Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Trọng - Bác sĩ chuyên khoa Ngoại Nhi, phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Dính âm môi bé gái sẽ gây cho việc vệ sinh vùng kín khó khăn nhất là khi bé dậy thì. Tình trạng này có thể gây ra bệnh viêm nhiễm như: viêm âm đạo, viêm đường tiết niệu, thậm chí có thể gây ra vô sinh về sau. Vì vậy, khi có dấu hiệu của bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám Bác sĩ chuyên khoa ngoại nhi để có phương án điều trị kịp thời tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
1. Dính âm môi bé gái là gì?
Dính âm môi bé ở bé gái là tình trạng hai môi bé của bộ phận sinh dục nữ ở bên ngoài dính lại với nhau khiến cho lỗ âm đạo và lỗ tiểu bị che khít một phần. Tình trạng này thường được phát hiện ở trẻ gái có tuổi từ 3-6 tháng tuổi và có thể kéo dài đến khi dậy thì.
Dính âm môi bé có ba mức độ:
- Mức độ nhẹ: Âm môi bé dính một phần hoặc che một phần âm đạo, nhưng lỗ tiểu không bị che lấp.
- Mức độ trung bình: Dính âm môi bé làm cho âm đạo bị che lấp toàn bộ nhưng lỗ tiểu vẫn chưa bị che lấp.
- Mức độ nặng: Dính âm môi bé làm cho âm đạo và lỗ tiểu bị che lấp hoàn toàn.
2. Nguyên nhân dính âm môi bé ở bé gái
Bé gái sau sinh từ 3 đến 6 tháng có nồng độ estrogen trong máu xuống thấp, đây chính là nguyên nhân có thể gây ra tình trạng dính âm môi bé. Đây không phải là bệnh bẩm sinh mà nguyên nhân là do các dấu hiệu viêm nhiễm tại chỗ gây nên, hoặc có thể do bé không được vệ sinh đúng cách, hoặc do bé sử dụng bỉm quá lâu không được thay rửa, hoặc có thể do da bé bị kích ứng với các thành phần hoá học trong các dung dịch tắm rửa.
3. Dấu hiệu dính âm môi bé ở bé gái
Bình thường hai môi bé được tách biệt và tạo thành khoảng trống ở giữa. Nhưng một số bé gái lại có hai môi bé dính vào nhau chỉ để một lỗ nhỏ, thậm chí còn bị bít kín. Nên dấu hiệu dính âm môi bé ở bé gái là hai môi nhỏ dính với nhau bằng một màng mỏng được bắt đầu từ phía gần hậu môn sau đó tới lỗ tiểu và âm đạo.
Quan sát kỹ thì không nhận thấy có dấu hiệu gì bất thường khi bé bị dính âm môi. Tuy nhiên, khi bé đi tiểu thì nước tiểu không thành dòng như bình thường.
4. Những yếu tố rủi ro khi bé bị dính âm môi
Trẻ bị dính âm môi bé có thể gặp rắc rối khi đi tiểu do lượng nước tiểu không được thoát ra ngoài hết và đọng lại trong âm đạo, khiến cho trẻ có cảm giác đi tiểu xong mà quần vẫn bị ướt do nước tiểu. Tình trạng này gây ra nhầm lẫn với đái rỉ - tiểu không tự chủ.
Trẻ bị dính âm môi bé gây khó khăn cho việc vệ sinh vùng kín, điều này càng làm tăng nguy cơ viêm nhiễm đường tiểu, đường tiết niệu, viêm âm đạo thậm chí có thể khiến bé bị vô sinh về sau. Nguyên nhân là do nước tiểu còn đọng lại bên trong vùng kín cũng như âm đạo và không được vệ sinh sạch sẽ.
5. Điều trị dính âm môi bé
Đa số các trường hợp dính âm môi không gây phiền toái, không cần điều trị vì tình trạng dính ở bé gái có thể được tách ra khi bé lớn, lúc này nồng độ hormone estrogen trong máu được tăng lên. Tuy nhiên, với tình trạng cụ thể của bé có thể sẽ có các điều trị khác nhau:
- Bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ sử dụng kem có chứa estrogen thoa lên chỗ dính để tách rời hai môi bé. Với phương pháp này có thể áp dụng với những trẻ bị mức độ nhẹ và hiệu quả thường thấy sau một tuần. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục thoa kem để tránh tình trạng dính tái phát.
- Trong trường hợp trẻ bị dính âm môi ở mức độ vừa và nặng thì sử dụng kem có chứa estrogen sẽ kém hiệu quả. Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật tách dính cho bé.
Cha mẹ có thể đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị tật dính âm môi bé gái. Vinmec có đội ngũ các bác sĩ chuyên môn Nhi được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, giàu kinh nghiệm trong khám chữa các bệnh lý của trẻ sơ sinh, trẻ em và trẻ nhỏ dưới 16 tuổi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.