Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đơn nguyên Nội Tiêu hóa – Nội soi, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Thông thường, trong suốt quá trình tiêu hóa, các chất dinh dưỡng từ thức ăn được hấp thu tại ruột non vào máu và đưa đến các mô, các cơ quan để thực hiện các chức năng sinh lý duy trì sự sống và tăng trưởng phát triển của cơ thế. Hội chứng kém hấp thu xảy ra khi các chất dinh dưỡng ăn không hấp thu thật sự và tối đa trong suốt quá trình tiêu hóa.
1. Thế nào là hội chứng kém hấp thu ở ruột?
Kém hấp thu ở ruột được định nghĩa là một hội chứng có trong nhiều bệnh đã làm thương tổn quá trình hấp thu này. Các nguyên nhân có thể gặp là do tổn thương của ruột non, do thiếu men tiêu hóa của dạ dày, gan, mật... làm sự tiêu hóa không hoàn thành nên không hấp thu tốt được, cũng có thể cả hai hoặc có thể không rõ lý do. Hậu quả của rối loạn hấp thu chất dinh dưỡng có thể dẫn đến kém hấp thu nước, điện giải, các chất dinh dưỡng, các muối mật, sinh tố, các yếu tố vi lượng...
Điều này dẫn đến sự thiếu hụt của các vitamin, protein, khoáng chất, carbohydrate và các chất dinh dưỡng khác quan trọng cho sự phát triển và sự điều hòa của cơ thể, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
2. Nguyên nhân gây ra hội chứng kém hấp thu
Có rất nhiều nguyên nhân gây kém hấp thu ở ruột, có thể tại chỗ do đường tiêu hóa, có thể do các bệnh toàn thân gây rối loạn chuyển hóa các chất... Một số nhóm nguyên nhân hay gặp gây ra hội chứng kém hấp thu ở trẻ em:
2.1. Nguyên nhân từ niêm mạc
- Bệnh Celiac thường thấy ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể có khi lớn hơn. Đó là do dị ứng với chất gluten trong chế độ ăn uống dẫn đến teo các vi nhung mao. Hậu quả là làm giảm đáng kể diện tích bề mặt cho việc hấp thu. Chế độ ăn uống nghiêm ngặt, hoàn toàn không có chất gluten sẽ làm thay đổi hoàn toàn quá trình này.
- Không dung nạp sữa bò. Đây là tình trạng trẻ có những phản ứng bất lợi với thành phần dinh dưỡng của sữa gồm không hấp thu đường lactose do thiếu men lactase và dị ứng đạm sữa.
- Không dung nạp sữa đậu nành.
- Rối loạn hấp thu chất dinh dưỡng và không dung nạp Fructose: sử dụng glucose đồng thời sẽ giúp giảm tình trạng kém hấp thu fructose.
2.2. Nguyên nhân từ lòng ống tiêu hóa
- Thiểu năng tuyến tụy
- Bệnh xơ nang (Cystic fibrosis)
- Viêm tụy mãn tính
- Ung thư tụy
- Hội chứng Zollinger-Ellison
- Giảm tiết dịch mật, do vàng da tắc mật hoặc bệnh của hồi tràng cuối. Các bệnh về gan mật làm giảm tiêu hoá lipid kéo theo không hấp thu đầy đủ các vitamin tan trong dầu mỡ như vitamin E, D, A, K...
- Một số thuốc.
2.3. Nguyên nhân ngoài đường tiêu hóa
- Bệnh cường giáp
- Bệnh nhược giáp (suy giáp)
- Bệnh Addison
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh cường cận giáp
- Bênh suy tuyến cận giáp
- Hội chứng Carcinoid
- Bệnh ngoài da (thay tế bào nhanh cũng có thể ảnh hưởng niêm mạc đường ruột)
- Suy dinh dưỡng
- Các bệnh collagen
- Các chứng rối loạn ăn uống
- Tiêu chảy do lạm dụng thuốc xổ
Hội chứng kém hấp thu ở trẻ em cũng giống như đối với người lớn tuổi nhưng tình trạng suy tụy có thể xảy ra mà không có nguyên nhân rõ ràng và có thể có chứng quá phát vi khuẩn ruột mà không có bất thường gì về ruột.
3. Biểu hiện của hội chứng kém hấp thu ở trẻ em
Quá trình kém hấp thu ở ruột không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa, mà ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Tùy nguyên nhân, các triệu chứng có thể khác nhau, các biểu hiện rối loạn hấp thu chất dinh dưỡng thường gặp:
- Triệu chứng thường gặp là tiêu chảy kéo dài. Tiêu chảy kéo dài là ít nhất 3 lần mỗi ngày trong hơn 4 tuần, phân lỏng và/hoặc lượng phân đi tiêu nhiều hơn 200 g/ngày. Đi ngoài phân lỏng, chủ yếu là tiêu lỏng mỡ (bao giờ cũng có), thường thành từng đợt xen kẽ với các giai đoạn bình thường. Phân nhiều nước, khối lượng nhiều, mùi tanh, màu nhợt, lổn nhổn, nổi trên mặt nước có váng, bóng, dính vào đáy bô.
