Thuốc Tenotil có tác dụng gì?

Tenoxicam là hoạt chất thường được chỉ định trong điều trị viêm xương khớp, các rối loạn dạng thấp ngoài khớp và sưng sau chấn thương. Đây cũng là hoạt chất chính có trong thuốc Tenotil.

1. Thuốc Tenotil 20 là thuốc gì?

Tenotil là thuốc được sản xuất bởi công ty cổ phần Korea United Pharm của Hàn Quốc với thành phần chính là Tenoxicam - một hoạt chất thuộc nhóm giảm đau kháng viêm không steroid với tác dụng giảm đau trong các bệnh lý viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp, viêm dính đốt sống, bệnh gout và các rối loạn dạng thấp ngoài khớp, sưng sau chấn thương...và được bào chế dưới dạng viên nén bao phim.

Tenoxicam là hoạt chất chống viêm không steroid có tác dụng chống viêm và giảm đau đáng kể, tác dụng hạ nhiệt nhẹ. Hiện nay vẫn chưa biết chính xác cơ chế tác dụng của tenoxicam những nhiều giả thiết cho rằng thuốc có tác dụng ức chế sinh tổng hợp prostaglandin, làm giảm tập trung bạch cầu ở nơi viêm.

2. Thuốc Tenotil có tác dụng gì?

Thuốc Tenotil được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau đây:

  • Làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp, thoái hóa xương khớp;
  • Điều trị ngắn ngày trong các rối loạn cơ xương cấp như: căng cơ quá mức, bong gân, vết thương phần mềm khác...

Thuốc Tenotil có tác dụng trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, thoái hóa xương khớp
Thuốc Tenotil có tác dụng trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, thoái hóa xương khớp

3. Liều dùng và cách dùng thuốc Tenotil

Tenotil được dùng theo đường uống, không nên dùng Tenotil liều cao vì thường không đạt được tác dụng điều trị cao hơn nhưng lại làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng không mong muốn của thuốc. Trong điều trị triệu chứng các bệnh lý cơ xương khớp cấp thường cần dùng thuốc nhiều hơn 7 ngày, trường hợp nặng có thể dùng Tenotil tối đa tới 14 ngày. Nên uống thuốc Tenotil lúc no cùng với một cốc nước đầy khoảng 150ml và tránh các đồ uống có cồn khi đang điều trị với Tenotil.

Liều dùng của Tenotil đối với người lớn trên 18 tuổi (bao gồm người cao tuổi):

  • Sử dụng Tenotil liều đơn 20mg, uống thuốc vào cùng 1 thời điểm mỗi ngày;
  • Với một số bệnh nhân chỉ cần 10mg Tenoxicam, 1 lần/ngày là đủ;
  • Phải dùng liều Tenotil thấp nhất có hiệu quả, thông thường liều kê đơn chỉ giới hạn 20mg/ngày.

Liều Tenotil cho bệnh nhân suy thận:

  • Nếu độ thanh thải creatinin của bệnh nhân > 25ml/phút: có thể sử dụng liều thông thường Tenotil nhưng phải theo dõi cẩn thận;
  • Nếu độ thanh thải creatinin của bệnh nhân < 25ml/phút: Chưa có đủ số liệu để khuyến cáo về liều dùng Tenotil.

Liều dùng cụ thể Tenotil tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế trước khi dùng Tenotil.

4. Quá liều Tenotil và cách xử trí

Các triệu chứng quá liều NSAID nói chung thường bao gồm: buồn nôn, nôn, đau vùng thượng vị, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa, ù tai, nhức đầu, mờ mắt, chóng mặt. Các độc tính sẽ nghiêm trọng hơn sau khi uống một lượng thuốc Tenotil đáng kể gồm co giật, kích thích, buồn ngủ, hạ áp, ngưng thở, hôn mê mất cần bằng điện giải, suy thận và có thể xảy ra đợt cấp của bệnh hen suyễn.

Khi có hiện tượng quá liều Tenotil cần ngưng thuốc và dùng than hoạt tính, rửa dạ dày, sử dụng các thuốc kháng acid, chất ức chế bơm proton... Trong vòng 1 giờ sau khi uống liều độc Tenotil, có thể dùng than hoạt tính. Không có thuốc giải độc đặc hiệu cho quá liều tenoxicam. Việc lọc máu không loại được đáng kể lượng NSAID trong máu.

Cần đảm bảo lượng nước tiểu để duy trì đủ lượng nước trong cơ thể, cần theo dõi chặt chẽ chức năng gan và thận của người dùng quá liều Tenotil. Bệnh nhân cần phải được theo dõi ít nhất 4 giờ sau khi uống quá liều Tenotil. Nếu có các cơn co giật thường xuyên và kéo dài bệnh nhân cần được điều trị bằng diazepam theo đường tiêm tĩnh mạch.

5. Tác dụng phụ của Tenotil

Khi sử dụng thuốc Tenotil, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR) với tỉ lệ như sau:

  • Hệ tiêu hóa: 11,4%;
  • Hệ thần kinh: 2,8 %;
  • Da: 2,5% (mề đay, ngứa).

Triệu chứng thường gặp:

  • Nôn, buồn nôn: 14,7%,
  • Khó tiêu: 2,3%;
  • Chảy máu tại vị trí phẫu thuật: 4,3%;
  • Nhiễm khuẩn vết thương: 92,7%;
  • Chóng mặt: 5,7%;
  • Đau đầu: 10,7%.

Một số tác dụng phụ khác của thuốc Tenotil:

  • Mệt mỏi, phù, chán ăn, khô miệng;
  • Tuần hoàn: Đánh trống ngực.
  • Tiêu chảy, viêm miệng, xuất huyết đường tiêu hóa, loét tá tràng - dạ dày, viêm dạ dày, đại tiện ra máu đen;
  • Tâm thần: Rối loạn giấc ngủ;
  • Phản ứng quá mẫn (hen, phản vệ...);
  • Máu: Thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, chảy máu do ức chế ngưng kết tiểu cầu;
  • Tăng huyết áp;
  • Nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, hội chứng Stevens – Johnson, hội chứng Lyell;
  • Tiết niệu – sinh dục: Khó tiểu tiện;

Nếu xảy ra tình trạng loét đường tiêu hóa hoặc chảy máu đường tiêu hóa khi dùng Tenotil phải ngừng thuốc ngay. Sử dụng các thuốc kháng acid hoặc kháng thụ thể H2 để cải thiện.

Nếu các xét nghiệm chức năng gan không bình thường hoặc xấu đi khi dùng Tenotil cũng cần phải dừng thuốc ngay, điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ khi cần.

Một số ADR của NSAID có thể xảy ra như hội chứng thận hư, viêm thận, giảm tiểu cầu, thiếu máu, phản ứng về da nặng hoặc các phản ứng quá mẫn... có thể đáp ứng với glucocorticoid.


Khi sử dụng thuốc Tenotil có thể gặp các tác dụng phụ về hệ tiêu hóa như chảy máu đường tiêu hóa cần ngừng thuốc và tham khảo ý kiến bác sĩ
Khi sử dụng thuốc Tenotil có thể gặp các tác dụng phụ về hệ tiêu hóa như chảy máu đường tiêu hóa cần ngừng thuốc và tham khảo ý kiến bác sĩ

6. Chống chỉ định của thuốc Tenotil

Thuốc Tenotil có chống chỉ định trong các trường hợp sau đây:

  • Viêm loét tiêu hóa tiến triển, tiền sử có viêm loét tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa (đại tiện ra máu, nôn ra máu);
  • Hen, trường hợp dễ chảy máu như xơ gan, suy tim, suy thận (độ thanh thải creatinin < 30ml/phút);
  • Quá mẫn với tenoxicam;
  • Người dễ phản ứng quá mẫn (viêm mũi, phù mạch, nổi mày đay) với các thuốc chống viêm không steroid khác.

7. Thận trọng khi sử dụng Tenotil

  • Cần theo dõi cẩn thận người bệnh dùng Tenotil khi đang có bệnh lý đường đường tiêu hóa;
  • Theo dõi chức năng tim, gan, thận ở người bệnh trước đây đã bị bệnh thận, hội chứng thận hư, mất nước, bệnh gan, suy tim sung huyết đặc biệt ở bệnh nhân đang điều trị đồng thời thuốc lợi tiểu hoặc thuốc độc với thận;
  • Với bệnh nhân cao tuổi cần theo dõi các tương tác khi điều trị đồng thời với thuốc khác, theo dõi chức năng thận, gan và tim mạch do nguy cơ tăng kali huyết có thể tăng ở người cao tuổi;
  • Thận trọng với người bệnh trải qua cuộc phẫu thuật lớn vì tenoxicam làm giảm sự ngưng kết tiểu cầu có thể kéo dài thời gian chảy máu;
  • Độ an toàn của tenoxicam với phụ nữ mang thai vẫn chưa được xác định tuy nhiên các thuốc chống viêm không steroid có thể gây đóng động mạch ở trẻ sơ sinh, vì vậy không nên dùng thuốc Tenotil cho phụ nữ mang thai, đặc biệt chống chỉ định cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng cuối thai kỳ;
  • Chưa biết thuốc Tenotil có tiết vào sữa mẹ không, vì vậy không nên dùng thuốc Tenotil cho phụ nữ đang cho con bú.

Dùng thuốc tenotil theo chỉ định của bác sĩ
Dùng thuốc tenotil theo chỉ định của bác sĩ

8. Tương tác thuốc của Tenotil

Thuốc kháng acid có thể làm giảm tốc độ hấp thu nhưng không ảnh hưởng đến mức độ hấp thu của tenoxicam;

NSAID khác/glucocorticosteroid: Các salicylat có thể đẩy tenoxicam ra khỏi liên kết với protein, làm tăng độ thanh thải và thể tích phân bố của tenoxicam vì vậy cần tránh điều trị Tenotil đồng thời với các salicylat, aspirin, các thuốc chống viêm không steroid khác hoặc glucocorticosteroid do làm tăng các phản ứng phụ, đặc biệt ở đường tiêu hóa;

Lithi: thuốc chống viêm không steroid gây giữ lithi, nếu dùng tenoxicam cần phải tăng cường theo dõi nồng độ lithi và báo cho người bệnh về việc duy trì lượng nước đưa vào cơ thể và các triệu chứng ngộ độc lithi để phát hiện kịp thời;

Thuốc lợi tiểu/Thuốc trị tăng huyết áp: thuốc chống viêm không steroid có thể gây giữ nước, natri, kali, ảnh hưởng đến tác dụng bài xuất natri của thuốc lợi tiểu, tăng nguy cơ gây độc trên thận của NSAID vì vậy cần điều chỉnh liều, điều fnayf đặc biệt quan trọng khi điều trị cho bệnh nhân có suy giảm chức năng tim hoặc tăng huyết áp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe