Gây tê là kỹ thuật cần thiết thường được áp dụng trong các trường hợp điều trị nha khoa, không chỉ giảm thiểu tối đa cảm giác đau đớn cho người bệnh mà còn giúp quá trình điều trị được diễn ra suôn sẻ. Vậy tiêm thuốc tê khi nhổ răng có đau không?
1. Thuốc tê trong nhổ răng có tác dụng như thế nào?
Tuỳ thuộc vào việc bệnh nhân nhổ bao nhiêu răng và răng số mấy thì liều lượng thuốc tê sẽ khác nhau. Tính từ thời gian đầu tiên tiêm thuốc tê đến khi thuốc hết tác dụng sẽ kéo dài từ 30 - 60 phút. Khi hết thuốc tê người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức, vì vậy lúc này bác sĩ sẽ kê các toa thuốc mới cũng như chườm đá bên ngoài để giảm đau nhức. Lưu ý khi thuốc tê còn có tác dụng, không nên uống hoặc hạn chế ăn nhai để tránh tổn thương môi, má, lưỡi và những biến chứng mà thuốc tê gây ra.
Với các trường hợp răng sữa bị lung lay, sâu nặng, viêm nhiễm bác sĩ có thể tiến hành tiêm thuốc tế trước khi nhổ và thời gian thuốc tê kéo dài từ 10 - 20 phút. Tuy nhiên, các răng vĩnh viễn sẽ có độ khó cao hơn bắt buộc phải sử dụng thuốc tê toàn phần, chúng sẽ kéo dài trong khoảng 30 phút sau đó biến mất hoàn toàn. Trong trường hợp nhổ răng hàm, nhổ răng khôn mọc lệch hay răng khôn mọc ngầm thì thời gian kéo dài khoảng 60 - 90 phút. Tuỳ thuộc vào tình trạng răng và cơ địa của bạn mà bác sĩ sẽ chỉnh liều thuốc tê phù hợp.
2. Tiêm thuốc tê khi nhổ răng có đau không?
Mục đích của nhổ răng là loại bổ răng hỏng ra khỏi xương ổ răng, không để sót lại chân răng nên bác sĩ cần phải tiêm thuốc tê để cho bệnh nhân không cảm thấy đau đớn hoặc khó chịu. Trước khi tiêm thuốc tê, các bác sĩ sẽ tiến hành bôi hoặc xịt thuốc tê lên vùng răng cần nhổ. Thuốc sẽ có tác dụng ức chế dây thần kinh cảm giác nơi vùng răng mà thuốc tiếp xúc. Vì vậy, sau khi tiêm thuốc tê, bạn sẽ không cảm thấy đau đớn hay ê buốt.
3. Có những kỹ thuật gây tê trong điều trị tủy răng nào?
Có nhiều phương pháp gây tê trong điều trị tủy răng, mỗi phương pháp sẽ có ưu nhược điểm khác nhau, tuỳ thuộc vào tình trạng cụ thể người bệnh sẽ được gây tê theo một cách. Các kỹ thuật gây tê trong nha khoa phổ biến gồm có:
- Gây tê cận chóp: là phương pháp gây tê vùng chóp răng thông qua tiêm thuốc vào vùng mô liên kết dưới niêm mạc tương ứng. Kỹ thuật đòi hỏi sự chính xác khi xác định vị trí chóp răng. Thuốc tê sau khi thấm vào xương vỏ và màng xương sẽ tiến sâu vào vùng xương tuỷ răng để làm nhiệm vụ phong bế dây thần kinh
- Gây tê dây chằng: dây chằng là bó mô liên kết nằm giữa răng và xương ổ răng, sau khi được tiêm thuốc tê sẽ thông qua những lỗ rỗng dẫn thuốc ngấm qua bờ xương ổ răng và vùng tủy xương để vào tới hệ thống mạch máu xung quanh liên kết trực tiếp với tuỷ răng. Mặc dù kỹ thuật này có tác dụng nhanh nhưng không kéo dài được lâu. Do đó, bác sĩ thường dùng các phương pháp gây tê khác để đạt hiệu quả tốt hơn
- Kỹ thuật gây tê trực tiếp vào tuỷ: là kỹ thuật mở thông buồng tuỷ để đưa trực tiếp thuốc tê vào. Đây là kỹ thuật khó, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn vùng quanh chóp răng và gây đau đớn cho người bệnh. Vì vậy, nha sĩ chỉ áp dụng kỹ thuật gây tê trực tiếp vào tủy trong trường hợp cần thiết.
- Gây tê gai Spix: là gây tê thần kinh huyệt răng dưới hay chính là kỹ thuật quen thuộc đối với nhổ và trồng răng. Có 2 kiểu gây tê Spix là gây tê trực tiếp và gián tiếp. Mặc dù chỉ cần 1 mũi tiêm thì phương pháp này đã có tác dụng gây tê một vùng rộng nhưng cũng chính là hạn chế khiến tỉ lệ thành công không cao
4. Tác dụng phụ của gây tê khi nhổ răng
Thông thường, tiêm thuốc gây tê không ảnh hưởng gì đến dây thần kinh và sẽ hết tác dụng sau một khoảng thời gian nhất định. Nhưng có một số trường hợp bệnh nhân dị ứng với thuốc tê và khi bác sĩ tiêm thuốc sẽ dẫn tới một số tác dụng phụ nguy hiểm như:
- Sốc thuốc tê nhổ răng: là hiện tượng rất hiếm gặp, do có thể phản ứng với thành phần của thuốc.
- Tiêm thuốc tê bị sưng: là hiện tượng sưng đau bất thường do tiêm thuốc vào mô bị viêm, thuốc quá lạnh hoặc kim tiêm đụng vào dây thần kinh. Nếu tiêm vào dây thần kinh hoặc đụng vào dây thần kinh có thể gây sưng đau liên tục trong vài tuần hoặc liệt mặt trong vài giờ.
- Chảy máu sau khi tiêm thuốc tê: là hiện tượng chảy máu khi tiêm thuốc tê do kim đâm vào mạch máu nào đó, nếu kim tiêm nhầm vào tĩnh mạch thì rút kim ra máu sẽ chảy còn tiêm vào động mạch thì máu sẽ tràn vào ống tiêm. Hiện tượng này có thể khiến bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê gây tử vong.
- Xỉu và ngất: có thể do bệnh nhân bị tụt huyết áp hoặc do thiếu máu não do mạch máu bị giãn đột ngột, do bệnh nhân có tiền sử bệnh tim. Nguyên nhân hay gặp nhất là ảnh hưởng đến dây thần kinh giao cảm .
Trên đây là những thông tin về tiêm thuốc tê khi nhổ răng có đau không. Nếu còn bất kỹ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.