Phù do suy tim là một triệu chứng phổ biến ở những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, khi tim đã mất dần khả năng co bóp và tống máu bình thường.
1. Cơ chế bệnh phù do suy tim
Phù do suy tim là một triệu chứng rất hay gặp, đặc biệt ở những bệnh nhân suy tim phải và suy tim toàn bộ. Bệnh phù do suy tim có 2 cơ chế chính gây ra.
1.1. Cơ chế phù trong suy tim liên quan đến sự suy giảm khả năng bơm và hút máu
Khi bị suy tim, tim sẽ co bóp kém đi khiến một hoặc cả hai tâm thất giảm khả năng bơm máu. Đồng thời, khả năng hút máu từ các cơ quan trở về tim cũng giảm. Khi đó máu ứ đọng tại các tĩnh mạch ngoại biên và dịch thoát ra các mô xung quanh gây phù nề.
Tình trạng này biểu hiện rõ nhất ở cẳng chân, bàn chân và mắt cá chân. Bên cạnh đó, tình trạng phù do suy tim cũng có thể xuất hiện ở bụng hoặc phổi, do đó người bệnh thường thấy khó thở.
1.2. Cơ chế phù trong suy tim do thận giảm khả năng đào thải
Tim hoạt động kém hiệu quả khiến cho lượng máu giàu oxy cung cấp, nuôi dưỡng các cơ quan không đủ, trong đó bao gồm cả thận. Tình trạng này kéo dài gây tổn thương cho thận, khiến thận giảm khả năng đào thải dịch và các chất độc dư thừa ra khỏi cơ thể. Đây cũng là yếu tố góp phần gây phù trong suy tim, khiến người bệnh tăng cân.
2. Phân biệt phù do suy tim và phù do các bệnh lý khác
- Đặc điểm phù do suy tim tương đối điển hình, tính chất phù là phù mềm, trắng, ấn lõm và không đau.
- Khởi đầu bệnh phù thường là phù ở 2 chi dưới, phù không rõ ràng, hay gặp ở mắt cá chân 2 bên. Đôi khi người bệnh chỉ cảm thấy phù khi mang giày, dép do chật hơn bình thường.
- Triệu chứng phù do suy tim hay xuất hiện về chiều, khi người bệnh đứng lâu và sẽ giảm bớt khi nằm xuống nghỉ ngơi hoặc vào lúc sáng sớm khi người bệnh mới ngủ dậy.
- Khi suy tim nặng hơn, phù sẽ rõ ràng hơn, phù nhiều hơn, đôi khi phù toàn thân và xuất hiện suốt cả ngày, không giảm nếu không được điều trị.
- Bên cạnh đó, người bệnh suy tim ngoài triệu chứng phù còn gặp các triệu chứng điển hình khác của suy tim như khó thở khi nằm đầu thấp, khó thở khi gắng sức, giai đoạn muộn sẽ khó thở thường xuyên cả khi nghỉ ngơi. tĩnh mạch cổ nổi, mệt mỏi thường xuyên, ho khan...
3. Điều trị phù do suy tim như thế nào?
Phù do suy tim gây ra và ngược lại nó càng gây áp lực hơn cho tim, khiến tim phải hoạt động nhiều hơn và bệnh suy tim càng nặng hơn. Vì vậy, điều trị phù trong suy tim là một phần rất quan trọng, bao gồm cả thay đổi chế độ sinh hoạt và dùng thuốc.
3.1. Chế độ ăn hạn chế muối
Muối (bản chất là Natri) trong cơ thể càng nhiều thì càng làm tăng tình trạng giữ nước và phù càng rõ ràng hơn. Vì vậy, một trong những yêu cầu tiên quyết trong chế độ ăn của người bệnh suy tim là hạn chế tối đa lượng muối đưa vào cơ thể.
Người bệnh suy tim nên ưu tiên các món ăn được chế biến bằng phương pháp luộc hoặc hấp, nên chủ động ăn nhiều rau xanh, thịt cá... và hạn chế các loại thức ăn mặn, thức ăn chứa nhiều gia vị như đồ hộp, thức ăn chế biến sẵn, các loại mắm, dưa muối...
3.2. Tập luyện thể dục vừa sức
Phù do suy tim là sự ứ trệ dịch tuần hoàn trong cơ thể, do đó người bệnh cần tăng cường vận động, tập thể dục nhẹ nhàng để lưu thông tuần hoàn khắp cơ thể.
Tuy nhiên, bệnh nhân suy tim chỉ nên tập luyện nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, đạp xe, yoga... Tránh tập quá sức cũng là yếu tố khởi phát làm nặng thêm tình trạng suy tim.
3.3. Sử dụng thuốc lợi tiểu
- Theo các nghiên cứu, thuốc lợi tiểu là thuốc giúp giảm triệu chứng phù và là lựa chọn hàng đầu trong điều trị suy tim. Cơ chế chính là tăng khả năng bài tiết nước tiểu, giúp bệnh nhân loại bỏ bớt lượng dịch và muối dư thừa trong cơ thể. Bên cạnh đó, lợi tiểu còn có tác dụng kháng lại hormon aldosteron, ức chế tái hấp thu nước và natri tại ống thận, qua đó cũng hạn chế được tình trạng dư thừa dịch.
- Các nhóm lợi tiểu thường dùng là: lợi tiểu quai (Furosemid, Indapamid...), lợi tiểu Thiazid và lợi tiểu kháng aldosteron (Spironolacton). Chỉ định của mỗi loại là khác nhau, tùy từng đối tượng mà bác sĩ sẽ sử dụng loại phù hợp hoặc kết hợp khi cần thiết.
- Thuốc lợi tiểu có tác dụng phụ là ảnh hưởng đến các chất điện giải, đặc biệt là kali (có thể tăng hoặc hạ kali), nên được dùng buổi sáng, hạn chế dùng ban đêm sẽ gây tình trạng tiểu đêm làm gián đoạn giấc ngủ của người bệnh.
- Khi dùng thuốc lợi tiểu gây hạ kali máu (nhóm Thiazid, nhóm lợi tiểu quai) thì chế độ ăn hàng ngày bạn cần bổ sung các loại thực phẩm giàu kali như chuối, cam hay các loại rau họ cải như cải bó xôi, súp lơ, cải bắp...
- Khi dùng nhóm lợi tiểu kháng aldosteron gây tăng kali máu thì bệnh nhân suy tim cần hạn chế các thực phẩm có nhiều kali và nên ăn nhiều các loại thực phẩm giàu canxi như sữa, tôm, cua, phô mai... để tránh biến chứng hạ kali và bổ sung canxi giúp bảo vệ tế bào cơ tim tốt hơn.
Thông thường, phù do suy tim nếu được điều trị thích hợp sẽ không gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu việc sử dụng thuốc và thay đổi chế độ sinh hoạt mà phù không giảm hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng khác thì bệnh nhân nên gặp bác sĩ để có chế độ điều trị thích hợp nhất, hạn chế suy tim nặng hơn.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.