Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Nội trú Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Trẻ khò khè phần lớn nguyên nhân được xác định chủ yếu là do trẻ bị hen. Tuy nhiên, trẻ khò khè còn có thể do những nguyên nhân khác như các bệnh ở phổi, dị vật đường thở, ...
1. Trẻ khò khè là như thế nào?
Khò khè là tiếng thở liên tục của trẻ khi một luồng khí mạnh đi qua đường thở bị hẹp và tác động vào thành đường thở.
Trẻ khò khè phát ra âm thanh có âm sắc cao nhưng cũng có thể thấp, đơn âm hoặc đa âm và xảy ra cả khi hít vào hoặc thở ra. Trong đó, khò khè đơn âm do đường thở lớn bị tắc nghẽn còn khò khè đa âm do đường thở nhỏ bị tắc nghẽn.
2. Nguyên nhân trẻ khò khè
2.1 Nguyên nhân khiến trẻ khò khè theo cơ chế tắc nghẽn
- Hẹp đường thở trong: Phần lớn trẻ khò khè do bị hen, nhưng cũng có thể do tiểu phế quản bị viêm, bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, niêm mạc thực quản bị phù nề, chức năng nuốt bị rối loạn; ngộ độc, sốc phản vệ gây co thắt phế quản; cấu trúc đường thở trong có bất thường như phế quản bị hẹp, loạn sản phế quản phổi, mềm sụn khí phế quản, ...
- Tắc nghẽn trong lòng đường thở: Nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ khò khè là do trẻ nuốt phải dị vật hoặc trẻ có khối u trong lòng khí phế quản.
- Đường thở bị chèn ép từ bên ngoài: Các nguyên nhân khiến đường thở bị chèn ép từ bên ngoài như nang phổi, phình mạch máu, khối u ác tính, u nguyên bào thần kinh, u hạch thần kinh, u tuyến ức, u lympho, trẻ mắc bệnh ở đường hô hấp như lao hoặc bạch hầu.
- Các nguyên nhân khác: Trẻ khò khè do bị suy tim xung huyết, hệ miễn dịch suy giảm, hội chứng bất động lông chuyển, xơ nang.
2.2 Nguyên nhân trẻ khò khè theo độ tuổi
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi: Nguyên nhân thường gặp là do viêm tiểu phế quản, trẻ bị hen suyễn nhũ nhi, hội chứng tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD). Nguyên nhân ít gặp là do bệnh lý trào ngược dạ dày, trẻ nuốt phải dị vật. Khò khè hiếm gặp ở trẻ có đường hô hấp bị dị tật bẩm sinh, hoặc mắc bệnh tim bẩm sinh.
- Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên: Nguyên nhân chủ yếu cũng là do trẻ bị hen suyễn hoặc viêm phổi có hội chứng tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD). Những trường hợp ít gặp hơn là khi trẻ nuốt phải dị vật. Rất hiếm gặp trẻ bị khò khè do lao hạch hoặc u trung thất gây ra.
3. Phân loại trẻ khò khè
3.1 Trẻ khò khè cấp tính hay mãn tính?
- Khò khè cấp tính: Khò khè cấp tính bao gồm hen phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm tiểu khí phế quản, dị vật đường thở, dị vật thực quản.
- Khò khè mãn tính, tái phát: Trẻ khò khè mãn tính liên quan đến các dị dạng về cấu trúc đường thở như có khối u, hạch, khí quản bị hẹp; chức năng đường thở bất thường như hen phế quản, phổi mô kẽ, xơ nang, hệ miễn dịch suy giảm, nuốt phải dị vật.
3.2 Trẻ khò khè do bị hen siêu vi hay hen dị ứng?
- Hen do siêu vi: Trẻ bị nhiễm siêu vi làm khởi phát cơn hen, giữa hai đợt hen không có triệu chứng, trẻ không có tiền sử gia đình và bản thân từng mắc bệnh hen.
- Hen do dị ứng: Trẻ có tiền sử dị ứng, giữa hai đợt cấp xuất hiện triệu chứng kéo dài, xét nghiệm IgE trong máu tăng.
4. Chẩn đoán trẻ khò khè
Chẩn đoán trẻ khò khè chủ yếu dựa vào thăm khám lâm sàng một cách kỹ lưỡng để có thể mô tả được tiếng thở của trẻ có bị khò khè hay không, tránh nhầm lẫn với tiếng ngáy, tiếng thở do bị nghẹt mũi, tiếng thở rít, tiếng ứ đọng do dịch đờm.
Chẩn đoán tiếng khò khè ở trẻ bao gồm các thăm khám sau: đánh giá thể trạng chung (cân nặng, chiều cao, các dấu hiệu sinh tồn, SpO2, tím tái đầu chi, ngón tay có hình dùi trống), khám ngực (nhìn, sờ, gõ), khám phổi (nghe), khám tim (tìm âm thổi và các dấu hiệu suy tim), khám da (tìm chàm nếu trẻ bị dị ứng) khám mũi họng (tìm dấu hiệu viêm mũi dị ứng, viêm xoang hoặc polyp ở mũi) và tiến hành các xét nghiệm (máu, dịch đờm, chẩn đoán hình ảnh).
4.1 Khám ngực kiểm tra trẻ khò khè
Khám ngực và quan sát để kiểm tra những đặc điểm sau có xuất hiện ở trẻ khò khè không:
- Trẻ có bị khó thở, thở nhanh, co lõm lồng ngực hoặc có bất thường nào về mặt cấu trúc.
- Đường kính lồng ngực của trẻ có tăng lên kèm theo tình trạng ứ khí mãn tính không.
- Tắc nghẽn đường thở làm ngực lõm và áp suất lồng ngực tăng lên
- Trẻ có bị vẹo cột sống do biến chứng chèn ép đường thở gây ra.
Sau khi quan sát kỹ lưỡng trẻ khò khè, tiến hành sờ hạch để xác định vị trí hạch nằm ở trên hay lệch so với khí quản. Tiếp theo, gõ ngực để kiểm tra cơ hoành nằm ở vị trí nào và âm dội giữa các vùng phổi có khác biệt không.
4.2 Khám phổi kiểm tra trẻ khò khè
Nghe phổi đối xứng để xác định vị trí tiếng khò khè của trẻ là lan tỏa hay khu trú (khu trú gợi ý cấu trúc đường thở có bất thường), xuất hiện ở thì hít vào hay thở ra hay ở cả hai thì, luồng khí thay đổi ở những vùng phổi khác nhau như thế nào.
- Trẻ thở ra kéo dài gợi ý đường thở bị hẹp.
- Âm tiếng trẻ khò khè không thay đổi trên toàn phổi và độ lớn của âm thay đổi tùy thuộc vào khoảng cách của vị trí tắc nghẽn.
Với những trường hợp đường dẫn khí nhỏ bị tắc nghẽn, độ hẹp đường dẫn khí thay đổi từ vị trí này đến vị trí khác trong phổi có thể do hen, xơ nang.
Đặc biệt, khi kiểm tra phổi trẻ khò khè cần xác định đặc điểm của tiếng ran nổ như:
- Nếu tiếng khò khè nghe cùng với tiếng ran nổ có thể gợi ý chẩn đoán giãn phế quản do xơ nang, suy giảm miễn dịch.
- Nếu nghe được tiếng ran nổ khi hít vào ở trẻ bị hen có nghĩa là đường thở đóng lại khi vào hoặc chất tiết trong đường thở làm ảnh hưởng đến luồng khí đi qua.
- Nếu nghe được tiếng ran nổ khi hít vào ở cuối thì gợi ý các bệnh phổi mô kẽ, suy tim xung huyết ở giai đoạn sớm có thể kèm theo.
Tuy nhiên, cần lưu ý sự hiện diện của tiếng ran nổ không giúp chẩn đoán loại trừ bệnh hen. Trẻ bị hen sẽ đáp ứng với thuốc giãn phế quản và giảm khò khè, tuy nhiên, không loại trừ những bệnh khác kèm theo nếu có dấu hiệu nghi ngờ trên lâm sàng.
4.3 Các xét nghiệm chẩn đoán trẻ khò khè
4.3.1 Chẩn đoán hình ảnh
Nếu các chẩn đoán ở bước khám lâm sàng không rõ ràng, chụp X-quang ngực được chỉ định, đặc biệt là trong lần đầu tiên trẻ khò khè với mức độ nghiêm trọng, hoặc trong trường hợp trẻ bị khò khè tái phát. Kết quả chụp X-quang gợi ý các chẩn đoán sau:
- Ứ khi lan tỏa: các bệnh về đường hô hấp như hen, xơ nang, hít sặc, hội chứng bất động lông chuyển, hít sặc.
- Ứ khí khu trú: bất thường về cấu trúc đường thở hoặc có dị vật.
- Tổn thương ở phổi: Phát hiện xẹp phổi, nhu mô phổi, giãn phế quản.
- Các đặc điểm khác: To tim, phù phổi, mạch máu phổi phì đại, hạch bạch huyết lớn, u trung thất.
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác gồm có chụp CT trẻ khò khè cung cấp hình ảnh giải phẫu chi tiết của trung thất, đường dẫn khí lớn và nhu mô phổi; chụp MRI được chỉ định khi nghi ngờ trẻ có vấn đề về mạch máu; và chụp cản thực quản cho phép đánh giá chức năng nuốt bị rối loạn, rò khí thực quản, trào ngược dạ dày thực quản.
4.3.2 Đo chức năng phổi và kiểm tra đáp ứng với điều trị
Đo chức năng phổi được thực hiện với trẻ khò khè là trẻ lớn vì trẻ có thể hợp tác tốt, giúp xác định được sự hiện diện, mức độ và vị trí tắc nghẽn đường thở, cũng như sự đáp ứng với thuốc giãn phế quản của trẻ. Đối với trẻ nhỏ kém hợp tác hơn có thể thực hiện phương pháp đo dao động xung ký.
Kiểm tra đáp ứng với điều trị giúp chẩn đoán loại trừ trẻ bị hen:
- Khí dung thuốc giãn phế quản được chỉ định cho trẻ khò khè lan tỏa để chẩn đoán hen nếu có đáp ứng. Tuy nhiên, nếu trẻ chỉ đáp ứng một phần hoặc không đáp ứng thì cũng chưa thể loại trừ được hen.
- Nếu trẻ khò khè mãn tính và nghi ngờ hen, tiếp tục sử dụng corticoid và thuốc giãn phế quản dạng hít trong tối thiểu 2 tuần. Nếu các triệu chứng cải thiện có thể đưa ra chẩn đoán hen. Trường hợp trẻ không đáp ứng hoàn toàn với thuốc hoặc đáp ứng tốt nhưng nghi ngờ có bệnh lý khác kèm theo thì chỉ định làm thêm các xét nghiệm khác.
4.3.3 Xét nghiệm và nội soi
Hầu hết các xét nghiệm không có giá trị hữu ích trong chẩn đoán đánh giá ban đầu khi trẻ khò khè, chủ yếu dựa vào bệnh sử của trẻ và thăm khám lâm sàng. Xét nghiệm được chỉ định thực hiện để xác định chẩn đoán, hoặc để chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân khác. Các xét nghiệm để loại trừ bao gồm:
- Huyết đồ: Đánh giá tình trạng thiếu máu, số lượng bạch cầu tăng hoặc giảm. Xét nghiệm Eosinophil gợi ý trẻ bị dị ứng hoặc nhiễm ký sinh trùng.
- Xét nghiệm máu: Chẩn đoán trẻ có bị nhiễm virus RSV, mycoplasma gây khò khè và có thể khiến trẻ bị hen.
- Soi cấy đờm: Nghi ngờ trẻ bị nhiễm vi trùng như lao, nấm
- Xét nghiệm clo trong mồ hôi: Chẩn đoán bệnh xơ nang, được chỉ định khi trẻ tiêu chảy, chậm lớn, ngón tay dùi trống, trẻ có những triệu chứng ở phổi kéo dài, hay tái phát và không đáp ứng với điều trị hen, đặc biệt trong trường hợp khò khè kèm với ho có đờm mãn tính.
- Xét nghiệm tìm kháng thể: Kiểm tra hệ miễn dịch có bị suy giảm không, IgE tăng xác định tình trạng dị ứng.
Nội soi được chỉ định trong trường hợp trẻ bị dị vật đường thở, trẻ khò khè kéo dài và đáp ứng không hoàn toàn với điều trị thuốc giãn phế quản. Soi mũi hầu là kỹ thuật ít xâm nhập cho phép thấy được cả dây thanh âm và thanh quản. Chỉ định nội soi phế quản kèm rửa phế quản khi nghi ngờ trẻ bị nhiễm trùng, hít sặc hoặc bệnh phổi mô kẽ.
Chẩn đoán trẻ khò khè chủ yếu dựa vào thăm khám lâm sàng một cách kỹ lưỡng vùng ngực - phổi. Nếu chẩn đoán lâm sàng không rõ ràng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các chẩn đoán hình ảnh khác, làm xét nghiệm hoặc nội soi để xác định cũng như loại trừ các nguyên nhân.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ Nhi nhiều năm kinh nghiệm trong chẩn đoán lâm sàng, cha mẹ hoàn toàn có thể yên tâm khi đến thăm khám và điều trị trẻ khò khè tại Bệnh viện.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên bổ sung thêm một số thực phẩm hỗ trợ có chứa thành phần lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm,crom, selen, vitamin nhóm B , ... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, cảm cúm.
Lysine rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ, Lysine thúc đẩy sản xuất men tiêu hóa để kích thích trẻ ăn ngon hơn và tiêu hóa dễ dàng, hiệu quả, gia tăng chuyển hóa thức ăn, hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng từ thực phẩm.Tăng cường lysine cho bé giúp cơ thể tạo kháng thể, phát triển sức đề kháng giúp làm giảm ho, loãng đờm ở trẻ.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong