Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Quảng - Bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Liệt dây thanh quản là tình trạng tổn thương dây thần kinh đến dây thanh quản, có thể xảy ra do tổn thương não. Bị liệt dây thanh quản có thể khiến giọng nói trở nên khàn đặc, nói khó, âm lượng nhỏ, đau họng khi nói và nuốt, nghẹt thở...
1. Thế nào là liệt dây thanh quản?
Dây thanh quản (dây thanh âm) là các dây cho phép cơ thể tạo ra các phát âm cũng như bảo vệ đường thở, ngăn chặn thức ăn, thức uống và nước bọt xâm nhập vào khí quản.
Bị liệt dây thanh quản (hay liệt dây thanh âm) xảy ra chủ yếu do tổn thương thần kinh, có thể gây ra nhiều vấn đề như khả năng giao tiếp. Bên cạnh đó, các hoạt động như ho và hắt hơi sẽ diễn ra một cách ngắt quãng, dẫn đến sự tích tụ chất lỏng và nhiễm trùng trong cơ thể.
2. Triệu chứng của bệnh liệt dây thanh quản
Khi bị liệt dây thanh quản, bệnh nhân thường có những triệu chứng lâm sàng như:
- Thay đổi giọng nói: Giọng nói trở nên trầm đặc và khó nghe, giống như tiếng thì thầm lớn.
- Khàn giọng.
- Hơi thở khò khè, ồn ào.
- Khi nuốt chất rắn hoặc chất lỏng (hay thậm chí là nước bọt), bệnh nhân thường xuyên bị sặc.
- Âm lượng giọng nói bị ảnh hưởng, thậm chí không thể phát ra tiếng nói.
- Phản xạ ở hầu họng bị mất...
3. Nguyên nhân gây ra liệt dây thanh quản
Liệt dây thanh quản xảy ra do các tổn thương về thần kinh và những tổn thương này có thể đến từ các nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Chấn thương ở ngực hoặc ở cổ: những chấn thương này có thể làm hỏng các dây thần kinh phục vụ cho dây thanh quản, bao gồm cả phẫu thuật vùng này.
- Đột quỵ: Tế bào não chết do thiếu lưu lượng máu lên não. Nếu tế bào này có liên quan đến hoạt động của dây thanh quản, chứng liệt dây thanh quản có thể xảy ra.
- Khối u: Khối u có thể phát triển xung quanh hoặc phát triển trong sụn/dây thần kinh hoặc cơ của dây thanh quản. Những khối u này có thể là u lành tính hoặc ác tính (ung thư).
- Hoặc do viêm hoặc sẹo tại các khớp của dây thanh quản, các dạng viêm nhiễm Varicella Zoster, Lyme disease, u hạt sarcodisis, lupus ban đỏ.
4. Chẩn đoán liệt dây thanh quản như thế nào?
Các bác sĩ đầu tiên sẽ dựa theo triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân để có những nghi ngờ về chứng liệt dây thanh quản. Sau đó, một số xét nghiệm sau sẽ được đề nghị:
- Nội soi: Sử dụng ống dài, mỏng và linh hoạt để xem xét dây thanh quản. Một thiết bị đặc biệt với camera nhỏ ở cuối sẽ được sử dụng nhằm quan sát dây thanh quản.
- Điện cơ thanh quản (LEMG): Đo dòng điện trong cơ thanh quản. Khi thực hiện xét nghiệm này, một kim nhỏ sẽ được đưa vào cơ dây thanh âm thông qua da cổ và từ đó đo lực của tín hiệu thần kinh từ não đến các cơ kiểm soát nếp gấp của dây thanh quản.
- Một số xét nghiệm khác: Ngoài ra, các xét nghiệm và kỹ thuật về hình ảnh như chụp X-quang, chụp CT, chụp cộng hưởng từ MRI... sẽ được tiến hành để xác định rõ nguyên nhân chính xác gây tê liệt.
5. Phương pháp điều trị liệt dây thanh quản
Đến nay, cách chữa liệt dây thanh quản đã được cụ thể hóa thành từng phác đồ điều trị thực hiện bởi các bác sĩ, không có cách điều trị tại nhà. Do đó, bạn không nên thử bất cứ phương pháp nào mà không có hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.
Việc điều trị liệt dây thanh quản phụ thuộc vào các yếu tố như nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng như thời gian liệt. Bệnh nhân có thể sẽ được đề nghị trị liệu bằng giọng nói hoặc phẫu thuật, hoặc kết hợp cả hai.
Đến nay, cách chữa liệt dây thanh quản đã được cụ thể hóa thành từng phác đồ điều trị thực hiện bởi các bác sĩ, không có cách điều trị tại nhà. Do đó, bạn không nên thử bất cứ phương pháp nào mà không có hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.
Việc điều trị liệt dây thanh quản phụ thuộc vào các yếu tố như nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng như thời gian liệt. Bệnh nhân có thể sẽ được đề nghị trị liệu bằng giọng nói hoặc phẫu thuật, hoặc kết hợp cả hai.
5.1 Trị liệu bằng giọng nói
Liệu pháp giọng nói là một phương thức vật lý trị liệu cho các cơ lớn bị liệt. Các nhà trị liệu sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số bài tập và hoạt động đặc biệt để tăng cường dây thanh quản, cải thiện hơi thở, kiểm soát giọng nói và ngăn chặn các căng thẳng bất thường ở những nhóm cơ khác gần dây thanh quản.
5.2 Phẫu thuật
Nếu phương pháp trị liệu bằng giọng nói không thể giúp bệnh nhân hồi phục hoàn toàn khỏi chứng liệt dây thanh quản, bệnh nhân sẽ được đề nghị can thiệp bằng phẫu thuật.
Một số lựa chọn phẫu thuật trong trường hợp này bao gồm:
- Tiêm chất làm đầy: Cơ dây thanh âm có thể bị yếu do liệt dây thần kinh, do đó, các bác sĩ sẽ tiêm vào dây thanh quản chất béo, collagen hoặc một số chất làm đầy dây thanh quản, giúp cơ dây hoạt động dễ dàng, hiệu quả hơn khi bệnh nhân nuốt, nói hoặc ho.
- Tái định vị dây thanh quản: Thao tác này sẽ định hình lại nếp gấp của dây thanh âm, cải thiện chức năng giọng nói.
- Phẫu thuật chỉnh hình sụn giáp Isshiki: Type 1 thyroplasty
Có thể nói, việc điều trị liệt dây thanh quản phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây ra nó. Đồng thời, nếu không chữa trị, bệnh lý này sẽ đem lại nhiều biến chứng nghiêm trọng, cũng như có thể gây tử vong. Do đó, khi có biểu hiện triệu chứng, cần tìm gặp các bác sĩ sớm nhất để thực hiện kiểm tra và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.