Tầm soát ung thư tuyến giáp giúp pháp hiện và điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn đầu, chưa xuất hiện triệu chứng. Đây là một căn bệnh phổ biến ở độ tuổi từ 45-54 tuổi, đặc biệt, nguy cơ mắc bệnh ở phụ nữ cao gấp 3 lần nam giới. Vì vậy, mọi người nên chủ động thực hiện tầm soát định kỳ để tránh phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Bài viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Bác sĩ Đa khoa - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Tầm soát ung thư là gì?
Tầm soát ung thư nhằm phát hiện căn bệnh này trước khi các triệu chứng xuất hiện. Việc phát hiện sớm các mô bất thường hoặc ung thư giúp điều trị dễ dàng hơn. Nếu đợi đến khi triệu chứng xuất hiện, ung thư có thể đã bắt đầu di căn.
Bác sĩ sẽ dựa vào những thông tin này để khuyến nghị ai cần thực hiện tầm soát ung thư, các loại xét nghiệm tầm soát nào nên được sử dụng và tần suất thực hiện các xét nghiệm ra sao. Các xét nghiệm sàng lọc cũng có thể được thực hiện dù không có triệu chứng ung thư.
Nếu kết quả xét nghiệm sàng lọc cho thấy có sự bất thường, mọi người cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác nhằm xác định liệu có bị ung thư hay không. Những xét nghiệm này được gọi là xét nghiệm chẩn đoán.
Trắc nghiệm: Hiểu biết của bạn về tuyến giáp đến đâu?
Tuyến giáp đóng vai trò gì đối với cơ thể, tại sao phụ nữ thường gặp các vấn đề về tuyến giáp nhiều hơn nam giới? Đó là những thắc mắc thường gặp khi tìm hiểu về tuyến giáp. Hãy làm thử trắc nghiệm dưới đây để kiểm tra hiểu biết của bạn về tuyến giáp đến đâu nhé!
Bài dịch từ: webmd.com
2. Tìm hiểu về ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp là một căn bệnh, trong đó các tế bào ác tính (ung thư) phát triển trong mô của tuyến giáp. Phụ nữ có nguy cơ ung thư tuyến giáp cao hơn nam giới. Nguy cơ mắc bệnh cũng có thể tăng lên do tiếp xúc với bức xạ.
Tuyến giáp nằm gần khí quản có hình dạng như một con bướm với hai thùy: thùy bên phải và thùy bên trái được nối bởi một eo nhỏ ở giữa. Một tuyến giáp bình thường có kích thước tương đương với một quả óc chó và không thể cảm nhận qua da khi khám.
Tuyến giáp có vai trò trong việc tổng hợp iốt - một khoáng chất có trong các thực phẩm và muối iốt để sản xuất một số hormone. Các hormone tuyến giáp tham gia vào:
- Điều chỉnh nhịp tim và nhiệt độ cơ thể, cũng như tốc độ chuyển hóa thức ăn thành năng lượng.
- Quản lý mức độ canxi trong máu.
Bệnh thường được chẩn đoán ở nam giới và phụ nữ từ 45 đến 54 tuổi. Tuy nhiên, bệnh ung thư này lại là loại phổ biến nhất ở phụ nữ từ 20 đến 34 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn nam giới khoảng ba lần. Vì vậy, xét nghiệm tầm soát ung thư tuyến giáp đóng vai trò quan trọng để có thể phát hiện và điều trị bệnh từ sớm.
Trong ít nhất 40 năm qua, số lượng người mắc ung thư tuyến giáp đã gia tăng theo thời gian nhưng tỷ lệ tử vong do ung thư tuyến giáp vẫn ổn định hoặc giảm nhẹ. Những năm gần đây, tỷ lệ gia tăng ung thư tuyến giáp có dấu hiệu chững lại và tỷ lệ khối u tuyến giáp nhỏ hơn 1cm đã giảm. Hầu hết các trường hợp ung thư tuyến giáp đều đáp ứng tích cực với điều trị và thường được chữa khỏi.
3. Xét nghiệm tầm soát ung thư tuyến giáp
Các xét nghiệm tầm soát được sử dụng trong việc sàng lọc các loại ung thư khác nhau ở những người không có triệu chứng. Ung thư tuyến giáp trong những trường hợp nhất định thường không biểu hiện triệu chứng, bệnh chỉ có thể phát hiện được trong các trường hợp sau, bao gồm:
- Khi bác sĩ tiến hành kiểm tra cổ trong quá trình khám sức khỏe tổng quát định kỳ để phát hiện các khối u (nốt), sự sưng tấy ở vùng cổ, các hạch bạch huyết hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác.
- Siêu âm tuyến giáp.
4. Rủi ro của tầm soát ung thư tuyến giáp
Dưới đây là các rủi ro liên quan đến việc tầm soát và sàng lọc ung thư tuyến giáp:
- Ung thư tuyến giáp có thể được chẩn đoán quá mức.
- Kết quả xét nghiệm âm tính giả có thể xảy ra: Kết quả xét nghiệm cho thấy một người hoàn toàn bình thường nhưng thực tế, họ đang mắc ung thư tuyến giáp. Việc nhận kết quả âm tính giả có thể khiến người bệnh trì hoãn việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế mặc dù đang có triệu chứng.
- Kết quả xét nghiệm tầm soát ung thư tuyến giáp dương tính giả có thể xảy ra: Đây là trường hợp một người không mắc ung thư nhưng kết quả xét nghiệm sàng lọc có thể xuất hiện bất thường. Kết quả dương tính giả thường gây ra sự lo lắng và đòi hỏi người kiểm tra sức khoẻ phải thực hiện thêm nhiều xét nghiệm và thủ tục khác (như sinh thiết chọc hút bằng kim nhỏ). Các phương pháp này cũng chứa đựng những rủi ro.
- Kiểm tra sàng lọc có rủi ro: Các phương pháp điều trị ung thư (ví dụ như phẫu thuật và liệu pháp iốt phóng xạ) cũng như các xét nghiệm chẩn đoán (như sinh thiết chọc hút bằng kim nhỏ) có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng bao gồm các vấn đề về thể chất lẫn cảm xúc.
5. Các lưu ý cần chuẩn bị khi tầm soát ung thư?
- Nhịn ăn 8 giờ trước xét nghiệm máu
- Thông báo cho bác sĩ nếu có thai hoặc mang dụng cụ kim loại như máy phá rung tim, máy trợ thính, răng giả, nẹp xương, đinh nội tủy… trong người.
- Mang theo toa thuốc và kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh gần nhất.
- Đối với trẻ em, cha mẹ cần mang phiếu khám hoặc theo dõi tiêm chủng.
- Nữ giới nên hẹn khám sức khỏe định kỳ sau khi hết chu kỳ 5 ngày.
Mặc dù có thể tồn tại rủi ro nhưng việc xét nghiệm tầm soát ung thư tuyến giáp vẫn giữ vai trò quan trọng không thể bị phủ nhận. Vì vậy, các cá nhân thuộc nhóm nguy cơ cao hoặc có dấu hiệu nghi ngờ ung thư tuyến giáp nên đến cơ sở y tế để được khám và sàng lọc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.