ bữa và tránh ăn quá no hay quá đói. Ăn chậm và nhai kỹ để thức ăn được tiêu hóa tốt hơn.
- Đi bộ nhẹ nhàng sau bữa ăn để thúc đẩy tiêu hóa và tránh nằm ngay sau khi ăn.
- Hạn chế thực phẩm cay, nóng và các món chiên xào nhiều dầu mỡ.
- Bổ sung nhiều trái cây tươi, rau xanh và thực phẩm giàu chất xơ, đạm dễ tiêu như cá, thịt nạc, đậu đỗ.
- Không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác như caffeine.
- Tránh các loại thực phẩm có thể kích thích tăng tiết axit như đu đủ xanh, trái cây có múi, muối và chocolate.
- Sử dụng các loại thực phẩm có khả năng trung hòa axit trong dạ dày như dưa hấu, bột yến mạch, bánh mì và các loại đậu đỗ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.