Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ Nội tim mạch - Khoa Khám bệnh & nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Bệnh mạch vành là căn bệnh nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong. Việc phát hiện bệnh muộn và không được áp dụng phương pháp điều trị hợp lý thì nó có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm cho tim mạch.
1. Hội chứng mạch vành mạn là gì?
Bệnh mạch vành hay còn gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ, là thuật ngữ liên quan đến việc cung cấp máu không đủ cho cơ tim do động mạch vành bị hẹp hoặc bị tắc nghẽn, thường là do xơ vữa động mạch. Bệnh mạch vành gồm 2 thể là bệnh mạch vành mạn tính (ổn định) và bệnh mạch vành cấp tính (không ổn định).
Hội chứng mạch vành mạn (Tên gọi mới từ năm 2019 theo hội tim mạch Châu Âu) bao gồm nhiều dạng) của bệnh mạch vành mạn, một tình trạng liên quan đến sự cung cấp máu không đủ cho cơ tim do động mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Trong trường hợp này, người bệnh thường trải qua các triệu chứng khi cơ tim không nhận đủ máu oxy, thường là do xơ vữa động mạch.
Các triệu chứng của hội chứng mạch vành mạn thường bao gồm:
● Đau thắt ngực (angina pectoris): Đau ngực xảy ra khi cung cấp máu và oxy không đủ cho cơ tim, thường xảy ra khi người bệnh hoạt động hoặc gắng sức.
● Mệt mỏi: Có thể xảy ra khi người bệnh gắng sức hoặc làm việc vận động.
● Khó thở: Đặc biệt khi làm việc vận động.
Chẩn đoán hội chứng mạch vành mạn thường dựa trên tiền sử bệnh của người bệnh, trong đó đau thắt ngực là triệu chứng quan trọng. Các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch như tuổi, giới tính, tình trạng hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thừa cân, cũng được xem xét để đánh giá nguy cơ. Nếu cần, xét nghiệm gắng sức hoặc xem xét hình ảnh như chụp mạch vành có thể được thực hiện để đánh giá mức độ tắc nghẽn trong động mạch vành.
Trong khi đó, bệnh mạch vành cấp tính (không ổn định) thường gây ra triệu chứng không dự đoán được và có thể đe dọa đến tính mạng. Bệnh này đòi hỏi can thiệp y tế kịp thời để điều trị. Triệu chứng có thể bao gồm đau thắt ngực ngay cả khi nghỉ ngơi, thời gian đau kéo dài, mức độ đau dữ dội đến mức vã mồ hôi, có thể kèm theo triệu chứng khó thở, tụt huyết áp sốc tim và có thể dẫn đế tử vong nhanh chóng.
2. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng mạch vành mạn
● Xơ vữa động mạch: Phần lớn các trường hợp của bệnh mạch vành mạn tính được gây ra bởi quá trình xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch xảy ra khi dầu mỡ và các chất xơ tích tụ trên thành nội của các động mạch vành. Điều này dẫn đến hẹp hoặc tắc nghẽn dòng máu trong động mạch, giảm sự cung cấp máu đến cơ tim.
● Mạch máu nhỏ bị tổn thương: Một số bệnh nhân có triệu chứng bệnh mạch vành mạn tính mà không có sự xơ vữa đáng kể. Thay vào đó, bệnh này có thể xuất phát từ việc tổn thương các mạch máu nhỏ, gây ra hiện tượng giảm khả năng cung cấp đủ máu cho cơ tim. Tổn thương này có thể xuất phát từ việc tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, và các yếu tố nguy cơ khác.
Cả hai nguyên nhân này đều dẫn đến thiếu máu cục bộ cho cơ tim, gây ra triệu chứng như đau thắt ngực và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như đột tử cơ tim. Việc quản lý nguyên nhân gây ra bệnh mạch vành mạn tính và thay đổi lối sống để giảm nguy cơ là rất quan trọng trong việc đối phó với bệnh này.
3. Dấu hiệu hội chứng mạch vành mạn
3.1 Cơn đau thắt ngực - dấu hiệu điển hình nhất
● Vị trí: Thường ở sau xương ức và là một vùng (chứ không phải một điểm), đau có thể lan lên cổ, vai, hàm dưới, thượng vị, sau lưng, tay trái. Hay gặp hơn đó là hướng lan lên vai trái rồi lan xuống mặt trong tay trái, có khi xuống tận các ngón tay út, áp út.
● Hoàn cảnh xuất hiện: Thường xuất hiện khi gắng sức, xúc cảm mạnh, gặp lạnh, sau bữa ăn nhiều, khi nằm.
● Tính chất: Hầu hết các bệnh nhân mô tả cơn đau thắt ngực như thắt lại, bó nghẹt, hoặc bị đè nặng trước ngực và đôi khi cảm giác buốt giá. Một số bệnh nhân có khó thở, mệt lả, đau đầu, buồn nôn, vã mồ hôi.
● Cơn đau: Thường kéo dài vài phút (3 đến 5 phút), có thể dài hơn nhưng thường không quá 20 phút (nếu đau dài hơn và xuất hiện khi nghỉ cần nghĩ đến Hội chứng mạch vành cấp). Những cơn xảy ra do xúc cảm thường kéo dài hơn là đau do gắng sức. Những cơn đau mà chỉ kéo dài dưới 1 phút thì nên nghĩ đến nguyên nhân khác ngoài tim.
Các tiêu chuẩn của cơn đau thắt ngực điển hình hội chứng mạch vành mạn
Có nhiều nguyên nhân gây ra đau thắt ngực như do tim, phổi, tiêu hóa, cơ và thần kinh. Do đó cần xác định khả năng đau thắt ngực này do bệnh động mạch vành hay không, chúng ta dựa vào 3 yếu tố sau:
● Tính chất của triệu chứng đau thắt ngực: Sự mô tả cụ thể về tính chất của đau thắt ngực, như vị trí, cảm giác, và phạm vi lan truyền, có thể giúp xác định nguyên nhân gây ra triệu chứng này.
● Phản ứng đau thắt ngực với hoạt động thể lực: Phản ứng của cơn đau thắt ngực khi bệnh nhân hoạt động thể lực cung cấp thông tin quan trọng về mức độ tắc nghẽn động mạch vành.
● Giảm đau sau khi dừng hoạt động hoặc dùng nitroglycerin: Việc giảm đau sau khi dừng hoạt động thể lực hoặc sử dụng nitroglycerin (một loại thuốc giãn mạch) thường liên quan đến việc đau thắt ngực có nguyên nhân từ tắc nghẽn động mạch vành.
Phân loại theo mức độ hoạt động của cơn đau thắt ngực điển hình hội chứng mạch vành mạn
Phân loại theo mức độ hoạt động thể lực: Hội tim mạch Canada đã phân loại đau thắt ngực ổn định thành 4 độ dựa trên mức độ hoạt động thể lực mà cơn đau có thể xuất hiện. Đây là một cách hữu ích để đánh giá mức độ nghiêm trọng của tắc nghẽn động mạch vành.
● Cấp I: Cơn đau thắt ngực chỉ xuất hiện khi hoạt động thể lực nặng hoặc gắng sức nhiều.
● Cấp II: Hoạt động thể lực ở mức trung bình cũng gây ra cơn đau thắt ngực.
● Cấp III: Cơn đau thắt ngực xảy ra ngay cả lúc hoạt động thể lực ở mức độ nhẹ.
● Cấp IV: Đau thắt ngực xuất hiện cả khi không hoạt động thể lực, thậm chí trong thời gian nghỉ ngơi.
Phân loại này giúp bác sĩ xác định mức độ của bệnh nhân và quyết định về chiến lược điều trị phù hợp như việc sử dụng thuốc, thực hiện can thiệp mạch vành qua da, hoặc phẫu thuật.
3.2 Các dấu hiệu khác
● Khó thở là một dấu hiệu quan trọng và thường xảy ra ở bệnh nhân mắc HCMVM, đã được hội tim mạch Châu Âu nhấn mạnh trong năm 2019 là một trong các chỉ tiêu để đánh giá nguy cơ mắc bệnh động mạch vành.
● Tim đập nhanh hoặc không đều.
● Đôi khi, bệnh nhân chỉ có cảm giác tức nặng ở ngực hoặc đau vùng thượng vị. Trường hợp này có thể gây nhầm lẫn với hội chứng dạ dày hoặc GERD.
4. Phòng ngừa hội chứng mạch vành mạn như thế nào?
Phòng ngừa Hội chứng mạch vành mạn tính (bệnh mạch vành ổn định) là một phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe tim mạch. Dưới đây là các biện pháp và lời khuyên về cách phòng ngừa bệnh này:
4.1 Với người bệnh đã được chẩn đoán
● Tái khám định kỳ: Bệnh nhân đã được chẩn đoán Hội chứng mạch vành mạn tính (bệnh mạch vành ổn định) cần được tái khám và theo dõi định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Điều này bao gồm kiểm tra tình trạng tim mạch, chức năng động mạch và đánh giá các biến đổi trong tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cũng như có kế hoạch can thiệp kịp thời khi bệnh có diễn tiến nặng
● Đánh giá nguy cơ: Bác sĩ chuyên khoa cần đánh giá lại nguy cơ bệnh mạch vành của bệnh nhân, dựa trên các yếu tố như tuổi, giới tính, tiền sử bệnh, và cũng như tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân. Người bệnh có thể được tư vấn về cách giảm nguy cơ cụ thể, bao gồm thay đổi lối sống và điều trị thuốc.
4.2 Với người có nguy cơ mắc bệnh hội chứng mạch vành mạn
● Ngừng hút thuốc lá: Hút thuốc lào và thuốc lá có chứa các chất gây hại cho động mạch và tim mạch. Ngừng hút thuốc lá hoàn toàn là quan trọng, và bệnh nhân cần được hỗ trợ để vượt qua sự nghiện thuốc.
● Giảm cân: Nếu bệnh nhân có thừa cân hoặc béo phì, việc giảm cân là một mục tiêu quan trọng. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp xây dựng kế hoạch giảm cân hợp lý dựa trên cân nặng và chiều cao của bệnh nhân. Giữ vùng BMI (chỉ số khối cơ thể) trong khoảng từ 18 đến 22,9 kg/m2, và duy trì vòng eo dưới 90cm cho nam và dưới 80cm cho nữ là quan trọng để giảm nguy cơ bệnh mạch vành.
● Chế độ ăn uống lành mạnh: Xây dựng một chế độ ăn uống cân đối với sự giàu chất xơ và ít chất béo bão hòa là quan trọng. Hạn chế tiêu thụ thức ăn nhiều đường và thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa có thể giảm nguy cơ bệnh mạch vành.
● Thể dục đều đặn: Luyện tập thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ bệnh mạch vành. Người bệnh cần tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày một tuần.
● Điều trị các bệnh kèm theo: Nếu bệnh nhân có bất kỳ bệnh kèm theo nào như tăng huyết áp, đái tháo đường, hoặc rối loạn lipid máu, điều trị và kiểm soát tốt các bệnh này là quan trọng để giảm nguy cơ bệnh mạch vành.
● Quản lý stress: Stress có thể gây ra tăng huyết áp và có tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch. Kỹ thuật quản lý stress và thực hành thả lỏng có thể giúp giảm nguy cơ.
5. Phương pháp chẩn đoán hội chứng mạch vành mạn
5.1 Thăm dò cận lâm sàng trong hội chứng mạch vành mạn tính
Xét nghiệm máu:
● Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được thực hiện xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu để kiểm tra các chỉ số cơ bản về sức khỏe.
● Sẽ có đánh giá chức năng thận và gan, vì chúng liên quan đến quá trình loại bỏ các chất độc hại khỏi cơ thể.
● Xét nghiệm điện giải sẽ kiểm tra sự cân bằng của các khoáng chất và điện giải trong máu.
● Đo lường các giá trị của các chỉ số mỡ máu, như cholesterol và triglycerides.
● Sàng lọc đái tháo đường nhằm xác định xem có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến đái tháo đường hay không.
● Nếu cần, bác sĩ có thể đánh giá chức năng tuyến giáp của bệnh nhân.
● Để loại trừ Hội chứng động mạch vành cấp, xét nghiệm Troponin hs T/I sẽ được sử dụng.
Thăm dò chẩn đoán hình ảnh:
● Điện tâm đồ (ĐTĐ) lúc nghỉ thường cần thiết cho tất cả bệnh nhân HCMVM để đánh giá tình trạng tim mạch của họ.
● Chụp X-Quang tim phổi được chỉ định ở bệnh nhân có cơn đau ngực không điển hình hoặc khi nghi ngờ về bệnh lý hô hấp.
● Siêu âm tim qua thành ngực dùng để đánh giá cấu trúc và chức năng tim và vận động của thành timSiêu âm tim gắng sức sử dụng để xác định vùng thiếu máu cơ tim và khả năng phục hồi sau can thiệp.
● Chụp cắt lớp vi tính (CLVT) động mạch vành thường được thực hiện để đánh giá tổn thương động mạch vành và cầu nối chủ vành.
● Các thăm dò chẩn đoán hình ảnh khác bao gồm Holter điện tim 24 giờ, điện tâm đồ gắng sức, xạ hình tưới máu cơ tim, cộng hưởng từ đánh giá thiếu máu cục bộ, và chụp ĐMV qua da.
5.2 Các bước tiếp cận chẩn đoán HCMVM:
● Hỏi triệu chứng và thăm khám: Bác sĩ sẽ đánh giá triệu chứng và thực hiện cuộc thăm khám cơ bản, chú ý đặc biệt đến tính chất cơn đau ngực của bệnh nhân và yếu tố nguy cơ.
● Đánh giá bệnh lý phối hợp và chất lượng cuộc sống: Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng tổng thể của sức khỏe của bệnh nhân, bao gồm các bệnh lý phối hợp và tác động của HCMVM lên chất lượng cuộc sống.
● Thăm dò cận lâm sàng ban đầu: Nếu cần, bệnh nhân sẽ được thực hiện xét nghiệm máu, ĐTĐ, chụp X
● Quang tim phổi và siêu âm tim.
● Đánh giá xác suất tiền nghiệm và nguy cơ: Bác sĩ sẽ đánh giá xem bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành dựa vào các yếu tố như tính chất cơn đau, tuổi, giới tính và khó thở.
● Lựa chọn thăm dò chẩn đoán hình ảnh:
● Dựa vào xác suất tiền nghiệm và nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, bác sĩ sẽ quyết định xem bệnh nhân cần thực hiện thăm dò chẩn đoán hình ảnh nào.
● Thực hiện các thăm dò chẩn đoán hình ảnh và điều trị: Dựa vào kết quả của các thăm dò chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ sẽ quyết định cách điều trị tốt nhất để quản lý HCMVM.
6. Bệnh mạch vành có chữa khỏi được không?
Bệnh mạch vành không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể được quản lý hiệu quả để giảm triệu chứng và nguy cơ biến chứng. Các biện pháp điều trị và quản lý bệnh mạch vành bao gồm:
6.1 Điều trị nội khoa (các loại thuốc)
Thuốc chẹn beta được ưu tiên điều trị ban đầu và phòng ngừa các triệu chứng đau thắt ngực. Thuốc chẹn kênh canxi và nitrat tác dụng dài là những lựa chọn thay thế nếu thuốc chẹn beta bị chống chỉ định hoặc gây ra tác dụng phụ; chúng cũng có thể được dùng thêm vào như một liệu pháp kết hợp nếu đơn trị liệu không thành công. Nitrat tác dụng ngắn được sử dụng để giảm đau thắt ngực ngay lập tức.
Các liệu pháp được biết là làm giảm tỷ lệ mắc các biến cố tim mạch bất lợi như tử vong và nhồi máu cơ tim nên được bắt đầu. Chúng bao gồm chống kết tập tiểu cầu (aspirin), hạ lipid máu, cai thuốc lá, kiểm soát huyết áp và giảm cân phù hợp, và kiểm soát tối ưu bệnh đái tháo đường. Tập thể dục thường xuyên và giảm căng thẳng cũng được khuyến cáo.
6.2 Điều trị can thiệp mạch vành
Can thiệp mạch vành qua da (PCI) là phương pháp điều trị khi hẹp mạch vành mức độ nặng hoặc có ảnh hưởng về chức năng của mạch vành. Hình thức này sử dụng những khung lưới hợp kim nhỏ có phủ thuốc chống tăng sinh được đưa vào trong lòng mạch vành, nhằm mở rộng lòng mạch bị hẹp và giữ lòng mạch không hẹp lại. Thủ thuật này giúp phục hồi lưu lượng máu đến cơ tim mà không cần phẫu thuật.
Việc quản lý tối ưu những bệnh nhân này cũng yêu cầu đánh giá định kỳ (mỗi 6 đến 12 tháng) về triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, tiền căn bệnh lý, khám thực thể và đo điện tâm đồ (ECG).
Như vậy, bệnh mạch vành có chữa khỏi được không còn phụ thuộc vào việc lối sống và phương pháp điều trị phù hợp với bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang triển khai gói khám mạch vành cung cấp cho người bệnh các quyền lợi thăm khám, xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang... bác sĩ sẽ dựa trên kết quả và đưa ra lời khuyên hoặc phác đồ điều trị bệnh khoa học.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.