Hỏi
Chào bác sĩ,
Hiện tại, em đang tiêm thuốc tránh thai 3 tháng/lần, đã tiêm được 3 mũi nhưng lần nào tiêm cũng bị rong kinh. Như vậy là do cơ thể của em không hợp hay sao ạ? Em muốn chuyển sang hình thức đặt vòng tránh thai thì phải đợi đến khi hết thuốc mới đặt vòng hay là đặt luôn cũng được ạ? Bác sĩ giải đáp giúp em về việc tiêm thuốc tránh thai bị rong kinh có chuyển sang đặt vòng tránh thai không? Em cám ơn bác sĩ.
Nguyễn Thị Trúc Ly (1990)
Trả lời
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Thanh Hà - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Tiêm thuốc tránh thai bị rong kinh có chuyển sang đặt vòng tránh thai không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Tiêm thuốc tránh thai hiện nay được xem là một trong những biện pháp tránh thai hiệu quả và tạm thời. Thuốc có tác dụng làm ức chế quá trình rụng trứng trong cơ thể phụ nữ, hạn chế và ngăn tinh trùng xâm nhập, bám và làm tổ trong tử cung.
Thuốc tiêm tránh thai gồm có 2 nhóm chính sau:
- Nhóm I: Thành phần thuốc gồm có estrogen và progestin.
- Nhóm II: Thành phần chỉ có progestin, trong nhóm này có 2 loại là NETEN (Norethindrone Enanthate) và DMPA (Depot Medroxyprogesterone Acetate), trong đó DMPA thông dụng hơn.
Tiêm thuốc tránh thai được chỉ định tiêm bắp với liều dùng là từ 1 - 3 tháng/lần. Tùy loại thuốc sẽ có thời gian tác dụng khác nhau. Thông thường, thuốc tiêm tránh thai có tác dụng trong vòng vài tuần, vì vậy không nên sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tránh thai cần phải tiêm thuốc theo định kỳ.
Một số tác dụng phụ của tiêm thuốc tránh thai như mất kinh, rong kinh, rong huyết, băng kinh hoặc tăng cân, loãng xương. Một số tác dụng phụ khác như: Tâm trạng thay đổi thất thường, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đầy hơi, ... là một số tác dụng phụ khác cũng có thể xảy ra khi tiêm thuốc tránh thai, do nồng độ hormone trong cơ thể bị thay đổi.
Rong kinh là tình trạng kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày, tiêm thuốc tránh thai bị rong kinh không phải là tình trạng hay gặp, thường thấy ở những mũi tiêm đầu, sau đó hết dần và ổn định hơn. Vì vậy bạn có thể chờ đợi thêm ở những mũi tiêm sau.
Sau tiêm thuốc tránh thai, bạn có thể sử dụng ngay biện pháp đặt vòng tránh thai, mà không cần đợi đến khi hết thuốc. Ngay cả khi đặt vòng tránh thai, bạn cũng có thể gặp tác dụng phụ rong kinh trong những tháng đầu tiên và kinh nguyệt sẽ ổn định hơn sau đó.
Nếu bạn còn thắc mắc về các biện pháp tránh thai an toàn, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm bạn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.