Rửa phổi là một kỹ thuật trị liệu để lấy đi các thành phần bất thường bám dính trên bề mặt phế nang, nhằm cải thiện chức năng hô hấp của phổi. Đây là một biện pháp can thiệp trên các đối tượng mắc bệnh nghề nghiệp, đem lại cơ hồi phục cho người bệnh sau một thời gian dài tiếp xúc với môi trường lao động nhiều khói bụi độc hại.
1. Phương pháp lọc rửa phổi là gì?
Cơ thể người có hai lá phổi, đảm nhận chức năng hô hấp. Khi hít vào, không khí từ mũi, theo hệ thống cây khí quản – phế quản phân chia theo nhiều cấp bậc, đi đến từng phế nang. Phế nang là những túi nhỏ trong phổi, nơi luồn không khí đi vào cung cấp oxy cho máu và lấy đi khí thải carbonic ra ngoài. Khi sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khí bụi, nhất các đối tượng công nhân làm trong các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, sản xuất hóa chất, phổi nhiễm bụi nặng nề và tỷ lệ bệnh nghề nghiệp rất thường gặp.
Sự xuất hiện các phân tử độc hại với mật độ dày đặc trong phổi làm phổi mất đi chức năng hô hấp hay kích thích ra các phản ứng viêm lâu ngày làm tổn thương mãn tính nhu mô phổi. Trong khi đó, các phân tử này có kích thước rất nhỏ, tính bám dính và ăn sâu rất cao khiến người bệnh không thể tống xuất ra ngoài bằng các biện pháp ho khạc tự nhiên được. Từ đó, người bệnh mắc phải chứng suy hô hấp kéo dài, hoạt động tại các cơ quan cũng bị ảnh hưởng, cơ thể trở nên gầy mòn và suy kiệt.
Như vậy, ở các bệnh nhân mắc phải bệnh nghề nghiệp, ngoài các cách điều trị nâng đỡ chức năng cho phổi, phương pháp lọc rửa phổi là một can thiệp giúp lấy bớt ra các chất độc hại một cách thiết thực nhất. Đúng như tên gọi, việc rửa toàn bộ phổi được thực hiện để rửa sạch tất cả các vật liệu làm tắc nghẽn cũng như cản trở sự trao đổi khí trên phế nang. Từ đó, người bệnh có thể giảm đi triệu chứng và phục hồi nhịp thở gần như bình thường, chức năng hô hấp cải thiện.
Phương pháp lọc rửa phổi chữa bệnh nghề nghiệp yêu cầu người bệnh phải được gây mê toàn thân. Mỗi bên lá phổi được phân lập bằng cách sử dụng ống nội khí quản hai nòng và điều trị từng bên phổi. Điều này có nghĩa là trong khi một bên phổi được bơm rửa với một khối lượng lớn dung dịch điện giải đẳng trương, một bên phổi còn lại được thông khí nhân tạo. Chính vì thế, kỹ thuật này đảm bảo rằng bệnh nhân vẫn nhận được đầy đủ oxy trong cơ thể trong khi thủ thuật đang được thực hiện.
Tuy nhiên, vì đây là một thủ thuật can thiệp, phương pháp lọc rửa phổi phải thực hiện tại cơ sở y tế có trang bị đầy đủ thiết bị gây mê hồi sức và được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm trong chuyên khoa hô hấp cũng như điều trị các bệnh nghề nghiệp, đã được đào tạo về rửa toàn bộ phổi.
Trắc nghiệm: Làm thế nào để có một lá phổi khỏe mạnh?
Để nhận biết phổi của bạn có thật sự khỏe mạnh hay không và làm cách nào để có một lá phổi khỏe mạnh, bạn có thể thực hiện bài trắc nghiệm sau đây.2. Chỉ định của rửa phổi
Thủ thuật rửa toàn bộ phổi có phạm vi sử dụng hạn chế và chỉ thường được chỉ định trong điều trị các bệnh lý thâm nhiễm tại ống dẫn khí và túi phế nang như nhiễm protein phế nang phổi hay bệnh phổi nghề nghiệp.Các bệnh nhân bị tình trạng này khó thở vì phế nang bị tổn thương và che lấp bởi các chất có hại, việc vận chuyển oxy từ phổi đi vào máu bị suy giảm nghiêm trọng. Ngoài ra, người bệnh còn có thêm các triệu chứng khác như sốt nhẹ, sụt cân và mệt mỏi.
Chẩn đoán các bệnh lý phế nang và bệnh nghề nghiệp có chỉ định rửa phổi cần xác định thông qua một bệnh sử tiếp xúc môi trường làm việc bị ô nhiễm lâu dài. Đồng thời, việc thực hiện các xét nghiệm x-quang phổi và đo chức năng phổi là cần thiết, cho phép các bác sĩ đánh giá được thể tích không khí còn lại mà bệnh nhân có thể giữ được trong khi thực hiện thủ thuật, đảm bảo chức năng hô hấp toàn cơ thể. Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định, nội soi phế quản cũng có thể được thực hiện trong bước tiếp theo. Điều này cho phép các bác sĩ lấy mẫu chất lỏng từ phế nang và một phần nhỏ nhu mô phổi để thực hiện sinh thiết.
Tuy vậy, rửa toàn bộ phổi không luôn luôn được khuyến nghị cho tất cả những người bị bệnh phổi nghề nghiệp. Những người có ít hoặc không có triệu chứng thì thường không cần điều trị mà chỉ cần các biện pháp nâng đỡ khác, bao gồm cả cách ly. Tuy nhiên, đối với những người có triệu chứng và bệnh ở mức độ nặng, bác sĩ cần thăm khám sức khỏe toàn diện, đảm bảo chức năng các hệ cơ quan khác còn được đảm bảo thực hiện thủ thuật trước khi chỉ định rửa phổi.
3. Phương pháp rửa phổi được thực hiện như thế nào?
Phương pháp rửa phổi được bắt đầu khi bệnh nhân đã gây mê toàn thân. Bác sĩ thường sẽ lần lượt can thiệp rửa phổi đầu tiên ở phổi bên trái trong khi phổi bên phải được thông khí bằng cách sử dụng ống nội khí quản đôi.
Theo dõi tim phổi cẩn thận được thực hiện trong suốt quá trình diễn ra thủ thuật để đảm bảo rằng bệnh nhân được thở máy tốt, đạt các chỉ số thông khí hiệu quả. Điều này rất quan trọng vì sự thất bại của phổi phải cung cấp cho cơ thể không đủ oxy trong khi thủ thuật đang diễn ra sẽ làm giảm hiệu quả can thiệp, chậm hồi phục cho người bệnh sau này.
Phổi trái được rửa lần đầu tiên với 400ml dung dịch nước muối sinh lý vô khuẩn. Một lượng dung dịch 500ml-600ml lần thứ hai sau đó sẽ lấp đầy phổi trong một khoảng thời gian và tháo nước ra. Lúc này, cần phải đảm bảo là rút ra được cùng một lượng nước để chắc chắn rằng trong phổi hoàn toàn không còn bất kỳ chất lạ nào và để đảm bảo sự thành công của toàn bộ quá trình.
Chất lượng nước rửa ban đầu thường rất ô nhiễm, có màu trắng, vàng, đục và đôi khi còn có chất lợn cợn. Quá trình này sẽ tiếp tục được lặp lại, nước thải các lần sau sẽ dần dần cải thiện hơn so với lần đầu, cho đến khi nước rút ra thấy sạch và trong. Lượng nước cần dùng thường là 12 đến 13 lít nước muối để đạt được yêu cầu như vậy. Quá trình tương tự cho phổi trái có thể thực hiện ngay trong lúc này hay trì hoãn sau vài ngày, tùy vào khả năng chịu đựng của phần nhu mô phổi đối bên.
4. Rủi ro và biến chứng có thể xảy ra khi thực hiện lọc rửa phổi
Các lần thực hiện lọc rửa phổi đã cho thấy bằng chứng là an toàn và cực kỳ hiệu quả. Phần lớn bệnh nhân trên toàn cầu đã báo cáo sự cải thiện gần như 100% về sức khỏe hô hấp nói chung sau thủ thuật. Tuy nhiên, mặc dù có hiệu quả, lọc rửa phổi không đảm bảo có khả năng chống lại sự tái phát.
Ngoài ra, tuy có sự thành công, lọc rửa phổi vẫn là thủ thuật can thiệp và khó tránh được hoàn toàn các rủi ro và biến chứng liên quan đến thủ thuật. Chúng có thể bao gồm những điều sau đây:
- Xẹp phổi, suy hô hấp tại phổi còn lại
- Tràn khí màng phổi
- Tràn dịch màng phổi
- Tụt huyết áp, trụy tuần hoàn
Tóm lại, phương pháp lọc rửa phổi chữa bệnh nghề nghiệp là một cách thức can thiệp trong điều trị nhóm bệnh này. Điều kiện thực hiện thủ thuật cần đòi hỏi phần phổi còn lại có thể đảm bảo chức năng, đồng thời, cần thực hiện tại các trung tâm hô hấp chuyên sâu với các bác sĩ giàu kinh nghiệm. Từ đó, hiệu quả của rửa phổi sẽ đạt được tối ưu cũng như giúp người bệnh cải thiện khả năng hô hấp về lâu dài.