Bài viết được viết bởi ThS.Nguyễn Tiến Lung - Khối Liệu pháp tế bào, Trung tâm Công nghệ Cao.
Tế bào gốc tủy răng sữa mang các đặc điểm tương tự như tế bào gốc trung mô được tách từ tủy xương, mô mỡ, dây rốn,... Do vậy, nó cung cấp một công cụ tuyệt vời cho y học tái tạo. Hiện nay, tế bào gốc tủy răng sữa đã được nghiên cứu và ứng dụng trong điều trị các bệnh liên quan đến thần kinh trung ương, các bệnh nha khoa, tái tạo xương.
1. Đặc điểm của tế bào gốc tủy răng sữa
Ở trẻ em, khi răng sữa rụng, thông thường nó sẽ bị loại bỏ. Tuy nhiên, đây lại là nguồn tế bào gốc quý giá, hiện đang nhận được sự quan tâm đặc biệt. Tế bào gốc tủy răng sữa là những tế bào gốc còn non, có khả năng tăng sinh và hình thành các loại tế bào chuyên hóa tốt hơn so với nguồn từ người trưởng thành. Quá trình thu thập chúng đơn giản chỉ là tận dụng lại thành phần được coi là rác thải sinh học, không cần tác động gây đau đớn thêm đến đứa trẻ.
Tế bào gốc từ tủy răng sữa mang các đặc điểm của tế bào gốc trung mô (loại tế bào dễ dàng được thu nhận từ tủy xương, mô mỡ, dây rốn,...). Đó là những tế bào đệm đa tiềm năng, có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau của mô liên kết bao gồm nguyên bào xương, nguyên bào sụn, tế bào cơ, tế bào mỡ,...
Những nghiên cứu được công bố cho thấy tế bào gốc trung mô không chỉ hình thành nên mô liên kết, mà có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác như tế bào biểu mô, thần kinh, cơ, phổi, gan, thận...
Khi so sánh với tế bào gốc trung mô được phân lập từ tủy xương, mô mỡ, dây rốn, tế bào gốc tủy răng sữa có khả năng biệt hóa thành tế bào thần kinh tốt hơn, do đó có tiềm năng cao hơn trong ứng dụng điều trị các bệnh lý thần kinh. Chúng có có tốc độ tăng sinh cao, khả năng duy trì đặc điểm khi nuôi cấy qua nhiều thế hệ, giữ được các đặc tính sau quá trình bảo quản lạnh lâu dài, do đó có thể được lưu trữ để sử dụng trong tương lai.
2. Tiềm năng ứng dụng của tế bào gốc tủy răng sữa trong y học tái tạo
2.1. Điều trị bệnh nha khoa
Tế bào gốc tủy răng sữa mang lại giải pháp phục hồi tủy răng trong điều trị viêm tủy. Phương pháp điều trị hiện tại là lấy tủy răng (diệt tủy), sau đó làm đầy ống tủy bằng vật liệu cơ học, do đó chân răng không tiếp tục phát triển làm răng bị yếu đi, bám vào xương hàm ngày càng kém.
Khi sử dụng tế bào gốc tủy răng sữa, chúng có khả năng hình thành mô tủy răng bên trong bộ khung ống tủy, đồng thời biệt hóa thành nguyên bào tạo ngà (odontoblast) để tái tạo cấu trúc ngà răng.
Năm 2013, một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I đã được thực hiện ở Nhật Bản để sử dụng tế bào gốc tủy răng thay thế mô tủy bị viêm. Sau 25 tuần điều trị, không có tác dụng phụ đáng kể nào được ghi nhận, các bệnh nhân cũng đã có sự tái tạo tủy răng. Đây hứa hẹn sẽ trở thành phương pháp điều trị sinh học hiệu quả, thay thế cho phương pháp diệt tủy hiện tại.
Tế bào gốc tủy răng sữa cũng được chú ý đến trong điều trị bệnh nha chu. Đây là bệnh do sự tổn thương dây chằng nha chu (mô để liên kết chân răng với xương ổ răng trong hàm), nguyên nhân chính gây mất răng ở các nước phát triển, trong khi việc điều trị phục hồi mô nha chu rất khó khăn do cấu trúc phức tạp.
Khi hướng đến điều trị bệnh này, người ta quan tâm đến tế bào gốc dây chằng nha chu – có khả năng hình thành mô mềm của dây chằng cũng như nguyên bào tạo ngà trong quá trình sửa chữa.
Tuy nhiên, những thử nghiệm gần đây đã sử dụng tế bào gốc tủy răng dưới dạng các miếng dán sinh học đã tăng sự đề kháng ở nướu răng tổn thương, tăng khả năng hồi phục và giảm sự phá hủy răng.
Trong một thử nghiệm khác, tế bào gốc tủy răng sữa khi được tiêm vào vị trí tổn thương đã có thể tái tạo các mô nha chu (bao gồm dây chằng, mạch máu, xương ổ răng), từ đó phục hồi lại chân răng.
2.2. Tái tạo xương: phục hồi xương sọ
Các tế bào gốc tủy răng có nguồn gốc từ mào thần kinh trong quá trình phát triển phôi – đây là cấu trúc hình thành nên một số cơ quan như hộp sọ, xương hàm. Nhờ đó, khả năng tái tạo các cấu trúc này của tế bào gốc tủy răng sữa khả thi hơn rất nhiều so với tế bào gốc trung mô từ các nguồn khác (mặc dù các loại tế bào gốc trung mô đều có khả năng biệt hóa thành xương).
Hiện nay, người ta đã bước đầu ứng dụng tế bào gốc tủy răng nuôi cấy trên khung sinh học để tái tạo vòm miệng và hộp sọ của bệnh nhân bị tai nạn lao động.
2.3. Điều trị tổn thương thần kinh
Do có nguồn gốc từ mào thần kinh, tế bào gốc tủy răng sữa có khả năng biệt hóa thành các loại tế bào thần kinh dễ dàng hơn so với tế bào gốc trung mô tủy xương, mô mỡ, dây rốn,...
Loại tế bào này có thể biệt hóa thành các loại tế bào khác nhau của hệ thống thần kinh (tế bào thần kinh – neuron, tế bào thần kinh đệm hình sao – astrocyte, tế bào thần kinh ít nhánh – oligodendrocyte, tế bào Schwan) cả trong điều kiện in vitro và in vivo.
Một số nghiên cứu đã bước đầu thành công khi sử dụng tế bào gốc tủy răng sữa để điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh và các tổn thương liên quan đến tế bào thần kinh như bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, thiếu máu não cục bộ, chấn thương tủy sống,...
3. Thu thập và lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa
Quá trình thu thập tế bào gốc được thực hiện bắt đầu khi khi lấy răng sữa. Khi lấy răng, nha sĩ phải đảm bảo có chân răng, tủy được bảo vệ nguyên vẹn thì mới nuôi cấy tế bào gốc được.
Răng sữa ngay sau khi rời khỏi lợi phải lập tức được chuyển vào bảo quản trong môi trường chuyên biệt, gửi ngay đến phòng thí nghiệm để đánh giá chất lượng tủy còn khả năng phân tách tế bào gốc hay không (sau vài ngày răng rụng sẽ không còn tế bào sống để lưu trữ).
Sau đó, tủy răng sẽ được thu thập và phân lập, nuôi cấy tế bào gốc, xác định khả năng sống, khả năng tăng sinh của tế bào. Nếu có thể nuôi cấy thì tế bào sẽ được đưa vào ngân hàng để bảo quản lạnh lâu dài và có thể sử dụng trong tương lai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.