Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lương Tấn - Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Phương pháp phá vách liên nhĩ được thực hiện trong điều trị bệnh tim bẩm sinh bằng cách luồn một dụng cụ qua mạch máu ở đùi bệnh nhân, đưa dụng cụ đến tim để bít các lỗ thông ở trong tim hoặc nong rộng những chỗ hẹp ở van tim hoặc mạch máu.
1. Chỉ định phá vách liên nhĩ
Phương pháp phá vách liên nhĩ, điều trị tim bẩm sinh được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Đảo gốc động mạch có vách liên thất nguyên vẹn, hoặc thông liên thất nhỏ hạn chế.
- Bất thường tĩnh mạch phổi về tim hoàn toàn có lỗ thông ở tầng nhĩ thông liên nhĩ, lỗ bầu dục hạn chế, tăng áp phổi nặng.
- Hẹp van động mạch phổi tối cấp.
- Teo tịt van động mạch phổi có vách liên thất nguyên vẹn.
- Teo van 3 lá với thông liên nhĩ hạn chế.
- Teo van hai lá mà chưa thể thực hiện phẫu thuật Norwood.
- Thất phải 2 đường ra với vách liên thất nguyên vẹn và thông liên nhĩ hạn chế.
2. Chống chỉ định phá vách liên nhĩ
Những trường hợp chống chỉ định như sau:
- Rối loạn quá trình đông máu nặng.
- Đang mắc bệnh lý nội, ngoại khoa nặng khác mà chưa thể thông tim được.
3. Các phương pháp xé vách liên nhĩ
Có 4 loại phá vách liên nhĩ gặp trên lâm sàng. Tùy thuộc loại lỗ thông sẽ có hướng xử trí khác nhau.
- Phá vách liên nhĩ lỗ thứ nhất chiếm khoảng 15-20% các loại thông liên nhĩ. Vị trí lỗ thông liên nhĩ lỗ thứ nhất thường nằm ở vùng thấp của vách liên nhĩ.
- Phá vách liên nhĩ kiểu lỗ thứ hai chiếm khoảng 75% các trường hợp thông liên nhĩ. Vị trí lỗ thông này nằm ở giữa của vách liên nhĩ. Kiểu xé vách liên nhĩ này có thể điều trị khỏi hoàn toàn với bít bằng dù qua thông tim.
- Phá vách liên nhĩ thể xoang tĩnh mạch hiếm gặp hơn, chiếm khoảng 5-10% các trường. Vị trí lỗ thông này hay nằm ở phần trên cao của vách liên nhĩ.
- Dạng hiếm gặp nhất là xé vách liên nhĩ thể xoang vành với lỗ thông nằm giữa vách liên nhĩ và xoang vành.
4. Các bước tiến hành phá vách liên nhĩ
4.1. Phá vách liên nhĩ dưới hướng dẫn của máy chụp mạch
- Tư thế: Người bệnh nằm trong tư thế ngửa, hai tay đưa lên cao trên đầu.
- Nhân viên y tế gây mê theo quy trình gây mê.
- Bác sĩ tiến hành chọc đường tĩnh mạch đùi.
- Máy chụp mạch để tư thế thẳng với mặt.
- Phá vách liên nhĩ bóng hoặc ống thông cùng dây dẫn từ tĩnh mạch đùi vào tĩnh mạch chủ dưới, đến nhĩ phải, qua lỗ bầu dục sang nhĩ trái nếu là ống thông thì rút ống thông lại, giữ nguyên vị trí dây dẫn, rồi đưa bóng phá vách liên nhĩ vào nhĩ trái qua dây dẫn, sau đó rút dây dẫn ra .
- Bơm căng bóng bằng bơm tiêm pha loãng thuốc cản quang theo tỷ lệ 25%. Sau khi xác định đầu của bóng ở vị trí trong nhĩ trái, thì bóng được bơm căng lên và kéo giật ngược bóng từ nhĩ trái về nhĩ phải, động tác kéo giật bóng phải đủ mạnh và có cỡ tránh kéo bóng quá mạnh và không có cỡ có thể gây rách tĩnh mạch chủ dưới, ngược lại kéo giật bóng không đủ lực thì sẽ không mở rộng được lỗ bầu dục. Động tác này được thực hiện vài lần để chắc chắn rằng lỗ bầu dục được mở rộng.
4.2. Phá vách liên nhĩ tại giường cấp cứu dưới hướng dẫn siêu âm
- Người bệnh nằm trong tư thế ngửa, mông kê cao
- Người bệnh được gây mê bằng thuốc an thần, thở máy.
- Bác sĩ chọc đường tĩnh mạch đùi.
- Phá vách liên nhĩ bóng từ tĩnh mạch đùi vào tĩnh mạch chủ dưới, đến nhĩ phải, qua lỗ bầu dục sang nhĩ trái dưới hướng dẫn của máy siêu âm. Kiểm tra đầu vị trí bóng ở đâu bằng cách bơm nước muối sinh lý theo đường đi của bóng (đường vào mạch máu, không phải đường bơm căng bóng) nếu thấy bọt khí ở vị trí nào thì chính là vị trí của đầu bóng.
- Bơm căng bóng bằng bơm tiêm dung dịch nước muối sinh lý. Sau khi xác định đầu của bóng ở vị trí trong nhĩ trái, bơm bóng căng lên và kéo giật ngược bóng từ nhĩ trái về nhĩ phải, động tác kéo giật bóng phải đủ mạnh và có cỡ tránh kéo quá mạnh và không có cỡ có thể gây ra tình trạng rách tĩnh mạch chủ dưới, ngược lại khi kéo giật bóng không đủ lực thì sẽ không mở rộng được lỗ bầu dục. Động tác này được thực hiện vài lần để chắc chắn rằng lỗ bầu dục được mở rộng trên siêu âm tim.
- Kết thúc thủ thuật phá vách liên nhĩ cần rút lại bóng ra ngoài sau đó rút bộ mở đường mạch máu ra khỏi tĩnh mạch đùi, ép tĩnh mạch đùi bằng tay, theo dõi đến khi hết chảy máu thì băng ép bằng băng keo chun.
5. Biến chứng của phá vách liên nhĩ
5.1 Tai biến trong khi làm thủ thuật
- Chảy máu màng ngoài tim: Truyền máu, chọc hút máu màng ngoài tim, phẫu thuật khi cần thiết.
- Chảy máu tĩnh mạch do rách: Băng ép, truyền máu, phẫu thuật khi cần thiết.
- Rối loạn nhịp tim: Xử trí rối loạn nhịp tim theo từng loại rối loạn nhịp tim thuốc loạn nhịp, sốc điện...
- Tai biến muộn: Tụ máu nơi chọc tĩnh mạch đùi: Băng ép, khâu cầm máu...Nhồi máu, tắc mạch: Suy tim phải, rối loạn nhịp hoặc tai biến mạch não. Tăng áp động mạch phổi do tăng dòng máu lên phổi trong thông liên nhĩ và gây áp lực liên tục lên các mao mạch phổi (tăng áp động mạch phổi). Đây là biến chứng muộn nguy hiểm nhất của phương pháp phá vách liên nhĩ. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ, tăng áp động mạch phổi có thể dẫn tới hội chứng Eisenmenger (gây ra tình trạng tăng áp động mạch phổi vĩnh viễn).
Phá vách liên nhĩ là một thủ thuật cần làm khẩn để cải thiện oxy máu và huyết động của bệnh nhi. Cần khám ngay để xác định chẩn đoán chiến lược thủ thuật nhằm cứu tính mạng bệnh nhân, chuẩn bị cho bước điều trị phẫu thuật theo bán khẩn hoặc theo chương trình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.