Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng - Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Xét nghiệm hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Kháng thể kháng Jo-1 là một dạng kháng thể kháng kháng nguyên nhân hòa tan ( kháng ENA) thường gặp ở những người mắc các bệnh như viêm cơ tự miễn nặng hoặc viêm phổi kẽ tự miễn. Xét nghiệm kháng thể kháng Jo-1 đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán cũng như chữa trị các bệnh lý viêm cơ tự miễn.
1. Xét nghiệm kháng thể Jo-1 là gì?
Kháng thể Jo-1 là một trong những dấu hiệu của bệnh viêm đa cơ và phổ biến nhất ở các bệnh nhân mắc bệnh viêm cơ (viêm đa cơ và viêm cơ da) và bệnh lý viêm phổi kẽ. Tỷ lệ xuất hiện của kháng thể Jo-1 ở các trường hợp mắc xơ phổi kẽ hay viêm khớp đối xứng lên tới 50%. Kháng thể Jo-1 ở bệnh nhân viêm đa cơ kết chặt vào các epitope cấu hình của các protein enzyme và ức chế hoạt tính xúc tác của nó trong ống nghiệm.
Xét nghiệm kháng thể Jo-1 là xét nghiệm được thực hiện để đo lượng kháng thể Jo-1 trong máu. Jo-1 (histidyl-transfer [t] RNA synthetase) thuộc nhóm enzyme amino acyl-tRNA synthetase và có thể được tìm thấy trong tất cả những tế bào có nhân.
2. Khi nào nên làm xét nghiệm kháng thể kháng Jo-1?
Thông thường, khi bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh viêm phổi kẽ tự miễn hay có kết quả xét nghiệm ANA dương tính sẽ được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm kháng thể kháng Jo-1 để định hướng chẩn đoán cũng như loại trừ các bệnh lý viêm khác như nhiễm trùng, viêm phổi do thuốc, tràn khí trung thất hoặc yếu cơ hô hấp . Một số triệu chứng phổ biến của bệnh viêm phổi kẽ tự miễn như:
- Có cảm giác khó thở khi làm những công việc nặng nhọc như leo cầu thang, tập thể dục nặng. Dần dần sẽ có cảm giác khó thở ngay cả khi sinh hoạt thường ngày như thay quần áo, tắm rửa, nói chuyện và ăn
- Thường xuyên đau nhức cơ, mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân
- Ho khan
- Ngón tay dùi trống
- Da, môi, móng tay bị xanh tím
Xét nghiệm còn được chỉ định trên người bệnh có các dấu hiệu và triệu chứng đồng thời ở phổi, khớp và xuất hiện hội chứng Raynaud ( sự co thắt mạch ở bàn tay khi khi gặp lạnh hoặc stress tâm lý, gây khó chịu và thay đổi màu sắc (nhợt, xanh, ban đỏ hoặc kết hợp) ở một hay nhiều ngón tay. Thỉnh thoảng, các bộ phận khác (ví dụ như mũi, lưỡi) bị ảnh hưởng), có sự yếu các chi vận động.
Ngoài ra loại tự kháng thể này có thể có mặt ở những bệnh nhân có hội chứng antisynthetase hoàn chỉnh hoặc không hoàn chỉnh. Các đặc điểm của hội chứng antisynthetase (ASS) bao gồm sốt, viêm khớp không bào mòn, viêm phổi kẽ, tăng keratin ở mặt quay của ngón (bàn tay của người thợ cơ khí), hội chứng Raynaud và sản xuất các tự kháng thể kháng Jo1. Ban ngoài da của viêm da cơ thể có thể hoặc không có. Nên nghĩ tới và tìm các thêm các yếu tố để chẩn đoán viêm da cơ hoặc viêm đa cơ ở bệnh nhân có kháng thể antisynthetase và biểu hiện bệnh lý về cơ.
3. Quy trình xét nghiệm kháng thể kháng Jo-1
Xét nghiệm kháng thể kháng Jo-1 có thể thực hiện trên hai loại mẫu bệnh phẩm: Xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu tùy theo thực tế triệu chứng lâm sàng của người bệnh và yêu cầu của bác sỹ lâm sàng để chẩn đoán xác định.
3.1 Xét nghiệm máu
Mẫu bệnh phẩm thực hiện cho xét nghiệm là bệnh phẩm máu tĩnh mạch. Cánh tay lấy máu sẽ được điều dưỡng quấn xung quanh bằng một băng thun (garo tĩnh mạch) nhằm ngăn chặn sự lưu thông của máu. Khi đó, các tĩnh mạch phía dưới sẽ lớn hơn tạo điều kiện cho việc sử dụng kim lấy máu vào tĩnh mạch dễ dàng hơn.
Vị trí lấy máu được sát trùng với cồn hoặc dung dịch sát khuẩn không chứa cồn trước khi đưa kim vào tĩnh mạch. Điều dưỡng sẽ lấy một lượng máu vừa đủ vào ống tiêm, sau đó gỡ bỏ garo được quấn ban đầu, đặt bông gạc tẩm cồn y tế lên vị trí đâm kim và rút kim ra, bơm máu vào ống không chống đông. Mẫu bệnh phẩm sau đó sẽ được vận chuyển ngay đến phòng xét nghiệm.
3.2 Xét nghiệm nước tiểu
Thực hiện xét nghiệm trên mẫu bệnh phẩm nước tiểu. Có hai loại xét nghiệm kháng thể kháng Jo-1 trên mẫu nước tiểu là xét nghiệm với mẫu nước tiểu 2 giờ hoặc 24 giờ.
Xét nghiệm đối với mẫu nước tiểu 24 giờ có nghĩa là xét nghiệm được thực hiện và phân tích trên toàn bộ lượng nước tiểu được lấy trong vòng 24 giờ. Thời điểm tốt để bắt đầu thực hiện lấy mẫu nước tiểu 24h là vào buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy. Tuy nhiên, lượt đi tiểu đầu tiên sau khi thức dậy sẽ được bỏ đi và đánh dấu lại thời gian bắt đầu lấy mẫu. Kể từ mốc thời gian đó, bạn sẽ tiến hành gom mẫu nước tiểu trong vòng 24 giờ tiếp theo.
Phòng xét nghiệm sẽ cung cấp cho người bệnh một bình lớn dung tích khoảng 4l có chứa một lượng nhỏ chất bảo quản bên trong và khi thực hiện gom mẫu nước tiểu trong ngày, nước tiểu nên được lấy vào một chiếc lọ nhỏ sạch, khô rồi mới đổ vào bình chứa lớn. Lưu ý không để tay chạm vào bên trong bình chứa.
Bình chứa mẫu nước tiểu có chứa chất bảo quản được khuyến khích để trong tủ lạnh trong vòng 24 giờ thực hiện lấy mẫu. Trong trường hợp không có tủ lạnh, chất bảo quản cũng sẽ giúp mẫu bệnh phẩm không bị biến tính. Đến thời điểm kết thúc 24 giờ lấy mẫu, người bệnh tiến hành lấy mẫu nước tiểu lần cuối cùng, đưa vào bình bảo quản đồng thời ghi lại thời gian kết thúc.
Cần lưu ý với người bệnh không để máu kinh nguyệt, lông mu, phân, giấy vệ sinh hay các tạp chất khác dây vào mẫu nước tiểu.
Đối với mẫu nước tiểu 2 giờ, quy trình thu lấy mẫu cũng được thực hiện tương tự như trên, chỉ có điều thay vì thu mẫu nước tiểu trong vòng 24 giờ thì người bệnh chỉ cần thu lấy lượng nước tiểu trong khoảng thời gian 2 giờ đồng thời cũng ghi lại thời gian kết thúc.
4. Một số điều cần lưu ý trước và sau khi làm xét nghiệm kháng thể kháng Jo-1
4.1 Trước khi làm xét nghiệm
Để không làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, người bệnh nên lưu ý một số điều trước khi tiến hành lấy mẫu:
- Không sử dụng các loại chất kích thích như rượu bia, thuốc lá trong vòng ít nhất 24 giờ trước khi xét nghiệm.
- Xét nghiệm miễn dịch không yêu cầu bắt buộc phải nhịn ăn, nhưng nếu có thể thì nhịn ăn trong ít nhất 2 giờ trước đó.
- Thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc (bao gồm thuốc kê đơn và không kê đơn) mình đang sử dụng.
- Xét nghiệm kháng thể kháng Jo-1 không nên chỉ định ở những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm kháng thể kháng nhân âm tính.
Tuy nhiên kết quả xét nghiệm kháng thể Jo-1 âm tính không loại trừ được người bệnh có thể mắc bệnh lý viêm đa cơ hoặc viêm cơ bì.
4.2 Sau khi làm xét nghiệm
Xét nghiệm máu là một kỹ thuật không quá phức tạp nên rất hiếm khi xảy ra vấn đề trong quá trình lấy máu tĩnh mạch.
Sau khi lấy máu, vị trí lấy máu có thể hơi bầm tím. Tuy nhiên tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất và thường không để lại bất kỳ hậu quả gì.
5. Kết quả xét nghiệm kháng thể kháng Jo-1 có ý nghĩa gì?
Tùy thuộc vào giới tính, lứa tuổi, bệnh sử hoặc các phương pháp xét nghiệm mà kết quả xét nghiệm có thể có các khoảng tham chiếu nhất định và khác nhau.
Tuy nhiên, khoảng tham chiếu bình thường của kháng thể kháng Jo-1 là âm tính (với các giá trị < 1.0 U). Tương tự như vậy, nếu kết quả xét nghiệm kháng thể kháng Jo-1 dương tính ( > 1.0 U) thì kết quả được đánh giá là bất thường, người bệnh có nguy cơ mắc bệnh lý viêm đa cơ và tăng nguy cơ với xơ hóa phổi. Tham chiếu này áp dụng cho mọi lứa tuổi và giới tính khác nhau.
Trong bất kỳ trường hợp nghi ngờ nào, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế uy tín để làm xét nghiệm kháng thể kháng Jo-1, từ đó có định hướng chẩn đoán, làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu nếu cần thiết để có phương hướng điều trị kịp thời.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giỏi, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.