Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Hường - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Thuật ngữ tổn thương não đề cập đến đến bất kỳ loại mô hoặc tế bào bất thường trong não. Các loại tổn thương não thường gặp là chấn thương, nhiễm trùng, ung thư ác tính và lành tính, bệnh mạch máu, di truyền, miễn dịch, mảng bám, chết tế bào não và bức xạ ion hóa. Các hóa chất và độc tố khác cũng có liên quan đến tổn thương não.
1. Tổn thương não là gì?
Tổn thương não (tên tiếng Anh là Brain Lesions) là khu vực của mô não đã bị tổn thương do chấn thương hoặc do bệnh lý. Trong khi định nghĩa tưởng chừng như đơn giản nhưng trên thực tế các tổn thương não có thể rất phức tạp do có nhiều loại tổn thương não khác nhau. Chúng có thể từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều, từ tương đối vô hại đến đe dọa tính mạng.
2. Các loại tổn thương não
Mặc dù cùng có chung một định nghĩa là chấn thương hoặc tổn thương mô trong não nhưng các tổn thương não rất khác nhau. Dưới đây là một số loại tổn thương não:
- Áp xe não (Brain abscesses): Áp xe não đó chính là khu vực não đã bị nhiễm trùng, trong ổ áp xe có mủ và mô bị viêm. Bệnh lý này tuy không phổ biến, nhưng lại đe dọa tính mạng. Áp xe não thường xảy ra sau khi bị nhiễm trùng, thường là ở khu vực gần đó, chẳng hạn như nhiễm trùng tai, viêm xoang, nhiễm trùng răng hoặc sau chấn thương sọ não hoặc phẫu thuật sọ.
- Dị dạng động tĩnh mạch (Arteriovenous Malformations – AVM): AVM là một loại tổn thương não xảy ra trong quá trình phát triển sớm của thai nhi. Các động mạch và tĩnh mạch trong não phát triển thành một đám mạch máu bất thường, sắp xếp lộn xộn và các động mạch này không khỏe như bình thường. Các tĩnh mạch thường phì đại do dòng máu chảy liên tục từ các lỗ thông động tĩnh mạch (Arteriovenous Fistula). Những mạch dễ vỡ này có thể vỡ khiến máu tràn vào nhu mô não. Ngoài ra, mô não có thể không nhận đủ máu để hoạt động bình thường. Co giật có thể là triệu chứng đầu tiên của AVM.
- Nhồi máu não (Cerebral infarction): Nhồi máu não hay đột quỵ là tổn thương não trong đó một nhóm tế bào não chết do thiếu máu nuôi.
- Bại não (Cerebral palsy): Loại tổn thương não này xảy ra khi thai nhi còn trong bụng mẹ. Bại não không tiến triển nặng dần theo thời gian. Các tổn thương não ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của trẻ, điều này cũng có thể làm cho việc giao tiếp và các kỹ năng liên quan trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhiều trẻ bị bại não có chức năng trí tuệ bình thường.
- Bệnh xơ cứng rải rác (Multiple sclerosis - MS): Với bệnh lý này, hệ thống miễn dịch của chính cơ thể tấn công và làm hỏng lớp myelin trong não và tủy sống.
- Khối u: Khối u não là những khối tế bào phát triển bất thường từ mô bình thường. Một số khối u trong não là không ung thư hay còn gọi là lành tính, nhưng một số khác có thể là ung thư. Khối u có thể bắt đầu từ trong não hoặc do di căn từ cơ quan khác trong cơ thể lan tới não.
3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ tổn thương não
Có nhiều nguyên nhân gây tổn thương não hoặc nhiều yếu tố khác nhau làm gia tăng nguy cơ gây tổn thương não như:
- Lão hóa
- Tiền sử gia đình có người bị tổn thương não
- Bệnh lý về mạch máu, chẳng hạn như đột quỵ, huyết áp cao và phình động mạch não
- Chấn thương não nếu không được khắc phục, nó có thể dẫn đến tử vong.
- Nhiễm trùng gây ra các bệnh như viêm màng não và viêm não.
- Các khối u bắt đầu trong não (khối u nguyên phát) hoặc di căn đến não thông qua mạch máu hoặc hạch bạch huyết
- Bệnh tự miễn như lupus ban đỏ và bệnh xơ cứng rải rác. Những bệnh lý này khiến các kháng thể của cơ thể bắt đầu tấn công các mô của cơ thể, trong đó có mô não.
- Các mảng bám tích tụ protein bất thường quá mức trong các mô não. Bệnh Alzheimer ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi của người bệnh, bệnh này xảy ra do các mảng bám trong các mô não.
- Tiếp xúc với bức xạ hoặc một số hóa chất làm tăng nguy cơ gây khối u và tổn thương trong não
- Các độc tố, như uống quá nhiều rượu hoặc khói thuốc lá. Các chất độc hại khác như nồng độ amoniac và urê trong cơ thể tăng cao do các vấn đề về thận cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng não.
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, đặc biệt là ăn thực phẩm có nhiều chất béo và cholesterol .Triệu chứng của tổn thương não
Các triệu chứng của tổn thương não tùy thuộc vào loại, vị trí và kích thước của tổn thương. Các triệu chứng phổ biến đối với một số loại tổn thương não bao gồm:
- Đau đầu
- Cứng gáy
- Buồn nôn, nôn và chán ăn
- Thay đổi thị lực hoặc đau sau nhãn cầu
- Thay đổi tâm trạng, tính cách, hành vi, tinh thần và sự tập trung
- Mất trí nhớ hoặc lú lẫn
- Co giật
- Sốt
- Rối loạn vận động
4. Chẩn đoán tổn thương não
Các phương pháp được sử dụng để tìm và chẩn đoán tổn thương não phụ thuộc vào các triệu chứng. Trong nhiều trường hợp, sử dụng kỹ thuật hình ảnh như chụp CT và MRI giúp xác định vị trí, kích thước và đặc điểm của các tổn thương. Xét nghiệm máu và các xét nghiệm khác cũng có thể được thực hiện để tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng.
5. Điều trị tổn thương não phụ thuộc vào nguyên nhân
Như thực hiện phương pháp điều trị cụ thể cho từng loại bệnh, làm giảm các triệu chứng hoặc cải thiện chất lượng sống hoặc kéo dài thời gian sống của người bệnh. Các phương pháp phổ biến để điều trị tổn thương não bao gồm:
- Theo dõi, nếu tổn thương không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và không phát triển hơn nữa thì người bệnh có thể chỉ cần kiểm tra định kỳ.
- Phẫu thuật cắt bỏ tổn thương.
- Hóa trị và xạ trị cho các tổn thương, ví dụ ung thư
- Thuốc chống nhiễm trùng, như thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống vi trùng khác
- Thuốc điều hòa hệ thống miễn dịch hoặc thay đổi phản ứng miễn dịch của cơ thể
- Thuốc hoặc các liệu pháp khác để làm giảm các triệu chứng liên quan đến tổn thương não.
Các tổn thương não nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý, nghiêm trọng có thể để lại di chứng đến suốt đời. Vì thế khi phát hiện các dấu hiệu não bị tổn thương bệnh nhân cần đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Nguồn tham khảo: webmd.com
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02973985588 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.