Vòng đai Schatzki có bản chất là một màng tròn của niêm mạc và lớp dưới niêm mạc thực quản. Các vòng Schatzki xuất hiện dưới dạng cấu trúc màng mỏng không chứa bất kỳ lớp đệm cơ nào tuy nhiên có khả năng gây hẹp lòng thực quản. Theo đó, vòng đai Schatzki đôi khi được phát hiện như nguyên nhân giải thích cho tình trạng nuốt khó, nuốt nghẹn khi được nội soi tiêu hóa trên.
1. Vòng đai Schatzki thực quản là gì?
Richard Schatzki là một bác sĩ X quang nổi tiếng, người đã mô tả một cấu trúc giống như chiếc nhẫn ở những bệnh nhân mắc chứng khó nuốt trong các bài báo từ năm 1953 đến năm 1963, và cấu trúc đó sau này mang tên ông.
Theo đó, vòng đai Schatzki thực quản được mô tả như một màng tròn của niêm mạc và lớp dưới niêm mạc được nhìn thấy ở chỗ nối hình vảy của đoạn thực quản xa, xuất hiện như một cấu trúc màng mỏng không chứa bất kỳ lớp đệm cơ nào nhưng có khả năng gây hẹp lòng thực quản. Về mô học, vòng Schatzki có bề mặt trên được bao phủ bởi biểu mô vảy và bề mặt dưới được bao phủ bởi biểu mô trụ, thường có liên quan đến thoát vị gián đoạn trên thực quản.
Về dịch tễ học, vòng đai Schatzki được tìm thấy trong 6% đến 14% các lần chụp X quang bari. Cấu trúc bất thường này được ghi nhận là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng khó nuốt từng đợt đối với thức ăn đặc và thức ăn rắn ở người lớn.
2. Nguyên nhân và sinh lý bệnh của vòng đai Schatzki
Chính vì vòng đai Schatzki có liên quan đến chứng thoát vị gián đoạn, trào ngược dạ dày thực quản được cho là nguyên nhân gây bệnh. Thật vậy, nhiều giả thiết đã được công nhận rằng việc tạo ra vòng Schatzki là phản ứng của cơ thể đối với việc tiếp xúc thường xuyên với axit và là cách tự nhiên để ngăn chặn sự phát triển của thực quản Barrett. Đồng thời, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng Barrett thực quản ít phổ biến hơn khi có vòng Schatzki, đặc biệt là thực quản Barrett đoạn dài.
Khi một vòng Schatzki phát triển trên thực quản, tình trạng hẹp lòng thực quản sẽ xảy ra, đi kèm với những rối loạn cơ học nội tại. Điều này sẽ dẫn đến các triệu chứng khó nuốt hoặc các biến chứng như nuốt nghẹn hay thức ăn không thể đi qua. Cụ thể là Richard Schatski đã phát triển "quy tắc Schatzki" đó là vòng đai Schatzki dưới 13 mm sẽ luôn có triệu chứng và vòng đai Schatzki lớn hơn 25 mm sẽ luôn không có triệu chứng. Tuy vậy, một khi thức ăn bị mắc kẹt với khối thức ăn lớn, bệnh nhân vẫn có thể có triệu chứng đau ngực, khó thở dữ dội.
3. Làm cách nào để chẩn đoán vòng đai Schatzki?
Hầu hết các vòng Schatzki không gây ra triệu chứng nếu có kích thước trên 25 mm. Khi có kích thước nhỏ hơn, triệu chứng chính xảy ra là chứng khó nuốt và có thể dẫn đến chứng khó nuốt cấp tính do thức ăn bị chèn ép. Các biểu hiện này thường liên quan đến việc nhai không kỹ và đôi khi được mô tả là cảm giác thức ăn dính lại trong lồng ngực.
Theo đó, một khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng gợi ý đến vòng Schatzki, nghiên cứu ban đầu để đánh giá tình trạng này là hình ảnh chụp thực quản bari. Để thực hiện, bệnh nhân được yêu cầu nuốt một chất như kẹo dẻo hoặc viên bari để đánh giá đường kính của vòng. Tuy nhiên, công cụ được chỉ định là nhằm định hướng cho nội soi tiêu hóa trên để đánh giá kích thước vòng Schatzki cũng như điều trị các triệu chứng tại chỗ đồng thời cho bệnh nhân. Nếu phát hiện là ngẫu nhiên và bệnh nhân không có triệu chứng thì lại không cần điều trị.
Hơn nữa, ngay cả chụp X quang thực quản Baryte là khó phát hiện, nội soi vẫn được khuyến khích để loại trừ các nguyên nhân khác cũng gây hẹp lòng thực quản, đặc biệt là bệnh lý ác tính thực quản. Sinh thiết niêm mạc qua nội soi cũng nên được thực hiện nếu có một đường chữ Z không đều ở chỗ nối dạ dày thực quản để đánh giá mô học của tình trạng thực quản Barrett. Ngay cả việc sinh thiết vòng Schatzki cũng có thể được thực hiện như một phương pháp điều trị can thiệp tại chỗ.
4. Các biện pháp điều trị vòng đai Schatzki
Mục tiêu của việc điều trị là làm giảm đường kính của vòng đai Schatzki để cải thiện hẹp lòng thực quản, cho phép thức ăn đi qua thực quản không bị cản trở. Nguyên tắc điều trị chung là phá vỡ vòng đai Schatzki bằng cách nong thực quản hay cắt vòng bằng kẹp sinh thiết. Trong đó, đối với sinh thiết, mô còn sót lại có thể dẫn đến tái phát về sau.
Sau khi được can thiệp, các bệnh nhân cần phải được chỉ định duy trì một số loại thuốc giảm axit như thuốc ức chế bơm proton (PPI), đặc biệt nếu đã được cắt đốt vòng đai Schatzki.
Nhìn chung, vòng Schatzki là một bệnh lý lành tính và khi có triệu chứng có thể được điều trị hiệu quả. Bệnh nhân thường có tiên lượng tốt và các triệu chứng sẽ cải thiện nhanh chóng sau khi được điều trị. Khả năng tái phát có thể xảy ra với tỷ lệ lên đến 64% trong 2 năm đầu tiên, do đó cần phải nong thực quản lặp lại.
Tóm lại, vòng đai Schatzki là một dải mô có thể hình thành ở phần dưới thực quản, dẫn đến hệ quả là hẹp lòng thực quản. Trong khi một số người có vòng Schatzki không có triệu chứng, những người khác lại bị nuốt khó kéo dài hay cảm thấy rằng thức ăn bị mắc kẹt trong lồng ngực. Lúc này, nội soi tiêu hóa trên là một chỉ định phù hợp, vừa giúp chẩn đoán và vừa giúp can thiệp điều trị. Đồng thời, người bệnh cũng cần áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống và liệu pháp ức chế axit để có thể giúp giảm các triệu chứng của vòng Schatzki.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.