Tinh dầu là dạng chất lỏng chứa các hợp chất thơm dễ bay hơi được chiết xuất bằng nhiều phương pháp khác nhau từ lá, vỏ cây, thân cây, hoa,...Tinh dầu có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là hoạt tính giảm viêm.
1. Tinh dầu có tác dụng gì?
Tinh dầu có tên tiếng Anh là Essential oil, là dạng lỏng chứa các chất dễ bay hơi trong thực vật và có mùi thơm đặc trưng. Từ thời cổ đại, tinh dầu đã được sử dụng trong các liệu pháp hương thơm để chăm sóc cơ thể và hỗ trợ làm đẹp. Tinh dầu được sử dụng phổ biến trong ngành sản xuất nước hoa, mỹ phẩm, xà phòng hoặc để tạo hương cho thực phẩm, đồ uống,...Dưới đây là một số tác dụng đặc trưng của tinh dầu:
1.1 Giảm lo âu và căng thẳng
Nhiều loại tinh dầu được sử dụng trong liệu pháp mùi hương để kiểm soát căng thẳng và lo lắng. Ví dụ, các nhà khoa học phát hiện ra rằng tinh dầu cam có tác dụng giảm lo lắng đối với các tình nguyện viên nam tham gia thử nghiệm.
1.2 Kháng nấm
Các nghiên cứu ban đầu về tinh dầu tràm trà đã có những kết quả đầy hứa hẹn về hoạt tính kháng nấm. Tinh dầu đã được sử dụng để giảm nấm chân cho các vận động viên, nấm miệng và nhiễm nấm như nấm candida.
1.3 Giảm đau đầu
Vào những năm 90, hai nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thoa hỗn hợp dầu bạc hà - ethanol lên trán và thái dương của những người tham gia giúp giảm đau đầu. Một số nghiên cứu gần đây cũng đã cho thấy cơn đau đầu thuyên giảm sau khi thoa dầu bạc hà và dầu oải hương lên da.
1.4 Hỗ trợ giấc ngủ
Tinh dầu hoa oải hương đã được chứng minh là giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ của phụ nữ sau khi sinh con, cũng như bệnh nhân mắc bệnh tim. Một đánh giả từ 15 nghiên cứu về tinh dầu và giấc ngủ cho thấy rằng việc ngửi các loại dầu - chủ yếu là dầu hoa oải hương - có tác động tích cực đến thói quen ngủ.
1.5. Giảm viêm
Tinh dầu có thể giúp chống lại các tình trạng viêm nhiễm của cơ thể. Một nghiên cứu trên chuột cho thấy rằng ăn kết hợp tinh dầu cỏ xạ hương và oregano hỗ trợ làm thuyên giảm bệnh viêm đại tràng. Hai nghiên cứu trên chuột về dầu caraway và hương thảo cũng cho kết quả tương tự.
2. Tinh dầu nào có tác dụng giảm viêm?
Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy các loại tinh dầu sau đây có đặc tính chống viêm: xạ hương, đinh hương, hoa hồng, bạch đàn, thì là, cam bergamot. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những loại dầu này làm giảm ít nhất 25% biểu hiện của enzyme gây viêm COX-2. Tinh dầu cỏ xạ hương có nhiều tác dụng nhất, giảm gần 75% mức COX-2. Ngoài ra, Hiệp hội quốc gia về trị liệu bằng hương thơm (National Association of Holistic Aromatherapy) đã liệt kê nhiều loại dầu có thể làm giảm viêm, bao gồm: hoa cúc la mã, gừng, cúc vạn thọ,...
3. Cách sử dụng tinh dầu giảm viêm
Vì tình trạng viêm ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể nên tinh dầu có thể được sử dụng theo một số cách khác nhau để giúp làm giảm viêm:
- Khuếch tán: Bạn có thể mua máy khuếch tán tinh dầu để sử dụng tinh dầu giảm viêm. Máy khuếch tán sẽ giúp các hạt tinh dầu phân tán trực tiếp vào không khí. Hít mùi hương có thể giúp bạn thư giãn và có thể có lợi trong trường hợp tình trạng viêm liên quan đến căng thẳng.
- Xoa bóp: Để giảm viêm bằng tinh dầu, bạn có thể thoa trực tiếp tinh dầu đã pha loãng lên vùng bị viêm. Lưu ý không bao giờ nên thoa tinh dầu chưa pha loãng lên da vì có thể gây kích ứng da.
- Súc miệng: Mặc dù hiếm, nhưng có một số loại tinh dầu được dùng để súc miệng. Các nhà nghiên cứu trong một bài đánh giá năm 2011 đã phát hiện ra rằng sử dụng nước súc miệng có tinh dầu rất hữu ích trong việc giảm viêm nướu. Tuy nhiên nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử phương pháp này. Đặc biệt không được nuốt tinh dầu vì sẽ gây nguy hiểm.
4. Cách pha một số hỗn hợp tinh dầu giúp giảm viêm
4.1 Hỗn hợp tinh dầu giảm viêm nhiều mục đích
Nếu muốn dùng tinh dầu để giảm viêm nói chung, bạn có thể thử pha hỗn hợp các tinh dầu sau vào một chiếc lọ thủy tinh tối màu, dung tích 5ml để dùng dần. Thành phần cụ thể gồm: 44 giọt tinh dầu oải hương, 31 giọt tinh dầu cúc bất tử, 19 giọt tinh dầu hương trầm và 6 giọt tinh dầu cúc La Mã.
Bạn nên nhớ pha loãng hỗn hợp tinh dầu giảm viêm với dầu nền trước khi sử dụng. Tùy vào mục đích sử dụng mà bạn có thể thay đổi số lượng tinh dầu và loại dầu nền:
- Massage: Pha 6 giọt hỗn hợp tinh dầu trên với 2 thìa cà phê dầu hạt nho hoặc dầu hạnh nhân, sau đó massage lên vùng bị ảnh hưởng.
- Chườm: Pha 6 giọt hỗn hợp tinh dầu với 1 thìa cà phê dầu hạt nho vào chậu nước rồi khuấy đều. Sau đó, có thể nhúng khăn sạch vào chậu nước, vắt bớt nước rồi dùng khăn chườm lên da.
4.2 Hỗn hợp tinh dầu để giảm đau cơ bắp, giảm cứng khớp sau vận động mạnh
Tinh dầu không chỉ giúp giảm viêm mà còn hỗ trợ tăng lưu thông máu tới các khớp, các cơ bắp bị đau sau khi vận động mạnh. Bạn nên pha 3 giọt tinh dầu nhựa thơm (copaiba), 6 giọt tinh dầu oải hương, 3 giọt tinh dầu kinh giới và 3 giọt tinh dầu tiêu đen với 2 thìa canh dầu hạt nho, sau đó dùng hỗn hợp trên xoa bóp lên các khu vực bị đau.
4.3 Hỗn hợp tinh dầu cho trường hợp viêm và đau (ví dụ như bong gân, căng cơ, đau đầu do căng thẳng)
Bạn có thể kết hợp các tinh dầu chống viêm, giảm đau theo công thức sau: Pha 1 giọt tinh dầu bạc hà với 3 giọt tinh dầu khuynh diệp, 3 giọt tinh dầu hương thảo, 5 giọt tinh dầu oải hương vào lọ thủy tinh 10ml. Sau đó thêm dầu nền vào tới khi gần đầy chai. Bạn có thể lắc đều và dùng hỗn hợp tinh dầu thoa lên các khu vực bị đau.
4.4 Hỗn hợp tinh dầu giảm viêm da trong trường hợp mụn trứng cá, bệnh eczema
Bạn có thể pha 4 giọt tinh dầu cúc La Mã, 3 giọt tinh dầu ngọc lan tây, 1 - 2 giọt tinh dầu hoắc hương và 2 thìa canh nước hoa hồng với 60ml gel nha đam hoặc kem dưỡng. Khuấy đều và bảo quản hỗn hợp vừa pha trong lọ thủy tinh.
4.5 Hỗn hợp tinh dầu giúp giảm viêm đường hô hấp (ví dụ viêm phế quản, viêm thanh quản)
Pha 25 giọt tinh dầu khuynh diệp, 5 giọt tinh dầu bạc hà, 7 giọt tinh dầu tràm trà, 5 giọt tinh dầu hương thảo, 7 giọt tinh dầu chanh với 1/4 cốc dầu nền và 7gr sáp ong. Bạn có thể ngửi mùi hương hoặc thoa hỗn hợp này lên vùng ngực để làm dịu cơn ho, giảm nghẹt mũi khi bị viêm đường hô hấp.
Tóm lại, tinh dầu có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, sử dụng tinh dầu không đúng cách có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như dị ứng, kích ứng da,...Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng tinh dầu để giảm viêm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.