Ho là một triệu chứng xảy ra do nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng đường hô hấp, cúm, dị ứng, viêm phế quản, ho gà, hen suyễn, kích ứng... Để điều trị, nhiều người sử dụng thuốc trị ho Toplexil với 2 dạng bào chế, đó là viên nén hoặc siro ho.
1. Công dụng của thuốc Toplexil
Thuốc Toplexil được sản xuất chủ yếu dưới dạng siro với thành phần chính là: Guaifenesin, Oxomemazin, Paracetamol, Natri benzoat. Ngoài ra cũng có thuốc Toplexil dạng viên nhưng ít được dùng hơn.
Công dụng chính của Toplexil là điều trị cho các trường hợp:
- Ho do dị ứng;
- Ho do các chất kích thích;
Thuốc đáp ứng cho các trường hợp ho khan khó chịu ở người lớn và trẻ em trên 1 tuổi, nhất là những cơn ho diễn ra lúc chiều tối và ban đêm.
2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Toplexil
2.1. Liều dùng cho trẻ em
Đối với bệnh nhi, liều dùng siro ho hàng ngày tùy thuộc vào cân nặng của trẻ:
- Từ 1-6 tuổi: Uống 5ml/lần, ngày dùng 2-3 lần;
- Từ 6-10 tuổi: Uống 10ml/lần, ngày dùng 2-3 lần;
- Từ 10-12 tuổi: Uống 10ml/lần, ngày dùng 3-4 lần.
Hiện vẫn chưa xác định liều dùng cho trẻ dưới 6 tuổi. Do vậy nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn định dùng thuốc này điều trị ho cho trẻ.
2.2. Liều dùng cho người lớn
Đối với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi, liều dùng thuốc ho Toplexil gợi ý như sau:
- Thuốc siro ho: Uống 10ml/lần, ngày dùng 4 lần;
- Thuốc Toplexil dạng viên: Uống 2-6 viên/ngày, ngày dùng 2-3 lần.
Hiện vẫn chưa có đầy đủ những nghiên cứu xác định rủi ro khi dùng Toplexil trị ho cho thai phụ hoặc người đang cho con bú. Do vậy trước khi dùng thuốc cho đối tượng này nên hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
*Các lưu ý về cách dùng thuốc:
- Trong trường hợp cần thiết, có thể uống thuốc lặp lại với khoảng cách giữa 2 lần uống tối thiểu 4 giờ;
- Người dùng tính lượng thuốc bằng dụng cụ đong sẵn có hoặc thìa cà phê (1-2 thìa cà phê/lần).
3. Tác dụng phụ của thuốc Toplexil
Bên cạnh công dụng trị ho hiệu quả, thuốc Toplexil cũng có thể gây ra các tác dụng ngoài ý muốn như:
- Buồn ngủ, lơ mơ, ngủ gật ban ngày;
- Rối loạn trí nhớ, kém tập trung, lú lẫn, ảo giác;
- Chóng mặt, rối loạn thị giác;
- Tăng độ quánh chất tiết phế quản, rối loạn điều tiết;
- Không dung nạp tiêu hóa, táo bón, bí tiểu;
- Đánh trống ngực, giảm huyết áp động mạch;
- Mất khả năng phối hợp vận động, run rẩy (hiếm gặp);
- Mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu (hiếm gặp).
Trong trường hợp người bệnh bị sốt dai dẳng, có hay không kèm theo dấu hiệu viêm nhiễm (viêm họng), tái xanh hay vã mồ hôi thì cần báo gấp cho bác sĩ điều trị.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Toplexil
Không nên dùng thuốc Toplexil trong các trường hợp sau đây:
- Dị ứng, mẫn cảm với các thành phần của thuốc (đặc biệt là với kháng Histamin);
- Có tiền sử mắc chứng mất bạch cầu hạt trong máu;
- Mắc chứng khó tiểu do bệnh tuyến tiền liệt hoặc các bệnh lý khác;
- Vài dạng bệnh tăng nhãn áp;
- Không dùng thuốc cho bệnh nhân bị suy tế bào gan, suy hô hấp.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú;
- Trẻ em dưới 6 tuổi.
5. Tương tác thuốc Toplexil
Thuốc Toplexil có thể làm thay đổi công năng của những loại thuốc khác bạn đang dùng, hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Thuốc này có chứa chất kháng histamin, hoạt chất Oxomemazin và Guaifenesin. Để tránh trường hợp dùng quá liều, không nên điều trị cùng lúc với các loại thuốc khác có cùng các hoạt chất này.
Các thuốc có khả năng tương tác với thuốc trị ho Toplexil bao gồm:
- Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương như thuốc ngủ, thuốc mê, Clonidine, Barbiturates, Morphin, Methadone;
- Atropin và những thuốc tương tự: Thuốc Imipramine, thuốc chống Parkinson kháng Cholinergic, chống co thắt kiểu Atropinic, Disopyramid;
- Sultopride.
Bài viết đã cung cấp những kiến thức cơ bản cần biết về thuốc trị ho Toplexil. Hy vọng những thông tin trên hỗ trợ quý độc giả hiệu quả trong quá trình điều trị bằng loại thuốc này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.