Tìm hiểu sơ đồ phối hợp kháng sinh

Mỗi kháng sinh đều bao gồm ưu điểm và nhược điểm nhất định. Khi kết hợp kháng sinh trong điều trị thì những tác dụng phụ này có thể cộng lại hoặc gia tăng. Do vậy việc phối hợp kháng sinh trong điều trị cũng cần tuân thủ các nguyên tắc phối hợp kháng sinh hợp lý.

1.Vai trò của phối hợp kháng sinh trong điều trị

Trong một số trường hợp đặc thù, việc kết hợp các loại kháng sinh có thể mang lại một số ưu điểm nhất định như giảm khả năng xuất hiện chủng đề kháng, điều trị nhiễm trùng do nhiều loại vi khuẩn gây ra cùng lúc, đồng thời gia tăng khả năng diệt khuẩn. Tuy nhiên, chỉ nên phối hợp kháng sinh với những trường hợp thật sự cần thiết như sau:

  • Người bệnh bị nhiễm cùng lúc 1 hay nhiều loại vi khuẩn.
  • Người bệnh bị nhiễm những chủng vi khuẩn đặc thù mà cần phối hợp kháng sinh mới cho hiệu quả tốt.
  • Bệnh nhân bị bệnh lao, bệnh phong, viêm màng trong tim, Brucellosis...
  • Bệnh nhân mắc các nhiễm khuẩn nặng chưa rõ nguyên nhân hoặc không kịp chờ kết quả xét nghiệm.

XEM THÊM: Phân loại và cơ chế tác dụng của kháng sinh


Bệnh nhân bị bệnh lao có thể phối hợp kháng sinh
Bệnh nhân bị bệnh lao có thể phối hợp kháng sinh

2.Phân loại nhóm kháng sinh

Để lựa chọn và sử dụng loại kháng sinh đúng thì bác sĩ cần thực hiện chẩn đoán lâm sàng bệnh chính xác, dựa vào kết quả vi sinh vật và thực hiện kháng sinh đồ. Tuy nhiên trong trường hợp cần điều trị gấp trước khi có kết quả thí nghiệm thì cần dựa vào kinh nghiệm và sự hiểu biết về kháng sinh để lựa chọn kháng sinh cho phù hợp và hiệu quả. Về cơ bản, có các nhóm kháng sinh như sau:

  • Nhóm β-lactam: Các Penicillin; các Cephalosporin, Ampicillin; Amoxicillin;
  • Nhóm Aminoglycosid: Streptomycin; Kanamycin; Gentamycin
  • Nhóm Polypeptid: Colistin
  • Nhóm Macrolid: Tylosin; Spiramycin; Rifampicin
  • Nhóm Pleuromutilin: Tiamulin
  • Nhóm Lincosamid: Lincomycin;
  • Nhóm Tetracyclin: Tetracyclin; Oxytetracyclin; Doxycyclin; Clotetracyclin.
  • Nhóm Phenicol: Chloramphenicol; Thiamphenicol; Florfenicol
  • Nhóm Quinolon: Acid Nalidixic, Norfloxacin; Các Fluoroquinolon; Enrofloxacin
  • Nhóm Sulfonamid: Sulfaguanidin, Sulfadiazin...
  • Nhóm Diaminopyrimidine: Trimethoprim

XEM THÊM: Kháng sinh và vi khuẩn: Những điều cần biết

3.Sơ đồ phối hợp kháng sinh

Mỗi kháng sinh đều bao gồm ưu điểm và nhược điểm nhất định. Khi kết hợp kháng sinh trong điều trị thì những tác dụng phụ này có thể cũng cộng lại hoặc tăng lên. Do vậy việc phối hợp kháng sinh cũng cần tuân thủ các nguyên tắc phối hợp kháng sinh hợp lý.

Tìm hiểu sơ đồ phối hợp kháng sinh

Theo bảng phối hợp kháng sinh, những nhóm kháng sinh khi dùng chung với nhau có thể tạo ra tác dụng hiệp đồng (+) hoặc đối kháng (-). Cụ thể:

3.1. Trường hợp hiệp đồng khi phối hợp kháng sinh

Tác dụng hiệp đồng khi phối hợp kháng sinh có thể lý giải bởi:

  • Mở rộng phổ tác dụng.
  • Tăng cường hiệu lực kháng khuẩn khi cùng một lúc ức chế nhiều quá trình sống của vi khuẩn.
  • Kháng sinh loại này tạo điều kiện cho kháng sinh loại kia phát huy tác dụng dược lý.

Điển hình của mối quan hệ hiệp đồng:

  • Nhóm β-lactam và nhóm Aminoglycosides: ví dụ Penicillin và Streptomycin; Amoxicillin và Gentamycin; Penicilin và Gentamicin....
  • Nhóm β-lactam và nhóm Polypeptides: ví dụ Amoxicillin Colistin; Ampicillin Colistin...
  • Nhóm Tetracyclines và nhóm Macrolides: ví dụ Doxycyclin Tylosin...
  • Nhóm β-lactam và Metronidazol được phối hợp trong điều trị viêm phúc mạc, áp xe phổi, áp xe não, một số nhiễm khuẩn phụ khoa...Mỗi loại kháng sinh diệt một loại vi khuẩn và việc kết hợp cả 2 sẽ diệt nhiều loại vi khuẩn hơn.

Tuy nhiên không phải người bệnh cứ sử dụng cùng nhau 2 kháng sinh có cơ chế hiệp đồng là sẽ tăng cường tác dụng kháng khuẩn tốt nhất. Việc kết hợp kháng sinh bên cạnh sự hiệp đồng về mặt nguyên lý còn cần phải có sự phù hợp về các pha dược động học của từng thuốc cũng như vị trí của mầm bệnh trong cơ thể. Việc tự sử dụng từng kháng sinh đơn lẻ và kết hợp không hề đơn giản.


Nhóm β-lactam và Metronidazol được phối hợp trong điều trị viêm phúc mạc
Nhóm β-lactam và Metronidazol được phối hợp trong điều trị viêm phúc mạc

3.2. Trường hợp đối kháng khi phối hợp kháng sinh

Các trường hợp phối hợp thuốc sai sẽ làm giảm dược lực của thuốc, hậu quả phối hợp 2 loại thuốc mà tác dụng không bằng dùng 1 loại thuốc. Một số dạng phối hợp tất yếu gây tình trạng đối kháng:

  • Kết hợp kháng sinh có tính hãm khuẩn với kháng sinh diệt khuẩn: Ví dụ: Penicillin và Tetracyclin;
  • Kết hợp các kháng sinh có cùng cơ chế tác dụng hoặc gây độc trên cùng một cơ quan. Ví dụ phối hợp 2 kháng sinh cùng nhóm sẽ làm suy gan, suy tụy trong khi hiệu quả trị bệnh lại không tăng.
  • Phối hợp kháng sinh gây kích thích đề kháng. Ví dụ: Cefoxitin và Penicillin...

XEM THÊM: Vì sao điều trị các bệnh do tụ cầu cần phải dựa vào kết quả làm kháng sinh đồ?

4.Những khó khăn khi phối hợp kháng sinh

Ngoài những nguyên tắc cơ bản, việc phối hợp kháng sinh còn dựa trên nhiều cơ sở như:

  • Cơ chế tác dụng của các loại kháng sinh.
  • Dược động học, tính chất lý hóa của kháng sinh.
  • Loại vi khuẩn gây bệnh.
  • Tình trạng bệnh.
  • Các yếu tố khác...

Khi phối hợp kháng sinh cần dựa trên nhiều yếu tố như loại vi khuẩn gây bệnh của bạn
Khi phối hợp kháng sinh cần dựa trên nhiều yếu tố như loại vi khuẩn gây bệnh của bạn

Như vậy, việc phối hợp kháng sinh đúng cách không hề đơn giản kể cả đối với những người quen thuộc. Không những vậy việc phối hợp kháng sinh trong điều trị bệnh cũng mang lại một số bất lợi như:

  • Phối hợp kháng sinh tạo tâm lý yên tâm không còn tích cực tìm kiếm tác nhân gây bệnh tận gốc.
  • Phối hợp kháng sinh khiến lượng kháng sinh cần sử dụng nhiều hơn có thể gây ra tương tác bất lợi hoặc gia tăng độc tính của thuốc.
  • Gia tăng chi phí điều trị nhưng đôi khi kết quả điều trị không tăng.

Tóm lại, việc phối hợp kháng sinh chỉ nên thực hiện khi thật cần thiết và theo đúng sơ đồ phối hợp kháng sinh, đúng liều lượng, đúng khoảng cách dùng thuốc và đủ thời gian quy định để hạn chế nguy cơ kháng kháng sinh ở người bệnh. Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi có thể để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe, vì thế khi có bệnh lý, bệnh nhân nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thực hiện thăm khám và kê đơn thuốc phù hợp.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec toàn bộ quy trình thăm khám và kê đơn thuốc đều được cân nhắc giữa những lợi ích và tác dụng phụ cho người bệnh khi sử dụng thuốc. Theo đó, sự phối hợp chặt chẽ của bác sĩ, dược sĩ lâm sàng sẽ đưa ra những lựa chọn sử dụng kháng sinh hợp lý, dựa trên sơ đồ phối hợp kháng sinh, đảm bảo hiệu quả chữa bệnh và giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc, hạn chế nguy cơ đề kháng kháng sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe