Almagate là thuốc gì, chữa bệnh gì, cách sử dụng như thế nào... tất cả thông tin về thuốc Almagate sẽ được thông tin đầy đủ ngay sau đây cho người bệnh cũng như bác sĩ chỉ định điều trị.
1. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Almagate 500mg
Thuốc Almagate 500mg có tác dụng kháng acid và cải thiện các chứng bệnh ở đường tiêu hóa. Thuốc Almagate được chỉ định trong các trường hợp người bệnh điều trị các bệnh loét dạ dày, loét tá tràng, viêm dạ dày, các chứng bệnh do tăng tiết acid (ợ nóng, buồn nôn, nôn, đau dạ dày, chứng ợ), bệnh trào ngược thực quản.
Thuốc Almagate chống chỉ định với các trường hợp bệnh nhân sau:
- Người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc
- Người bệnh suy thận nặng (nguy cơ tăng magnesi huyết)
- Trẻ nhỏ (nguy cơ tăng magnesi huyết và nhiễm độc nhôm, đặc biệt ở trẻ bị mất nước hoặc trẻ bị suy thận)
- Người bệnh bị giảm phosphat máu
2. Liều dùng và cách dùng thuốc Almagate 500
Người lớn: uống 1g- 1,5g / lần x 3-4 lần/ ngày, uống sau ăn 1 – 2 giờ và trước khi đi ngủ.
Trẻ em (6 – 12 tuổi): Dùng liều bằng nửa liều dành cho người lớn
Với trẻ dưới 6 tuổi vẫn chưa có nghiên cứu và chứng minh liều dùng phù hợp. Cha mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ điều trị khi cho trẻ sử dụng Almagate.
Đối với người bị loét dạ dày nặng có thể tham khảo liều: 1 gói x 4 lần/ngày.
Liều lượng thuốc Almagate nói trên là liều tham khảo, tùy vào độ tuổi và triệu chứng bệnh của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ có điều chỉnh kê liều thuốc phù hợp, cụ thể.
Người bệnh được kê thuốc Almagate cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và hỏi rõ bác sĩ về những điều chưa rõ trước khi sử dụng thuốc. Sau 2 tuần uống thuốc Almagate mà không có hiệu quả tiến triển, cần báo ngay với bác sĩ điều trị để có định hướng điều trị phù hợp. Nếu triệu chứng không cải thiện sau 2 tuần dùng thuốc Almagate, người bệnh nên tái khám.
3. Đối tượng cần thận trọng khi sử dụng thuốc Almagate
Đối tượng cần thận trọng khi sử dụng thuốc Almagate có thể kể đến như:
- Bệnh nhân suy thận được kê Almagate cần tránh kê và sử dụng liều cao và lâu dài
- Với người bệnh suy thận nặng đã gặp tăng magnesi huyết (gây hạ huyết áp, suy giảm tâm thần, hôn mê). Do đó, không nên dùng magnesi antacid cho người suy thận.
- Người bệnh có suy tim sung huyết, suy thận, phù, xơ gan và chế độ ăn ít natri và với người mới bị chảy máu đường tiêu hóa.
- Người bệnh là người cao tuổi do bệnh tật hoặc do điều trị thuốc có thể bị táo bón và phân rắn. Cần chú ý tương tác thuốc với các đối tượng này.
- Khuyến nghị người bệnh chạy thận nhân tạo nên kiểm tra định kỳ hàng tháng hoặc 2 tháng 1 lần nồng độ phosphat trong huyết thanh khi phải dùng lâu dài thuốc kháng acid chứa nhôm.
- Các trường hợp người bệnh đặc biệt là phụ nữ có thai, đang cho con bú khi được chỉ định thuốc Almagate cần thông báo cho bác sĩ điều trị trước khi sử dụng thuốc.
4. Tác dụng phụ của thuốc Almagate 500
Thuốc Almagate có thể gây một số tác dụng phụ ở đường tiêu hóa như táo bón hoặc tiêu chảy là phổ biến. Khi có bất cứ các tác dụng phụ nghiêm trọng nào khác, người bệnh cần ngừng thuốc và báo ngay với bác sĩ điều trị để được tư vấn xử trí kịp thời.
5. Xử trí khi quá liều, quên liều Almagate
Trường hợp sử dụng quá liều thuốc Almagate, người bệnh cần báo ngay với cơ sở y tế gần nhất, dừng uống thuốc và khai báo tất cả các đơn thuốc đang sử dụng với bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Trường hợp người bệnh quá liều bị mẫn cảm nặng hoặc có phản ứng dị ứng, cần tiến hành điều trị hỗ trợ bằng cách giữ thoáng khí và dùng epinephrin, thở oxygen, dùng kháng histamin, corticoid... cho người bệnh, Tùy vào tình trạng, bác sĩ sẽ xử trí phù hợp cho người bệnh.
Nếu bạn quên uống một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống Almagate liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Người bệnh tuyệt đối không uống gấp đôi liều đã quy định.
Với thông tin cơ bản đầy đủ ở trên về thuốc Almagate 500, chắc chắn người bệnh cũng như bác sĩ đã có những hiểu biết trong quá trình sử dụng thuốc, kê thuốc an toàn và hiệu quả. Thuốc Almagate 500 được bán tại các hiệu thuốc trên toàn quốc, chúc quý vị sớm điều trị khỏi bệnh khi có hiểu biết về thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.