Sẹo lồi, sẹo lõm hay vết thâm nám là nỗi ám ảnh của nhiều người, đặc biệt là phụ nữ. Hiện nay có nhiều biện pháp trị sẹo với mức độ hiệu quả khác nhau. Một trong số đó là thuốc trị sẹo Ticarlox. Vậy Ticarlox có thành phần và hiệu quả như thế nào?
1. Thành phần của thuốc trị sẹo Ticarlox
Ticarlox là một sản phẩm của Công ty TNHH Dược phẩm Thiên Khánh. Mỗi hộp thuốc Ticarlox chứa 1 tuýp 10g bào chế dạng kem bôi ngoài da với các thành phần như sau:
- Calophyllum Inophyllum seed oil;
- Centella asiatica extract (hay tinh chất rau má);
- Vitamin E dưới dạng Tocopherol;
- Vitamin A dưới dạng Retinyl Acetate;
- Collagen;
- Zinc Ascorbate;
- Một số loại tá dược vừa đủ.
2. Ticarlox có tác dụng như thế nào?
Tác dụng của thuốc trị sẹo Ticarlox là sự kết hợp công dụng các thành phần hoạt chất với nhau, cụ thể như sau:
- Calophyllum inophyllum seed oil là chiết suất ép từ hạt của cây mù u. Trong ngành công nghiệp dược phẩm, hoạt chất này được sử dụng với mục đích kháng khuẩn, chống oxy hóa và chống nắng. Một số nghiên cứu cho thấy Calophyllum inophyllum seed oil trong thuốc Ticarlox còn mang lại khả năng kích thích hình thành tế bào da mới, do đó ứng dụng để trị sẹo, làm mờ sẹo, vết thâm, rạn da;
- Tinh chất rau má Centella asiatica extract trong thuốc trị sẹo Ticarlox có công dụng kích thích sự phân chia tế bào, tăng tổng hợp collagen của mô liên kết. Qua đó mang lại công dụng làm lành vết thương, kích thích lên da non. Đặc biệt, thành phần rau má bao gồm nhiều loại Vitamin khác nhau, Saponin, Triterpenoid có tính chất kháng khuẩn, tái tạo tế bào da, ngăn ngừa mụn và vết thâm;
- Vitamin E:
- Vitamin A trong thuốc trị sẹo Ticarlox đóng vai trò hỗ trợ tăng sinh tế bào da mới, đồng thời tăng tổng hợp Collagen. Do đó, sử dụng Ticarlox giúp làn da mịn màng, săn chắc, tăng khả năng đàn hồi và sẹo nhanh lành;
- Collagen là một thành phần quan trọng trong cấu trúc da. Việc bổ sung thông qua bôi kem Ticarlox hỗ trợ ức chế hình thành sắc tố Melanin (một yếu tố dẫn đến sẹo thâm). Đồng thời, Collagen còn kích thích sẹo mau lành nhờ năng tăng sinh tế bào da;
- Zinc Ascorbate (Kẽm): Đóng vai trò thúc đẩy tăng sinh, tái tạo tế bào da bên cạnh khả năng kháng viêm, ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào vết thương chưa lành gây viêm nhiễm.
3. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc trị sẹo Ticarlox
Thuốc Ticarlox được khuyến cáo sử dụng trong các trường hợp sau:
- Ticarlox trị sẹo lõm hoặc sẹo lồi do các nguyên nhân khác nhau;
- Trị các vết ngứa do côn trùng cắn hay giảm thâm do mụn;
- Ticarlox hỗ trợ chữa vết thâm hay vết thương do bỏng;
- Các trường hợp cần tái tạo tế bào da mới hoặc kích thích da mau chóng lành lặn;
- Dự phòng sẹo thâm.
Bên cạnh đó, một số trường hợp chống chỉ định sử dụng thuốc Ticarlox, bao gồm:
- Cơ địa dị ứng hay mẫn cảm với các thành phần có trong thuốc Ticarlox;
- Vết thương hở, chưa liền sẹo.
4. Hướng dẫn sử dụng thuốc Ticarlox
Người dùng có thể sử dụng kem bôi Ticarlox theo các bước sau đây:
- Vệ sinh sạch vùng da tổn thương;
- Lau khô bằng khăn hoặc bông sạch;
- Lấy một lượng thuốc Ticarlox vừa đủ lên đầu ngón tay hoặc bông tăm;
- Tiến hành thoa đều thuốc thành một lớp mỏng lên toàn bộ vùng da bị tổn thương;
- Người bệnh vẫn có thể dùng mỹ phẩm khi kem Ticarlox đã khô;
- Lưu ý sau khi sử dụng cần vặn chặt nắp tuýp thuốc Ticarlox.
Liều dùng thuốc trị sẹo Ticarlox nên theo chỉ định của bác sĩ. Liều Ticarlox khuyến cáo hàng ngày như sau:
- Mỗi ngày tiến hành bôi thuốc theo các bước trên 2-3 lần;
- Thời gian sử dụng Ticarlox trị sẹo lõm và các tổn thương khác nên kéo dài ít nhất 2 tháng.
Khi quên một lần bôi thuốc Ticarlox, người dùng cần sử dụng ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên nếu quá gần thời điểm bôi thuốc tiếp theo (khoảng dưới 3 tiếng) thì nên bỏ qua lần đã quên và tiếp tục theo đúng lịch trình bình thường. Ngoài ra cho đến nay vẫn chưa có báo cáo về sử dụng quá liều thuốc trị sẹo Ticarlox.
5. Tác dụng không mong muốn của kem Ticarlox
Quá trình bôi thuốc Ticarlox, người dùng có thể gặp phải một số tác dụng ngoại ý như sau:
- Vị trí bôi thuốc có cảm giác nóng, rát, ngứa ngáy;
- Các sẹo mới hình thành mà bôi Ticarlox có thể gây cảm giác đau nhẹ hay hơi xót.
6. Tương tác thuốc của Ticarlox
Chưa có báo cáo về tương tác thuốc của Ticarlox khi sử dụng. Tuy nhiên, trường hợp muốn bôi đồng thời nhiều loại thuốc khác nhau người dùng nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Ticarlox
- Sử dụng Ticarlox cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú: Chưa có báo cáo về những ảnh hưởng của thuốc trị sẹo Ticarlox đến thai nhi và em bé bú mẹ. Tuy nhiên, vì đây là 2 đối tượng đặc biệt nên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng và tốt nhất chỉ bôi kem Ticarlox khi thực sự cần thiết.
- Người lái xe và vận hành máy móc: Các thành phần của Ticarlox không gây ảnh hưởng đến quá trình lái xe và vận hành máy móc phức tạp.
Một số lưu ý đặc biệt khi sử dụng Ticarlox:
- Không bôi thuốc vào mắt, mũi hay miệng. Nếu vô tình dính thuốc vào các vị trí nhạy cảm trên, người dùng cần nhanh chóng rửa bằng nước sạch nhiều lần;
- Vùng da bôi thuốc Ticarlox cần tránh tiếp xúc trực tiếp ánh sáng mặt trời vì tia UV có thể làm tăng sắc tố Melanin khiếm vết sẹo lâu mờ hơn;
- Tùy vào tình trạng sẹo, như thời gian hình thành và kích thước, mà liệu trình điều trị bằng Ticarlox sẽ khác nhau, đôi khi có thể kéo dài hơn 2 tháng;
- Khi bôi thuốc trị sẹo Ticarlox và xảy ra tình trạng kích ứng da hay bất kì khó chịu nào khác thì cần ngừng sử dụng ngay;
- Sau một thời gian bôi Ticarlox mà sẹo vẫn không mờ đi thì người dùng nên tìm một liệu trình khác phù hợp hơn.
Người sử dụng cần bảo quản thuốc Ticarlox ở điều kiện khô ráo, thoáng mát; nhiệt độ không quá 25 độ C. Tránh tiếp xúc Ticarlox trực tiếp với ánh sáng mặt trời và tránh xa tầm tay của trẻ em.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.