Viêm thực quản trào ngược thường xuất hiện ở những bệnh nhân bị trào ngược thực quản kéo dài hoặc tái phát nhiều lần nhưng không điều trị dứt điểm. Nếu không được can thiệp kịp thời, người bệnh có thể tăng nguy cơ hẹp thực quản và trong một số ít trường hợp, có thể phát triển thành ung thư thực quản.
Bài viết được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Trào ngược axit và trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là gì?
Trào ngược axit là tình trạng các chất từ dạ dày di chuyển lên thực quản, còn được biết đến như viêm thực quản trào ngược hay trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Các tác nhân gây bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng và nhóm tuổi. Tuy nhiên, viêm thực quản trào ngược thường thấy xuất hiện ở nhóm người sau đây:
- Nam giới
- Những người hút thuốc lá
- Phụ nữ đang mang thai
- Người béo phì, thừa cân
Nếu gặp các triệu chứng của trào ngược axit hai lần trở lên mỗi tuần, có thể người bệnh đang mắc trào ngược dạ dày thực quản.
Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường và Tiêu hóa và Bệnh thận (NIDDK), GERD ảnh hưởng đến khoảng 20% dân số Hoa Kỳ. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
2. Các triệu chứng của GERD
Trong trường hợp viêm thực quản trào ngược, người bệnh thường có cảm giác nóng rát khó chịu từ ngực lan dần lên cổ, hay còn được biết đến phổ biến là ợ chua.
Những người mắc trào ngược axit có thể cảm nhận vị chua hoặc đắng phía sau miệng. Ngoài ra, bệnh lý này cũng có thể xuất hiện tình trạng trào ngược thức ăn hoặc chất lỏng từ dạ dày lên miệng.
Trong một số trường hợp, GERD có thể gây khó chịu khi nuốt. Một số trường hợp hiếm gặp có thể gây ra các vấn đề về hô hấp như ho mãn tính hoặc hen suyễn.
Ngoài các dấu hiệu trên, cũng có những dấu hiệu khác của viêm thực quản trào ngược có thể xuất hiện bao gồm:
- Gặp khó khăn khi nuốt, tình trạng này thường xảy ra khi viêm thực quản trào ngược đạt mức độ từ B trở lên, có nguy cơ gây ra chứng hẹp thực quản.
- Cảm giác có u trong cổ họng.
- Sự tăng tiết nước bọt.
- Đau ngực.
- Các cơn ho khan kéo dài.
3. Mức độ tổn thương của thực quản
3.1 Trào ngược thực quản không viêm (NERD)
Trong phân loại các mức độ của bệnh trào ngược thực quản, trào ngược thực quản không viêm (NERD) được xem là nhẹ nhất với mức độ trào ngược của axit dạ dày thường không nhiều và diễn ra trong thời gian ngắn.
Do đó, bệnh không gây tổn thương đáng kể cho niêm mạc thực quản. Các dấu hiệu viêm tại thực quản ở mức độ này thường chưa rõ ràng, người bệnh thường có thể kiểm soát và điều trị bệnh hiệu quả ở giai đoạn này.
3.2 Trào ngược thực quản độ A
Viêm thực quản trào ngược độ A thường xảy ra khi bệnh nhân đã gặp phải các triệu chứng trào ngược axit từ dạ dày vào thực quản trong một khoảng thời gian. Dịch axit dạ dày gây tổn thương cho niêm mạc thực quản, tạo ra một hoặc nhiều vết viêm nhỏ, các vết xước có đường kính dưới 5mm và các vết xước riêng lẻ.
3.3 Trào ngược thực quản độ B
Ở mức độ này, niêm mạc thực quản bị tổn thương với các vết xước có kích thước lớn hơn 5mm và các vết xước riêng lẻ. Bệnh nhân thường có thể cảm nhận được rõ ràng các triệu chứng của bệnh, đôi khi ảnh hưởng đến quá trình nuốt thức ăn do niêm mạc thực quản bị sưng phù.
3.4 Trào ngược thực quản độ C
Mức độ C của bệnh thường đi kèm với nguy cơ phát triển bệnh Barrett - một loại tổn thương tiền ung thư thực quản. Tại mức độ này, niêm mạc thực quản đã bị tổn thương với các vết xước chiếm dưới 75% chu vi thực quản, tình trạng này khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
3.5 Trào ngược thực quản độ D
Đây là mức độ nặng nhất của bệnh, niêm mạc ở mức độ D thường bị xước nặng hơn 75% chu vi thực quản. Nguy cơ hẹp thực quản và phát triển ung thư thực quản ở mức độ này là rất cao.
Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh tại mức độ này thường ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bao gồm buồn nôn, nôn mửa, đau ở vùng xương ức, khó khăn khi nuốt, đau khi nuốt và cảm giác vướng khi nuốt.
4. Nguyên nhân viêm thực quản trào ngược
Cơ vòng thực quản dưới (LES) là một phần cơ tròn nằm ở phần cuối của thực quản. Khi hoạt động bình thường, cơ quan này mở ra cho thức ăn đi qua thực quản sau đó thắt chặt lại.
Tình trạng trào ngược axit xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới của người bệnh không hoạt động đúng cách, điển hình như việc không thắt chặt hoặc không đóng lại đúng lúc. Kết quả là dịch tiêu hóa và các chất từ dạ dày có thể trào ngược lên thực quản.
Các yếu tố thường gặp nhất đã được xác định làm tăng nguy cơ phát triển bệnh bao gồm:
- Thoát vị hoành.
- Béo phì và thừa cân.
- Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với hút thuốc lá thụ động.
Các nguyên nhân khác có thể dẫn đến viêm thực quản trào ngược:
- Dị ứng thực phẩm gây tăng bạch cầu ái toan.
- Tác dụng phụ từ các loại thuốc giảm đau và kháng viêm.
- Trào ngược dịch mật.
Ngoài ra, một số yếu tố rủi ro khác cũng có khả năng gây ra tình trạng trào ngược thực quản bao gồm:
- Thói quen ăn uống giàu dầu mỡ, rượu bia, đồ chua, việc nằm ngay sau khi ăn, ít vận động, và tăng cân nhanh chóng.
- Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong giai đoạn cuối thai kỳ do áp lực tăng lên trên ổ bụng.
- Người mắc các bệnh lý như liệt dạ dày hoặc các bệnh lý liên quan đến mô, chẳng hạn như xơ cứng bì.
5. Chẩn đoán GERD
Nếu bác sĩ có nghi ngờ về việc người bệnh mắc bệnh GERD, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe và thăm dò về bất kỳ triệu chứng nào người bệnh đang gặp phải. Bác sĩ có thể sử dụng một hoặc nhiều phương pháp khác nhau để chẩn đoán hoặc kiểm tra các biến chứng của viêm thực quản trào ngược:
- Chụp X quang thực quản với dung dịch Baryt: Người bệnh sẽ được yêu cầu uống dung dịch Baryt trước khi thực hiện chụp X quang để kiểm tra lối đi của đường tiêu hóa trên cơ thể.
- Nội soi tiêu hóa trên: Một ống mềm được trang bị camera nhỏ sẽ được đưa vào thực quản của người bệnh để kiểm tra và lấy mẫu mô (sinh thiết) nếu cần.
- Đo vận động thực quản bằng áp kế thực quản: Một ống mềm sẽ được đưa vào thực quản của người bệnh để đo sức mạnh của cơ thực quản.
- Theo dõi độ pH thực quản: Thiết bị ghi hình sẽ được đưa vào thực quản để theo dõi mức độ axit dạ dày xâm nhập vào thực quản và xác định thời điểm xảy ra.
6. Điều trị viêm thực quản trào ngược
Các phương pháp điều trị thường ưu tiên việc sử dụng thuốc kết hợp với điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và lối sống dựa trên tình trạng sức khỏe, mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đồng thời, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc cụ thể và lên kế hoạch tái khám phù hợp.
Thông thường, việc sử dụng thuốc ức chế bơm proton là lựa chọn hàng đầu để giúp giảm axit dạ dày từ đó hạn chế tình trạng trào ngược thực quản.
Trong quá trình điều trị thì việc làm thuyên giảm các triệu chứng viêm được ưu tiên lên hàng đầu. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần phải tuân theo những hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc và các lưu ý trong chế độ dinh dưỡng.
Một số lưu ý quan trọng trong khi điều trị bao gồm việc giảm cân (đối với người thừa cân), duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và đặc biệt là tránh các thực phẩm kích thích như rượu, cafein và thực phẩm cay nóng.
Đối với các trường hợp nghiêm trọng hơn hoặc có biến chứng, bác sĩ sẽ xem xét các phương pháp can thiệp ngoại khoa phù hợp dựa trên tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
7. Ảnh hưởng của thực phẩm đối với GERD
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ít nhất 4 trong số 10 người ở Hoa Kỳ gặp phải triệu chứng ợ nóng một hoặc nhiều lần trong tuần, trình trạng này có thể là dấu hiệu của GERD. Ngay cả khi không có triệu chứng rõ ràng, có thể người bệnh cũng mắc phải GERD thầm lặng, một dạng của bệnh thực quản không có triệu chứng.
Dù có hay không có triệu chứng, bác sĩ đều có thể đề xuất các biện pháp điều trị lối sống thay vì sử dụng thuốc để cải thiện sức khỏe của thực quản bao gồm việc tránh một số loại thực phẩm có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng.
Đối với một số người, triệu chứng ợ chua có thể được kích hoạt bởi một số loại thực phẩm. Bên cạnh đó, một số chất có thể kích thích thực quản hoặc làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới ví dụ như cà phê, soda và trà, sô cô la, trái cây cam quýt, tỏi, thực phẩm giàu chất béo, hành, bạc hà và các món ăn cay.
Nếu bị viêm thực quản trào ngược, người bệnh hãy thử hạn chế uống cả cà phê và trà, sau đó theo dõi liệu các triệu chứng có cải thiện không vì điều này có thể làm giãn cơ vòng thực quản dưới.
Tuy nhiên, không phải tất cả các thực phẩm và đồ uống đều ảnh hưởng đến mọi người theo cách tương tự. Việc ghi nhật ký thực phẩm có thể giúp người bệnh xác định những thực phẩm nào làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược và những thực phẩm nào không.
8. Cách phòng ngừa thực quản trào ngược
Vì tỷ lệ tái phát của bệnh viêm thực quản trào ngược là trên 70%, nên việc phòng tránh và duy trì sức khỏe tiêu hóa là ưu tiên hàng đầu với những người đã từng mắc bệnh. Người bệnh cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Chế độ dinh dưỡng khoa học và lối sống lành mạnh là yếu tố chính trong phòng ngừa bệnh. Việc ăn uống không khoa học như ăn nhiều thực phẩm dầu mỡ, chất kích thích dạ dày, thừa cân béo phì và thiếu vận động có thể tạo điều kiện cho bệnh phát triển.
- Cần lưu ý đặc biệt đến các thực phẩm gây kích thích trào ngược. Mỗi người có thể phản ứng khác nhau với các loại thực phẩm khác nhau. Do đó, người bệnh cần tránh kiêng quá mức không cần thiết và điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp với cơ địa của bản thân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.