Tinh dầu mè là một loại dầu thực vật được chiết xuất từ hạt của cây vừng. Không chỉ là một loại nguyên liệu nấu ăn, nó còn có nhiều tác dụng trong các bệnh lý tuần hoàn, hô hấp, nội tiết, phòng ngừa ung thư,... đặc biệt là công dụng trẻ hóa làn da.
1. Xuất xứ của tinh dầu mè
Tinh dầu mè được ép từ hạt mè (hạt vừng) tên khoa học Sesamum Notify Yum. Có nguồn gốc từ Đông Phi, Ấn Độ ngày nay được trồng ở nhiều nơi, thích hợp với các nước có khí hậu nhiệt đới và ôn đới. Có nhiều giống mè khác nhau như mè đen, mè trắng, mè vàng.
Tinh dầu mè có mùi hơi nồng, là nguyên liệu nấu ăn không thể thiếu của ẩm thực Trung Hoa, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á,...
2. Thành phần có trong tinh dầu mè
Trước khi tìm hiểu ăn dầu mè có tốt không? thì bạn cần biết rõ tinh dầu mè có thành phần gì?
- Chất béo: chứa một số axit béo bão hòa và không bão hòa như axit oleic, axid palmitic, acid stearic, acid linoleic có tác dụng cấp ẩm, làm cho da mịn màng, dẻo dai;
- Các vitamin E, B, K;
- Các khoáng chất Đồng, Sắt, Canxi, Magie, Photpho, Natri;
- Các hợp chất phenolic có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm.
3. Tinh dầu mè có tác dụng gì với các cơ quan trong cơ thể?
Tinh dầu mè dưỡng da tốt không là vấn đề rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm. Thực tế, dầu mè có rất nhiều công dụng đối với cơ thể con người, không chỉ riêng tác dụng làm đẹp.
3.1. Nội tiết
- Chống thiếu máu, tăng tuần hoàn máu: Dầu mè chứa nhiều Sắt - đây là thành phần quan trọng của tế bào máu hồng cầu. Thêm một chút dầu mè trong bữa ăn sẽ ngăn ngừa thiếu máu, giảm các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi do thiếu máu gây ra. Chất Đồng trong dầu mè cũng là thành phần cần thiết trong quá trình sản xuất hồng cầu, giúp tăng cường trao đổi chất, lưu thông máu.
- Hỗ trợ kiểm soát, phòng ngừa bệnh tiểu đường: Một số nghiên cứu cho thấy, sử dụng một lượng vừa phải dầu mè trong bữa ăn có tác dụng kiểm soát lượng đường ở trong máu, đặc biệt là ở bệnh nhân có kèm tăng huyết áp.
- Giúp bộ xương chắc khỏe: Trong tinh dầu mè chứa hàm lượng lớn Canxi, Đồng và Photpho - đây là các khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của hệ xương. Làm tăng quá trình sinh xương, tăng mật độ tế bào xương giúp xương chắc khỏe, hạn chế các bệnh lý loãng xương, thoái hóa khớp.
- Chống táo bón: Cũng giống như công dụng trị táo báo của hạt mè đen, dầu mè chứa một số chất như phytin, cholin, methionin có tác dụng nhuận tràng, kích thích tiêu hóa.
3.2. Đối với hệ tim mạch
- Tăng cường sức khỏe tim mạch: Trong dầu mè chứa Omega 3, Omega 6 là các chất béo không bão hòa làm giảm các Cholesterol xấu trong máu, ngăn cản sự hình thành mảng xơ vữa, phòng ngừa các bệnh lý xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu,... từ đó giảm nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
- Thành phần sesamin và sesaminol trong dầu mè giúp ổn định các chỉ số huyết áp tâm thu và tâm trương. Vì vậy thay thế dầu mè bằng các loại dầu có nguồn gốc động vật trong bữa ăn được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng cho bệnh nhân tăng huyết áp.
3.3. Đối với hệ hô hấp
Dầu mè giúp cơ thể hấp thụ Magie tốt hơn, đây là nguyên tố quan trọng giúp giãn các cơ trơn đường hô hấp, từ đó giảm cơn thắt cơ ở bệnh nhân hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
3.4. Đối với hệ da
Tinh dầu mè dưỡng da rất hiệu quả, đặc biệt cải thiện sức khỏe làn da hiệu quả:
- Chống oxy hóa, ngăn ngừa quá trình lão hóa da: các chất trong dầu mè có tác dụng giảm sự hình thành các gốc tự do, làm chậm quá trình lão hóa da, ngăn chặn tình trạng khô da, bong tróc da, da xỉn màu, bảo vệ da khỏi tác hại của các yếu tố môi trường như ô nhiễm môi trường, độc tố, tia UV. Thoa một lớp mỏng dầu mè trước khi ra đường có thể ngăn ngừa 30% tia UV, bảo vệ làn da dưới ánh nắng trực tiếp của mặt trời (tuy nhiên không thể thay thế các loại kem chống nắng)
- Chống viêm, kháng khuẩn, ngăn ngừa và điều trị mụn trứng cá; Các hợp chất phenolic, Omega có trong dầu mè tiêu diệt các loại vi khuẩn sinh mụn, làm giảm quá trình viêm sưng tấy, ngăn ngừa sự hình thành mụn trứng cá. Bôi một ít dầu mè lên nốt mụn 1-2 lần làm mụn giảm sưng tấy và tăng cường tái tạo da.
- Chữa nám da, tàn nhang, làm trắng da: Tinh dầu mè chứa hàm lượng lớn Vitamin E và nhóm vitamin B ức chế sự hình thành sắc tố melanin dưới da. Qua đó làm mờ các vết thâm nám, tàn nhang trên da, giúp da sáng và đều màu hơn.
- Dưỡng ẩm, đào thải độc tố cho da; nhóm acid thiết yếu, các nhóm vitamin trong dầu mè sẽ cân bằng độ ẩm, làm tăng độ mềm mại, dẻo dai, và thải các loại độc tố trên da.
- Trị gàu, giảm ngứa trên da đầu: Thoa dầu mè lên da đầu ủ khoảng 15 phút sau đó gội lại bằng dầu gội thông thường, thực hiện 3 lần/ tuần có công dụng kháng nấm, ngăn ngừa gàu.
Như vậy, tinh dầu mè dưỡng da hiệu quả và còn có tác dụng nhiều trong việc làm đẹp khác.
3.5. Một số công dụng khác
- Nhờ đặc tính kháng viêm, pha dầu mè với nước để súc miệng sẽ ngăn ngừa các bệnh lý về nha khoa như viêm nướu, viêm lợi, giảm hình thành mảng bám, giúp hơi thở thơm tho
- Thành phần Tyrosine trong dầu mè là một loại acid amin giúp tăng tiết hormone serotonin có thể giảm căng thẳng, lo âu, cải thiện trạng thái tiêu cực.
- Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra một số thành phần trong dầu mè có tác dụng ức chế sự phân chia của các tế bào ung thư, bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do làm tăng sinh tế bào, ngăn ngừa một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
4. Ăn dầu mè có tốt không? Cách sử dụng hiệu quả dầu mè
Ăn dầu mè có tốt không? Ăn dầu mè rất tốt cho sức khỏe, nhưng việc sử dụng đúng cách sẽ giữ nguyên được hàm lượng dinh dưỡng và gia tăng hiệu quả. Cách sử dụng dầu mè như sau:
- Dùng làm nguyên liệu nấu ăn: dùng dầu mè như các loại dầu ăn thông thường làm thức ăn có mùi và hương vị hấp dẫn hơn. Thêm 1⁄2 muỗng dầu mè vào thức ăn dặm cho trẻ giúp trẻ hấp thu được một số vitamin tan trong dầu tốt hơn, đồng thời cũng kích thích tiêu hóa, làm trẻ ăn ngon miệng hơn.
- Dùng làm dầu massage trực tiếp trên da, xoa trực tiếp vào mụn nhọt, mụn trứng cá, không bôi lên vùng vết thương hở.
5. Tác dụng phụ khi sử dụng dầu mè
Tinh dầu mè khá an toàn đối với sức khỏe, hiếm khi xảy ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, ở những cơ địa quá mẫn cảm với các thành phần của dầu mè có thể xảy ra các biểu hiện;
- Tiêu chảy khi sử dụng với lượng lớn dầu mè;
- Dị ứng: nổi mẩn đỏ, ngứa, phát ban,...
- Sốc phản vệ: khó thở, tức ngực, nôn ói,... Trường hợp này, cần đưa tới bệnh viện cấp cứu ngay.
Dầu mè là một loại nguyên liệu dễ tìm, dễ sử dụng và có nhiều công dụng cho sức khỏe, đặc biệt là công dụng trên làn da. Mặc dù được đánh giá là khá lành tính, tuy nhiên để đảm bảo an toàn trong lần đầu tiên sử dụng thì bạn nên dùng lượng ít. Nếu bôi trên da thì thử một lượng nhỏ bôi trên mu bàn tay nếu không có phản ứng thì có thể sử dụng vùng lớn trên da.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.