- Chứng tiêu phân mỡ cũng thường gặp. Đây là triệu chứng dư mỡ trong phân và phân có màu nhợt và mùi tanh. Phân nổi lềnh bềnh trên mặt nước và rất khó xả sạch. Sau khi xả nước vẫn còn lại một đường váng mỡ quanh bồn cầu.
- Đau bụng mơ hồ, cảm giác căng chướng, tức nặng, sôi bụng, có khi đau quặn nhẹ quanh rốn.
- Thể trạng suy sụp, sụt cân, mệt mỏi, thường xuyên uể oải thiếu linh hoạt minh mẫn.
- Có cảm giác mất vị giác ở đầu lưỡi, ở họng, có khi rát và đau khi nuốt làm giảm khẩu vị, giảm thèm ăn.
- Đau trong xương, chuột rút do kém hấp thu canxi, trẻ chậm phát triển chiều cao, còi cọc.
- Có thể phù nề do giảm protein máu, da khô loạn dưỡng..., đôi khi xuất huyết dưới da, niêm mạc do thiếu máu và các yếu tố đông máu.
- Viêm đa dây thần kinh do vitamin B1 giảm, thiếu máu nhược sắc do kém hấp thu Fe++, có khi thiếu máu hồng cầu to - bệnh Biermer do thiếu vitamin B12.
4. Biến chứng của hội chứng kém hấp thu ở trẻ em
Nếu không bổ sung đủ vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng cho cơ thể, trẻ có thể gặp một số biến chứng nghiêm trọng. Nếu không được điều trị, hội chứng có thể gây ra:
- Nguy cơ cao bị nhiễm trùng
- Gãy xương
- Trẻ chậm tăng cân và tăng trưởng chậm
- Sụt cân, mất nước
- Thiếu các loại vitamin cần thiết cho cơ thể lâu ngày dẫn đến thiếu máu, giảm trí nhớ và chân tay bị tê bì
- Cản trở sự phát triển và tăng trưởng của cơ thể của trẻ
Một số chất dinh dưỡng, chẳng hạn như vitamin A và kẽm, rất quan trọng cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và phát triển. Nếu cơ thể không hấp thu các vitamin và khoáng chất quan trọng, sức khỏe của trẻ có thể bị ảnh hưởng.
5. Cách khắc phục hội chứng kém hấp thu ở trẻ em
5.1. Thay đổi chế độ dinh dưỡng
- Chế độ ăn hợp lý sẽ hỗ trợ ruột trong việc hàn gắn các tổn thương cũng như làm sạch thành ruột khỏi các chất ứ đọng hoặc chất nhầy dư thừa.
- Đảm bảo khẩu phần ít chất xơ, chất béo và sữa, thiên về nhiều chất lỏng, hạn chế ăn đặc.
- Áp dụng chế độ ăn theo nguyên tắc sau trong thời gian ít nhất 30 ngày: Chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày. Không ăn lượng quá nhiều trong một bữa vì có thể dẫn đến làm giảm nhu động ruột và ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa, hấp thu của ruột.
- Đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất. Ăn nhiều carbohydrate dạng phức như gạo, bột yến mạch, bột, mì ống... Ăn nhiều trái cây, đặc biệt là đu đủ tươi và dứa. Ăn cá nướng hoặc hấp 3 lần/ tuần.
- Uống 6-8 ly nước lọc, nước trái cây mỗi ngày. Việc đảm bảo bổ sung nhiều chất lỏng giữa các bữa ăn sẽ giúp hạn chế lượng thức ăn tồn đọng trong dạ dày.
- Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo bao gồm bơ, bơ thực vật, thức ăn chiên xào, thịt mỡ, dầu ăn, sô-cô-la...
- Không tiêu thụ sản phẩm từ sữa và lúa mì, sản phẩm có chứa caffein, sản phẩm thịt và các loại thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt loại có chứa nhiều phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên có thể ăn bổ sung sữa chua loại ít đường, tốt nhất là lên men thủ công tại nhà để tăng cường hệ vi sinh đường ruột.
5.2. Biện pháp phối hợp
- Vệ sinh cá nhân, vệ sinh thân thể sạch sẽ: Bé cần được vệ sinh tay chân trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh thân thể, đánh/chải răng hằng ngày. Với trẻ đang bú mẹ, mẹ cần vệ sinh tay chân và bầu vú sạch sẽ trước khi cho trẻ bú. Mẹ cũng nên vệ sinh đảm bảo môi trường sống của trẻ luôn được sạch sẽ thoáng mát.
- Nâng cao sức đề kháng bằng sữa non (colostrum) kết hợp immune alpha để ngừa tình trạng kém hấp thu do bệnh tật và nhiễm khuẩn.
- Tăng cường các hoạt động thể dục thể thao được cho là một biện pháp hữu hiệu vừa có tác dụng thúc đẩy tăng chiều cao, vừa thải độc và tăng tốc độ chuyển hóa, đốt cháy năng lượng rất tốt. Vì vậy, trẻ cần được tập luyện, vui chơi mỗi ngày để kích thích tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng tối đa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.