Bệnh xương khớp làm ảnh hưởng đến khả năng vận động cũng như chất lượng sống của người bệnh. Việc dùng thuốc kháng viêm giúp giảm các triệu chứng do bệnh gây ra, trong đó thuốc Fonotim Tab được sử dụng phổ biến. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc có đầy đủ thông tin để dùng thuốc an toàn và hiệu quả.
1. Thuốc Fonotim Tab thuốc gì?
Thuốc Fonotim Tab chứa thành phần chính là Nabumeton với hàm lượng 500mg và các tá dược vừa đủ 1 viên.
Tác dụng của Nabumeton: Thuộc nhóm kháng viêm không steroid (NSAIDs) với tác dụng chống viêm, giảm đau điển hình. Chất này đóng vai trò là tiền chất, khi ở gan sẽ được oxy hóa tạo 6-methoxy-2naphthylacetic acid, do đó sẽ ức chế sự tạo thành prostaglandin là chất trung gian gây viêm. Vì vậy, hoạt chất này sẽ làm giảm các triệu chứng đau nhức, tê bì do bệnh thấp khớp gây ra.
Ngoài ra, thuốc Fonotim Tab cũng tác dụng lên các chỗ sưng và cứng ở ổ khớp, đặc biệt trong bệnh viêm xương khớp, bao gồm cả cấp tính và mạn tính.
2. Chỉ định và chống chỉ định dùng thuốc Fonotim Tab
2.1.Chỉ định
Thuốc Fonotim Tab được sử dụng trong điều trị các triệu chứng cấp và mạn tính của viêm khớp mạn tính và viêm khớp dạng thấp (viêm, sưng, cứng và đau khớp).
2.2.Chống chỉ định
- Người bệnh mẫn cảm với thành phần Nabumeton hay bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Người bệnh nhạy cảm với Aspirin và các thuống kháng viêm không steroid khác: có dấu hiệu hen, polyp mũi, phù mạch hay nổi mề đay.
- Người bệnh loét dạ dày-tá tràng tiến triển.
- Người bệnh bị suy gan, suy tim nang.
- Trẻ em dưới 15 tuổi
- Phụ nữ có thai và cho con bú
3. Liều lượng và cách dùng Fonotim Tab
3.1. Liều dùng
Người trưởng thành
- Liều khởi đầu thường dùng là 2 viên/ngày (tương đương với hàm lượng 1g). Một số trường hợp phải tăng liều lên 1,5-2g/ngày mới có thể giúp giảm triệu chứng.
- Liều duy trì từ 1-2g, nhưng không nên quá 2g/ngày, có thể dùng 1 lần hoặc chia 2 lần/ngày.
- Người bệnh có thể trọng dưới 50kg không được dùng quá 1g/ngày.
Người lớn tuổi
- Dùng 1 viên với hàm lượng 500mg/ngày, khuyến cáo không dùng quá 1g/ngày.
- Độ thanh thải creatinin 50ml/phút: không cần điều chỉnh liều.
- Độ thanh thải creatinin 30-49ml/phút: Nên giảm liều, có thể khởi đầu liều với 750mg/ngày, tăng lên tối đa 1,5g/ngày.
- Độ thanh thải creatinin <30ml/phút: Khởi liều với 500mg/ngày, tăng lên tối đa 1g/ngày.
3.2. Cách dùng
Thuốc Fonotim Tab được dùng theo đường uống cùng với một cốc nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội. Thời điểm uống thuốc được khuyến cáo là vào buổi tối trước khi đi ngủ.
4. Làm gì khi quá liều, quên liều Fonotim Tab?
Quá liều: Nếu trên lâm sàng có các dấu hiệu của quá liều cấp tính các NSAIDs là thờ ơ, buồn nôn, nôn, đau thượng vị, buồn ngủ, xuất huyết tiêu hóa, tăng huyết áp, suy thận cấp tính, trầm cảm hoặc hôn mê thì phải đưa người bệnh đến ngay bệnh viện và phải theo dõi, giám sát cẩn thận ít nhất 24 giờ. Theo dõi các dấu hiệu lâm sàng, nồng độ kali máu và làm các xét nghiệm về gan, thận. Trường hợp quá liều quá trầm trọng nên tiến hành thẩm phân máu cho bệnh nhân để hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm.
Quên liều: Bổ sung liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục dùng thuốc đúng theo lịch. Không được uống bù liều gấp đôi cho liều đã bị bỏ lỡ.
5. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Fonotim Tab
Một số tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc Fonotim Tab:
- Hệ tiêu hóa: Khó tiêu, buồn nôn, nôn, táo bón, đau bụng, đầy hơi, ợ hơi, tiêu chảy, loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa.
- Da và cấu trúc dưới da: Ngứa, phát ban, mề đay.
- Thị giác: Viêm kết mạc, rối loạn thị giác.
- Thận: Viêm thận kẽ, hội chứng viêm thận và suy thận.
- Thần kinh: Nhức đầu, chóng mặt, ù tai, mệt mỏi.
- Hô hấp: Khởi phát cơn hen cấp.
- Huyết học: Gây thiếu máu, rối loạn công thức máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
- Tim mạch: Phù, tăng huyết áp, phù chi dưới, nhịp tim nhanh.
- Gan: Làm tăng tạm thời transaminase.
- Dị ứng: Suyễn, khó thở, co thắt phế quản.
6. Tương tác thuốc Fonotim Tab
Một số tương tác thuốc Fonotim Tab có thể xảy ra như sau:
- Tránh dùng cùng lúc 2 hoặc nhiều thuốc chống viêm không steroid, vì có nguy cơ tăng tác dụng và phản ứng không mong muốn.
- Thuốc hạ huyết áp: Thuốc Fonotim Tab làm giảm hiệu quả của thuốc trị huyết áp cao.
- Thuốc lợi tiểu: Có khả năng gây độc trên thận của các thuốc kháng viêm không steroid.
- Thuốc Glycosid tim: Làm nặng hơn tình trạng suy tim, giảm tốc độ cầu thận và tăng tăng nồng độ glycosid huyết tương.
- Fonotim Tab làm giảm sự thải trừ của thuốc lithi và methotrexat, tăng độc tính của cycloporin với thận.
- Khi dùng chung với thức ăn hay sữa, Fonotim Tab hấp thu nhanh hơn nhưng tổng lượng chất chuyển hóa của chúng trong máu không thay đổi.
7. Một số lưu ý khi dùng thuốc Fonotim Tab
Trong quá trình sử dụng thuốc Fonotim Tab, người bệnh cần lưu ý một số điều sau đây:
- Không dùng trong 3 tháng đầu của thai kỳ và khi cho con bú.
- Thận trọng ở những bệnh nhân có bệnh đường tiêu hóa trên hoặc điều trị thuốc chống đông. Người bệnh cần ngưng dùng thuốc nếu có các dấu hiệu loét hay xuất huyết đường tiêu hóa.
- Bệnh nhân suy thận, suy gan nặng.
- Đối với bệnh nhân đang bệnh hoặc có tiền sử suyễn cuống phổi cần đặc biệt lưu ý, vì thuốc có thể làm nặng thêm tình trạng co thắt phế quản.
- Thận trọng đối với bệnh suy tim sung huyết, cao huyết áp vì thuốc làm giữ nước và gây phù.
- Đối với bệnh nhân suy thận, suy tim, suy gan, đang uống thuốc lợi tiểu và người già cần phải theo dõi chức năng thận khi dùng thuốc Fonotim Tab.
- Thuốc làm tăng transaminase huyết thanh hay các chỉ số chức năng khác.
- Đôi khi thuốc Fonotim Tab gây nhức đầu, chóng mặt, ù tai, ngủ gật, mệt mỏi nên cần thận trọng khi dùng thuốc cho những người lái xe và điều khiển máy móc.
Thuốc Fonotim Tab chứa thành phần chính là Nabumeton. Thuốc Fonotim Tab được sử dụng trong điều trị các triệu chứng cấp và mạn tính của viêm khớp mạn tính và viêm khớp dạng thấp. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.