Lạc nội mạc trong cơ tử cung là tình trạng các tuyến, tổ chức giống như niêm mạc tử cung có mặt tại cơ tử cung. Mặc dù không đe dọa đến tính mạng nhưng bệnh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và gây ra các triệu chứng khó chịu như, chảy máu kinh nhiều, rong kinh…ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người bệnh. Vậy lạc nội mạc trong cơ tử cung là gì?
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Lạc nội mạc trong cơ tử cung là gì?
Nội mạc tử cung là lớp niêm mạc bao phủ trong lòng tử cung, có khả năng phát triển và tăng sinh theo tác động của hormone, góp phần tạo ra chu kỳ kinh nguyệt. Vậy lạc nội mạc trong cơ tử cung là gì?
Đối với phụ nữ bình thường, lớp nội mạc tử cung chỉ nằm trong lòng tử cung. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, lớp niêm mạc này lại xuất hiện ở những vị trí khác nhau như ổ bụng, buồng trứng, niêm mạc hậu môn, các cơ quan khác thậm chí là ngay trong cơ tử cung. Tình trạng này được gọi là lạc nội mạc tử cung.
Sau khi biết lạc nội mạc trong cơ tử cung là gì, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những thông tin khác về bệnh. Lạc nội mạc trong cơ tử cung còn được gọi là bệnh tuyến cơ tử cung, là tình trạng các tổ chức, tuyến giống như niêm mạc tử cung xuất hiện bất thường tại cơ tử cung. Khi mắc bệnh, các tổ chức này lan rộng khiến tử cung bị giãn, to ra gấp đôi hoặc gấp ba kích thước bình thường. Bên cạnh đó, giống như niêm mạc tử cung bình thường, các tổ chức và tuyến này dưới tác động của hormone cũng có thể tăng sinh và bong ra.
Ngoài ra, một số nghiên cứu phát hiện ra rằng bệnh hiếm khi xuất hiện đơn độc mà thường đi kèm với các vấn đề khác ở vùng chậu.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Mặc dù nguyên nhân chính xác gây lạc nội mạc trong cơ tử cung là gì vẫn chưa được biết rõ nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng một số yếu tố sau góp phần dẫn đến tình trạng này, bao gồm:
- Dòng kinh bị tắc nghẽn gây ứ đọng hay chảy ngược: Lạc nội mạc cơ tử cung xảy ra khi mô kinh nguyệt bị ứ đọng và chảy ngược qua ống dẫn trứng, sau đó lắng đọng trên các cơ quan vùng chậu. Tại đây, các mô này tiếp tục sinh sôi và phát triển gây lạc nội mạc tử cung.
- Yếu tố di truyền: Nguy cơ mắc bệnh tăng cao nếu có người thân trong gia đình như chị em, cô, bác và mẹ mắc bệnh.
- Phẫu thuật: Phụ nữ có tiền sử thực hiện các thủ thuật vùng tiểu khung như mổ đẻ, những người sinh con nhiều lần có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Nội tiết tố: Tình trạng gia tăng estrogen trong cơ thể cũng được coi là yếu tố gây bệnh.
- Tuổi tác: Phụ nữ trong độ tuổi 30 đến 40 có nguy cơ mắc bệnh cao hơn mặc dù tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ ai trong độ tuổi có kinh nguyệt.
3. Dấu hiệu nhận biết
Gần một phần ba số người mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng rõ ràng hoặc chỉ gặp triệu chứng nhẹ, khiến việc phát hiện và chẩn đoán trở nên khó khăn. Thông thường, bệnh chỉ được phát hiện tình cờ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh gây ra các triệu chứng rõ rệt như:
- Rong kinh (kỳ kinh nguyệt kéo dài) hoặc chảy máu kinh nguyệt rất nhiều (cường kinh);
- Khi hành kinh bị chảy máu thành cục;
- Cơn đau quặn bụng dữ dội hoặc nhói buốt ở vùng xương chậu trong kỳ kinh nguyệt. Triệu chứng này khá dễ bị nhầm lẫn với đau bụng kinh, một tình trạng được xem là dấu hiệu sinh lý bình thường. Tuy nhiên, nếu trước đó không bị đau dữ dội nhưng sau tuổi 25, chị em cảm thấy bị đau nhiều hơn, đó có thể là dấu hiệu của bệnh lý như lạc nội mạc tử cung hoặc các vấn đề bất thường tại vùng tiểu khung;
- Đau vùng chậu mãn tính không liên quan đến kỳ kinh nguyệt;
- Đau vùng bụng khi quan hệ tình dục.
4. Làm sao để chẩn đoán lạc nội mạc trong cơ tử cung
Bệnh thường có những triệu chứng không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý phụ khoa khác như u xơ tử cung hay polyp nội mạc tử cung...Do đó, nhiều trường hợp bệnh chỉ được phát hiện ngẫu nhiên khi khám vùng tiểu khung.
Bên cạnh các biểu hiện lâm sàng như đau bụng bất thường, rối loạn kinh nguyệt, tử cung to lên,... quá trình chẩn đoán chính xác bệnh còn cần dựa vào các biện pháp cận lâm sàng bao gồm:
- Siêu âm đầu dò âm đạo: Phương pháp siêu âm là một kỹ thuật chẩn đoán đơn giản và tiết kiệm chi phí có khả năng phát hiện lạc nội mạc tử cung và các bất thường khác ở tử cung phần phụ. Khi thực hiện siêu âm, bác sĩ sẽ quan sát thấy các dấu hiệu như khối thay đổi sâu bên trong cơ tử cung với kích thước dao động từ vài milimet. Tuy nhiên, việc có phát hiện được lạc nội mạc trong cơ tử cung bằng siêu âm hay không phụ thuộc rất lớn vào tay nghề bác sĩ và chất lượng hình ảnh. Ngoài ra, đôi khi hình ảnh lạc nội mạc cơ tử cung khi siêu âm cũng khó phân biệt với các mô tổn thương khác.
- Chụp cộng hưởng từ: Phương pháp này giúp xác định chính xác chẩn đoán trong những trường hợp siêu âm chưa đủ rõ ràng.
- Sinh thiết: Trong một số trường hợp nghi ngờ ung thư nội mạc tử cung, quá trình lấy mẫu mô và sinh thiết sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, độ chính xác của phương pháp này có khả năng bị giới hạn do sai sót trong quá trình lấy mẫu.
5. Lạc nội mạc tử cung có nguy hiểm không?
Hiện nay, mối liên hệ giữa lạc nội mạc cơ tử cung và nguy cơ vô sinh, sảy thai, sinh non vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng. Mặc dù vậy, người bệnh vẫn lo lắng vì chất lượng cuộc sống cũng bị ảnh hưởng do một số vấn đề mà bệnh gây ra, bao gồm:
- Mất máu quá nhiều trong chu kỳ kinh nguyệt gây thiếu máu do thiếu sắt.
- Công việc và sinh hoạt của người bệnh bị ảnh hưởng do các cơn đau bụng trong ngày hành kinh
- Chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng do các cơn đau vùng chậu mãn tính.
- Nếu kèm theo các dạng lạc nội mạc tử cung khác có thể đi cùng với biến chứng của lạc nội mạc tử cung những vùng đó.
Mặc dù bệnh thường không đe dọa đến tính mạng, tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh sẽ dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
6. Một số phương pháp điều trị
Trường hợp bệnh không dẫn đến biến chứng ảnh hưởng sức khỏe thì chỉ cần chăm sóc và điều trị triệu chứng vì bệnh thường tự khỏi sau khi mãn kinh. Tùy theo từng đối tượng, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm:
6.1.Điều trị nội khoa
- Thuốc chống viêm: Một số loại thuốc chống viêm có tác dụng kiểm soát cơn đau hiệu quả. Vì vậy, người bệnh nên bắt đầu dùng thuốc từ 1 đến 2 ngày trước khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt và tiếp tục cho đến khi sạch kinh để làm giảm lưu lượng máu kinh nguyệt, từ đó làm giảm cả cơn đau và lượng máu bị mất đi trong kỳ kinh.
- Thuốc nội tiết: Một số loại thuốc như thuốc tránh thai, miếng dán hoặc đặt vòng âm đạo chứa thuốc nội tiết và thuốc làm vô kinh có khả năng giúp giảm đau.
6.2. Ngoại khoa
Cắt tử cung là biện pháp triệt để nhất để loại bỏ lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được áp dụng khi người bệnh bị đau đớn nghiêm trọng và điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả.
6.3. Thủ thuật
Với sự phát triển của y học hiện đại, phương pháp nút mạch tử cung xuất hiện như một lựa chọn thay thế cho cắt bỏ tử cung. Nhờ khả năng làm tắc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng khu vực bị bệnh, phương pháp này giúp giảm các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra.
6.4. Các biện pháp chăm sóc
Bên cạnh việc thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp sau đây để giúp giảm thiểu các triệu chứng khó chịu, đặc biệt là trong giai đoạn kinh nguyệt:
- Ngâm cơ thể trong bồn nước ấm;
- Sử dụng túi chườm hay thảo dược để chườm nóng trên bụng.
7. Cách phòng bệnh
Tìm hiểu cách phòng ngừa lạc nội mạc trong cơ tử cung là gì cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Mặc dù không thể hoàn toàn ngăn ngừa bệnh hoàn toàn nhưng mọi người có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng cách làm giảm nồng độ estrogen trong cơ thể như sau:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ về các phương pháp ngừa thai bằng nội tiết tố
- Tập thể dục thường xuyên
- Hạn chế rượu bia
- Giảm thiểu thức uống chứa caffeine
Trên đây là tất cả các thông tin về bệnh lý lạc nội mạc trong cơ tử cung. Nhìn chung, phụ nữ trong độ tuổi kinh nguyệt có nguy cơ cao mắc lạc nội mạc trong cơ tử cung. Tuy nhiên, đây là bệnh lý khó phát hiện và thường chỉ được chẩn đoán ngẫu nhiên khi thăm khám. Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường về kinh nguyệt, người bệnh nên đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.