Tổng quan về bệnh phù do xơ gan

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ. BSCK II Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Xơ gan là tình trạng các tế bào, các mô gan bị xơ hóa không còn bài tiết ra các loại hormone điều hòa cơ thể. Xơ gan làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa, gây nên nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm, trong số đó có phù do xơ gan.

1. Hiện tượng phù là gì?

Phù là triệu chứng xuất hiện khi dịch trong lòng mạch vì một nguyên nhân hoặc cơ chế bất thường nào đó mà thoát ra ngoài, ứ lại các mô xung quanh và gây phù nề.

Các vị trí hay gặp bệnh phù là 2 chi dưới (mu bàn chân, mắt cá chân, mặt trước cẳng chân), 2 chi trên, mi mắt hoặc phù toàn thân.

Bệnh phù có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau, thường gặp nhất là suy tim (đặc biệt là suy tim phải), suy thận, xơ gan, suy dinh dưỡng hoặc các bệnh lý của hệ tĩnh mạch...


Bệnh phù là biểu hiện của bệnh xơ gan
Bệnh phù là biểu hiện của bệnh xơ gan

2. Cơ chế gây phù do xơ gan

2.1 Cơ chế chính

2.1.1 Tăng áp tĩnh mạch cửa

Khi các tế bào gan bị xơ hóa, hình thành sẹo và mất chức năng bình thường, làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Khi đó, áp lực từ các tĩnh mạch của ruột non, tĩnh mạch lách cũng tăng dần do đây là các tĩnh mạch đổ về tĩnh mạch cửa. Hậu quả là xuất hiện tình trạng cổ trướng (phù trong ổ bụng), các tĩnh mạch nổi rõ dưới da và phù 2 chi dưới.

2.1.2 Do giảm áp lực keo huyết tương

Gan là nơi tổng hợp nhiều loại protein quan trọng cho cơ thể, trong số đó có Albumin. Đây là chất giúp hình thành áp lực keo, có chức năng chính là giữ nước lại trong lòng mạch. Khi chức năng gan suy giảm do xơ hóa kéo theo hiện tượng giảm tổng hợp albumin, giảm áp lực keo và nước trong lòng mạch dễ dàng thoát ra ngoài gây nên triệu chứng phù do xơ gan.

2.2 Cơ chế phụ

Bệnh lý xơ gan sẽ gây ra hiện tượng giãn mạch tạng và các động mạch ngoại biên, giảm máu nuôi đến các cơ quan trong đó có thận. Qua đó kích hoạt hệ thống RAA (Renin-Angiotensin-Aldosteron); làm tăng tái hấp thu muối và nước tại các ống thận, tăng thể tích dịch trong lòng mạch và gây phù, cổ trướng nhiều hơn.

Gan còn là nơi đào thải, giáng hóa nhiều loại hormon, trong đó có Aldosteron. Việc dư thừa loại chất này vô tình làm quá trình tái hấp thu muối nước tăng lên và góp phần ứ dịch trong cơ thể, kết hợp với các cơ chế khác khiến phù do xơ gan càng trầm trọng hơn.


Bệnh lý xơ gan khiến tình trạng phù càng trở nên nghiêm trọng
Bệnh lý xơ gan khiến tình trạng phù càng trở nên nghiêm trọng

3. Nhận biết phù do xơ gan

Phù do xơ gan là phù mềm, ấn lõm (khi ấn vào thì để lại về lõm và 1-2 phút sau da mới căng trở lại), ấn vào có máu trắng, không cảm giác đau khi ấn.

Khởi phát của phù thường là 2 chân, hay gặp ở các vị trí sát xương như mắt cá chân, mặt trước cẳng chân. Giai đoạn cuối có thể phù toàn thân, phù ổ bụng hình thành nên cổ trướng rất đặc hiệu ở bệnh nhân xơ gan.

Ngoài phù, bệnh nhân xơ gan còn kèm theo các triệu chứng khác nhau như: Vàng da, vàng mắt, tuần hoàn bàng hệ, trĩ, xuất huyết tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch thực quản...


Vàng da là triệu chứng thường gặp của xơ gan
Vàng da là triệu chứng thường gặp của xơ gan

4. Cần làm gì để giảm phù do xơ gan?

Xơ gan là một bệnh lý nặng, việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. Việc điều trị triệt để xơ gan hiện nay bao gồm: Ghép gannuôi cấy tế bào gốc.

Một số biện pháp giúp bệnh nhân dễ chịu hơn khi bị phù do xơ gan:

  • Khẩu phần ăn hạn chế muối: Ăn lạt, hạn chế các loại thức ăn quá mặn như đồ hộp, đồ chế biến sẵn hoặc sử dụng nhiều gia vị khi nêm nếm.
  • Cân bằng lượng nước xuất nhập: Dựa vào lượng nước tiểu và lượng nước mất không nhìn thấy được (khoảng 500ml mỗi ngày) để duy trì lượng nước uống vào, không uống nước quá nhiều cũng như quá ít.
  • Kê cao chân khi nằm, khi ngủ để tăng cường lượng máu tĩnh mạch đổ về tim, tránh ứ máu quá lâu gây nên phù.
  • Tập luyện thể dục vừa phải, tăng cường lưu thông tuần hoàn trong cơ thể.
  • Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu một chỗ.
  • Hạn chế sử dụng một số loại thuốc gây ứ dịch như kháng viêm corticoid, một số loại giảm đau không steroid...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe