Trám răng không chỉ là một phương pháp hữu ích trong việc điều trị tình trạng sâu răng, răng bị mẻ mà còn có tính cải thiện thẩm mỹ tốt cho những hàm răng bị thưa. Đây là một kỹ thuật nha khoa khá đơn giản nhưng cũng có thể gặp phải một số vấn đề nên khiến cho nhiều người lo lắng không biết răng trám răng bị vỡ như thế nào, có đau không?
1. Tìm hiểu về trám răng
Trám răng hay còn gọi là hàn răng, một kỹ thuật nha khoa sử dụng các vật liệu nhân tạo để bổ sung vào phần mô răng bị thiếu. Sau khi trám xong thì răng sẽ được cải thiện cả chức năng nhai và tính thẩm mỹ.
Trám răng thường được sử dụng cho những trường hợp sau:
- Răng bị sâu
Sâu răng là tình trạng khiến cho răng bị thủng thành lỗ. Nguyên nhân là do vi khuẩn tích tụ lại khi bạn ăn những loại thực phẩm có chứa đường và không chăm sóc răng đúng cách. Nếu không được điều trị kịp thời thì những lỗ hổng này sẽ lớn dần lên, dẫn đến tình trạng đau răng nghiêm trọng, có thể bị nhiễm trùng và gây mất răng.
Chính vì vậy, khi răng có các lỗ hổng thì cần phải được trám lại, làm đầy lỗ hổng ở thân răng, giúp loại bỏ được các triệu chứng khó chịu và phục hồi lại tính thẩm mỹ cho răng.
- Răng bị vỡ
Bạn có thể sẽ gặp phải tình trạng răng bị vỡ hoặc nứt khi cắn phải thức ăn hoặc một vật gì quá mạnh, có tác động cơ học mạnh gây ảnh hưởng đến cấu trúc răng. Khi vết nứt được phát hiện sớm thì nha sĩ sẽ tiến hành kỹ thuật trám tương tự như khi điều trị răng sâu.
- Răng thưa
Nếu răng bạn bị thưa, đặc biệt là ở vị trí răng cửa gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ thì bạn có thể tìm đến phương pháp trám răng thẩm mỹ để tạo hình lại cho răng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ nên được thực hiện khi khoảng cách giữa hai răng nhỏ dưới 2mm.
2. Trám răng vỡ như thế nào?
Trong trường hợp khoảng cách giữa hai răng lớn hơn thì bác sĩ có thể khuyên bạn chuyển sang một số kỹ thuật khác như bọc răng sứ hoặc tiến hành niềng răng.
Phương pháp trám răng không phải là một phương pháp có tác dụng vĩnh viễn cả đời. Theo thời gian, phần trám sẽ bị mòn dần do hoạt động ăn nhai và từ từ bị bong tróc, thậm chí có thể bị rơi ra hoàn toàn. Chính vì vậy, bạn cần phải thực hiện lại quy trình trám răng.
Hiện nay có hai loại trám răng phổ biến nhất là trám răng trực tiếp và trám răng gián tiếp. Tùy thuộc vào từng kỹ thuật trám mà quy trình thực hiện sẽ khác nhau.
2.1. Quy trình trám răng trực tiếp
Trám răng trực tiếp là quá trình trám răng đơn giản và được áp dụng với nhiều tình trạng răng. Quy trình này thường chỉ cần thực hiện trong một buổi với các bước sau:
- Thăm khám và tư vấn: nha sĩ cần kiểm tra các vị trí cần nhám, xác định được kích thước và sau đó sẽ tư vấn cho bạn lựa chọn một số vật liệu nên dùng cho phần trám
- Gây tê và vệ sinh vị trí trám: nha sĩ sẽ gây tê cục bộ tại vị trí răng cần phải trám. Nếu răng bị sâu thì phần sâu sẽ được cạo sạch bằng dụng cụ chuyên dụng, đồng thời làm sạch các vụn thức ăn và phần cao răng.
- Tiến hành trám: nha sĩ tiến hành đổ vật liệu trám và lỗ sâu hoặc vị trí răng sâu được được làm sạch trước đó. Ban đầu, vật liệu trám sẽ ở dạng lỏng, sau khi chiếu laser vào khoảng 40 giây sẽ dần đông cứng lại thông qua phản ứng trùng hợp.
- Chỉnh sửa lại chỗ trám: điều chỉnh lại vết trám và loại bỏ đi các vật liệu trám còn dư thừa trên răng. Cuối cùng, phần trám sẽ được làm nhẵn lại vùng bề mặt và đánh bóng để không còn cảm giác cộm khó chịu.
Quy trình này thường diễn ra trong vòng 30 phút, tùy thuộc vào tình trạng răng và vật liệu dùng để trám.
2.2. Quy trình trám răng gián tiếp
Quy trình trám răng gián tiếp là một phương pháp hiện đại, giúp giảm kẽ hở giữa miếng trám và mô răng. Bước thăm khám và gây tê cũng được tiến hành tương tự giống với phương pháp trám trực tiếp. Điểm khác biệt là nha sĩ sẽ tiến hành lấy dấu hàm răng và làm thành miếng trám bên ngoài.
Lấy dấu hàm răng: sau khi răng đã được vệ sinh sạch sẽ thì nha sĩ sẽ tiến hành lấy dấu răng để có thể tạo hình miếng trám theo đúng hình dạng và kích thước của lỗ hổng. Thông thường, các cơ sở nha khoa sẽ hẹn bạn lại vào một ngày khác gần nhất để hoàn thành quy trình.
Gắn miếng trám lên răng: miếng trám sau khi được chế tác sẽ được gắn bằng xi măng chuyên dụng vừa khít với răng của bạn.
Quá trình thực hiện trám răng gián tiếp thường sẽ mất khoảng 2 lần hẹn gặp nha sĩ, mỗi lần tốn khoảng 45 phút.
3. Trám răng vỡ có bị đau không?
Đa số các trường hợp thực hiện trám răng đều sẽ diễn ra nhanh chóng và không hề gây ra tình trạng đau đớn cho người bệnh. Đặc biệt là khi răng bị vỡ chứ không phải là răng bị sâu nghiêm trọng.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình trạng răng bị tổn thương và cơ địa của riêng từng người, cùng với vật liệu trám mà cảm giác đau của mỗi người sẽ khác nhau.
Đối với một số trường hợp bị sâu răng nặng hoặc bị tủy răng bị viêm, trước khi tiến hành trám nha sĩ cần lấy tủy của bạn thì sẽ có cảm giác ê buốt và đau.
4. Một số vấn đề sau khi thực hiện trám răng bị vỡ
- Răng bị đau nhức và nhạy cảm
Sau khi hoàn tất quy trình trám răng thì răng có thể sẽ nhạy cảm hơn với không khí, nhiệt độ và thức ăn. Tuy nhiên, sau một vài tuần thì răng sẽ trở lại trạng thái bình thường và bạn sẽ không cần phải sử dụng đến thuốc giảm đau. Nếu bạn cảm thấy đau khi nhai cắn thức ăn thì có thể là do chỗ trám có vấn đề, cần phải thông báo đến bác sĩ ngay.
Ngoài ra, khi bạn cảm thấy đau răng khi hai răng chạm vào nhau thì có thể là do bạn đã trám răng nhiều lần hoặc miếng trạm bị cộm, khi đó cũng cần gặp bác sĩ để chỉnh sửa lại.
Đôi khi bạn cũng sẽ gặp phải cảm giác đau hoặc nhạy cảm với những chiếc răng xung quanh răng mới trám thì đây chỉ là tình trạng răng mới trám đang truyền tín hiệu đau cho các răng lân cận, các cơn đau sẽ hết sau khoảng 1 đến 2 tuần.
- Phản ứng với vật liệu trám
Sau khi được trám răng, một số người có thể sẽ gặp phải tình trạng bị dị ứng với vật liệu trám
Theo hiệp hội nha khoa Hoa kỳ, phản ứng dị ứng với trám bạc là một trường hợp hiếm gặp. Trong những trường hợp này thì thủy ngân hoặc một trong những kim loại ở hỗn hợp trám bạc chính là nguyên nhân gây ra tình trạng dị ứng. Nó cũng sẽ gây ra các triệu chứng giống với dị ứng da điển hình, gây ngứa, phát ban. Chính vì vậy, nếu bạn có tiền sử bị dị ứng với kim loại thì cần phải thông báo cho bác sĩ trước để có thể tìm được vật liệu trám phù hợp.
- Vết trám răng bị bong tróc
Sau những áp lực liên tục từ hoạt động ăn nhai hoặc nghiến răng thì có thể sẽ làm cho vật liệu trám bị sứt mẻ, mòn hoặc bong tróc. Chính vì vậy, bạn cần kiểm tra thường xuyên vết trám và tuân thủ lịch khám răng định kỳ.
Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp cho bạn có thêm được kiến thức để giải đáp được câu hỏi trám răng bị vỡ như thế nào, có đau không? Từ đó bạn nên lựa chọn những trung tâm nha khoa chất lượng, đội ngũ nha sĩ có tay nghề cao và trang thiết bị hiện đại để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.