Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Phùng Thị Phương Chi - Bác sĩ Chuyên khoa Ung bướu - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
CA 19-9 là một dấu ấn chỉ điểm khối u được sử dụng trong chẩn đoán, đánh giá điều trị và theo dõi bệnh nhân ung thư. Định lượng CA 19-9 (carbohydrate antigen 19-9) máu là một xét nghiệm đặc biệt, hỗ trợ chẩn đoán ung thư, đặc biệt là ung thư tụy.
1. Dấu ấn ung thư là gì?
Dấu ấn ung thư là những chất do các tế bào ung thư hoặc các tế bào khác của cơ thể sản xuất để đáp ứng với bệnh ung thư hoặc một số bệnh lành tính. Hầu hết dấu ấn chỉ điểm ung thư vẫn được các tế bào bình thường sản xuất ra nhưng số lượng sẽ tăng rất nhiều trong trường hợp ung thư thật sự.
Có thể phát hiện dấu ấn chỉ điểm ung thư trong máu, nước tiểu, phân, tổ chức u hay các tổ chức khác hoặc trong dịch cơ thể của một số bệnh nhân ung thư. Đa phần dấu ấn chỉ điểm ung thư là những protein có tính kháng nguyên nhưng không phải tất cả các kháng nguyên ung thư đều có thể dùng như là chất chỉ điểm ung thư.
Có một số giới hạn trong việc sử dụng các dấu ấn chỉ điểm ung thư đó là đôi khi có trường hợp không phải là ung thư vẫn tăng lượng chất chỉ điểm ung thư. Ngoài ra, không phải ai bị ung thư cũng có lượng dấu ấn chỉ điểm ung thư liên quan đến loại ung thư này tăng cao.
Trắc nghiệm: Bạn biết gì về các yếu tố nguy cơ, chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến tụy?
Ung thư tuyến tụy phổ biến thứ 10 trong những bệnh ung thư mới và là nguyên nhân thứ 4 gây tử vong do ung thư ở nam, nữ. Bài trắc nghiệm này sẽ kiểm tra kiến thức của bạn về các yếu tố nguy cơ, chẩn đoán và cách điều trị ung thư tuyến tụy.
Bài viết tham khảo nguồn: medicalnewstoday 2019
2. Xét nghiệm CA19-9 là gì?
Kháng nguyên ung thư CA19-9 (cancer antigen 19-9 hoặc carbohydrate antigen 19-9) hay còn gọi là kháng nguyên ung thư đường tiêu hóa GICA (gastrointestinal cancer antigen). Vai trò chủ yếu của CA19-9 là sử dụng để chẩn đoán sớm, theo dõi hiệu quả điều trị, phát hiện tái phát và tiên lượng ung thư tụy. Trong thực tế chẩn đoán, sự hiện diện của các triệu chứng tắc tuỵ hay tắc mật và mức định lượng CA 19-9 (carbohydrate antigen 19-9) máu tăng cao sẽ giúp kết luận ung thư tuyến tụy thay vì u tụy lành tính.
CA19-9 bình thường được tổng hợp và bài tiết bởi các tế bào biểu mô của các tuyến tiêu hóa và hô hấp như: tuyến tụy, mật, dạ dày, túi mật, đại tràng, nội mạc tử cung, tuyến nước bọt, tuyến tiền liệt.... Vì vậy, mức độ CA19-9 huyết tương có thể tăng trong một số ung thư như: ung thư tụy, ung thư gan, mật, dạ dày, đại trực tràng, buồng trứng...và cũng có thể tăng trong một số bệnh lành tính như: tắc mật, viêm đường mật, viêm ruột, viêm tụy cấp hoặc mãn tính...
3. Mối quan hệ giữa CA 19-9 và bệnh ung thư tụy
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư tụy (ung thư tụy ngoại tiết chiếm 95%) là loại ung thư phổ biến thứ 12 trên thế giới và là nguyên nhân đứng thứ 7 gây tử vong do ung thư. Giai đoạn đầu của ung thư tụy thường không biểu hiện triệu chứng nên rất khó chẩn đoán.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư tụy gồm: hút thuốc lá; tuổi (trên 50 tuổi); giới tính (nam nhiều hơn nữ 30%); tiền sử gia đình; đột biến một số gen; đái tháo đường; thừa cân và béo phì; viêm tụy mạn; xơ gan; viêm loét dạ dày do H. pylori; phơi nhiễm với thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm và một số hóa chất độc.
Bởi vì độ nhạy và độ đặc hiệu thấp, CA 19-9 không đủ nhạy hay đặc hiệu để được sử dụng như một xét nghiệm tầm soát ung thư. Tuy nhiên, xét nghiệm định lượng CA 19-9 chủ yếu được sử dụng như một dấu ấn ung thư (marker ung thư). Trong ung thư tuyến tụy giai đoạn sớm có rất ít triệu chứng. Khi một người có triệu chứng bệnh và nồng độ CA 19-9 tăng cao rõ ràng thì ung thư tuyến tụy thường đã ở giai đoạn tiến triển.
Đối với ung thư tụy, sự thay đổi mức độ CA 19-9 huyết tương có thể giúp bác sĩ đánh giá giai đoạn bệnh, khả năng phẫu thuật, theo dõi đáp ứng với hóa trị liệu, phát hiện tái phát sau phẫu thuật và tiên lượng. Đối với một số ung thư khác, độ nhạy lâm sàng của CA 19-9 nói chung là thấp và thường chỉ được sử dụng như dấu ấn phụ thêm.
4. Chỉ định xét nghiệm CA19.9 khi nào?
Khi người bệnh có bất kỳ biểu hiện nào nghi ngờ bệnh lý ở tuyến tụy kèm theo một số triệu chứng biểu hiện toàn thân thì nên xét nghiệm CA 19-9:
- Mệt mỏi thường xuyên, gầy sút cân;
- Sốt không rõ nguyên nhân;
- Chán ăn, giảm cảm giác ngon miệng, buồn nôn, nôn;
- Đau bụng âm ỉ kéo dài hoặc đau vùng thắt lưng không do yếu tố cơ học gây nên;
- Vàng da, phân bạc màu, nước tiểu sẫm màu;
- Trong giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể có thể có các biểu hiện như: các cơn đau mãn tính kéo dài, tăng hoặc hạ đường huyết thất thường, kém hấp thu, gầy sút nhanh chóng.
5. Quy trình thực hiện định lượng CA 19-9
5.1 Chuẩn bị trước khi thực hiện
- Bác sĩ sẽ giải thích các thủ tục cho bệnh nhân trước khi thực hiện xét nghiệm định lượng chất chỉ điểm khối u CA19-9;
- Bệnh nhân không cần thiết phải nhịn ăn trước khi xét nghiệm;
5.2 Quy trình thực hiện
- Chuyên viên y tế lấy máu sẽ lấy máu từ đường tĩnh mạch
- Máu được gửi đến phòng xét nghiệm để định lượng CA 19-9. Các kết quả thường có sau vài giờ.
Sàng lọc ung thư là việc làm cần thiết đối với bất kỳ ai trong giai đoạn hiện nay khi chất lượng cuộc sống biến đổi, các yếu tố nguy cơ ung thư ngày càng tăng lên. Hiểu được điều đó, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã triển khai các Gói Sàng lọc ung thư, ứng dụng những tiến bộ y tế mới nhất trong thăm khám, sàng lọc ung thư đảm bảo cho kết quả chính xác, hỗ trợ tốt cho việc phát hiện và đánh giá giai đoạn bệnh.
Bác sĩ Phùng Thị Phương Chi đã có 20 năm kinh nghiệm trong nghề tại Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh với thế mạnh trong khám, chẩn đoán và điều trị phẫu thuật và hóa trị bệnh lý ung thư.
Bác sĩ Chi từng tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước và 1 trong những phẫu thuật viên đầu tiên thực hiện Phẫu thuật nội soi ung thư phụ khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Quý khách có nhu cầu sàng lọc các bệnh ung thư tại Vinmec và cần tư vấn thêm xin vui lòng liên hệ đặt khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM: