1. Định nghĩa đau
Định nghĩa mới của Hiệp hội Quốc tế Nghiên cứu về đau (IASP) được công bố trên tạp chí đau của IASP. “Đau là một trải nghiệm cảm giác hoặc cảm xúc khó chịu liên quan đến, hoặc tương tự như liên quan đến tổn thương mô thực tế hoặc tiềm ẩn”. Đi kèm với 6 điểm chính để xác định rõ hơn về đau.
- Đau luôn là một trải nghiệm cá nhân bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau bởi các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội.
- Đau và cảm thụ đau là hai hiện tượng khác nhau. Đau không thể chỉ được suy ra từ hoạt động của các tế bào thần kinh cảm giác.
- Thông qua kinh nghiệm sống của mình, các cá nhân học được khái niệm đau.
- Phản hồi về đau của một người cần được tôn trọng.
- Mặc dù cơn đau thường có vai trò thích ứng, nhưng nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng, sức khỏe tâm lý và xã hội.
- Mô tả bằng lời nói chỉ là một trong một số hành vi thể hiện nỗi đau; không có khả năng giao tiếp không thể phủ nhận con người hoặc động vật không phải con người không trải qua đau.
2. Phân loại hội chứng đau
Bốn thành phần của đau
- Thụ thể đau của các sợi Aδ và sợi C phát hiện sự hủy hoại mô (nociception)
- Đau (pain): do hủy hoại mô; do hoạt động bất thường của cấu trúc thần kinh ngoại biên hay trung ương.
- Sự đau đớn (suffering)
- Hành vi của đau (pain behaviors)
2.1. Phân loại đau theo cơ chế bệnh sinh
- Đau do hủy hoại mô (nociceptive pain): chấn thương, viêm, u xâm lấn, chèn ép, tác nhân lý hóa ( nhiệt, hóa chất, áp lực).
- Đau do viêm (inflammatory pain).
- Đau nguồn gốc thần kinh (neuropathic pain) xảy đến mặc dù không có kích thích gây hủy hoại mô.
- Đau nguồn gốc thần kinh là hệ quả của sự tổn thương và / hay của sự hoạt động bất thường của đường cảm giác tại hệ thần kinh ngoại biên (TKNB) hay tại hệ thần kinh trung ương (TKTƯ).
Đau nguồn gốc thần kinh thường gặp: bệnh thần kinh ngoại biên đái tháo đường thể đau buốt, đau sau zona, đau trong bệnh thần kinh ngoại biên do nhiễm HIV, đau sau tổn thương đám rối hay dây thần kinh, đau dây V vô căn...
- Đau hỗn hợp (mixed pain).
2.2. Phân loại đau theo thời gian
- Đau thoáng qua.
- Đau cấp tính.
- Đau mạn tính: cơn đau kéo dài ít nhất 3 tháng (do ung thư, do bệnh không phải là ung thư).
3. Tiếp cận chẩn đoán hội chứng đau mãn tính
3.1. Bệnh sử về đau
- Thuộc tính chính của ĐAU: vị trí, hoàn cảnh khởi phát, thời gian, mức độ, tính chất, yếu tố làm nặng thêm/ thuyên giảm, điều trị đã có.
- Ảnh hưởng của đau trên: sinh hoạt thường ngày, hoạt động nghề nghiệp.
3.2. Khám thực thể
- Tìm triệu chứng của bệnh gây đau.
- Sinh hiệu và biểu hiện tổng quát.
- Khám vùng đang đau ( biến dạng giải phẫu, thay đổi màu sắc hay tính chất của da, cơ co thắt )
- Phân biệt các đặc điểm đau: đau do hủy hoại mô, đau do viêm, đau nguồn gốc thần kinh, đau hỗn hợp.
- Các hội chứng ĐAU: đau chức năng, đau xương khớp, đau trong ung thư, phức hợp đau theo vùng, đau của chi ma, đau của màng phổi, đau của bệnh đám rối thần kinh, đau bàng quang, đau trực tràng.
- Đánh giá các lĩnh vực có liên quan với đau: yếu tố tâm lý và tâm thần, yếu tố xã hội, tinh thần , tôn giáo, văn hóa.
- Thang điểm đánh giá ĐAU
– McGill Pain Questionnaire.
– Thang điểm đánh giá mức độ đau bằng số ( 0 đến 10)
– Thang điểm đau nhẹ – đau vừa – đau nhiều.
– Visual Analogue Scale.
– Đau nhẹ (1-3)
– Đau vừa phải hay trung bình ( 4-6)
– Đau nhiều hay nặng ( 7-10)
3.3. Khảo sát cận lâm sàng
- Hình ảnh học: X quang, CT, MRI, xạ hình xương, thermography
- Chẩn đoán điện học: điện cơ ( EMG), QST