Tìm hiểu kỹ thuật chọc dò màng ngoài tim cấp cứu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lê Đức Hoàng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chọc dò màng ngoài tim cấp cứu chỉ định trong trường hợp ép tim cấp do tràn dịch màng ngoài tim; viêm màng ngoài tim có dịch, nhằm xác định nguyên nhân và chống chỉ định chọc dò ngoài màng tim khi tràn dịch màng ngoài tim mức độ ít.

1. Chọc dò màng ngoài tim là gì?

Chọc hút dịch màng ngoài tim là thủ thuật đưa kim vào khoang màng ngoài tim để hút dịch trong đó ra ngoài cơ thể bệnh nhân. Phương pháp này sử dụng khi người bệnh bị tràn dịch màng tim và được nhận định là một trường hợp cấp cứu tim mạch. Hiện tượng tràn dịch màng ngoài tim là hiện tượng tăng tiết của màng tim, khi dịch tiết nhiều sẽ gây chèn ép tim do dịch màng tim bao bọc phía ngoài. Tim không giãn ra được trong thì tâm trương, dẫn đến giảm cung lượng tim.

Nguyên nhân gây tràn dịch màng tim là do:

  • Tràn dịch màng tim do ung thư
  • Tràn dịch màng tim do chấn thương, sau phẫu thuật tim
  • Thủng tim, vỡ tim
  • Biến chứng khi can thiệp động mạch vành, do Heparin
  • Các nguyên nhân khác như lao màng tim, viêm màng ngoài tim
  • Tràn dịch màng tim sau nhồi máu cơ tim
  • Do bệnh lý: Bệnh hệ thống, suy giáp, phù toàn thân

Chọc dò màng ngoài tim do tràn dịch màng tim
Chọc dò màng ngoài tim do tràn dịch màng tim

Đây là một tình trạng bệnh lý khá thường gặp trên lâm sàng. Bệnh có thể không có dấu hiệu, diễn tiến thầm lặng, không có triệu chứng nhưng cũng có thể nguy kịch đến tính mạng bệnh nhân trong bệnh cảnh ép tim. Biểu hiện lâm sàng tùy thuộc vào số lượng dịch cũng như bản chất của dịch:

1.1 Tràn dịch màng ngoài tim khi không có dấu ép tim

  • Thông thường không có triệu chứng lâm sàng, nhưng đôi khi bệnh nhân có biểu hiện đau âm ỉ, đè ép nặng ngực.
  • Dịch màng tim số lượng ít thường khó thấy các dấu hiệu trên khám thực thể.
  • Dịch màng tim số lượng nhiều có thể thấy các dấu hiệu tiếng tim mờ, dấu hiệu của Edwart và ran ở phổi do chèn ép thứ phát.
  • Trên điện tâm đồ sẽ thấy dấu hiệu điện thế thấp lan tỏa. Dấu hiệu luân phiên điện học hay gặp trong các trường hợp dịch màng tim nhiều.
  • Siêu âm tim có thể để chẩn đoán và theo dõi tràn dịch màng ngoài tim rõ ràng nhất.

1.2 Tràn dịch màng ngoài tim khi có dấu hiệu ép tim

  • Người bệnh cảm thấy bồn chồn, lo lắng hoặc kích thích, lơ mơ ngủ gà, có thể xỉu đi;
  • Giảm thể tích nước tiểu, có biểu hiện khó thở, cảm giác chèn ép ngực;
  • Suy sụp, chán ăn và gầy sút trong các trường hợp tràn dịch màng tim mạn tính.
  • Tăng áp lực tĩnh mạch trung tâm, thở nhanh, nhịp tim nhanh, tiếng cọ màng ngoài tim, tiếng tim mờ.
  • Các triệu chứng giống như suy tim phải: Gan to, tĩnh mạch cổ nổi, có thể có tràn dịch màng phổi phối hợp.
  • Đo huyết áp thấy tụt huyết áp và dấu hiệu mạch đảo được xác định là huyết áp giảm thấp hơn 10mmHg khi bệnh nhân hít vào sâu.
  • Siêu âm tim thấy có dịch ở trong khoang màng ngoài tim (biểu hiện bằng các khoảng trống về siêu âm tim).
  • Thất trái giả phì đại.

2. Chỉ định và chống chỉ định chọc dò ngoài màng tim trong cấp cứu

Chỉ định chọc dò màng ngoài tim cấp cứu khi:

  • Ép tim cấp do tràn dịch màng ngoài tim: Là một chỉ định chọc dò màng ngoài tim cấp cứu.
  • Viêm màng ngoài tim có dịch, nhằm xác định nguyên nhân: Chỉ định có thể cân nhắc, trì hoãn để theo dõi và xem xét thêm một cách kỹ lưỡng trước khi tiến hành.

Chống chỉ định chọc dò ngoài màng tim trong cấp cứu:

  • Tràn dịch màng ngoài tim mức độ ít

3. Quy trình chọc dò màng ngoài tim


Thực hiện chọc dò màng ngoài tim
Thực hiện chọc dò màng ngoài tim

Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ vô khuẩn để vô khuẩn: 1 kim chọc dò; 1 catheter tĩnh mạch trung tâm đặt theo kỹ thuật Seldinger; 1 bơm tiêm 5ml và kim để gây tê; 1 bơm tiêm 10ml hoặc 20ml; 1 khăn có lỗ và 2 kìm kẹp khan; 1 ống thông màng ngoài tim có khóa; 1 kìm Kocher; 1 cốc con và gạc củ ấu 20 cái; gạc vuông ( 20 miếng).

Bước 2: Chuẩn bị dụng cụ sạch và thuốc gồm: 2 đôi găng vô khuẩn và lọ cồn iod 1%, cồn 70; thuốc tê; atropin: 2 ống; Seduxen 10 mg 1 ống; băng dính, k o cắt băng; giá đựng 3 ống nghiệm có dán nhãn trong đó 1 ống vô khuẩn, ghi rõ họ tên, tuổi, khoa, phòng; phiếu xét nghiệm, hồ sơ bệnh án; máy theo dõi điện tim, huyết áp, nhịp thở, SpO2; các dụng cụ cấp cứu; máy siêu âm tim và một số dụng cụ khác cần thiết

Bước 3: Cho người bệnh trong tư thế nằm đầu cao, thở oxy, monitoring theo dõi SpO2 và ECG và đặt đường truyền tĩnh mạch.

Bước 4: Siêu âm tim tại giường ngay trước khi tiến hành thủ thuật để đánh giá lại mức độ tràn dịch màng tim và xác định lại một lần nữa vị trí chọc dịch.

Bước 5: Đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại biên. Sử dụng dung dịch Natriclorua 9% để giữ cho kim luồn không bị tắc. Trường hợp người bệnh không khó thở nhiều thì tiêm bắp Seduxen và tiêm dưới da Atropin để phòng phản ứng phế vị khi làm thủ thuật.

Bước 6: Tiến hành sát trùng rộng vị trí chọc dò trên lồng ngực người bệnh, trải săng vô khuẩn, bác sĩ rửa tay, mặc áo, đi găng vô khuẩn. Sau đó gây tê tại vị trí chọc kim bằng Xylocain từ nông đến sâu theo từng lớp: da, dưới da và cơ.

Bước 7: Chọc và dẫn lưu màng ngoài tim với đường chọc Marfan. Điểm chọc cách mũi ức 1 – 3 cm, trước tiên dùng kim nhỏ thăm dò. Hướng kim chọc lên phía trên và đi ra sau, mũi kim nghiêng khoảng 20-30 độ so với mặt da, vừa đi bác sĩ vừa hút nhẹ bơm tiêm và đưa kim tiêm đi về phía vai trái. Khi mũi kim chạm vào khoang màng ngoài tim sau khi đã vào sâu từ 2-5 cm, bác sĩ đi kim vào khoang màng ngoài tim, đồng thời hút dịch.

Bước 8: Khi dịch hút được dễ dàng vào bơm tiêm, bác sĩ cố định mũi kim sắt và nhẹ nhàng đẩy sâu ống nhựa bọc ngoài kim vào sâu trong khoang màng ngoài tim. Từ lúc này kỹ thuật được thực hiện giống như đặt catheter tĩnh mạch trung tâm. Sau khi đã rút kim sắt ra hẳn phía ngoài, bác sĩ luồn catheter vào lòng ống nhựa và đưa sâu vào trong khoang màng ngoài tim. Sau khi kiểm tra, rút dịch dễ dàng qua catheter thì rút nốt phần ống nhựa ra khỏi lồng ngực người bệnh và tiến hành cố định catheter dẫn lưu dịch màng ngoài tim.

Bước 9: Nối catheter với một dây truyền dịch và một chai dịch truyền tạo thành một hệ thống dẫn lưu kín, vô trùng. Điều chỉnh khóa dây truyền dịch nói trên sao cho dịch màng ngoài tim không chảy ra quá nhiều và nhanh để tránh gây rối loạn huyết động.

Thạc sĩ - Bác sĩ Cao Thanh Tâm đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị bệnh lý tim mạch; Thực hiện siêu âm tim qua thành ngực trong lĩnh vực nội khoa và can thiệp Tim mạch; Thực hiện các Thăm dò chức năng không xâm lấn khác trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch. Hiện tại đang là bác sĩ Nội tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park từ tháng 11/2015.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe