Ung thư vú có thể được điều trị bằng rất nhiều biện pháp, trong đó có xạ trị. Tuỳ thuộc vào loại và giai đoạn của ung thư, xạ trị có thể được sử dụng độc lập hoặc đi kèm với nhiều biện pháp khác. Có nhiều loại liệu pháp xạ trị cho ung thư vú và các lịch trình điều trị xạ trị khác nhau. Việc tìm hiểu về phương pháp điều trị này có thể đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân sau này.
Xạ trị ung thư vú là gì?
Theo Viện Ung thư Quốc gia (National Cancer Institute), liệu pháp xạ trị là biện pháp sử dụng tia hoặc hạt năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư, bao gồm cả ung thư vú.
Xạ trị tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, trong đó có ung thư vú. Nó cũng ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh lân cận, nhưng các tế bào khỏe mạnh thường phục hồi sau khi kết thúc quá trình điều trị. Các bác sĩ có thể bảo vệ tế bào khỏe mạnh bằng cách:
- Sử dụng liều xạ thấp nhất có thể
- Chia nhỏ quá trình điều trị theo thời gian
- Chỉ nhắm tia xạ vào bộ phận cụ thể của bệnh nhân
Khi nào thì bệnh nhân ung thư vú nên sử dụng xạ trị?
Liệu pháp xạ trị có thể được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau để điều trị ung thư vú. Nó có thể được sử dụng khi:
- Sau phẫu thuật bảo tồn tuyến vú, để giảm nguy cơ tái phát của bệnh nhân
- Sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú, đặc biệt nếu:
- Khối u lớn hơn 5 cm
- Có ung thư trong các hạch bạch huyết của bạn
- Rìa khối u dương tính
- Làm giảm các triệu chứng nếu ung thư vú lan sang các khu vực khác của cơ thể, chẳng hạn như xương hoặc não
Tùy thuộc vào loại ung thư vú và giai đoạn ung thư, xạ trị có thể được kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư khác như phẫu thuật và hóa trị.
Những loại xạ trị nào được sử dụng để điều trị ung thư vú?
Hai loại xạ trị chính được sử dụng là xạ trị ngoài và xạ trị trong. Một số người có thể nhận cả hai phương pháp điều trị để chữa ung thư vú.
Xạ trị ngoài
Xạ trị ngoài là loại xạ trị phổ biến nhất để điều trị ung thư vú.
Trong quá trình điều trị này, một máy lớn sẽ phát ra các chùm tia xạ đến khu vực vú bị ung thư vú.
Các tia này được nhắm trực tiếp vào vị trí khối u của bệnh nhân. Khi máy di chuyển quanh cơ thể, nó sẽ phát tia xạ đến khối u từ nhiều hướng khác nhau.
Xạ trị trong
Xạ trị trong liên quan đến việc đưa một nguồn phóng xạ vào trong cơ thể bệnh nhân. Loại xạ trị này còn được gọi là xạ trị áp sát (brachytherapy) và thường được sử dụng để điều trị ung thư vú.
Để thực hiện điều trị này, các chuyên gia y tế sẽ tạm thời đặt một thiết bị có chứa hạt hoặc viên phóng xạ vào mô vú tại khu vực từng có khối u. Để điều trị ung thư vú, xạ trị trong thường được thực hiện qua một hoặc nhiều ống thông (ống nhỏ).
Một số yếu tố như kích thước và vị trí của khối u có thể giới hạn đối tượng có thể nhận loại xạ trị này trong điều trị ung thư vú.
Xạ trị trong thường mang lại hiệu quả khi:
- Ung thư vú đang ở các giai đoạn đầu
- Ung thư chỉ có ở một vị trí trong vú
- Bệnh nhân đã phẫu thuật bảo tồn vú
Tác dụng phụ của xạ trị cho ung thư vú là gì?
Các tác dụng phụ phổ biến của xạ trị ngoài cho ung thư vú bao gồm:
- Kích ứng da (tương tự như cháy nắng) ở khu vực điều trị
- Da khô, ngứa, nhạy cảm
- Mệt mỏi
- Sưng hoặc cảm giác nặng nề ở ngực
Những thay đổi về da và mô vú do xạ trị trong điều trị ung thư vú thường biến mất trong vòng vài tháng đến một năm.
Rụng tóc do xạ trị thường chỉ xảy ra ở những khu vực được chiếu xạ. Nếu bạn nhận xạ trị ngoài cho vùng vú, bạn sẽ không bị rụng tóc. Tuy nhiên, bạn có thể mất tóc ở vùng dưới cánh tay, tùy thuộc vào khu vực được chiếu xạ.
Xạ trị ngoài cũng có thể gây ra các tác dụng phụ lâu dài trong điều trị ung thư vú, như:
- Khiến ngực nhỏ và cứng hơn
- Cản trở việc cho con bú
- Ảnh hưởng đến các lựa chọn tái tạo vú
- Ảnh hưởng đến dây thần kinh ở cánh tay
Xạ trị trong thường có ít tác dụng phụ hơn so với xạ trị ngoài. Các tác dụng phụ phổ biến nhất khi điều trị ung thư vú bao gồm:
- Ửng đỏ hoặc thay đổi màu da và bầm tím
- Đau ngực
- Nhiễm trùng
- Tổn thương mô mỡ
- Ủ dịch
- Yếu và gãy xương sườn (trường hợp hiếm hoi)
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline