Các thuốc kháng sinh nhóm Beta Lactam tạo phức bền vững với transpeptidase nhằm mục đích ức chế tạo vách vi khuẩn, cũng như làm ly giải hoặc biến dạng vi khuẩn. Tuy nhiên, các thuốc kháng sinh thuộc nhóm Beta Lactam rất dễ gây dị ứng.
1. Cấu trúc kháng sinh nhóm Beta Lactam
Nhóm Beta Lactam là một họ kháng sinh rất lớn, nhóm kháng sinh này bao gồm những loại kháng sinh có cấu trúc hóa học chứa vòng Beta Lactam. Trong trường hợp nếu các vòng Beta Lactam liên kết với một cấu trúc của vòng khác thì chúng sẽ tạo nên các phân nhóm lớn khác.
Các thuốc kháng sinh nhóm Beta Lactam tạo phức bền vững với transpeptidase với mục đích ức chế tạo vách vi khuẩn cũng như làm ly giải hoặc biến dạng vi khuẩn. Tuy nhiên các thuốc kháng sinh thuộc nhóm Beta Lactam rất dễ gây dị ứng.
2. Phân nhóm kháng sinh Beta Lactam
Khi vòng Beta Lactam được liên kết với một cấu trúc của vòng khác thì sẽ hình thành nên các phân nhóm lớn tiếp theo. Các phân nhóm đó như sau:
- Phân nhóm kháng sinh Penicillin: A6AP là dẫn xuất của các thuốc kháng sinh nhóm penicillin. Đối với nhóm kháng sinh này thì chỉ có penicillin là kháng sinh tự nhiên. Các kháng sinh còn lại đều là các chất bán tổng hợp có thể dẫn đến sự thay đổi tính bền vững với các enzym penicillinase và beta-lactamase; thay đổi phổ kháng khuẩn và hoạt tính kháng sinh trên các chủng vi khuẩn gây bệnh.
- Phân nhóm cephalosporin: Các kháng sinh nhóm cephalosporin là dẫn xuất của A7AC. Các cephalosporin khác nhau được hình thành bằng phương pháp bán tổng hợp và sự thay đổi các nhóm thế sẽ dẫn đến thay đổi tác dụng sinh học của thuốc và đặc tính của thuốc. Dựa vào phổ kháng khuẩn của kháng sinh, các cephalosporin bán tổng hợp được chia thành 4 thế hệ, thứ tự từ thế hệ 1 - thế hệ 4, hoạt tính trên vi khuẩn Gram âm tăng dần và hoạt tính trên vi khuẩn Gram dương sẽ giảm dần.
- Các kháng sinh beta-lactam khác gồm: Nhóm carbapenem có phổ kháng khuẩn rộng và nó còn có hoạt tính đặc biệt mạnh đối với vi khuẩn Gram âm; Nhóm monobactam là kháng sinh mà công thức phân tử có chứa beta lactam đơn vòng nên thuốc không có tác dụng trên vi khuẩn kỵ khí và vi khuẩn Gram-dương mà thuốc chỉ có tác dụng trên vi khuẩn Gram-âm; Các chất ức chế beta-lactam cũng có cấu trúc beta-lactam, tuy nhiên nó không có hoạt tính kháng khuẩn, mà chỉ đóng một vai trò ức chế enzym beta-lactamase do những vi khuẩn tiết ra.
3. Tác dụng phụ của kháng sinh nhóm Beta Lactam
Tương tự các loại kháng sinh khác, kháng sinh thuộc nhóm Beta Lactam cũng gây ra tác dụng phụ cho người dùng. Các tác dụng phụ này bao gồm:
- Dị ứng: Các biểu hiện của dị ứng khi sử dụng nhóm kháng sinh Beta Lactam ngoài da như nổi mề đay, phát ban đỏ, mẩn ngứa, phù Quincke. Các tác dụng phụ này thường gặp ở người sử dụng với tỷ lệ cao.
- Sốc phản vệ: Sốc phản vệ chính là tác dụng phụ nghiêm trọng nhất khi sử dụng kháng sinh Beta Lactam, nó có thể dẫn đến tử vong ở người sử dụng thuốc.
- Tác dụng phụ lên hệ thần kinh: Cá tác dụng phụ đó xuất hiện với biểu hiện kích thích, khó ngủ, bệnh não cấp - thần kinh trầm trọng gây ra các triệu chứng rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê, nói sảng). Tuy nhiên tác dụng phụ này thường chỉ gặp ở người sử dụng liều rất cao hoặc ở người bệnh bị suy thận do ứ trệ thuốc gây quá liều dẫn đến ngộ độc.
- Các tác dụng phụ khác có thể gặp khi sử dụng kháng sinh nhóm Beta Lactam là gây chảy máu do tác dụng chống kết tập tiểu cầu của cephalosporin; rối loạn tiêu hoá cho người dùng do loạn khuẩn ruột khi sử dụng kháng sinh loại phổ rộng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.