Tìm hiểu về động kinh cục bộ vận động

Động kinh là hậu quả của những xung động điện bất thường xuất hiện và truyền tải bên trong não bộ. Bệnh động kinh được phân loại theo nhiều cách khác nhau, trong đó phân loại phổ biến nhất thành động kinh toàn thể và động kinh cục bộ. Động kinh cục bộ sau đó có thể được chia thành nhiều loại khác nhau như động kinh cục bộ vận động và động kinh cục bộ phức tạp.

1. Động kinh cục bộ vận động là gì?

Các xung động điện bất thường được phóng ra tại các vị trí trong hai bán cầu não là nguyên nhân gây ra bệnh động kinh cục bộ vận động. Những cơn động kinh này thường khu trú tại hai chi trên hoặc hai chi dưới, có thể lan đến các phần khác cùng bên với cơ thể và không kéo dài quá lâu.

Người lớn trên 60 tuổi và trẻ em trên 1 tuổi là những đối tượng phổ biến được ghi nhận mắc bệnh động kinh cục bộ vận động. Một số chuyên gia cho rằng động kinh là bệnh có tính chất gia đình, người có thành viên trong nhà mắc động kinh cục bộ vận động có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nhóm đối tượng khác. Một số yếu tố nguy cơ khác được cho rằng làm tăng khả năng mắc bệnh bao gồm:

  • Độ tuổi
  • Các tai nạn và chấn thương vùng đầu, phổ biến nhất là tai nạn giao thông
  • Các bệnh lý mạch máu não
  • Tiền sử mắc bệnh lý đột quỵ
  • Các bệnh lý nhiễm trùng ở não như: Viêm màng não, áp xe não, viêm não màng não
  • Động kinh do sốt cao ở trẻ nhỏ.

Những người có tiền sử đột quỵ sẽ tăng nguy cơ động kinh cục bộ vận động
Những người có tiền sử đột quỵ sẽ tăng nguy cơ động kinh cục bộ vận động

2. Nguyên nhân dẫn đến động kinh cục bộ vận động

Động kinh cục bộ vận động là một bệnh lý phức tạp và cơ chế gây bệnh thực sự đến nay vẫn chưa được biết rõ. Một số yếu tố dẫn tới động kinh cục bộ vận động bo gồm:

  • Tiền sử mắc các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh trung ương như: Đột quỵ, u não, bệnh lý thần kinh tiến triển, suy giảm trí nhớ, vôi hóa nhu mô não, xơ hóa hoặc loạn sản vùng vỏ não.
  • Chấn thương hoặc tai nạn ảnh hưởng đến vùng đầu
  • Lạm dụng rượu
  • Sử dụng các chất gây nghiện như ma túy.

Ngoài ra, bệnh động kinh cục bộ còn xuất hiện khi cơ thể:

  • Thiếu hụt men GLUT-1 bẩm sinh
  • Mắc các chứng rối loạn chuyển hóa trong cơ thể
  • Hội chứng di truyền bẩm sinh
  • Sốt cao và các bệnh lý nhiễm trùng.

Nghiện rượu có thể dẫn đến động kinh cục bộ vận động
Nghiện rượu có thể dẫn đến động kinh cục bộ vận động

3. Dấu hiệu nhận biết của động kinh cục bộ vận động

Triệu chứng nổi bật nhất của động kinh cục bộ vận động là những cơn động kinh xuất hiện không báo trước và kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn. Những cơn động kinh này thường được biểu hiện dưới dạng những cử động lặp lại bất thường ở hai tay, hai chân và một phần khác của cơ thể như đầu, miệng, mắt.

Bàn tay và bàn chân thường là hai vị trí khởi phát cơn động kinh đầu tiên với cử động co cứng hoặc co duỗi cơ với biên độ nhỏ lặp lại. Sau đó, người bệnh có thể tiếp tục biểu hiện các cử động bất thường khác như xoay đầu, rung giật hai môi, sùi bọt mép.

Ngoài ra, các bất thường về vận động, trong cơn động kinh cục bộ vận động, các biểu hiện liên quan đến rối loạn cảm giác cũng có thể xuất hiện như tê bì, dị cảm trên các vùng da cơ thể.

Không phải trường hợp nào mắc bệnh động kinh cục bộ vận động cũng có đầy đủ những biểu hiện nêu trên và ngược lại, không phải tất cả những người có các triệu chứng trên đều được chẩn đoán mắc bệnh. Khi phát hiện các biểu hiện bất thường, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bởi các bác sĩ chuyên khoa.

4. Các phương pháp chẩn đoán động kinh cục bộ vận động

Chẩn đoán một trường hợp mắc bệnh động kinh cục bộ vận động cần phối hợp nhiều yếu tố, bao gồm: Tiền sử, bệnh sử, thăm khám lâm sàng kết hợp với các phương tiện cận lâm sàng. Các triệu chứng lâm sàng xuất hiện trên bệnh nhân đóng vai trò gợi ý và định hướng chẩn đoán.

Các phương tiện cận lâm sàng đóng vai trò quyết định trong việc chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt. Đo điện não đồ là phương tiện đầu tay trong chẩn đoán bệnh lý động kinh với sự xuất hiện của các sóng bất thường. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác để bổ sung cho chẩn đoán như chụp cắt lớp vi tính sọ não hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não.


Bệnh nhân động kinh cục bộ vận động được chỉ định đo điện não đồ
Bệnh nhân động kinh cục bộ vận động được chỉ định đo điện não đồ

5. Các phương pháp điều trị động kinh cục bộ vận động

Hiện nay, động kinh cục bộ vận động chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu giúp chữa khỏi hoàn toàn bệnh. Mục tiêu điều trị chính là dự phòng và kiểm soát các cơn động kinh với phương pháp điều trị chủ yếu là nội khoa.

Bác sĩ điều trị sẽ chỉ định một hoặc nhiều loại thuốc phối hợp, trong đó quan trọng nhất là các thuốc thuộc nhóm chống động kinh. Người bệnh được yêu cầu sử dụng thuốc đều đặn và đúng liều lượng theo đúng toa của bác sĩ. Bệnh nhân được theo dõi ở một số trung tâm có thể được thực hiện xét nghiệm máu thường quy ở những lần tái khám để định lượng nồng độ thuốc ở trong máu và kịp thời phát hiện những trường hợp quá liều nếu có. Liều lượng và cách dùng thuốc có thể được điều chỉnh dựa trên đáp ứng lâm sàng của người bệnh động kinh cục bộ vận động.

Nhóm thuốc chống động kinh có nhiều tác dụng phụ không mong muốn, vì thế người bệnh tuyệt đối không được tự ý thay đổi cách sử dụng hoặc đưa cho người khác. Kế hoạch điều trị nội khoa vẫn cần được duy trì theo sự tư vấn của bác sĩ dù cho các cơn động kinh đã được kiểm soát tốt.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn, người mắc bệnh động kinh cục bộ vận động có thể cải thiện chất lượng cuộc sống bằng các biện pháp sau:

  • Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, không kiêng khem
  • Tập thể dục đều đặn, rèn luyện sức khỏe
  • Hạn chế suy nghĩ nhiều, stress từ cuộc sống và công việc
  • Không ngần ngại thông báo với người thân và bạn bè về tình trạng sức khỏe của bản thân.
  • Hướng dẫn người thân và bạn bè những việc nên làm khi những cơn động kinh xuất hiện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe