Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Động mạch chủ là mạch máu lớn trong cơ thể có vai trò quan trọng trong việc cấp máu cho các cơ quan trong cơ thể. Bệnh phình tách động mạch chủ là bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ vỡ mạch dẫn đến tử vong nếu không can thiệp kịp thời
1. Phình tách động mạch chủ là gì?
Phình động mạch chủ là tình trạng phình một phần động mạch chủ, động mạch chính cấp máu của cơ thể. Do nhiều nguyên nhân khác nhau đặc biệt động mạch chủ làm việc nhiều dẫn đến phình mạch có thể bị vỡ. Tách động mạch chủ là một tình trạng các mạch máu lớn phân nhánh ra khỏi tim, gây ra vết rách. Máu chảy tràn qua những vết rách, tạo ra các lớp bên trong và ở giữa, đây là nguyên nhân khiến các động mạch chủ bị bóc tách. Nếu động mạch chủ bị chèn ép quá mức dẫn đến vỡ động mạch có thể gây tử vong.
Triệu chứng bệnh phình tách thành động mạch chủ giống nên dễ nhầm với nhiều bệnh cảnh cấp cứu khác vì vậy cần nghĩ đến phình tách động mạch chủ để chẩn đoán và xử trí kịp thời. Tỷ lệ nam gặp nhiều hơn nữ. Độ tuổi hay gặp từ 60 tuổi trở lên. Vị trí tách thành động mạch chủ hay gặp là động mạch chủ lên, tiếp đến động mạch chủ xuống - chỗ xuất phát, quai động mạch chủ, còn lại ở động mạch chủ bụng do những vùng này phải căng giãn nhiều nhất hoặc là điểm nối của động mạch chủ.
Nguyên nhân do một số vấn đề sức khỏe như huyết áp cao và xơ vữa động mạch (xơ cứng động mạch), có thể gây suy yếu thành động mạch kết hợp với sự hao mòn trong quá trình lão hóa, có thể khiến thành động mạch bị suy yếu, lồi ra bên ngoài.
2. Phân loại phình tách động mạch chủ
Phân loại theo DeBakey có 3 type:
- Type I:Tổn thương động mạch chủ lên và động mạch chủ xuống
- Type II: Tổn thương ở động mạch chủ lên
- Type III: Tổn thương ở đoạn động mạch chủ xuống
Phân loại theo Stanford gồm 2 kiểu:
- Type A: Tổn thương đoạn động mạch chủ lên dù khởi phát ở bất kỳ đoạn động mạch chủ nào.
- Type B: Thương tổn động mạch chủ đoạn xa kể từ chỗ xuất phát của nhánh động mạch dưới đòn trái.
3. Các yếu tố nguy cơ hay gặp của tách thành động mạch chủ
- Hẹp eo động mạch chủ
- Thiểu sản quai động mạch chủ
- Các thủ thuật phẫu thuật với động mạch chủ: đặt canuyn, kẹp động mạch chủ, nối mảnh ghép....
- Tăng áp lực lên thành động mạch chủ
- Tăng huyết áp
- Giãn động mạch chủ
- Van động mạch chủ một hoặc hai lá
- Giảm sức chịu tải của động mạch chủ
- Tuổi già
- Hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos
- Thai nghén.
4. Dấu hiệu nhận biết bệnh phình tách thành động mạch chủ
Các triệu chứng của bệnh phình tách thành động mạch chủ có thể khó để phân biệt với các vấn đề về tim mạch khác, chẳng hạn như đau tim. Các dấu hiệu bao gồm:
- Đau ngực hoặc đau lưng xuất hiện đột ngột như một vết rách, xé hoặc vết cắt . Đặc điểm đau như sau:
- Vị trí đau phụ thuộc vào vị trí động mạch chủ bị phình tách (tách thành động mạch chủ lên thường gây đau ngực phía trước, tách thành động mạch chủ xuống thường gây đau ngực phía sau, đau lưng, đau bụng).
- Cảm giác đau có thể đau nhức dữ dội như dao đâm, nhưng nổi bật là sự xuất hiện đau đột ngột nhanh chóng đạt mức tối đa, ít khi lan.
- Không ít bệnh nhân hoàn toàn không đau. Một số khác có khoảng thời gian hoàn toàn không đau rồi đau trở lại báo hiệu nguy cơ vỡ của bệnh phình tách thành động mạch chủ.
- Bất tỉnh
- Khó thở
- Đột ngột khó nói, mất thị giác, yếu hoặc liệt một bên cơ thể, tương tự như một cơn đột quỵ
- Yếu nửa người khi mảng xơ vữa bóc tách hoặc cục máu đông trong mảng bóc tách trôi lên não theo động mạch não gây đột quỵ não hoặc bóc tách thành động mạch cảnh trong gây hẹp lòng mạch dẫn đến giảm lượng máu lên não.
- Yếu liệt hai chi dưới, bóc tách gây hẹp lòng động mạch chủ, dẫn đến giảm lượng máu đến hai chân.
Các biểu hiện khác:
- Tràn dịch màng tim, do bóc tách đoạn gần (đoạn động mạch chủ lên) lan xuống tim, gây chèn ép tim cấp.
- Tràn dịch khoang màng phổi vỡ vào khoang màng phổi.
- Phù phổi một bên hoặc ho ra máu do vỡ tách thành động mạch chủ tràn vào động mạch phổi.
- Đau bụng cấp do phình mạch lan vào mạc treo ruột.
- Khó nuốt do đè vào thực quản.
5. Xét nghiệm chẩn đoán phình tách động mạch chủ
- Siêu âm tim qua thực quản (TEE) sử dụng sóng âm tần số cao để tạo ra hình ảnh tim;
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) có thuốc cản quang: CT scan tạo ra tia X để thiết lập hình ảnh cắt ngang của cơ thể. Tối ưu hóa độ tương phản ở trái tim có thể giúp nhìn rõ hơn hình ảnh của động mạch chủ và các mạch máu khác trên ảnh chụp CT;
- Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA): MRI sử dụng từ trường và xung năng lượng sóng radio để tạo hình ảnh của cơ thể. MRA sử dụng kỹ thuật này để chụp các mạch máu.
6. Điều trị bệnh phình tách thành động mạch chủ
Mục đích của điều trị nội khoa nhằm ổn định vết nứt tách, phòng vỡ chỗ phình tách, tăng cường quá trình liền của vết tách và làm giảm nguy cơ biến chứng. Điều trị nội khoa trong các trường hợp sau:
- Tách thành động mạch chủ cấp tính type III chưa có biến chứng
- Tách thành động mạch chủ cấp tính đoạn quai đơn thuần hay tách thành động mạch chủ mạn tính giai đoạn ổn định.
Phẫu thuật trong các trường hợp sau:
- Tất cả các bệnh nhân có tách thành động mạch chủ cấp đoạn gần, trừ trường hợp không thể phẫu thuật do các bệnh lý nặng kèm theo.
- Chỉ định phẫu thuật ở nhóm tách thành động mạch chủ cấp đoạn xa bao gồm: khối phình tách phồng lên nhanh chóng, thấm máu phúc mạc, dọa vỡ, đau kéo dài không kiểm soát được và/hoặc thiếu máu chi hoặc tạng, tách lan ngược về động mạch chủ đoạn lên, có hở van động mạch chủ
7. Phòng bệnh phình tách thành động mạch chủ
- Kiểm soát huyết áp
- Không hút thuốc
- Kiểm soát mỡ máu
- Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh, giảm cân nếu thừa cân
- Phòng ngừa các nguy cơ chấn thương ngực bụng, như thắt dây an toàn khi lái xe giúp giảm nguy cơ chấn thương vùng ngực,
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên nếu nghi ngờ bệnh phình tách thành động mạch chủ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.