Tình trạng bệnh lý có thể gây ra chứng mất ngủ mãn tính

Mất ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến có thể khiến bản thân khó đi vào giấc ngủ hoặc không ngủ được hoặc thức dậy quá sớm. Mất ngủ mãn tính có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, cả về sức khỏe thể chất và tinh thần. Trong đó, các bệnh gây mất ngủ phổ biến là đau mạn tính, ung thư, đái tháo đường.

1. Mất ngủ mãn tính là gì?

Mất ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến khiến bản thân không ngủ được hoặc khó đi vào giấc ngủ hoặc thức dậy quá sớm. Chứng mất ngủ được coi là mãn tính nếu diễn ra hơn 1 tháng.

Ngoài việc khó ngủ vào ban đêm, mất ngủ mãn tính còn có các triệu chứng sau:

  • Thức dậy quá sớm
  • Đi lại nhiều trong đêm
  • Cảm giác không được nghỉ ngơi sau một đêm ngủ
  • Ban ngày mệt mỏi hoặc buồn ngủ ngày quá mức
  • Lo âu hoặc trầm cảm
  • Khó tập trung, không thể suy nghĩ và ghi nhớ được
  • Gia tăng lỗi, phản ứng chậm và dễ xảy ra tai nạn
  • Liên tục lo lắng về giấc ngủ

Xem ngay: Mất ngủ mãn tính kéo dài: Đừng cố chịu đựng


Mất ngủ vì bị ốm khiến bạn mệt mỏi
Mất ngủ vì bị ốm khiến bạn mệt mỏi

2. Nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ mãn tính

Mất ngủ mãn tính có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, cả về sức khỏe thể chất và tinh thần. Trong đó, căng thẳng, thay đổi nhịp sinh học và các thói quen xấu trước khi đi ngủ là nguyên nhân phổ biến gây ra mất ngủ mãn tính.

  • Căng thẳng. Những lo lắng và căng thẳng về công việc, học tập, sức khỏe, tài chính hoặc gia đình có thể làm cho cơ thể bắt đầu hoạt động nhiều vào ban đêm, dẫn đến mất ngủ. Các sự kiện hoặc chấn thương trong cuộc sống gây ra căng thẳng - chẳng hạn như cái chết hoặc bệnh tật của người thân, ly hôn hoặc mất việc - cũng có thể dẫn đến chứng mất ngủ mãn tính.
  • Lịch làm việc hoặc công tác. Nhịp sinh học của cơ thể hoạt động như một chiếc đồng hồ bên trong, hướng dẫn những chu kỳ thức - ngủ, sự trao đổi chất và nhiệt độ. Rối loạn nhịp sinh học có thể dẫn đến chứng mất ngủ. Các nhân nguyên cụ thể bao gồm chế độ làm việc di chuyển qua nhiều nơi ở nhiều thời điểm, làm việc quá sớm hoặc thường xuyên thay đổi giờ giấc làm việc.
  • Thói quen xấu trước khi ngủ bao gồm giờ giấc đi ngủ không đều đặn, các hoạt động kích hoạt trước khi ngủ, môi trường ngủ không thoải mái hoặc phòng ngủ bị sử dụng làm nơi để làm việc, ăn uống hoặc xem thiết bị điện tử. Sử dụng máy tính, tivi, trò chơi điện tử, điện thoại thông minh hoặc các màn hình khác ngay trước khi đi ngủ sẽ làm ảnh hưởng đến chu kỳ thức - ngủ.
  • Ăn quá nhiều vào buổi tối khiến cơ thể cảm thấy không thoải mái khi nằm, thậm chí còn bị ợ chua, trào ngược lại axit và thức ăn từ dạ dày lên thực quản.
  • Thuốc men; Nhiều loại thuốc kê đơn gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, ví dụ như thuốc điều trị bệnh hen suyễn hoặc huyết áp, một số loại thuốc chống trầm cảm. Nhiều loại thuốc không kê đơn - chẳng hạn như một số loại thuốc giảm đau, thuốc chống dị ứng và cảm lạnh và các sản phẩm giảm cân thường chứa caffeine và những chất kích thích khác có thể gây gián đoạn giấc ngủ.
  • Caffeine, nicotine và rượu. Trà, cà phê, cola và thức uống có chứa caffeine là những chất kích thích hệ thần kinh. Nếu bạn uống những chất này vào buổi chiều muộn hoặc buổi tối có thể làm mất ngủ vào ban đêm. Nicotine có trong thuốc lá là một chất kích thích làm cản trở giấc ngủ. Rượu có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ dễ hơn, nhưng nó ngăn chặn các giai đoạn sâu hơn của giấc ngủ và thường khiến bạn thức giấc vào giữa đêm.
  • Thay đổi mô hình giấc ngủ. Khi già đi, giấc ngủ thường trở nên ít thư thái hơn, vì vậy tiếng ồn hoặc những thay đổi khác trong môi trường có nhiều khả năng làm người già bị thức giấc. Cùng với tuổi tác, đồng hồ sinh học bên trong cơ thể cũng rối loạn, vì vậy người lớn tuổi sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn vào buổi tối và thức dậy sớm hơn vào buổi sáng. Nhưng những người lớn tuổi nhìn chung vẫn cần ngủ đủ giấc như những người trẻ tuổi.
  • Không tập thể dục thể thao: Ít hoặc không hoạt động thể chất có thể cản trở giấc ngủ ngon. Ngoài ra, nếu bạn càng ít vận động, bạn càng có xu hướng chợp mắt hàng ngày, điều này có thể cản trở giấc ngủ vào ban đêm.

3. Tình trạng bệnh lý có thể gây ra chứng mất ngủ mãn tính

Khác với các tình trạng mất ngủ cấp tính, thường là mất ngủ vì bị ốm hoặc stress - các bệnh gây mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến mất ngủ mãn tính.

Các tình trạng bệnh lý có thể gây ra chứng mất ngủ mãn tính bao gồm:

  • Đau mãn tính (đau lưng, viêm khớp)
  • Bệnh lý bàng quang và tuyến tiền liệt gây tiểu đêm nhiều
  • Ung thư
  • Bệnh đái tháo đường gây mất ngủ mãn tính, nhất là khi đường huyết không ổn định.
  • Bệnh tim mạch
  • Bệnh hen suyễn
  • Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
  • Tuyến lý giáp thừa
  • Bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer
  • Rối loạn sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, ám ảnh cưỡng chế hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) có thể là nguyên nhân làm gián đoạn giấc ngủ và gây mất ngủ mãn tính. Thức dậy quá sớm cũng có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
  • Rối loạn liên quan đến giấc ngủ. Chứng ngưng thở khi ngủ khiến người bệnh ngừng thở định kỳ suốt đêm, làm gián đoạn giấc ngủ. Hội chứng chân không yên gây ra cảm giác khó chịu ở chân của bạn và mong muốn di chuyển gần như không thể cưỡng lại được, điều này có thể khiến cho người bệnh không thể ngủ được.

Duy trì hoạt động thể dục thể thao thường xuyên giúp thúc đẩy giấc ngủ ngon
Duy trì hoạt động thể dục thể thao thường xuyên giúp thúc đẩy giấc ngủ ngon

4. Làm thế nào để ngăn ngừa chứng mất ngủ?

Các thói quen tốt cho giấc ngủ có thể giúp ngăn ngừa chứng mất ngủ và thúc đẩy giấc ngủ ngon:

  • Giữ giờ đi ngủ và giờ thức của nhất quán hàng ngày, kể cả cuối tuần.
  • Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào mỗi buổi sáng có thể giúp thiết lập đồng hồ sinh học. Thói quen buổi sáng này sẽ giúp cho việc đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn vào ban đêm.
  • Duy trì hoạt động thể dục thể thao thường xuyên giúp thúc đẩy giấc ngủ ngon.
  • Kiểm tra các loại thuốc để xem liệu chúng có thể góp phần gây ra chứng mất ngủ hay không.
  • Tránh hoặc hạn chế ngủ trưa.
  • Tránh hoặc hạn chế caffeine, rượu, không sử dụng nicotine.
  • Tránh ăn nhiều và uống nhiều trước khi đi ngủ.
  • Phòng ngủ cần thoải mái cho giấc ngủ và chỉ sử dụng để ngủ.
  • Thư giãn trước khi đi ngủ, ví dụ như tắm nước ấm, nghe nhạc nhẹ hoặc đọc sách.

Ngoài ra, bạn cần tránh các thiết bị điện tử ít nhất 1 giờ trước khi ngủ. Ánh sáng từ màn hình thiết bị không chỉ gây hại cho mắt, cho giấc ngủ mà hầu hết mọi người đều lướt qua mạng xã hội hoặc xem tin tức hoặc các chương trình kích thích. Những thứ này cản trở khả năng thư giãn của não bộ.

Mất ngủ mãn tính có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, cả về sức khỏe thể chất và tinh thần. Vì thế, bạn cần nắm rõ được các nguyên nhân gây mất ngủ để có liệu pháp và thăm khám khi cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe