Trạng thái sống thực vật là hậu quả của những tổn thương não nghiêm trọng, rối loạn thoái hóa thần kinh, bất thường bẩm sinh trong não bộ hoặc rối loạn trao đổi chất. Vậy hiện nay có giải pháp nào cho người sống thực vật không?
1. Sống thực vật là gì và nguyên nhân gây bệnh?
Sống thực vật là một tình trạng bệnh mãn tính. Khi đó cơ thể vẫn còn duy trì được huyết áp, nhịp thở và các chức năng tim mạch, tuy nhiên khả năng nhận thức thì đã không còn. Một số chức năng của thân não và vùng tủy não vẫn còn hoạt động. Giúp hỗ trợ cho các hoạt động hô hấp và tự chủ đủ để duy trì sự sống
Có hai nguyên nhân chính gây ra tình trạng sống thực vật là: thiếu oxy não và chấn thương sọ não. Thông thường, một trạng thái thực vật xảy ra bởi vì chức năng của thân não và gian não hồi phục lại sau khi hôn mê, tuy nhiên chức năng vỏ não thì không. Vỏ não bị tổn thương nghiêm trọng, hệ lưới hoạt hóa thần kinh (RAS) vẫn còn duy trì chức năng hoạt động. Phản xạ ở khu vực trung não (não trung gian) có thể hoặc không thể được ghi nhận. Nhưng bệnh nhân không còn khả năng tự nhận thức.
Ở trạng thái có ý thức tối thiểu, không phải như trạng thái thực vật, có bằng chứng cho thấy bệnh nhân nhận biết được bản thân hoặc môi trường của họ. Bệnh nhân cũng có khuynh hướng cải thiện (ý thức dần dần trở nên tỉnh hơn), nhưng sự cải thiện còn rất hạn chế. Trạng thái này có thể là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của tổn thương não. Hoặc có thể nối tiếp trạng thái thực vật khi người ta hồi phục được một số chức năng. Bệnh nhân có thể chuyển đổi giữa trạng thái thực vật và trạng thái tỉnh táo tối thiểu. Nhưng đôi khi mất nhiều năm sau tổn thương não ban đầu.
2. Triệu chứng và dấu hiệu của sống thực vật
2.1 Trạng thái thực vật
Bệnh nhân ở trạng thái thực vật không có nhận thức bản thân hoặc môi trường và không thể tương tác với mọi người xung quanh. Họ mất các đáp ứng có định hướng với những kích thích từ bên ngoài, đồng thời mất khả năng hiểu và biểu đạt ngôn ngữ.
Một số điều sau đây biểu hiện ở bệnh nhân bị trạng thái thực vật:
- Chu kỳ ngủ- thức, không liên quan đến môi trường cũng như không nhất thiết phản ánh một nhịp sinh học cụ thể.
- Một số phản xạ thân não phức tạp hơn. Chúng bao gồm ngáp, nhai, nuốt, và ít gặp hơn là tình trạng phát ra các âm thanh từ hầu họng.
- Có các dấu hiệu của sự toàn vẹn của cấu tạo lưới (mở mắt) và thân não (đồng tử có phản ứng, phản xạ mắt não).
- Có những phản xạ thức tỉnh và giật mình (ví dụ, những âm thanh lớn hoặc đèn nhấp nháy có thể khiến mắt mở).
- Xuất hiện một nụ cười hoặc cau mày.
- Xuất hiện nước mắt.
- Những chuyển động mắt liên hợp (hai mắt di chuyển cùng một hướng), tự phát - thường chuyển động chậm, vận tốc không đổi, và không có các chuyển động giật cục.
Những chuyển động của mắt tự phát có thể bị hiểu nhầm là sự nhìn theo có chủ ý.
Người bệnh không thể phản ứng với kích thích đe dọa thị giác và không thể làm theo lệnh. Các chi có thể di chuyển, tuy nhiên các phản ứng vận động có mục đích duy nhất là các vận động nguyên thủy (ví dụ, nắm chặt một đồ vật khi vật đó chạm vào tay). Cảm giác đau thường gây ra đáp ứng vận động (thường gây ra tư thế mất vỏ hoặc mất não) nhưng sẽ không có động tác né tránh có chủ ý. Người bệnh đại tiểu tiện không tự chủ.
Rất hiếm khi hoạt động của não được phát hiện bởi MRI chức năng hoặc điện não đồ. Cần phải đánh giá đáp ứng với những câu hỏi và mệnh lệnh ngay cả khi không có hành vi phản ứng. Mức độ nhận thức thực tế của người bệnh chưa được biết. Ở hầu hết những người bệnh có các hoạt động não như vậy, trạng thái thực vật thường do tổn thương não sau chấn thương, không phải là bệnh não do thiếu oxy.
2.2 Trạng thái có ý thức tối thiểu
Một số biểu hiện gián đoạn của sự tương tác có ý nghĩa với môi trường được bảo tồn. Người bệnh ở trạng thái có ý thức tối thiểu có thể thực hiện một số điều điều sau đây:
- Nắm bắt đồ vật có chủ ý.
- Đáp ứng với các mệnh lệnh một cách rập khuôn.
- Thiết lập sự liên hệ bằng mắt.
- Trả lời với cùng một từ.
3. Giải pháp điều trị cho người sống thực vật
Bệnh nhân cần được liên tục đánh giá tình trạng bệnh bằng thang đo lường những dấu hiệu tiến triển, có cải thiện hoặc suy giảm bệnh như Coma Recovery Scale (Thang đo mức độ hồi phục sau hôn mê).
Người sống thực vật thường cần phải được theo dõi và hỗ trợ trong sinh hoạt thường ngày như việc ăn uống, vệ sinh, vận động bình thường và các bài tập vật lý trị liệu. Quá trình điều trị không đảm bảo bệnh nhân sẽ hết bệnh hoàn toàn nhưng các giải pháp hỗ trợ sẽ mang lại cơ hội cải thiện bệnh:
- Làm sạch răng miệng mỗi ngày
- Vệ sinh cơ thể người bệnh sạch sẽ
- Tập thể dục cho khớp để ngăn co cứng khớp
- Cố gắng giao tiếp với người bệnh
- Hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh qua ống truyền
- Xoay trở người bệnh thường xuyên để tránh viêm loét
Một số trường hợp, điều trị dược lý bằng các chất kích hoạt sẽ được áp dụng. Một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm ba vòng (tricyclic antidepressant) hoặc methylphenidate hay cách kích thích não sâu có thể được áp dụng. Bệnh cạnh đó, cách kích thích tạo tương tác lặp lại thường xuyên, khoảng 6 giờ mỗi ngày, cũng nhiều khả năng sẽ mang lại hy vọng thức tỉnh người bệnh như:
- Kích thích thị giác: Đưa cho người bệnh xem hình ảnh của bạn bè hoặc người thân trong gia đình. Xem một bộ phim hoặc một món đồ người đó tâm đắc.
- Kích thích thính giác: Trò chuyện thường xuyên với người bệnh hoặc mở một bản nhạc người đó ưa thích.
- Kích thích khứu giác: Cắm một loại hoa có mùi hương thoang thoảng hoặc xịt mùi nước hoa mà trước kia người bệnh thích/hay dùng.
- Kích thích xúc giác: Nắm lấy tay người bệnh thường xuyên và vuốt ve hay dùng nhiều chất liệu vải khác nhau để chạm lên da họ.
Trên đây là những thông tin quan trọng về trạng thái sống thực vật. Khi trong gia đình có người sống thực vật, bạn nên đưa tới các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra, tư vấn về hướng điều trị cũng như chăm sóc tốt cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.