Tìm hiểu bệnh động mạch chi dưới mạn tính

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Tiến Đạt - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bệnh động mạch chi dưới mạn tính (hay thiếu máu chi dưới mạn tính) được gây ra bởi nhiều nguyên nhân, thường có tiến triển chậm trong suốt cuộc đời. Vậy bệnh động mạch chi dưới mạn tính là gì? Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh?

1. Thế nào là bệnh động mạch chi dưới mạn tính?

Thiếu máu chi dưới mạn tính là tình trạng các động mạch chủ và động mạch chi dưới bị hẹp lại, gây cản trở lưu thông máu đến các cơ và bộ phận liên quan khác như dây thần kinh, da... ở phía hạ lưu. Điều này dẫn đến sự chuyển hóa yếm khí và tăng sản sinh acid lactic, gây đau nhức khi gắng sức.

Tuy nhiên, càng về sau, người bệnh cũng có thể có cảm giác đau nhức chi dưới ngay cả khi đang nghỉ ngơi, kèm theo với đó là các dấu hiệu thiếu máu cục bộ như loét da, hoại tử...

2. Phân loại bệnh động mạch chi dưới mạn tính

Hiện nay, dựa trên triệu chứng lâm sàng, bệnh động mạch chi dưới mạn tính có thể được chia thành 4 giai đoạn.

  • Giai đoạn I: có dấu hiệu mất mạch của một hay một số mạch tại chi dưới, tuy nhiên chưa có dấu hiệu cơ năng rõ ràng.
  • Giai đoạn II: đau cách hồi khi gắng sức. Giai đoạn này có thể diễn tiến khác nhau: tình trạng đau xuất hiện mỗi khi đi hơn 150m hoặc cơn đau xuất hiện khi đi được chưa đến 150m.
  • Giai đoạn III: tình trạng đau diễn ra ngay cả khi nghỉ ngơi, đặc biệt là khi nằm, buộc bệnh nhân phải ngồi thông chân.
  • Giai đoạn IV: có một số biểu hiện rối loạn dinh dưỡng trên da, phía đầu chi bắt đầu có dấu hiệu hoại tử.

Giai đoạn III và giai đoạn IV thường được gọi chung là giai đoạn “thiếu máu trầm trọng” với những dấu hiệu triệu chứng rất rõ nét:

  • Cơn đau xuất hiện liên tục và thường xuyên, ngay cả khi đang nằm. Vì vậy, bệnh nhân thường xuyên phải sử dụng thuốc giảm đau.
  • Bàn chân bị loét và hoại tử.

Những bệnh nhân ở giai đoạn “thiếu máu trầm trọng” của bệnh động mạch chi dưới mạn tính đều có tiên lượng xấu. Có khoảng 20% bệnh nhân phải thực hiện cắt cụt chi và cũng có khoảng 20% trường hợp tử vong do bệnh.

3. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh động mạch chi dưới mạn tính

Dựa trên các thống kê về dịch tễ học, một số đối tượng sau có nguy cơ cao mắc bệnh động mạch chi dưới mạn tính:

  • Dưới 50 tuổi, có bệnh hoặc nguy cơ đái tháo đường và một số yếu tố khác như cao huyết áp, hút thuốc lá, tăng homocystein máu, rối loạn lipid máu;
  • Người ở nhóm 50 – 69 tuổi, có tiền sử đái tháo đường hoặc hút thuốc lá;
  • Người trên 70 tuổi;
  • Người có các triệu chứng tại chi dưới có liên quan đến tình trạng gắng sức, đau khi nghỉ;
  • Bệnh nhân có bất thường ở động mạch nuôi chi dưới;
  • Bệnh nhân có các vấn đề động mạch do xơ vữa như xơ vữa ở động mạch vành, động mạch thận hoặc động mạch cảnh...

Bệnh nhân xơ vữa động mạch vành có nguy cơ mắc bệnh động mạch chi dưới
Bệnh nhân xơ vữa động mạch vành có nguy cơ mắc bệnh động mạch chi dưới

4. Chẩn đoán bệnh động mạch chi dưới mạn tính như thế nào?

Thiếu máu chi dưới mạn tính có thể được chẩn đoán dựa trên:

4.1 Dấu hiệu lâm sàng

Thiếu máu chi dưới mạn tính có 5 kiểu biểu hiện lâm sàng chính, gồm:

  • Không đau;
  • Đau chân không điển hình;
  • Đau cách hồi chi dưới;
  • Thiếu máu nghiêm trọng chi dưới mãn tính;
  • Thiếu máu chi dưới cấp tính.

4.2 Đo chỉ số cổ chân – cánh tay khi nghỉ (chỉ số ABI)

Các bệnh nhân bị nghi ngờ có bệnh động mạch chi dưới mạn tính thông qua các triệu chứng lâm sàng sẽ được đo chỉ số ABI khi nghỉ nhằm phát hiện bệnh chính xác hơn.

Việc đo lường chỉ số này thường được sử dụng để chẩn đoán các bệnh động mạch chi dưới và cần phải được đo ở cả 2 chân nhằm khẳng định chẩn đoán.

Kết quả đo ABI như sau:

  • Động mạch cứng khi ABI > 1.4
  • Bình thương nếu ABI trong khoảng từ 1 – 1.4
  • Có nguy cơ mắc bệnh nếu ABI trong khoảng từ 0.91 – 0.99
  • Bị bệnh nếu ABI nhỏ hơn 0.9

4.3 Siêu âm Doppler động mạch

Việc siêu âm Doppler cho giá trị ý nghĩa khi chẩn đoán các vị trí tổn thương và hỗ trợ đánh giá mức độ hẹp động mạch.

4.4 Chụp cộng hưởng từ mạch (MRA)

Thường được áp dụng để đánh giá độ hẹp động mạch.

4.5 Chụp cắt lớp đa dãy động mạch (CTA)

CTA sẽ được cân nhắc chỉ định nhằm chẩn đoán chính xác vị trí tổn thương trong giải phẫu cũng như xác định tình trạng hẹp khít của động mạch đối với bệnh động mạch chi dưới.

5. Hướng dẫn điều trị bệnh động mạch chi dưới mạn tính

5.1 Kiểm soát các yếu tố nguy cơ

Bỏ thuốc lá là một chỉ định bắt buộc đối với bệnh nhân bị bệnh mạch máu nói chung.

Điều trị chứng tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường nếu có, kiểm soát đường huyết và huyết áp ở mức ổn định.

Điều trị rối loạn lipid máu nếu có.

Để hạn chế biến chứng loét da và các tổn thương trên chân, bệnh nhân nên: sử dụng tất chân, điều trị sớm những tổn thương nếu xảy ra, hạn chế tiếp xúc với môi trường lạnh và không nên sử dụng thuốc gây co mạch.


Bệnh nhân bắt buộc phải bó thuốc lá trong quá trình điều trị
Bệnh nhân bắt buộc phải bó thuốc lá trong quá trình điều trị

5.2 Thuốc điều trị

Các nhóm thuốc được sử dụng để điều trị thiếu máu chi dưới mạn tính bao gồm:

  • Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu: Plavix, Aspirin...
  • Thuốc chống đông máu thuộc nhóm heparin.
  • Thuốc cải thiện tuần hoàn động mạch, cải thiện triệu chứng bệnh như Praxilene, Torental, Pletaal...

5.3. Điều trị ngoại khoa

  • Phẫu thuật loại bỏ mảng xơ vữa động mạch và dùng mạch nhân tạo để mở rộng động mạch tại vị trí bị xơ vữa;
  • Phẫu thuật bắc cầu nối động mạch;
  • Cắt cụt chi trong trường hợp chi có dấu hiệu hoại tử.

Bệnh động mạch chi dưới mạn tính là một bệnh lý tiến triển dai dẳng và theo từng giai đoạn. Vì vậy, bệnh nhân khi có dấu hiệu cần phải được kiểm tra sớm để kiểm soát các yếu tố làm tăng tiến triển của bệnh, giảm thiểu biến chứng do tắc động mạch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe