Trầm cảm kháng điều trị là gì?

Đôi khi, cảm thấy buồn hoặc tuyệt vọng là một phần bình thường và tự nhiên của cuộc sống. Điều này có thể xảy ra với tất cả mọi người. Tuy nhiên, đối với những người bị trầm cảm, nhất là trầm cảm kháng trị, những cảm giác này có thể trở nên mãnh liệt và kéo dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe thực thể cũng như đời sống xã hội.

1. Trầm cảm kháng điều trị là gì?

Nếu đã được điều trị trầm cảm nhưng các triệu chứng vẫn không được cải thiện thì bệnh nhân có thể bị trầm cảm kháng trị.

Thông thường, việc dùng thuốc chống trầm cảm hoặc đi tư vấn tâm lý (liệu pháp tâm lý) sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng trầm cảm đối với hầu hết mọi người. Tuy vậy, với chứng trầm cảm kháng điều trị, các phương pháp điều trị tiêu chuẩn là không đủ. Những biện pháp điều trị trầm cảm thông thường này có thể không giúp ích nhiều hoặc các triệu chứng bệnh cải thiện ít nhưng lại tiếp tục tái phát.

Việc xác định trầm cảm kháng điều trị là một quá trình phức tạp và khó khăn. Bác sĩ tâm thần cần phải xem xét lại toàn bộ tiền sử bệnh của bệnh nhân và có thể:

  • Hỏi về các tình huống trong cuộc sống có thể góp phần làm cho chứng trầm cảm trở nên nặng nề hơn;
  • Xem xét phản ứng của người bệnh với điều trị, bao gồm thuốc, liệu pháp tâm lý hoặc các phương pháp điều trị khác đã thử;
  • Xem lại tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc không kê đơn và thực phẩm chức năng từ thảo dược;
  • Khai thác chính xác người bệnh có đúng đang dùng thuốc theo quy định hay không, có thực hiện theo các bước điều trị khác hay không;
  • Xem xét các tình trạng sức khỏe thể chất đôi khi có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh trầm cảm, chẳng hạn như rối loạn tuyến giáp, đau mãn tính hoặc các vấn đề về tim mạch, thần kinh;
  • Xem xét chẩn đoán về một tình trạng sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như rối loạn lưỡng cực, rối loạn nhịp tim hoặc rối loạn nhân cách... góp phần làm cho bệnh trầm cảm không thuyên giảm.

Các triệu chứng trầm cảm kháng điều trị có thể từ nhẹ đến nặng và có thể cần thực hiện một số nghiệm pháp, hệ thống để xác định.


Xác định trầm cảm kháng điều trị là một quá trình phức tạp và khó khăn
Xác định trầm cảm kháng điều trị là một quá trình phức tạp và khó khăn

2. Các chiến lược dùng thuốc đối với trầm cảm kháng điều trị

Nếu đã thử dùng thuốc chống trầm cảm mà không có tác dụng thì bạn cũng đừng mất hy vọng vì có thể bác sĩ chưa kê đúng liều lượng, loại thuốc hoặc sự kết hợp của các loại thuốc không phù hợp.

Một số chiến lược dùng thuốc đối với trầm cảm kháng điều trị có thể mang lại hiệu quả bao gồm:

  • Cho thuốc hiện tại thêm thời gian để đạt hiệu quả: Thuốc chống trầm cảm và các loại thuốc điều trị trầm cảm khác thường mất từ ​​4 đến 8 tuần để có hiệu quả hoàn toàn và các tác dụng phụ có thể thuyên giảm bớt. Tuy nhiên, đối với một số người, đôi khi còn mất nhiều thời gian hơn.
  • Tăng liều thuốc nếu được chỉ định: Bởi vì mỗi người bệnh có cách phản ứng với thuốc khác nhau nên có thể sẽ đạt tác dụng hiệu quả hơn từ liều lượng thuốc cao hơn mức thường đã từng được kê đơn. Tuy nhiên, cần tham vấn bác sĩ, đừng tự ý thay đổi liều lượng vì một số yếu tố liên quan đến việc xác định liều lượng thích hợp.
  • Chuyển đổi thuốc chống trầm cảm: Đối với một số người, loại thuốc chống trầm cảm đầu tiên được thử không hiệu quả thì có thể chuyển khác nhóm khác phù hợp với mình hơn.
  • Kết hợp thêm một loại thuốc chống trầm cảm khác: Bác sĩ có thể kê 2 loại thuốc chống trầm cảm khác nhau cùng 1 lúc, nhằm kiểm soát các chất hóa học trong não liên quan đến tâm trạng 1 cách tốt hơn. Những hóa chất này là chất dẫn truyền thần kinh bao gồm: Dopamine, serotonin và norepinephrine.
  • Thêm một loại thuốc điều trị tình trạng, bệnh lý đi kèm: Bác sĩ có thể kê 1 loại thuốc thường được chỉ định cho các vấn đề sức khỏe thể chất hoặc tâm thần khác cùng với thuốc chống trầm cảm mà người bệnh đang dùng. Các lựa chọn này có thể bao gồm: Thuốc chống loạn thần, ổn định tâm trạng, thuốc chống lo âu, hormone tuyến giáp.

3. Tham khảo các liệu pháp tư vấn tâm lý để điều trị trầm cảm

Tư vấn tâm lý hay liệu pháp tâm lý được thực hiện bởi bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể rất hiệu quả đối với chứng trầm cảm kháng điều trị. Đối với nhiều người, liệu pháp tâm lý kết hợp với thuốc có thể đem lại tác dụng tốt.

Thực tế thì biện pháp không dùng thuốc này có thể giúp xác định những lo lắng tiềm ẩn làm tăng thêm triệu chứng trầm cảm của người bệnh. Khi làm việc với bác sĩ trị liệu, người bệnh cũng có thể tìm hiểu các hành vi và kế hoạch cụ thể để vượt qua chứng trầm cảm của mình.

Một số liệu pháp tâm lý có thể giúp người bệnh trầm cảm kháng điều trị bao gồm:

  • Tìm cách tốt hơn để đối phó với những thử thách trong cuộc sống;
  • Đối phó với tổn thương tình cảm trong quá khứ;
  • Quản lý các mối quan hệ theo cách lành mạnh hơn;
  • Học cách giảm thiểu tác động của căng thẳng trong cuộc sống;
  • Giải quyết các vấn đề sử dụng chất kích thích.

Trong trường hợp việc tư vấn chưa đem lại tính hữu ích như mong muốn thì hãy kiên nhẫn tiếp tục với các liệu pháp tâm lý cho bệnh trầm cảm cao cấp hơn, có thể bao gồm:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi, giúp người bệnh tự xác định và thay đổi các kiểu suy nghĩ sai lệch hoặc tiêu cực, đồng thời hướng dẫn các kỹ năng để ứng phó với những thách thức trong cuộc sống theo hướng tích cực.
  • Liệu pháp chấp nhận và cam kết, giúp bệnh nhân vẫn thực hiện được các hành vi tích cực, ngay cả khi có những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực.
  • Liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân, tập trung vào việc giải quyết các vấn đề về mối quan hệ.
  • Liệu pháp gia đình hoặc hôn nhân, giải quyết các vấn đề liên quan đến các thành viên trong gia đình, đôi khi cần cả vợ/ chồng hoặc bạn đời cùng tham gia tư vấn.
  • Liệu pháp hành vi biện chứng, giúp xây dựng chiến lược chấp nhận và kỹ năng giải quyết vấn đề.
  • Liệu pháp kích hoạt hành vi, giúp người bệnh giảm dần sự tránh né và tự cô lập, tăng cường sự tham gia vào các hoạt động yêu thích, cải thiện tâm trạng.

Một số chiến lược dùng thuốc đối với trầm cảm kháng điều trị có thể mang lại hiệu quả
Một số chiến lược dùng thuốc đối với trầm cảm kháng điều trị có thể mang lại hiệu quả

4. Các biện pháp xâm lấn trong trầm cảm kháng điều trị

Nếu thuốc và liệu pháp tâm lý không hiệu quả thì bác sĩ tâm thần có thể trao đổi với người bệnh và gia đình về các lựa chọn điều trị bằng biện pháp xâm lấn:

  • Kích thích từ xuyên sọ lặp đi lặp lại: Sử dụng từ trường để kích thích các tế bào thần kinh trong não để cải thiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
  • Tiêm ketamine qua đường tiêm tĩnh mạch: Dùng liều thấp vừa đủ để giảm nhanh các triệu chứng trầm cảm khó điều trị và duy trì được các tác dụng kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.
  • Liệu pháp co giật điện: Trong khi đang ngủ, một dòng điện được đo cẩn thận cường độ sẽ truyền qua não, cố ý gây ra một cơn co giật ngắn, nhỏ để thay đổi các chất hóa học trong não, giúp đảo ngược nhanh chóng các triệu chứng của bệnh trầm cảm nặng.
  • Kích thích thần kinh phế vị: Sử dụng một thiết bị được cấy vào ngực được kết nối bằng một sợi dây với dây thần kinh phế vị, truyền tín hiệu đến các trung tâm kiểm soát tâm trạng của não, có thể cải thiện các triệu chứng trầm cảm.

5. Các điều kiện hỗ trợ để tối ưu biện pháp điều trị trầm cảm

5.1 Tuân thủ nghiêm túc kế hoạch điều trị

  • Dùng đúng thuốc về liều lượng và thời điểm trong ngày. Đừng bỏ qua các cuộc hẹn tái khám hay các buổi tư vấn trị liệu ngay cả khi đã cảm thấy khỏe.
  • Nếu tự ý không tuân thủ, các triệu chứng trầm cảm có thể quay trở lại và người bệnh có thể gặp dấu hiệu giống như cai nghiện.
  • Trong trường hợp các tác dụng phụ hoặc chi phí thuốc là một vấn đề hạn chế, hãy trao đổi với bác sĩ để có một lựa chọn tốt hơn.

5.2 Ngừng uống rượu hoặc sử dụng thuốc kích thích

Nhiều người bị trầm cảm uống quá nhiều rượu hoặc sử dụng thuốc kích thích, cần sa. Về lâu dài, rượu và ma túy làm bệnh lý trầm cảm nặng nề thêm và khó điều trị hơn.

Nếu không thể tự mình ngừng uống rượu hoặc sử dụng ma túy, hãy tham vấn với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần. Điều trị trầm cảm khó đạt được thành công cho đến khi cai nghiện được chất kích thích.

5.3 Quản lý căng thẳng

Các vấn đề về quan hệ, tài chính, cuộc sống, công việc không hạnh phúc và nhiều vấn đề khác đều có thể góp phần gây ra căng thẳng, từ đó làm trầm trọng thêm trầm cảm.

Hãy thử các kỹ thuật giảm căng thẳng như yoga, thái cực quyền, thiền, chánh niệm, thư giãn cơ bắp hoặc viết nhật ký để ghi ra những suy nghĩ trong đầu để cảm nhận mọi thứ nhẹ nhàng hơn.

5.4 Ngủ ngon

Ngủ không ngon giấc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng trầm cảm. Cả lượng thời gian và mức độ ngủ ngon đều có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, mức năng lượng, khả năng tập trung và khả năng phục hồi căng thẳng.

Nếu cảm giác khó ngủ, hãy nghiên cứu các cách để cải thiện thói quen ngủ hoặc hỏi bác sĩ, chuyên gia sức khỏe tâm thần để được tư vấn.

5.5 Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng. Ngay cả hoạt động thể chất như làm vườn hoặc đi bộ cũng có thể làm giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ và giảm bớt các triệu chứng trầm cảm.

Tóm lại, mắc phải chứng trầm cảm kháng trị là một sự thống khổ của người bệnh, đôi khi ảnh hưởng cả người thân và gia đình xung quanh. Lúc này, việc điều trị trầm cảm có thể khó khăn nhưng không phải là không thể. Đừng lãng phí thời gian với các phương pháp chỉ có hiệu quả một phần hoặc các phương pháp có hiệu quả nhưng gây ra các tác dụng phụ không thể dung nạp được. Một sự phối hợp toàn diện về mọi mặt, giữa người bệnh, bác sĩ và xã hội, sẽ giúp tình trạng trầm cảm kháng điều trị có cơ hội cải thiện một cách bền vững hơn.


Tham khảo các liệu pháp tư vấn tâm lý đối với bệnh nhân trầm cảm kháng điều trị
Tham khảo các liệu pháp tư vấn tâm lý đối với bệnh nhân trầm cảm kháng điều trị

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe